Thông tư 14/2009/TT-BNN quy định các vấn đề về quản lý chất thải rắn, quản lý nước thải, quản lý và kiểm soát bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng đối với hoạt động chế biến thủy sản.
Với tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng diễn ra trầm trọng và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của con người, thì bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề không chỉ của riêng một cá nhân nào, mà là vấn đề của cả cộng đồng xã hội, của Nhà nước, của toàn cầu.
Ở Việt Nam, các hoạt động bảo vệ môi trường rất đa dạng và được ghi nhận tại Khoản 3, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường 2014, bao gồm "hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành".
Hoạt động bảo vệ môi trường được diễn ra trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề, tuy nhiên, tập trung hơn cả vào những ngành nghề gây ảnh hưởng lớn tới môi trường, chẳng hạn như khai thác khoáng sản, hóa chất, nhập khẩu phế liệu,… hay chế biến thủy sản.
Việc quản lý môi trường trong chế biến thủy sản được quy định cụ thể trong Thông tư 14/2009/TT-BNN.
Điều 7 quy định về quản lý chất thải rắn:
– Chủ cơ sở phải thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn thành các nhóm: phụ phẩm có thể tận dụng, chất thải rắn sản xuất, chất thải rắn sinh hoạt và các chất thải rắn phải được chứa đựng trong các dụng cụ chứa kín đảm bảo vệ sinh, định kỳ chuyển đến cơ sở chế biến tiếp theo; hoặc đem xử lý tiêu hủy, chôn lấp ở địa điểm quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Chất thải rắn phải được vận chuyển theo nhóm đã được phân loại tại nguồn, trong thiết bị phù hợp, không để rơi vãi, phát tán mùi trong quá trình vận chuyển.
Điều 8 về quản lý nước thải:
– Thu gom, xử lý nước thải : chủ cơ sở phải có biện pháp thu gom nước thải và xử lý tại hệ thống xử lý nước thải của cơ sở hoặc của các khu công nghiệp, khu chế biến thủy sản tập trung, bảo đảm nước thải trước khi thải ra môi trường tối thiểu phải đạt các chỉ tiêu quy định theo tiêu chuẩn môi trường bắt buộc áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải của cơ sở phải bảo đảm không làm ô nhiễm đất, nước ngầm, nước ao hồ và sông ngòi xung quanh.
– Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Sử dụng quy trình công nghệ phù hợp với loại nước thải cần xử lý;
b) Đủ công suất xử lý toàn bộ lượng nước thải ra từ cơ sở;
c) Nước thải sau khi xử lý phải đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép;
d) Cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí dễ kiểm tra, giám sát và theo đúng quy định về xả nước thải;
đ) Vận hành được ngay khi cơ sở hoạt động.
– Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn.
– Chủ quản hệ thống xử lý nước thải phải thực hiện quan trắc định kỳ nước thải trước và sau khi xử lý. Số liệu quan trắc được lưu giữ làm căn cứ để kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống xử lý nước thải.
– Phải có giấy phép xả thải ra môi trường.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Điều 9 quy định về quản lý và kiểm soát bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng:
– Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải:
a) Tổ chức, cá nhân hoạt động chế biến thủy sản có phát tán bụi, khí thải phải có trách nhiệm kiểm soát và xử lý bụi, khí thải đạt các chỉ tiêu quy định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bụi, khí thải;
b) Công trình xây dựng hoặc các phương tiện giao thông, máy, và thiết bị sử dụng các nhiên liệu, nguyên liệu có phát tán bụi, khí thải phải có thiết bị che chắn, hoặc có bộ phận lọc giảm khí thải độc hại hoặc sử dụng các biện pháp khác bảo đảm đạt tiêu chuẩn môi trường bắt buộc áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bụi, khí thải.
– Quản lý khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ôzôn:
Các tổ chức, cá nhân hoạt động chế biến thủy sản có sử dụng các tác nhân lạnh thuộc nhóm Clorofluorocacbon (CFCs) phải có kế hoạch thay thế, tiến đến loại trừ việc sử dụng chúng theo lịch trình nêu tại Phụ lục số 1 của Quy chế này; không được nhập khẩu các thiết bị lạnh có sử dụng tác nhân lạnh nhóm CFCs.
– Hạn chế tiếng ồn, độ rung, ánh sáng:
Tổ chức, cá nhân hoạt động chế biến thủy sản gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, vượt quá mức quy định tại tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, độ rung, ánh sáng và phải có trách nhiệm kiểm soát, xử lý đạt yêu cầu theo quy định.