Wifi bị "bắt trộm" tức là mật khẩu của wifi đã bị những đối tượng khác biết và sử dụng trái phép, hiện tượng này có thể làm ảnh hưởng đến tốc độ sử dụng mạng wifi của gia đình. Vậy hành vi bắt trộm wifi nhà người khác có bị xử phạt hay không?
Mục lục bài viết
1. Bắt trộm wifi nhà người khác có bị xử phạt không?
Đời sống ngày càng phát triển thì mạng internet ngày càng được ưa chuộng. Mọi người hoàn toàn có thể dễ dàng xin pass wifi của nhà hàng xóm thông qua nhiều hình thức khác nhau, thậm chí là có thể sử dụng ứng dụng để “phá pass wifi”. Có những người thì chỉ xin mượn wifi một thời gian ngắn sau đó vẫn dùng trộm wifi đó mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp. Nhiều người cho rằng việc sử dụng mạng wifi của nhà người khác là điều hết sức bình thường, tuy nhiên theo quy định của pháp luật hiện nay thì hành vi bắt trộm wifi nhà người khác sẽ bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Bởi suy cho cùng thì khi có được mạng wifi đó người ta sẽ phải trả phí, nhưng chưa được sự đồng ý của chủ nhà nhiều người đã tự ý dùng wifi đó thông qua nhiều hình thức khác nhau. Wifi hoàn toàn có thể được xem là quyền tài sản của các chủ thể trong xã hội, hàng tháng cá nhân sẽ phải chi trả khoản phí dịch vụ cho đơn vị cung cấp internet để duy trì mạng wifi. Căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trộm cắp tài sản (trong đó có hành vi bắt trộm wifi nhà người khác), cụ thể như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các chủ thể thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật sau đây:
– Trộm cắp tài sản, có hành vi xâm nhập vào các khu vực nhà ở và các khu vực kho bãi trái quy định của pháp luật, có hành vi xâm nhập vào các địa điểm thuộc quyền quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp tài sản hoặc chiếm đoạt tài sản của người khác;
– Có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc đến thời điểm phải trả lại tài sản có được từ các giao dịch dân sự như: vay hoặc mượn hoặc thuê tài sản của người khác, hoặc nhận được tài sản của người khác thông qua hình thức hợp đồng, mặc dù có đầy đủ điều kiện để hoàn trả và có khả năng để hoàn trả nhưng cố tình không trả;
– Không trả lại tài sản của người khác thông qua các giao dịch dân sự như: vay hoặc mượn hoặc thuê tài sản của người khác, nhận tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng dân sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến hiện tượng không còn khả năng để hoàn trả lại tài sản;
– Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các tổ chức và doanh nghiệp trong xã hội.
Thứ hai, hình thức xử phạt bổ sung có thể được áp dụng trong trường hợp này như sau:
– Tịch thu tang vật và tịch thu phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
– Trục xuất đối với nhóm đối tượng là người nước ngoài có hành vi đi phạm quy định của pháp luật nêu trên.
Theo đó thì có thể nói, cá nhân có hành vi bắt trộm wifi nhà người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra còn có thể bị tịch thu tang vật thực hiện hành vi vi phạm hành chính đó là điện thoại hoặc máy tính … dùng để bắt trộm wifi nhà người khác. Đối với những đối tượng là cá nhân người nước ngoài có hành vi bắt trộm wifi nhà người khác còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là trục xuất về nước của mình. Tuy nhiên cần phải lưu ý, đối với những quai phai không có mật khẩu thì việc “xài ké wifi” đó không được xem là hành vi trộm cắp tài sản và cũng không vi phạm quy định của pháp luật.
2. Bắt trộm wifi nhà người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hành vi bắt trộm wifi nhà người khác khi chưa được sự đồng ý của họ hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật hình sự năm 2015 khi thỏa mãn các cấu thành tội phạm của tội danh tương ứng. Dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu hành vi chiếm đoạt tài sản cùng với hai dấu hiệu khác thể hiện tính chất của hành vi chiếm đoạt và tính chất của đối tượng bị chiếm đoạt – đấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có người quản lí. Điều luật quy định 04 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung. Khung hình phạt cơ bản có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Khung hình phạt tăng nặng thứ ba có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nếu như các đối tượng là cá nhân cố tình bắt trộm wifi nhà người khác nhằm mục đích chiếm đoạt thư tín, chiếm đoạt điện báo hoặc văn bản khác để truyền tin bằng mạng bưu chính và mạng viễn thông thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm bí mật và an toàn thư tín, điện thoại và điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác căn cứ theo quy định tại Điều 159 của Bộ luật hình sự năm 2015. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác là hành vi chiếm đoạt, cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nghe, ghi âm cuộc đàm thoại, khám xét, thu giữ thư tín, điện thoại, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông hoặc có hành vi trái pháp luật khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín … của người khác.Đối tượng tác động của tội phạm này là thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác của cá nhân được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông. Nếu các đối tượng như vậy mà thuộc các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội hoặc của các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang thì không phải là đối tượng tác động của tội phạm này. Điều luật quy định 02 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung. Khung hình phạt cơ bản có mức phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, mạng internet ngày càng được đề cao, cần phải lưu tâm đến hành vi của mình và cần phải có góc nhìn đúng đắn về hành vi “dùng ké wifi của người khác” để tránh những hậu quả và rủi ro pháp lý không đáng có.
3. Cách đơn giản để kiểm tra ai đang bắt trộm wifi của nhà bạn:
Với nguyên lý hoạt động của wifi gia đình hiện nay, càng nhiều người dùng và càng nhiều thiết bị truy cập thì tốc độ wifi sẽ càng giảm xuống. Vì vậy không ai mong muốn wifi của mình bị chia sẻ cho nhà hàng xóm. Vì khi đó tốc độ wifi của họ sẽ bị giảm đi đáng kể. Một số trường hợp khi wifi của gia đình có mật khẩu yếu hoặc quá dễ để đoán ra thì bạn cũng cần phải biết cách kiểm tra ai đang truy cập vào wifi của gia đình bạn để có hướng xử lý kịp thời. Bởi trong một số trường hợp nếu như bạn không thể kiểm soát được thì ai đó hoàn toàn vẫn có thể đang sử dụng “ké” wifi của gia đình bạn hằng ngày. Vì suy cho cùng thì lợi ích vượt bậc mà wifi mang lại cho cuộc sống rất đáng kể, wifi giúp cho con người kết nối nhanh chóng với các nguồn thông tin và nắm bắt được các sự kiện nghiên cứu tin tức một cách hiệu quả nhất, wifi giúp cho con người tra cứu hầu hết các nền tảng và hầu hết các mạng kiến thức với kho dữ liệu dồi dào và nhanh chóng, wifi giúp cho con người đảm bảo bắt kịp xu hướng thế, có khả năng cập nhật tình hình thời tiết và biến đổi khí hậu để có cách ứng phó kịp thời nhất … Vì vậy mạng wifi trọng có thể là tín hiệu cho thấy một người nào đó đang dùng chung mạng với gia đình bạn đã khai thác bằng nhiều hình thức khác nhau mà bạn không thể biết. Khi xảy ra biểu hiện đó thì bạn cần phải tắt wifi trên tất cả các thiết bị đang truy cập mạng. Đây được xem là hình thức đơn giản nhất. Đầu tiên bạn hãy rút phích cắm điện và tắt kết nối wifi của tất cả các thiết bị đang truy cập vào wifi của gia đình bạn. Sau đó, hãy quan sát đèn tín hiệu wifi trên bộ định tuyến, nếu như bạn nhận thấy nó vẫn đang nhấp nhảy thì chắc chắn rằng ai đó đang dùng wifi của bạn trái phép khi không được sự đồng ý của bạn. Vì vậy bạn hãy ngay lập tức đổi mật khẩu wifi để tăng tính bảo mật cao nhất cho wifi gia đình.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.