Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Mục lục bài viết
1. Cơ sở và mục đích thành lập của Hiệp ước Patent:
Hiệp hội Patent là Hiệp hội để hợp tác trong việc nộp đơn, tra cứu và xét nghiệm đơn xin bảo hộ sáng chế và để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật đặc biệt.
Hiệp ước Patent được thành lập dựa trên các cơ sở, mục đích cụ thể sau đây:
+ Hiệp ước được thành lập với mong muốn góp phần vào sự tiến bộ của khoa học và công nghệ của các nước thành viên.
+ Các nước tham gia vào hiệp ước với mong muốn hoàn thiện việc bảo hộ pháp lý các sáng chế,
+ Với mong muốn đơn giản hóa và đạt được việc bảo hộ pháp lý sáng chế một cách tiết kiệm hơn khi có nhu cầu bảo hộ ở nhiều nước; làm thuận tiện và đẩy nhanh sự tiếp cận của công chúng với thông tin kỹ thuật chứa trong tư liệu mô tả các sáng chế mới nên các quốc gia quyết định thành lập hiệp ước Patent.
+ Hiệp ước Patent được thành lập nhằm mục đích khuyến khích và đẩy nhanh sự phát triển kinh tế của các nước đang phát triển nhờ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống pháp lý của các nước này được thiết lập để bảo hộ sáng chế, dù đấy là hệ thống quốc gia hay khu vực, bằng cách cung cấp thông tin dễ tiếp cận về các giải pháp kỹ thuật đáp ứng các nhu cầu đặc biệt và làm dễ dàng việc tiếp cận với một số lượng ngày càng tăng các công nghệ hiện đại.
Khi ký hiệp định Patent, các quốc gia trong hiệp hội Patent tin tưởng rằng, sự hợp tác giữa các quốc gia sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc đạt được các mục tiêu nêu trên. Đặc biệt, với các nội dung được thỏa thuận, ký kết trong hiệp ước Patent, không một quy định nào của Hiệp ước này được hiểu là sự hạn chế những quyền mà Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp dành cho bất kỳ công dân hoặc người cư trú của bất kỳ nước nào tham gia Công ước này.
Trên đây là các cơ sở, mục tiêu, tiền đề cho việc thành lập hiệp ước Patent.
2. Một số nội dung bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp theo Hiệp ước Patent:
– Về tờ khai xin bảo hộ.
Tờ khai xin bảo hộ của Hiệp ước Patent phải gồm các nội dung sau đây:
+ Tờ khai xin bảo hộ phải kiến nghị việc thực hiện xem xét đơn quốc tế theo Hiệp ước này;
+ Trong tờ khai xin bảo hộ, quốc gia có yêu cầu bảo hộ phải chỉ định Nước thành viên hoặc các nước khác mà ở đó sáng chế cần được bảo hộ trên cơ sở đơn quốc tế. Đối với một Nước nào đó được chỉ định mà có thể cấp patent khu vực và người nộp đơn muốn xin cấp patent khu vực chứ không phải xin cấp patent quốc gia thì phải chỉ ra điều đó trong tờ khai. Trong trường hợp theo Hiệp ước về patent khu vực mà người nộp đơn không thể hạn chế đơn của mình cho một số Nước thành viên nào đó của Hiệp ước này thì việc chỉ định một trong số các Nước thành viên này và việc nêu ra yêu cầu xin cấp patent khu vực phải được xem như là việc đã chỉ định tất cả các Nước thành viên của Hiệp ước đó. Ngoài ra, việc chỉ định này được xem như yêu cầu muốn được cấp patent khu vực nếu theo luật quốc gia của Nước được chỉ định mà việc chỉ định Nước này cũng có ý nghĩa pháp lý như đơn xin cấp patent khu vực;
+ Trong tờ khai xin bảo hộ phải có tên và các chỉ dẫn khác theo quy định về người nộp đơn và người đại diện (nếu có); tên sáng chế.
+ Nếu như luật quốc gia của ít nhất một trong số các Nước được chỉ định yêu cầu các chỉ dẫn này phải được kèm theo đồng thời với việc nộp đơn quốc gia thì phải có tên và các chỉ dẫn khác theo quy định về tác giả sáng chế (Lưu ý: Các chỉ dẫn nêu trên có thể trình bày hoặc ở trong tờ khai hoặc ở một văn bản riêng gửi cho từng Cơ quan quốc gia được chỉ định nơi mà luật quốc gia yêu cầu phải nộp các chỉ dẫn đó, nhưng cho phép nộp các chỉ dẫn như vậy sau khi nộp đơn quốc gia).
+ Khi làm tờ khai bảo hộ, các quốc gia cần lưu ý, sự thiếu tên và các chỉ dẫn khác về tác giả sáng chế trong tờ khai sẽ không gây hậu quả gì ở bất kỳ Nước được chỉ định nào nếu luật quốc gia của Nước đó yêu cầu nộp các chỉ dẫn như vậy, nhưng cho phép nộp chúng sau khi nộp đơn quốc gia. Việc không cung cấp các chỉ dẫn nêu trên bằng văn bản riêng sẽ không gây hậu quả ở bất kỳ Nước được chỉ định nào nếu luật quốc gia của Nước đó không yêu cầu phải cung cấp các chỉ dẫn như vậy. Ngoài ra, mọi sự chỉ định đều phải có kèm theo lệ phí trong thời hạn quy định.
– Về bản mô tả sáng chế công nghiệp cần được bảo hộ: Theo hiệp ước Patent, bản mô tả phải bộc lộ sáng chế một cách thật đầy đủ, rõ ràng sao cho chuyên gia trong lĩnh vực đó có thể thực hiện được sáng chế.
– Về yêu cầu bảo hộ:
Hiệp ước Patent quy định rõ, yêu cầu hoặc các yêu cầu bảo hộ phải xác định được đối tượng xin bảo hộ. Các yêu cầu bảo hộ này phải rõ ràng và cô đọng. Đặc biệt, các yêu cầu bảo hộ này phải hoàn toàn được bản mô tả sáng chế chứng minh.
– Về bản vẽ sản phẩm công nghiệp sáng chế cần được bảo hộ.
+ Các bản vẽ cần nộp để các quốc gia hiểu rõ sáng chế cần được bảo hộ.
+ Đối với trường hợp các bản vẽ không phải là cần thiết để hiểu rõ sáng chế nhưng bản chất của sáng chế cho phép có sự minh họa bằng các bản vẽ thì người nộp đơn có thể nộp các bản vẽ đó khi nộp đơn quốc tế. Ngoài ra, cơ quan được chỉ định bất kỳ có thể yêu cầu người nộp đơn nộp các bản vẽ đó trong thời hạn quy định.
– Về yêu cầu quyền ưu tiên
+ Theo quy định về quy chế của hiệp ước Patent, một quốc gia có thể yêu cầu quyền ưu tiên của một hoặc một số đơn nộp trước đó ở Nước bất kỳ hoặc cho Nước bất kỳ là thành viên của cap về bảo hộ sở hữu công nghiệp.
+ Các điều kiện và hiệu lực của yêu cầu quyền ưu tiên ở Nước đó sẽ do Luật quốc gia của Nước đó điều chỉnh nếu đơn quốc tế có yêu cầu quyền ưu tiên của một hoặc nhiều đơn đã được nộp trước đó ở một Nước thành viên hoặc cho một Nước thành viên có thể nêu việc chỉ định Nước thành viên đó.
– Về người nộp đơn:
Hiệp ước Patent quy định về người nộp đơn bảo hộ sáng chế công nghiệp như sau:
+ Bất kỳ một người cư trú hoặc một công dân nào của một Nước thành viên đều có thể nộp đơn quốc tế về sáng chế công nghiệp.
+ Đối với những người cư trú và công dân của bất kỳ Nước thành viên nào của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp mà không tham gia Hiệp ước này, nộp đơn quốc tế, đại hội đồng có thể quyết định cho phép các đối tượng này nộp đơn.
– Về cơ quan nhận đơn
Đơn quốc tế được nộp cho Cơ quan nhận đơn được ấn định, cơ quan này sẽ kiểm tra và xử lý đơn theo quy định của Hiệp ước này và Quy chế.
Trên đây là các nội dung chính của Hiệp ước Patent về bảo hộ sáng chế công nghiệp. Các nội dung của hiệp ước này mang tính áp dụng chung đối với tất cả các quốc gia thành viên. Đồng thời, đây cũng được xem là cơ sở vận hành hiệp ước.
3. Quy định về Đại hội đồng của hiệp hội Paten trong việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp:
Hiệp ước Patent quy định về Đại hội đồng như sau:
– Đại hội đồng của hiệp hội Patent bao gồm các Nước thành viên.
– Chính phủ của mỗi Nước thành viên được đại diện bởi một đại biểu, đại biểu này có thể có các cấp phó, các cố vấn và các chuyên viên giúp việc.
– Đại hội đồng sẽ thực hiện các công việc sau đây:
+ Đại hội đồng xem xét tất cả các vấn đề liên quan đến việc duy trì và phát triển Hiệp hội và việc thi hành Hiệp ước này;
+ Đại hội đồng thi hành các nhiệm vụ được giao riêng cho Đại hội đồng theo các quy định khác của Hiệp ước này;
+ Đại hội đồng đưa ra cho Văn phòng quốc tế các chỉ dẫn liên quan đến việc chuẩn bị các Hội nghị xem xét lại; đồng thời thực hiện xem xét và chuẩn y các báo cáo và hoạt động của Tổng giám đốc liên quan đến Hiệp hội và đưa ra cho Tổng giám đốc tất cả các chỉ dẫn cần thiết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hiệp hội;
+ Đại hội đồng xác định chương trình, thông qua ngân sách 3 năm của Hiệp hội và chuẩn y các quyết toán tài chính của Hiệp hội; chuẩn y các quy định về tài chính của Hiệp hội; thành lập các ủy ban và các nhóm công tác nếu thấy cần thiết để đạt được các mục đích của Hiệp hội;
+ Đại hội đồng có nhiệm vụ xác định những Nước khác không phải là Nước thành viên, các Tổ chức liên Chính phủ và các Tổ chức quốc tế phi Chính phủ được chấp nhận tham dự các cuộc họp của Hiệp hội với tư cách quan sát viên;
+ Đại hội đồng được tiến hành bất kỳ hoạt động phù hợp nào khác phục vụ những mục đích của Hiệp hội và thực hiện tất cả các chức năng khác theo Hiệp ước này.
+ Đại hội đồng thông qua quyết định sau khi tham khảo ý kiến của ủy ban phối hợp của Tổ chức đối với các vấn đề cũng là mối quan tâm đối với các Hiệp hội khác do Tổ chức điều hành.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Hiệp ước Patent.