Là một nhà nước xã hội chủ nghĩa, là nhà nước do dân, vì dân, Việt Nam luôn đề cao quyền làm chủ của nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dưới đây, Luật Dương Gia đề cập đề khái niệm, nguyên tắc cũng như ý nghĩa của bầu cử.
Mục lục bài viết
1. Bầu cử là gì?
Bầu là cách lựa chọn người nắm giữ một chức vụ theo chế độ tập thể. Bầu cử là việc lựa chọn người nắm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước được thực hiện bởi người dân thông qua con đường bỏ phiếu tập thể
Bầu cử là một hoạt động xã hội của con người mà theo đó một nhóm người bầu ra một hay nhiều người để đại diện cho các nhóm người xác định đó để thực hiện chức năng xã hội cụ thể.
Ngoài ra, khái niệm bầu cử còn được dùng rất nhiều thay cho “quyền bầu cử”. Khái niệm quyền bầu cử sẽ được đề cập trong bài viết khác của Luật Dương Gia.
Bầu cử trong tiếng Anh là “Election“
2. Nguyên tắc cơ bản của bầu cử ở nước ta:
Nguyên tắc bầu cử chính là tiền đề để xây dựng nên chế định bầu cử và những nội dung của các quy định cụ thể trong lĩnh vực bầu cử đều phải tuân theo những tư tưởng chỉ đạo này. Từ đó, có thể thấy các nguyên tắc bầu cử chính là nền tảng của chế độ bầu cử.
Ở Việt Nam hiện đang áp dụng bốn nguyên tắc bầu cử đó chính là nguyên tắc phổ thông, nguyên tắc bình đằng, nguyên tắc trực tiếp, nguyên tắc bỏ phiếu kín.
2.1. Nguyên tắc bầu cử phổ thông:
Nguyên tắc bầu cử phổ thông là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử. Nội dung của nguyên tắc này đó chính là cuộc bầu cử phải có phạm vi đông đảo nhất người dân tham gia và nhà nước có trách nhiệm bảo đảm điều đó. Theo nguyên tắc này, pháp luật Việt Nam đã quy định người là công dân Việt Nam và đến tuổi trưởng thành( từ đủ 18 tuổi trở lên) đều được trao quyền bầu cử, trừ những người mất năng lực hành vi dân sự hay những người bị tước quyền bầu cử trên cơ sở quy định của pháp luật. Các đặc điểm cá nhân như giới tính, tiếng nói, tôn giáo, tình trạng tài sản,… không phải là các điều kiện được hưởng hoặc thực hiện quyền bầu cử.
Trong quyền được ứng cử của người dân cũng thể hiện nguyên tắc bầu cử phổ thông. Hiến pháp nước ta quy định bất kì người dân nào đáp ứng điều kiện đều có quyền ứng cử. Tuy rằng có những điều kiện để được tự ứng cử nhưng pháp luật cũng không có sự ngăn cấm, điều kiện gì đặt ra đối với những nhóm chủ thể khác nhau (tức không căn cứ vào giới tính, dân tộc, tôn giáo,… để ngăn cản công dân Việt Nam tự ứng cử).
Nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân, toàn diện, công khai và dân chủ rộng rãi của bầu cử. Bầu cử là công việc của mọi công dân, là sự kiện chính trị trọng đại của xã hội, đòi hỏi sự đảm bảo để công dân thực hiện quyền bầu cử, ứng cử.
2.2. Nguyên tắc bầu cử bình đẳng:
Nguyên tắc bầu cử bình đẳng là một trong những biểu hiện quan trọng nhất cho sự bình quyền của công dân. Nguyên tắc này được thể hiện dưới hai nội dung là sự bình đẳng giữa các cử tri và sự bình đẳng giữa các ứng cử viên trong một cuộc bầu cử. Khi bầu cử, mỗi cử tri có một phiếu bầu và giá trị các lá phiếu như nhau không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, hoàn cảnh gia đình, sắc tộc, tôn giáo,…
Sự bình đẳng giữa các ứng cử viên được thể hiện là trong quá trình bầu cử, khi đã được giới thiệu trong danh sách ứng cử viên thì các ứng cử viên dù thuộc thành phần nào cũng đều được cư xử như nhau, có quyền, nghĩa vụ như nhau. Trong danh sách ứng cử viên công bố tới cử tri, thứ tự tên của các ứng cử viên được xếp theo bảng chữ cái, chứ không theo chức vụ hay thành phần hay tiêu chí nào khác. Nguyên tắc này nhằm mục đích tại cho mọi công dân có khả năng như nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt, nhằm đảm bảo sự khách quan trong bầu cử, không thiện vụ. Để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, Nhà nước có các biện pháp bảo đảm đề đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ chiếm tỷ lệ thích đáng trong bộ máy của mình
2.3. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp:
Nguyên tắc bầu cử trực tiếp là cử tri tín nhiệm người nào thì trực tiếp bỏ phiếu cho người đó. Sự lựa chọn của cử tri được tính trực tiếp vào kết quả bầu chọn cho ứng cử viên. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp không yêu phải áp dụng theo một hình thức bỏ phiếu nhất định, có thể bỏ phiếu kín, bỏ phiếu qua thư tín, điện tử,… chỉ cần nó đảm bảo được việc thể hiện ý chí của cử tri.
Nguyên tắc bầu cử trực tiếp được quy định cụ thể tại Điều 69 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Theo đó, mỗi cử tri sẽ phải tự mình viết vào phiếu bầu cử của mình và trực tiếp bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trường hợp không thể tự viết được thì cử tri có thể nhờ người khác viết hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu, người viết hộ phải giữ bí mật;… Pháp luật đã có những quy định rất chặt chẽ để đảm bảo sự trực tiếp về ý chí và sự trực tiếp cả về hình thức. Cử tri phải trực tiếp đến nơi bầu cử, trực tiếp viết vào phiếu bầu và trực tiếp bỏ phiếu và hòm phiếu.
Nguyên tắc bầu cử trực tiếp bảo đảm để cử tri trực tiếp lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực nhà nước bằng lá phiếu của mình, không qua khâu trung gian. Cùng với nguyên tắc khác, nguyên tắc này là điều kiện cần thiết bảo đảm tính khách quan của bầu cử. Để một cuộc bầu cử đảm bảo thực sự thì không chỉ cần được áp dụng các nguyên tắc trên mà còn phải tiến hành với nguyên tắc bỏ phiếu kín, nguyên tắc bỏ phiếu kín sẽ loại trừ được sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với việc thể hiện ý chí của cử tri, bảo đảm cho cử tri tự do lựa chọn, để sự lựa chọn đó không bị ảnh hưởng bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài.
2.4. Nguyên tắc bỏ phiếu kín:
Nội dung của nguyên tắc này được thể hiện là viết phiếu, bỏ phiếu trong cuộc bầu cử phải được tổ chức để đảm bảo chỉ một mình cử tri biết được nội dung lá phiếu của mình, không ai khác có thể biết được sự lựa chọn của cử tri. Từ nguyên tắc, thì trước tiên hình thức bầu cử sẽ phải là hình thức bỏ phiếu, không thể áp dụng được hình thức giơ tay biểu quyết.
Theo tư tưởng của nguyên tắc này, pháp luật đã có những quy định đảm bảo sự bí mật từ khi chuẩn bị phiếu bầu đến khi cử tri bỏ phiếu. Khi cử tri viết phiếu bầu thì không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử; trường hợp có người viết hộ thì người viết hộ cũng phải bảo đảm bí mật phiếu bầu mà mình viết hộ. Nguyên tắc này nhằm bảo đảm tính khách quan của cuộc bầu cử.
3. Ý nghĩa của bầu cử:
Thứ nhất, bằng quyền bầu cử của mình, chính nhân dân đã lựa chọn, thành lập ra cơ quan đại diện cho mình và ủy thác, chuyển giao quyền lực của mình cho họ. Với vai trò là người làm chủ đất nước, mỗi người dân đều có quyền và trách nhiệm trong việc xây dựng đất nước.
Việc thực hiện quyền và trách nhiệm đó được thể hiện thông qua việc bầu cử, mỗi người dẫn chọn ra người đại diện cho mình trong từng lĩnh vực, từng công việc. Từ đó hình thành nên hệ thống cơ quan nhà nước. Sau khi chọn được người đại diện của mình, người dân ủy thác cho người đại diện mình quyền làm chủ đất nước. Người đại diện nhận quyền lực của nhân dân và thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực trong bộ máy nhà nước.
Thứ hai, qua quá trình bầu cử, công dân đã xác lập nên mối quan hệ giữa người dân và người được ủy quyền. Người dân có quyền yêu cầu những cư tri bảo vệ quyền lợi của mình. Những người nhận được ủy quyền từ người dân có có trách nhiệm tiếp xúc, tìm hiểu, lắng nghe những nhu cầu, bức xúc của người dân mà họ đại diện và tìm cách để giải quyết những nhu cầu, những bức xúc đó.
Thứ ba, bầu cử giúp nhân dân tìm kiếm và lựa chọn một đường lối lãnh đạo sáng suốt, phù hợp với mong muốn của mình. Có thể nói rằng bầu cử chính là một hình thức trưng cầu dân ý đặc biệt về đường lối, chủ trương, khả năng lãnh đạo của từng cá nhân.
Thứ tư, thông qua bầu cử, nhân dân thực hiện quyền giám sát tối cao của mình đối với sự vận hành của quyền lực trong bộ máy nhà nước. Quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, nhân dân chuyển giao quyền lực cho nhà nước thông qua hoạt động bầu cử .
Về nguyên tắc, quyền lực xuất phát từ nhân dân và quay trở lại phục vụ nhân dân . Bầu cử là một trong những cách thức thực hiện sự giám sát và chế ngự quyền lực rất hiệu quả . Bầu cử là biện pháp chủ yếu để xây dựng nền dân chủ, nhưng đồng thời quyền bầu cử, ứng cử của công dân còn bao hàm cả quyền phế truất, bãi miễn những người đại diện khi họ không thực hiện đúng sự cam kết với nhân dân. Vì thế quyền bầu cử ngoài vai trò là xây dựng nền dân chủ đại diện thì nó còn là một công cụ giám sát quyền lực. Quyền lực là của nhân dân , do nhân dân và vì nhân dân nên khi nó không còn thể hiện đúng bản chất của mình , nhân dân có quyền phế truất họ theo trình tự , thủ tục luật định.
Bầu cử góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc xây dựng đất nước. Bầu cử vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của mỗi công dân. Một đất nước có ổn định, phát triển thì cơ quan nhà nước của đất nước đó cũng phải vững mạnh. Đề xây dựng được cơ quan nhà nước vững mạng thì người dân phải chọn ra những cá nhân có năng lực, tư tưởng chính trị rõ ràng. Đây chính là trách nhiệm của mỗi công dân. Việc bầu cử là nghĩa vụ của mỗi công dân chính là làm tăng trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với việc xây dựng, phát triển đất nước
Quyền bầu cử, ứng cử chính là cách cơ bản để nhân dân chuyển giao quyền lực cho hệ thống cơ quan đại diện thay mặt mình quyết định mọi vấn đề quan trọng của đất nước, những quyết định quan trọng của chính quyền luôn phản ánh được ý chí và nguyện vọng của nhân dân, đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Bên cạnh đó , thông qua quyền bầu cử, ứng cử cũng góp phần nâng cao ý thức chính trị của người dân , tạo thói quen cho họ có trách nhiệm với vận mệnh của đất nước thông qua lá phiếu cử tri của mình.
*Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Hiến pháp
– Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.