Thực tế tại Việt Nam hiện nay, có rất nhiều nhạc sĩ nỗ lực và phấn đấu với việc đưa "những đứa con tinh thần" của mình truyền bá rộng rãi trên môi trường số - môi trường internet. Dưới đây là vấn đề bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc trên môi trường số có thể tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc trên môi trường số:
Pháp luật hiện nay cũng quy định cụ thể về vấn đề điều kiện bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường số. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định,
Tác phẩm được bảo hộ sẽ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng sức lao động trí tuệ của tác giả đó mà không được phép sao chép từ tác phẩm của người khác. Theo đó, từ khái niệm nêu trên có thể thấy, một tác phẩm âm nhạc để có thể được pháp luật bảo hộ quyền tác giả trên môi trường internet thì cần phải đáp ứng được các điều kiện sau:
Một là, tác phẩm âm nhạc đó phải là sản phẩm sáng tạo trí tuệ của con người. Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đòi hỏi rằng tác phẩm âm nhạc phải có tính mới. Tức là tác phẩm âm nhạc đó phải là được trực tiếp tác giả sáng tạo ra bằng cảm xúc, trí tuệ, cảm hứng âm nhạc, thông qua quá trình lên ý tưởng, lựa chọn nốt nhạc, giai điệu, việt lời… và đặc biệt là tác phẩm đó không phải là sản phẩm sao chép từ tác phẩm của người khác, kể cả là nội dung, giai điệu, ngôn ngữ thể hiện. Những sản phẩm trí tuệ được các tác giả đầu tư rất nhiều chất xám để có thể cho ra đời những tác phẩm hoàn chỉnh, mang giá trị nghệ thuật lớn. Bởi vậy mà việc một tác phẩm âm nhạc được tạo ra dựa trên sự sao chép sẽ làm mất đi giá trị của tác phẩm, đồng thời gây ảnh hưởng đến tác giả có tác phẩm bị sao chép.
Hai là, tác phẩm âm nhạc đó phải được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Tác phẩm âm nhạc là những sản phẩm nghệ thuật mang giá trị nghệ thuật đối với nhân loại. Mặc dù tác phẩm âm nhạc được bảo hộ tự động, tuy nhiên bản thân nó cũng phải được xác thực về tính mới, tính nguyên gốc, không sao chép thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mới được ghi nhận và hưởng các độc quyền mà pháp luật đã ghi nhận cho chủ thể quyền được hưởng khi khai thác và sử dụng tác phẩm. Bởi vậy mà, những ý tưởng, sáng tạo âm nhạc chỉ khi được xây dựng và thể hiện ra bên ngoài thông qua một hình thức vật chất nhất định để khán giả được biết đến và thưởng thức thì lúc đó mới đủ cơ sở để đánh giá, công nhận tác phẩm để từ đó xác lập và bảo vệ các quyền tác giả cho người sáng tạo hoặc có quyền sở hữu tác phẩm đó.
2. Nội dung bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường số:
Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường internet chính việc bảo vệ các quyên nhân thân, quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc tránh khỏi những hành vi xâm phạm trên môi trường internet. Theo đó, nội dung bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường số bao gồm hai nội dung, đó là quyền nhân thân và quyền tài sản. Có thể kể đến như sau:
– Quyền đặt tên cho tác phẩm âm nhạc. Giá trị của một tác phẩm nằm ở nội dung, tư tưởng được thể hiện trong tác phẩm đó. Nhưng tên gọi của tác phẩm mới là cái gây ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với tác phẩm. Tên gọi của tác phẩm thể hiện khái quát về chủ đề của tác phẩm, thể hiện dấu ấn cá nhân của tác giả và tạo nên sự phân biệt với các tác phẩm khác. Một cái tên độc đáo, sáng tạo có thể gây ấn tượng ban đầu, thu hút người khác tiếp cận với tác phẩm. Tên gọi của tác phẩm sẽ góp phần thể hiện dấu ấn riêng của tác giả. Chính vì vậy, quyền đặt tên cho tác phẩm là một quyền rất quan trọng, là độc quyền của tác giả. Một điểm mới nổi bật trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 là cho phép tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản. Như vậy, quyền đặt tên cho tác phẩm sẽ có thể được chuyển giao theo thoả thuận giữa tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả (trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả). Sự thay đổi này là hết sức phù hợp với đặc thù của lĩnh vực quyền tác giả nhằm giải quyết những vướng mắc tồn tại trong thực tiễn thời gian qua như trường hợp có nhu cầu thay đổi tên tác phẩm;
– Quyền được đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng. Với quyền này, người sáng tạo ra tác phẩm có thể lựa chọn việc có đứng tên hay không đổi với tác phẩm đã tạo ra theo ý muốn của mình. Tuy nhiên, muốn được thừa nhận là tác giả của tác phẩm nhất định thì người tạo ra tác phẩm phải cá biệt hóa tác phẩm bằng cách ghi tên hoặc bút danh của mình vào tác phẩm để xác định tác phẩm đó là do mình sáng tạo ra;
– Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm. Tác phẩm âm nhạc được công bố trong môi trường internet theo dạng các bản ghi, có thể là bản ghi âm, video ca nhạc …;
– Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả bất cứ người nào sửa đổi tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả làm cho chủ đề tư tưởng, giá trị nghệ thuật, văn hoà, khoa học của tác phẩm bị thay đổi so với ý đồ của tác giả đều bị coi là có hành vi xâm phạm quyền tác giả và do đó tác giả có quyền yêu cầu người đó phải châm dứt hành vi đó, xin lỗi, hoàn lại sự toàn vẹn của tác phẩm và phải bồi thường thiệt hại nêu hành vi đó gây thiệt hại cho tác giả;
– Quyền làm tác phẩm phái sinh. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo từ tác phẩm gốc. Do vậy, quyền làm tác phẩm phái sinh là một trong những quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền này cho phép chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc có quyền kiểm soát việc tạo ra các tác phẩm phái sinh từ tác phẩm âm nhạc của mình bằng việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả trước khi làm tác phẩm phái sinh.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường số ở Việt Nam:
Có thể kể đến một số giải pháp như sau:
– Nâng cao hiệu quả thực thi bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc trong môi trường internet bằng các biện pháp kĩ thuật;
– Nâng cao hiệu quả thực thi và bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc trong môi trường internet bằng cách thiết lập và cải tiến hệ thống quản lý tập thể quyền tác giả;
– Nâng cao năng lực xét xử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp và xét xử đối với các vụ án liên quan đến vấn đề xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường internet;
– Tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc trong môi trường internet;
– Tăng cường hiệu quả phối hợp hoạt động giữa cơ quan thực thi quyền tác giả và các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả;
– Tăng cường các biện pháp kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật và xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc trong môi trường internet;
– Tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng phải chấp hành pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường internet.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ;
– Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.