Bầu kiểm soát viên trong Ban kiểm soát? Quy định về miễn nhiệm, bãi nhiệm kiểm soát viên? Quy định về Trưởng Ban kiểm soát?
Ban Kiểm soát đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Để hình thành ra ban kiểm soát thì các chủ thể có thẩm quyền tiến hành bầu, tìm ra các chủ thể đáp ứng điều kiện luật định để làm Kiểm soát viên. Và trong các hợp luật định, thì doanh nghiệp cũng có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm kiểm soát viên thuộc ban kiểm soát. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin về việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm kiểm soát viên, trưởng ban kiểm soát.
Luật sư
1. Bầu kiểm soát viên trong Ban kiểm soát
Để đảm bảo vai trò kiểm tra, giám sát của ban kiểm soát, kiểm soát viên phải hoạt động độc lập, không bị phụ thuộc về lợi ích, thù lao và các kiểm soát viên cũng không bị phụ thuộc vào sự quản lý của hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc. Kiểm soát viên không là người giữ chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, họ có thể là người lao động trong công ty.
Việc bầu kiểm soát viên trong ban kiểm soát được quy định tại Khoản 5 Điều 115
“5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát thực hiện như sau:
a) Các cổ đông phổ thông hợp thành nhóm để đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thông báo về việc họp nhóm cho các cổ đông dự họp biết trước khi khai mạc Đại hội đồng cổ đông;
b) Căn cứ số lượng thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản này được quyền đề cử một hoặc một số người theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông làm ứng cử viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Trường hợp số ứng cử viên được cổ đông hoặc nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông thì số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử.”
Như vậy, theo quy định này thì chỉ có cổ động hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông mới có quyền đề cử người làm ứng cử viên vào ban kiểm soát. Trường hợp số ứng cử viên được đề cử thấp hợp số ứng cử viên mà họ có quyền đề cử theo quyết định của đại hội đồng cổ động thì số ứng cử viên còn lại do hội đồng quản trị và các cổ đông khác đề cử.
Bên cạnh đó, tương tự như luật cũ, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định việc đề cử ứng viên tham gia ban kiểm soát mà không có quy định về việc tự ứng cử của cổ đông. Việc quy định như vậy làm cho số lượng ứng cử viên bị bó hẹp trong việc đề cử, nhiều cá nhân có năng lực, đáp ứng được điều kiện, có tổ chất làm thành viên ban kiểm soát nhưng không thể tham gia ban kiểm soát do không được đề cử.
Các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc/Giám đốc không được quyền đề cử và không được quyền bỏ phiếu bầu thành viên Ban Kiểm soát. Việc quy định này vi Ban kiểm soát không tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, không có vai trò trong việc làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mà họ chỉ đóng vai trò giám sát hoạt động quản lý điều hành doanh nghiệp của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc/Giám đốc.
Về hình thức bầu kiểm soát viên thì tại Khoản 3 Điều 148 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “3. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu”, theo đó, thì hình thức bầu kiểm soát viên có thể được thực hiện bằng cách bỏ phiếu, hoặc bằng phương thức khác theo điều lệ công ty quy định, phương thức khác ở đây có thể là bằng hình thức biểu quyết,….Việc quy định bầu thành viên ban kiểm soát phải thực hiện bầu dồn phiếu rất dễ dẫn đến tình trạng các cổ động công ty lợi dụng phương án có lợi cho mình thay vì lợi ích chung của công ty. Việc bầu kiểm soát viên được thực hiện theo nguyên tắc đa số.
2. Quy định về miễn nhiệm, bãi nhiệm kiểm soát viên
Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm kiểm soát viên được quy định tại Điều 174 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cụ thể:
“1. Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm Kiểm soát viên trong trường hợp sau đây:
a) Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm Kiểm soát viên theo quy định tại Điều 169 của Luật này;
b) Có đơn từ chức và được chấp thuận;
c) Trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.
2. Đại hội đồng cổ đông bãi nhiệm Kiểm soát viên trong trường hợp sau đây:
a) Không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được phân công;
b) Không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;
c) Vi phạm nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của Kiểm soát viên theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty;
d) Trường hợp khác theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.”
Việc pháp luật quy định về các trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên ban kiểm soát có tác dụng làm cho thành viên ban kiểm soát phải có trách nhiệm hơn đối với công việc của mình, qua đó đánh giá được kết quả hoạt động của từng thành viên ban kiểm soát, và cũng hạn chế được những xung đột lợi ích giữa thành viên ban kiểm soát với cổ đông công ty. Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã kế thừa quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 và có những thay đổi nhằm phù hợp với thực tiễn và cũng nhằm việc quy định chặt chẽ hơn về các trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm kiểm soát viên.
Điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với Luật Doanh nghiệp năm 2014 ở việc bãi nhiệm, miễn nhiệm kiểm soát viên đó chính là nếu như việc kiểm soát viên “không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;” là căn cứ để miễn nhiệm kiểm soát viên trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 (điểm b, khoản 1 Điều 169) thì trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, đây lại là căn cứ để bãi nhiệm kiểm soát viên. Việc thay đổi như vậy cũng nhằm tăng thêm trách nhiệm của kiểm soát viên đối với nhiệm vụ của mình.
Chủ thể có thẩm quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm kiểm soát viên chính là đại hội đồng cổ đông, đây cũng chính là chủ thể có thẩm quyền bầu kiểm soát viên, nên họ có quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm các cá nhân do mình bầu ra. Việc Luật Doanh nghiệp quy định đầy đủ và chi tiết các trường hợp kiểm soát viên bị miễn nhiệm, bãi nhiệm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động là kiểm soát viên cũng như quyền lợi chung của cả tập thể. Việc quy định các trường hợp kiểm soát viên bị miễn nhiệm, bãi nhiệm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, họ không thể bị miễn nhiệm, bãi nhiệm khi không có lý do chính đáng.
3. Quy định về Trưởng Ban kiểm soát
Tại Khoản 2 Điều 168 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về trưởng ban kiểm soát như sau:
“2. Trưởng Ban kiểm soát do Ban kiểm soát bầu trong số các Kiểm soát viên; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo nguyên tắc đa số. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định. Ban kiểm soát phải có hơn một nửa số Kiểm soát viên thường trú tại Việt Nam. Trưởng Ban kiểm soát phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn”
Theo quy định này thì Trưởng Ban kiểm soát sẽ do các thành viên trong ban kiểm soát bầu. Trưởng ban kiểm soát phải là có trình độ theo quy định trên. Quy định về điều kiện trưởng ban kiểm soát phải “tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp” là điểm khác biệt so với điều kiện được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014. Trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp”, so sánh thì thấy rằng Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định mở hơn về lĩnh vực để một kiểm soát viên được làm Trưởng ban kiểm soát. Việc quy định trong luật Doanh nghiệp năm 2020 đã hạn chế trong luật cũ, mở rộng hơn phạm vi, điều kiện đối với kiểm soát viên và cũng bỏ yêu cầu kiểm soát viên “phải chuyên trách làm việc tại công ty” đối với trưởng ban kiểm soát trong luật năm 2014.
Việc bãi nhiệm, miễn nhiệm Trưởng ban kiểm soát sẽ được thực hiện thông thường như đối với kiểm soát viên trong ban kiểm soát.