Bảo lãnh hối phiếu được quy định rất chặt chẽ trong Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005. Đây được hiểu bản chất là sự cam kết của người thứ ba thanh toán tiền thay cho người hưởng lợi khi hối phiếu đến kỳ thanh toán. Vậy bảo lãnh hối phiếu là gì? Các loại bảo lãnh hối phiếu?
Mục lục bài viết
1. Bảo lãnh hối phiếu là gì?
Bảo lãnh hối phiếu được hiểu là người thứ ba tức là người bảo lãnh sẽ cam kết với người nhận bảo lãnh để thực hiện việc thanh toán toàn bộ hoặc một phần số tiền ghi nhận trên hối phiếu nếu như đến hạn thanh toán, người được bảo lãnh không tiến hành thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ.
Theo đó, người bảo lãnh là người liên đới trách nhiệm với người được bảo lãnh cho phạm vi trách nhiệm của mình. Người bảo lãnh sẽ tiếp nhận các quyền của người được bảo lãnh đối với những người có liên quan, thực hiện xử lý tài sản bảo đảm của người được bảo lãnh và có quyền yêu cầu người được bảo lãnh, người kí phát, người chấp nhận thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền bảo lãnh đã thanh toán.
2. Các loại bảo lãnh hối phiếu?
Về hình thức, bảo lãnh hối phiếu sẽ gồm có:
- Người bảo lãnh sẽ ghi trên mặt trước hoặc mặt sau của hối phiếu những chữ “bảo lãnh”, số tiền bảo lãnh, tên, địa chỉ và chữ ký của người bảo lãnh cũng như tên của người bảo lãnh trên hối phiếu đòi nợ.
- Nếu như bảo lãnh không có tên người bảo lãnh thì bảo lãnh sẽ được coi là bảo lãnh cho người ký phát.
(căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005).
Lưu ý: Ngoài hình thức bảo lãnh hối phiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam như trên thì một số nước có sử dụng hình thức bảo lãnh riêng như bảo lãnh bằng thư riêng (cụ thể là bảo lãnh bí mật). Thực tế áp dụng hình thức bảo lãnh này là xuất phát từ việc người bão lãnh không muốn cho bên thứ ba biết được tình hình tài chính của họ đến mức phải bảo lãnh.
Và muốn bảo lãnh có giá trị, người bảo lãnh phải đảm bảo là một ngân hàng có uy tín. Theo đó, người bảo lãnh phải có trách nhiệm tương tự như người bảo lãnh của mình.
3. Quyền và nghĩa vụ của người bảo lãnh:
Căn cứ Điều 26 Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005 quy định người bảo lãnh có quyền và nghĩa vụ sau:
Thứ nhất, có trách nhiệm thực hiện thanh toán hối phiếu đòi nợ đúng với số tiền đã cam kết bảo lãnh khi người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của mình khi hối phiếu đòi nợ đến hạn thanh toán.
Thứ hai, hối phiếu đòi nợ không đủ các nội dung bắt buộc theo quy định thì người bảo lãnh sẽ có quyền hủy bỏ việc bảo lãnh, cụ thể nội dung của hối phiếu đòi nợ gồm có:
+ Cụm từ “Hối phiếu đòi nợ” được ghi trên mặt trước của hối phiếu đòi nợ.
+ Yêu cầu thanh toán không điều kiện một số tiền xác định.
+ Thời hạn và địa điểm thanh toán.
+ Thông tin tên đối với tổ chức hoặc đối với cá nhân là họ, tên, địa chỉ của người bị ký phát.
+ Thông tin gồm tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân của người thụ hưởng được người ký phát chỉ định hoặc yêu cầu thanh toán hối phiếu đòi nợ theo lệnh của người thụ hưởng hoặc yêu cầu thanh toán hối phiếu đòi nợ cho người cầm giữ.
+ Thông tin địa điểm và ngày ký phát.
+ Thông tin tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân, địa chỉ cũng như chữ ký của người ký phát.
Lưu ý: hối phiếu đòi nợ sẽ không có giá trị nếu thiếu đi một trong những nội dung sau:
+ Thông tin về thời hạn thanh toán không được ghi trên hối phiếu đòi nợ, thuộc trường hợp này thì hối phiếu đòi nợ sẽ được thanh toán ngay khi xuất trình.
+ Thông tin về địa điểm thanh toán không được ghi trên hối phiếu đòi nợ, trường hợp này thì hối phiếu đòi nợ sẽ được thanh toán tại địa chỉ của người bị ký phát.
+ Địa điểm ký phát không ghi nhận cụ thể trên hối phiếu, trường hợp này thì hối phiếu đòi nợ sẽ được coi là ký phát tại địa chỉ của người ký phát.
+ Số tiền ghi bằng chữ có giá trị thanh toán nếu như số tiền trên hối phiếu đòi nợ được ghi bằng số khác với số tiền ghi bằng chữ. Nếu như số tiền trên hối phiếu đòi nợ được ghi hai lần trở lên bằng chữ hoặc bằng số và có sự khác nhau thì số tiền có giá trị nhỏ nhất được ghi bằng chữ có giá trị thanh toán.
+ hối phiếu đòi nợ đó có thể có thêm tờ phụ đính kèm nếu như trường hợp hối phiếu đòi nợ không có đủ chỗ để viết. Tờ phụ đính kèm được sử dụng để ghi nội dung bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu. Người đầu tiên lập tờ phụ phải gắn liền tờ phụ với hối phiếu đòi nợ và ký tên trên chỗ giáp lai giữa tờ phụ và hối phiếu đòi nợ.
Thứ ba, người bảo lãnh được tiếp nhận các quyền của người được bảo lãnh đối với những người có liên quan, xử lý tài sản bảo đảm của người được bảo lãnh và có quyền yêu cầu người được bảo lãnh, người ký phát, người chấp nhận liên đới thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền bảo lãnh đã thanh toán sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
4. Quy định về việc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ như thế nào?
Theo quy định, việc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ được thực hiện theo hình thức gồm: ký chuyển nhượng hoặc chuyển giao. Cụ thể như sau:
(1) Chuyển nhượng theo hình thức ký chuyển nhượng: Đây là hình thức việc người thụ hưởng chuyển quyền sở hữu hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng bằng cách ký vào mặt sau hối phiếu đòi nợ và chuyển giao hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng.
- Đối với hình thức này phải được người thụ hưởng viết và ký trên mặt sau của hối phiếu đòi nợ.
- Ký chuyển nhượng theo hình thức ký chuyển nhượng để trống hoặc ký chuyển nhượng đầy đủ.
- Trường hợp ký chuyển nhượng để trống, người chuyển nhượng ký vào mặt sau của hối phiếu đòi nợ và chuyển giao hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng.
- Còn trường hợp ký chuyển nhượng đầy đủ thì người chuyển nhượng sẽ ký vào mặt sau của hối phiếu đòi nợ và ghi đầy đủ nội dung.
(2) Chuyển nhượng theo hình thức chuyển giao: được hiểu là việc người thụ hưởng chuyển quyền sở hữu hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng bằng cách chuyển giao hối phiếu đòi nợ cho người nhận chuyển nhượng. Lưu ý rằng việc chuyển nhượng bằng chuyển giao sẽ áp dụng cho một số hối phiếu đòi nợ sau: hối phiếu đòi nợ ký phát trả cho người cầm giữ; hối phiếu đòi nợ chỉ có một chuyển nhượng bằng ký chuyển nhượng để trống; hối phiếu đòi nợ có chuyển nhượng cuối cùng là ký chuyển nhượng để trống.
Lưu ý: Nếu trên hối phiếu đòi nợ có ghi cụm từ “không được chuyển nhượng”, “cấm chuyển nhượng”, “không trả theo lệnh” hoặc cụm từ khác có ý nghĩa tương tự thì hối phiếu đòi nợ không được chuyển nhượng.
Việc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ được hiểu là việc chuyển toàn bộ số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ (đối với việc chuyển nhượng một phần số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ sẽ không có giá trị).
- Trường hợp chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ cho hai người trở lên sẽ không có giá trị.
- Trường hợp chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ bằng ký chuyển nhượng phải là không điều kiện. Người chuyển nhượng sẽ không được phép ghi thêm bất kỳ điều kiện nào ngoài nội dung theo quy định trên hối phiếu đòi nợ. Mọi điều kiện kèm theo với việc ký chuyển nhượng sẽ không có giá trị.
- Đối với việc chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ chính là sự chuyển nhượng mọi quyền phát sinh từ hối phiếu đòi nợ.
- Không được phép chuyển nhượng đối với những hối phiếu đòi nợ quá hạn thanh toán hoặc đã bị từ chối chấp nhận hoặc đã bị từ chối thanh toán.
- Người thụ hưởng có thể được phép chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ cho người chấp nhận, người ký phát hoặc người chuyển nhượng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005.
THAM KHẢO THÊM: