Bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí. Những yêu cầu với việc bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí.
Mục lục bài viết
1. Những rủi ro với quyền bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí:
Trong xã hội hiện đại, khi công nghệ và Internet phát triển mạnh mẽ trước những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì thông tin cá nhân trở thành những tài sản có thể trao đổi và ngày càng có giá trị. Bên cạnh sự tích cực của những giá trị thông tin cá nhân mang lại cho mỗi người thì trong nhiều trường hợp, những thông tin đó có thể bị tiết lộ, mua bán, trao đổi… không theo mong muốn của chủ thể thông tin cá nhân, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của mỗi con người.
Dĩ nhiên trong thời đại mà truyền thông phát triển nhanh chóng như hiện nay với hàng trăm tờ báo, hàng nghìn trang tin công cộng hay mỗi tài khoản mạng xã hội có thể đưa tin và lan truyền nội dung một cách nhanh chóng và mỗi người sử dụng mạng xã hội như một điều tra viên thì thông tin cá nhân, nhất là thông tin của người nổi tiếng bị đưa ra bàn tán, xuyên tạc đang diễn ra một cách công khai.
Với tính chất đặc thù của nghề nghiệp, báo chí là lĩnh vực có liên nhiều nhất đến bí mật đời tư cá nhân, đồng thời cũng là lĩnh vực mà việc xâm phạm bí mật đời tư cá nhân xảy ra một cách thường xuyên, như một sự việc hiển nhiên của ngành, thậm chí việc xâm phạm bí mật đời tư là một việc không thể thiếu nếu muốn có một bài báo “giật gân”, “nổi”, thu hút dư luận chú ý. Và những người bị báo chí xâm phạm bí mật đời tư phần lớn là những người nổi tiếng, bên cạnh đó thì mỗi cá nhân đều dễ dàng trở thành đối tượng bị xâm phạm bí mật đời tư trong giới báo chí. Các vụ việc như tiết lộ thông tin cá nhân về: giấy khai sinh, báo chí đưa tin không chính xác, hoặc không phỏng vấn mà có bài… liên quan đến người nổi tiếng là những vụ việc nổi bật trong thời gian qua. Việc tiết lộ những thông tin về đời sống hôn nhân, thậm chí cả xu hướng giới tính của những người nổi tiếng trên báo chí và mạng xã hội đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống riêng tư cũng như công việc và hình ảnh, danh dự của họ và những người có liên quan.
Ví dụ: Khi một cuộc thi hoa hậu vừa kết thúc thì chưa đầy một giờ đồng hồ tất cả những thông tin đời tư như bảng điểm thời học sinh, những bức ảnh thời thơ ấu, những vấn đề trong quá khứ… của người đăng quang đầy dẫy trên mạng xã hội. Điều này đã gây nên những rắc rối, sự bàn tán, chia sẻ mạnh mẽ từ phía cộng đồng mạng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, danh dự, uy tín của họ.
Hiện nay một số hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí có thể kể đến, như sau:
Thứ nhất, hành vi mua bản dữ liệu cá nhân
Việc mua bán dữ liệu cá nhân đã diễn ra từ rất nhiều năm nay ở Việt Nam khá dễ dàng với chi phí thấp. Điều này không hiếm gặp trên các trang website, diễn đàn và một số bài báo… Điển hình là trường hợp các thông tin bao gồm tên tuổi, số điện thoại, số nhà… của phụ huynh học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 ở thành phố Hồ Chí Minh đã được rao bán chỉ với giá 2,5 triệu đồng. Dữ liệu cá nhân như tên, tuổi, chức vụ, số điện thoại của giám đốc các doanh nghiệp ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên toàn quốc; khách hàng VIP mua chung cư cao cấp, mua bảo hiểm, xe hơi, vàng bạc, chứng khoán… “được rao bán với giá giao động khoảng từ 400 nghìn đến vài triệu đồng, tùy vào mức độ “quan trọng” của thông tin”.
Thứ hai, tiết lộ thông tin cá nhân của người nổi tiếng trên báo chí, mạng xã hội
Các vụ việc như tiết lộ giấy khai sinh, báo chí đưa tin không chính xác, hoặc không phỏng vấn mà có bài… liên quan đến người nổi tiếng là những vụ việc nổi bật trong thời gian qua. Việc tiết lộ những thông tin về đời sống hôn nhân, giấy khai sinh, thậm chí cả giới tính trên báo chí và mạng xã hội của những người nổi tiếng đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống riêng tư cũng như công việc, hình ảnh và danh dự nghệ sĩ.
Thứ ba, tiết lộ thông tin cá nhân của một số nhóm xã hội dễ bị tổn thương như: trẻ em, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, cộng đồng LGBT…
Hiện nay, việc đưa thông tin và hình ảnh riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội cũng như báo chí, truyền thông không phải là hiếm gặp, thậm chí còn diễn biến ở mức độ “nóng”. Các thông tin báo chí về các vụ bắt cóc, xâm hại tình dục trẻ em, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, hoặc cung cấp hình ảnh những vụ giết người hàng loạt trong đó người bị giết là người thân của trẻ… không hề hiếm gặp trên báo chí, mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông khác.
Người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS là đối tượng xã hội dễ bị tổn thương trong pháp luật về quyền con người. Mặc dù đã có những quy định trong Luật Người khuyết tật năm 2010; Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành, xong sự kỳ thị và phân biệt đối xử với họ vẫn còn tồn tại ở môi trường học đường, trụ sở làm việc… điều đó gây ảnh hưởng tới cuộc sống của họ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là việc tiết lộ thông tin về bệnh tật của người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS mà không được sự đồng ý của họ.
Cùng với đó, các thông tin cá nhân về giới tính và xu hướng tình dục ở nhiều quốc gia được coi là những thông tin cá nhân nhạy cảm. Với những thông tin nhạy cảm này, việc tiết lộ thông tin về giới của mình là quyền của cá nhân. Không phải tất cả những người thuộc nhóm LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính) đều muốn công khai giới tính của mình, bởi lẽ nguy cơ có thể bị phân biệt đối xử và vi phạm quyền riêng tư về thân thể có thể xảy ra trong thực tiễn. Thậm chí ở một số quốc gia mà pháp luật còn tồn tại những hình phạt và chế tài hình sự thì điều này sẽ dẫn đến sự nguy hiểm đến tính mạng của họ. Chính vì vậy, việc bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân đối với họ mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.
2. Những yêu cầu với việc bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí:
Cũng giống như đặc điểm của việc bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân nói chung, bảo vệ quyền thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí còn có những yêu cầu riêng. Việc chỉ ra các yêu cầu của quyền bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí là cơ sở để xác định phạm vi quyền của chủ thể, quyền và trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan trong việc bảo đảm thực hiện quyền bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động này.
Thứ nhất, thông tin cá nhân cung cấp cho hoạt động báo chí phải được thu thập hợp pháp: Chỉ những chủ thể hợp pháp mới có quyền được thu thập, tiếp cận, lưu giữ, sử dụng, xử lý thông tin cá nhân. Các hành động xử lý thông tin cá nhân (như thu thập, tiếp cận, lưu giữ, sử dụng…) phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, quyền bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí trước hết là quyền của cá nhân đó đối với thông tin của mình. Chủ thể chính có quyền đối với thông tin cá nhân là: (i) cá nhân với tư cách là chủ thông tin và (ii) chủ thể nắm giữ, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin cá nhân (cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật mới có quyền được tiếp cận, nắm giữ, quản lý, sử dụng, xử lý thông tin/dữ liệu cá nhân). Hai chủ thể này có phạm vi quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm bảo đảm bí mật thông tin cá nhân khác nhau.
Thứ ba, quyền bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí là một quyền tương đối: Trong một số trường hợp, thông tin cá nhân được sử dụng bởi cơ quan, tổ chức hoặc chủ thể tham gia hoạt động báo chí khi luật cho phép, bất luận chủ thông tin đó có đồng ý hay không. Tuy nhiên, các trường hợp này thường rất hạn chế và phải được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật.
Thứ tư, để bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân trong hoạt động báo chí đòi hỏi cần có các cơ chế, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền một cách hiệu quả, khả thi, phù hợp với đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc.
Thứ năm, tình trạng vi phạm quyền bí mật thông tin cá nhân là hiện tượng phổ biến, thường xuyên trên thế giới. Vì vậy, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân cần tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới.