Trong một số trường hợp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bảo lãnh để tại ngoại đối với bị can hoặc bị cáo trong vụ án hình sự. Vậy hiện nay pháp luật quy định như thế nào về hoạt động bảo lãnh đối với tội cố ý gây thương tích?
Mục lục bài viết
1. Bảo lãnh để được tại ngoại đối với tội cố ý gây thương tích?
Hiện nay, tình trạng bảo lãnh trong lĩnh vực hình sự diễn ra vô cùng phổ biến với nhiều tội phạm khác nhau, trong đó có tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác hiện nay được quy định tại Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, để được bảo lãnh tại ngoại đối với tội cố ý gây thương tích, cần phải đáp ứng được các điều kiện cơ bản sau đối với bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh. Cụ thể là:
Thứ nhất, điều kiện đối với bên bảo lãnh tội cố ý gây thương tích. Tức là khi cá nhân và tổ chức muốn tiến hành hoạt động bảo lãnh cho người của cơ quan mình hoặc người thân của mình thì cần phải đáp ứng được những điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới có thể thực hiện được thủ tục xin bảo lãnh. Cụ thể như sau:
– Đối với các chủ thể được xác định là tổ chức, thì cơ quan và tổ chức có thể nhận bảo lãnh cho các bị can và bị cáo là người của cơ quan và tổ chức mình, ngoài ra, cơ quan và tổ chức nhận bảo lãnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu tổ chức đó theo quy định của pháp luật;
– Đối với cá nhân bảo lãnh, căn cứ theo quy định tại Điều 121 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 hiện nay, cá nhân bảo lãnh phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, phải có nhân thân tốt và nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật, cá nhân đó phải có thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lãnh, ngoài ra thì cá nhân đó phải có ít nhất hai người thân thích của người bị tạm giam.
Thứ hai, điều kiện đối với bên được bảo lãnh trong tội cố ý gây thương tích. Khi người bị tạm giam hoặc tạm giữ được bảo lãnh thì trước hết, bên được bảo lãnh phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện về bảo lãnh theo quy định của pháp luật căn cứ tại Điều 121 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì mới được xem xét cho bảo lãnh, cụ thể như sau:
– Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà các đối tượng đã gây ra trên thực tế, căn cứ vào nhân thân của bị can và bị cáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ quan điều tra và viện kiểm sát hoặc tòa án có thể ra quyết định cho họ được bảo lãnh. Bởi vì bảo lãnh là hoạt động cho phép tại ngoại, là một biện pháp ngăn chặn ít nghiêm khắc được áp dụng để thay thế cho biện pháp tạm giam đối với các bị can và bị cáo trên thực tế, tuy nhiên, hoạt động bảo lãnh chỉ áp dụng trong một số trường hợp nhất định khi xét thấy không cần thiết phải tạm giam hoặc tạm giữ, khi xét thấy không cần thiết phải ngăn ngừa bị can và bị cáo phạm tội thêm lần nữa, vì vậy xem xét các điều kiện nêu trên đóng vai trò vô cùng quan trọng;
– Đối tượng được áp dụng biện pháp bảo lãnh thông thường là các đối tượng phạm tội lần đầu theo quy định của pháp luật, hành vi phạm tội có tính chất ít nghiêm trọng phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, các đối tượng có nơi cư trú rõ ràng và có thái độ thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra của các lực lượng chức năng, hoặc các đối tượng bị ốm đau cần phải được chữa trị tại gia.
Như vậy, theo như phân tích ở trên thì có thể nói, hoạt động bảo lãnh thường được áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng theo quy định của pháp luật hình sự. Đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác, thì hoạt động bảo lãnh thường được áp dụng đối với các đối tượng vi phạm khoản 1 Điều 134 (khung hình phạt tối đa là phạt tù đến 3 năm), khoản 2 Điều 134 (không hình và tối đa là phạt tù đến 05 năm), khoản 3 Điều 134 (khung hình phạt tối đa là phạt tù đến 7 năm).
Ngoài ra, người có thẩm quyền ra quyết định bảo lãnh cho phép tại ngoại đối với tội cố ý gây thương tích được ghi nhận như sau:
– Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp;
– Viện trưởng hoặc phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, viện trưởng hoặc phó viện trưởng viện kiểm sát quân sự các cấp;
– Chánh án hoặc phó chánh án tòa án nhân dân, chánh án hoặc phó chánh án tòa án quân sự các cấp;
– Hội đồng xét xử hoặc thẩm phán chủ tọa phiên toà.
Do đó, căn cứ vào từng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau của hành vi và nhân thân của người phạm tội cố ý gây thương tích, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nêu trên có thể xem xét đối với hoạt động bảo lãnh để tại ngoại đối với tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, việc bảo lãnh cho cá nhân phạm tội cố ý gây thương tích phải có hai người, trong đơn trình bày cần phải nêu rõ và điều kiện về hoàn cảnh của bản thân, cần phải ghi rõ lời cam đoan không để cho người được bảo lãnh tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội và phải đảm bảo sự có mặt của người được bảo lãnh theo giấy triệu tập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân hoặc tòa án nhân dân. Đồng thời bên cạnh đó, người nhận bảo lãnh phải là người có tư cách tốt, có phẩm chất tốt và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật. Trong đơn bảo lãnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú của người nhận bảo lãnh. Căn cứ vào đơn và nhân thân, kèm theo hoàn cảnh gia đình thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ xem xét quyết định bảo lãnh để tại ngoại đối với tội cố ý gây thương tích.
2. Mức tiền để được bảo lãnh tại ngoại đối với tội cố ý gây thương tích:
Hiện nay, mức đặt tiền để bảo đảm được quy định cụ thể tại Điều 4 của Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm do Bộ trưởng Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tài chính – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau: Cơ quan điều tra và viện kiểm sát hoặc tòa án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định mức tiền cụ thể để bị can hoặc bị cáo phải đặt để đảm bảo nhưng không dưới mức tối thiểu sau đây:
– 30.000.000 đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
– 150.000.000 đồng đối với tội phạm nghiêm trọng;
– 200.000.000 đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
– 300.000.000 đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, các cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát và tòa án nhân dân các cấp có thể quyết định mức tiền mà các đối tượng cần phải nộp để bảo đảm thấp hơn mức nêu trên nhưng không được phép dưới 1/2 mức tương ứng trong các trường hợp sau đây:
– Các đối tượng là bị can và bị cáo được xác định là thương binh, bệnh binh theo quy định của pháp luật, các đối tượng được xác định là người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân hoặc anh hùng lao động, được tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân Việt Nam hoặc thầy thuốc nhân dân hoặc được tặng huân chương kháng chiến, phong tặng các danh hiệu dũng sĩ trong quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước bảo vệ dân tộc, các đối tượng được xác định là con đẻ và con nuôi hợp pháp của liệt sĩ và ba mẹ Việt Nam anh hùng, của gia đình được tặng Bằng gia đình có công với cách mạng và đất nước;
– Các đối tượng là bị can và bị cáo được xác định là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về thể chất và tinh thần.
Ngoài ra căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Bộ luật hình sự năm 2015 có ghi nhận về cách phân loại tội phạm. Theo đó thì tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, pháp luật hình sự phân chia tội phạm thành các loại sau:
– Tội phạm ít nghiêm trọng theo quy định của pháp luật là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn, tội phạm ít nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội danh ấy là phạt tiền phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
– Tội phạm nghiêm trọng theo quy định của pháp luật được xác định là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn hơn so với tội phạm ít nghiêm trọng, loại tội phạm nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;
– Tội phạm rất nghiêm trọng theo quy định của pháp luật là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn, tội phạm rất nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt do pháp luật hình sự quy định đối với tội danh ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
– Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, Theo quy định của pháp luật hiện nay thì tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt do pháp luật hình sự quy định đối với tội danh ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, tội cố ý gây thương tích hiện nay được quy định cụ thể tại Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015. Tùy vào từng khung hình phạt khác nhau, để được xin bảo lãnh tại ngoại thì cần phải nộp tiền đặt với mức như trên.
3. Nghĩa vụ của người có hành vi cố ý gây thương tích trong thời hạn được bảo lãnh:
Căn cứ theo quy định tại Điều 121 của bộ luật hình sự năm 2015, khi thực hiện thủ tục bảo lãnh, người có hành vi cố ý gây thương tích trong thời hạn được bảo lãnh phải làm giấy cam đoan để thực hiện các nghĩa vụ cơ bản sau:
– Phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp xuất phát từ lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nằm ngoài ý chí của con người; Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội trái quy định của pháp luật;
– Không được thực hiện các hành vi mua chuộc hoặc cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, không được cung cấp tài liệu và bằng chứng sai sự thật, không được tiến hành các hoạt động tiêu hủy hoặc giả mạo tài liệu chứng cứ, tiêu hủy hoặc giả mạo đồ vật của vụ án, tiến hành các hoạt động tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án, không được đe dọa hoặc khống chế hoặc trả thù người làm chứng dưới bất kỳ hình thức nào, không được có hành vi vi phạm pháp luật đối với bị hại và người tố giác tội phạm trong vụ án hoặc những người thân thích của người này.
Vì vậy, nếu như bị can hoặc bị cáo trong vụ án cố ý gây thương tích mà vi phạm các nghĩa vụ đó thì sẽ không được bảo lãnh tại ngoại trên thực tế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
– Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm do Bộ trưởng Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tài chính – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành.