Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Chỉ một số bệnh được liệt kê là bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Vậy bệnh nghề nghiệp là gì?
Mục lục bài viết
1. Bệnh nghề nghiệp là gì?
Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp. Nguyên nhân của bệnh nghề nghiệp là do tác hại thường xuyên và lâu dài của điều kiện lao động không tốt. Bệnh nghề nghiệp là đối tượng ngăn ngừa của lĩnh vực an toàn và vệ sinh lao động. Ngay từ khi có lao động, bệnh nghề nghiệp đã xuất hiện và gây ảnh hưởng tới người lao động.
Người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị chu đáo, khám sức khoẻ định kỳ, có hồ sơ sức khỏe riêng biệt.
Như vậy, bệnh nghề nghiệp không phải là loại bệnh lý thông thường mang tính bẩm sinh hoặc phát sinh từ điều kiện sống, môi trường sống tự nhiên và xã hội mà phải xuất phát từ yếu tố “nghề nghiệp”. Bệnh nghề nghiệp dứt khoát phải là loại bệnh lý do yếu tố độc, hại của nghề tác động vào cơ thể, qua các khí quan gây bệnh, có trường hợp tích tụ trong thời gian dài sau đó gây bệnh (việc tích tụ bụi phổi, carbon, silicat nhiều năm gây ung thư, tiếp xúc TNT nhiều năm gây đục thuỷ tinh thể mắt…), có trường hợp gây bệnh nhanh chóng (ví dụ nhiễm độc, nhiễm trùng nghề nghiệp…).
Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh phát sinh có nguồn gốc từ nghề nghiệp đều được pháp luật công nhận là bệnh nghề nghiệp, nói cách khác, hiện đang có sự phân biệt giữa bệnh nghề nghiệp pháp định và bệnh nghề nghiệp y khoa.
Bệnh nghề nghiệp – danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Occupational Disease.
Bệnh nghề nghiệp là bất kì căn bệnh nào phát sinh từ một nghề nghiệp, lĩnh vực công việc cụ thể. Những căn bệnh như vậy là kết quả của một loạt các yếu tố sinh học, hóa học, thể chất và tâm lí có trong môi trường làm việc hoặc gặp phải trong quá trình làm việc. (Theo Britannica)
Theo các nhà khoa học, số lượng và loại bệnh nghề nghiệp trong thực tế nhiều hơn số lượng các bệnh đã được pháp luật quy định để thực hiện chế độ đối với người lao động. Chính vì vậy, trong điều luật này, Bộ luật Lao động quy định cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định bệnh nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, sau khi lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện của người sử dụng lao động) và cơ chế phối hợp xác định bệnh nghề nghiệp. Điều đó một mặt nói lên sự chặt chẽ của pháp luật, mặt khác thể hiện sự phụ thuộc của việc công nhận bệnh nghề nghiệp vào ý chí của nhà làm luật, có thể gây nên sự thiệt thòi của người lao động trong trường hợp thật sự bị bệnh nghề nghiệp nhưng do không được pháp luật quy định nên không được hưởng chế độ bình đẳng như các trường hợp khác.
2. Danh mục các loại bệnh nghề nghiệp:
Danh mục các loại bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành sau khi lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động.
Có các nhóm bệnh nghề nghiệp sau:
Nhóm I : Các bệnh bụi phổi và phế quản
– Bệnh bụi phổi-Silic nghề nghiệp
– Bệnh bụi phổi Atbet (Amiăng)
– Bệnh bụi phổi bông
– Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp
Nhóm II: Các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp
– Bệnh nhiễm độc chì và các hợp chất chì
– Bệnh nhiễm độc benzen và các hợp chất đồng đẳng của benzen
– Bệnh nhiễm độc thuỷ ngân và các hợp chất của thuỷ ngân
– Bệnh nhiễm độc mangan và các hợp chất của mangan
– Bệnh nhiễm độc TNT (trinitro toluen)
– Bệnh nhiễm độc asen và các chất asen nghề nghiệp
– Nhiễm độc chất Nicotin nghề nghiệp
– Bệnh nhiễm độc hoá chất trừ sâu nghề nghiệp
Nhóm III: Các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lí
– Bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ
– Bệnh điếc do tiếng ồn
– Bệnh rung chuyển nghề nghiệp
– Bệnh giảm áp mạn tính nghề nghiệp
Nhóm IV: Các bệnh da nghề nghiệp
– Bệnh sạm da nghề nghiệp
– Bệnh loét da, loét vách ngăn mũi, viêm da, chàm tiếp xúc
Nhóm V: Các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp
– Bệnh lao nghề nghiệp
– Bệnh viêm gan virut nghề nghiệp
– Bệnh do xoắn khuẩn Leptospira nghề nghiệp.
Ngoài những bệnh nghề nghiệp trên, Bộ Y tế đã ban hành
– Bệnh hen phế quản nghề nghiệp
– Nhiễm độc cacbonmonoxit nghề nghiệp
– Bệnh nốt dầu nghề nghiệp
– Bệnh viêm loét da, viêm móng và xung quanh móng nghề nghiệp.
3. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp:
Chế độ bệnh nghề được áp dụng cho những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h Khoản 1, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bao gồm:
Người làm việc theo hợp đồng lao động;
Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
Cán bộ, công chức, viên chức;
Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Không phải đối tượng nào tham gia BHXH bắt buộc cũng được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp. Để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp cần đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 46, Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 như sau:
“1. Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại Khoản 1, Điều 37 của Luật này;
b) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại điểm a khoản này.”
4. Mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp:
Căn cứ theo quy định tại Điều 48, Điều 49, Luật An toàn, vệ sinh lao động mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp được quy định như sau:
1. Trợ cấp một lần
Trợ cấp một lần được áp dụng cho người lao động bị BNN suy giảm khả năng lao động từ 5% – 30%. Mức trợ cấp một lần được tính như sau:
- Người lao động suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 5 lần mức lương cơ sở. Cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
- Được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thời gian đóng từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.
2. Trợ cấp hàng tháng
1. Người lao động bị BNN suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng. Mức trợ cấp hàng tháng được tính như sau:
- Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
- Được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.
Lưu ý: Trong trường hợp người đang hưởng trợ cấp BNN hàng tháng khi ra nước ngoài để định cư được giải quyết hưởng trợ cấp một lần. Số tiền hưởng trợ cấp một lần được tính bằng 03 tháng mức trợ cấp đang hưởng.
5. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp:
Để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp người lao động cần làm hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 58, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.
Hồ sơ hưởng chế độ BNN bao gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị BNN. Nếu người lao động điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám BNN.
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa, nếu người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ BNN theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.
Người lao động tiến hành nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hưởng BNN người sử dụng lao động phải tiến hành nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH có thẩm quyền để giải quyết.
Trong thời hạn 10 ngày cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ BNN cho người lao động, trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp cho người lao động.
Lưu ý: Người lao động đang hưởng chế độ BNN hàng tháng trợ cấp theo quy định. Trường hợp tạm dừng hưởng theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 64 của
Vì bệnh nghề nghiệp là loại bệnh có tác hại và hậu quả lớn, có thể rất lâu dài đối với người lao động, con cái của người lao động, cả về phương diện thể chất, tinh thần, kinh tế, đời sống, và trên một phương diện rộng hơn, có ảnh hưởng đối với cả người sử dụng lao động và xã hội. Do đó, Bộ luật quy định “Người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị chu đáo, khám sức khoẻ định kỳ, có hồ sơ sức khỏe riêng biệt” nhằm kịp thời phòng tránh, phát hiện, chữa trị.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: