Bảo đảm quyền của phụ nữ bằng pháp luật? Sự cần thiết bảo đảm quyền của phụ nữ trong tố tụng hôn nhân và gia đình? Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền của phụ nữ trong tố tụng hôn nhân và gia đình?
Mục lục bài viết
1. Bảo đảm quyền của phụ nữ bằng pháp luật:
Chiếm hơn một nửa trong xã hội nhưng phụ nữ lại là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi. Theo thống kê của Liên hợp quốc, phụ nữ chiếm đa số trong những người nghèo khổ của thế giới, trong tình trạng đó, phụ nữ luôn là người bị thiệt nhiều nhất về ăn uống, sức khỏe, giáo dục, đào tạo, cơ hội có việc làm và các nhu cầu khác; quyền được sống, tự do và an ninh cá nhân, kể cả quyền sống mạnh khỏe của phụ nữ cũng thường xuyên bị vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau. Bởi vậy, song song với việc ghi nhận quyền phụ nữ, vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ cũng là một nội dung cần được tiếp cận và làm rõ hơn.
Trải qua hàng trăm năm đấu tranh, ngày nay, quyền của phụ nữ đã được thừa nhận và trân trọng trên phạm vi toàn thế giới. Nhiều văn kiện và văn bản pháp luật quốc tế đã xác định và đề cao quyền của phụ nữ, coi đó như là một trách nhiệm của văn minh thế giới. Việc quy định quyền của phụ nữ trong pháp luật là sự ghi nhận về mặt pháp lý đối với vai trò của nữ giới trong xã hội, đây là bước tiến trong sự nghiệp giải phóng con người nói chung và giải phóng phụ nữ nói riêng.
Trong khoa học pháp lý, khái niệm bảo vệ quyền phụ nữ chưa được làm sáng tỏ một cách cụ thể mà được tiếp cận chủ yếu ở những cách thức và phương pháp bảo vệ nhất định. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để làm rõ về khái niệm này. Theo Từ điển tiếng Việt, bảo vệ là sự chống lại mọi sự xâm nhập. Bởi vậy, nếu theo cách cắt nghĩa từ ngữ nói trên, có thể hiểu bảo vệ quyền phụ nữ là hành vi của một chủ thể nhất định nhằm chống lại mọi sự xâm phạm đến các quyền con người của phụ nữ được pháp luật quốc gia và quốc tế ghi nhận.
Từ cách hiểu trên có thể nhận biết được một số đặc điểm về bảo vệ quyền phụ nữ:
– Thứ nhất: Chủ thể bảo vệ quyền phụ nữ. Quyền phụ nữ xuất hiện trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, đó là thành quả của sự phát triển lịch sử, của cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng phụ nữ, chống lại sự phân biệt đối
xử, đòi bình đẳng nam nữ trên toàn thế giới. Bởi vậy, khi xã hội ý thức được quyền phụ nữ cũng là lúc vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ được đặt ra. Bảo vệ quyền phụ nữ là một hành động khách quan, có thể do một cá nhân, một tổ chức, một quốc gia thực hiện. Tuy nhiên, trên bình diện quốc tế, bảo vệ quyền phụ nữ không phải là hành động mang tính riêng lẻ của một chủ thể nhất định mà đòi hỏi trách nhiệm của cả cộng đồng.
– Thứ hai: Khách thể bảo vệ quyền phụ nữ. Khách thể bảo vệ quyền phụ nữ chính là các quyền con người của phụ nữ được ghi nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế và quốc gia.
– Thứ ba: Hành động bảo vệ quyền phụ nữ. Hành động bảo vệ quyền phụ nữ là những cách thức được sử dụng để chống lại các hành vi xâm phạm tới quyền phụ nữ. Đối với một cá nhân, thông thường, có hai cách thức bảo vệ quyền phổ biến là: Tự bảo vệ mình và yêu cầu sự bảo vệ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Mỗi chủ thể khác nhau sẽ lựa chọn những cách thức bảo vệ quyền phụ nữ khác nhau (ví dụ: Bản thân người phụ nữ có thể bảo vệ quyền của mình bằng cách sử dụng cả hai biện pháp trên). Tuy nhiên, với những chủ thể đặc biệt như cộng đồng quốc tế hay một quốc gia, việc lựa chọn những cách thức phù hợp để bảo vệ quyền phụ nữ có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đảm bảo cho hành vi bảo vệ đạt được hiệu quả.
Như vậy, có nhiều phương thức để bảo vệ quyền con người, song phương thức quan trọng và không thể thiếu ấy chính là bảo vệ quyền con người bằng pháp luật. Theo đó, bảo vệ quyền con người nói chung và bảo vệ quyền quyền của phụ nữ bằng pháp luật nói riêng trước hết phải hiểu được sự ghi nhận các quyền con người bằng pháp luật và phải đảm bảo quyền đó được thực hiện. Mặt khác, do phụ nữ là một nhóm xã hội đặc biệt, nhóm yếu thế trong xã hội, bởi vậy quyền phụ nữ phải được xem xét và ghi nhận dựa trên cơ sở của vấn đề bình đẳng giới.
Chính vì vậy, bảo vệ quyền phụ nữ nói riêng và bảo vệ quyền con người nói chung phải kể đến vai trò quan trọng của Nhà nước. Nhà nước ghi nhận quyền con người, quyền phụ nữ và đảm bảo cho quyền này được thực hiện. Pháp luật chính là phương thức mang lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ quyền con người nói chung, quyền phụ nữ nói riêng. Bảo vệ quyền phụ nữ bằng pháp luật được hiểu là sự ghi nhận các quyền con người của phụ nữ vào các quy phạm pháp luật, đồng thời đảm bảo cho quyền đó được thực hiện trên thực tế bằng các chế tài nhất định. Pháp luật được bảo đảm thực thi bằng quyền lực nhà nước nên bảo vệ quyền phụ nữ bằng pháp luật hiện nay là cách thức hiệu quả nhất được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
2. Sự cần thiết bảo đảm quyền của phụ nữ trong tố tụng hôn nhân và gia đình:
Việc bảo vệ quyền phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ trước hết có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với bản thân người phụ nữ, đảm bảo cho người phụ nữ được hưởng đầy đủ các quyền chính đáng mà pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia ghi nhận. Nó hạn chế những hành vi xâm hại, làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ. Sự quy định bằng pháp luật về quyền của phụ nữ vừa tạo ra sự bình đẳng, vừa tạo cơ sở cho sự ưu tiên về mặt xã hội đối với phụ nữ. Pháp luật về nữ quyền xác định vị thế của người phụ nữ trong gia đình, đời sống xã hội có tác dụng cảnh báo những yêu cầu về sự bình đẳng giới như là sự tất yếu của xã hội loài người.
Bên cạnh đó, bởi những khía cạnh về giới và thực tiễn xã hội, những quan điểm sai trái, cổ hủ của nhiều thế hệ ở Việt Nam về phụ nữ dần được khắc phục. Không những thế, thông qua và bằng các quy định của pháp luật, Nhà nước và xã hội còn xác định những ưu tiên đối với phụ nữ nhằm động viên và phát huy vai trò của người phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội. Đóng vai trò quan trọng bảo vệ quyền phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ chính là Nhà nước – cơ quan cao nhất đại diện cho quốc gia, dân tộc. Pháp luật vừa là công cụ, vừa là cách thức chủ yếu để các quốc gia ghi nhận vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ. Bảo vệ quyền phụ nữ bằng pháp luật không chỉ là việc ghi nhận các quyền của người phụ nữ mà còn đảm bảo cho các quyền đó được thực hiện bằng tính cưỡng chế tuyệt đối của pháp luật. Sử dụng hiệu quả công cụ bảo vệ này chính là sự thể hiện trình độ quản lý của một quốc gia.
Hiện nay, quyền con người về HN&GĐ đã được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Bảo vệ quyền phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ cũng chính là một trong những hành động cụ thể của việc bảo vệ quyền phụ nữ nói riêng, quyền con người nói chung, mang lại ý nghĩa sâu sắc về mặt thực tiễn, góp phần vào nỗ lực chung của toàn nhân loại trong việc đấu tranh chống lại sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ của toàn nhân loại.
3. Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền của phụ nữ trong tố tụng hôn nhân và gia đình:
Nhận thức của con người về vai trò của người phụ nữ đã xuất hiện từ rất sớm nhưng vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ chỉ thực sự được coi như một trách nhiệm, một yêu cầu cấp thiết khi Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền ra đời (1948). Tuyên ngôn đã nhấn mạnh: “Bà mẹ và trẻ em được đảm bảo chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt” . Đây là sự thừa nhận của xã hội đối với chức năng làm mẹ của người phụ nữ, với chức năng này, người mẹ được coi là chủ thể đặc biệt của xã hội, họ có quyền được ưu tiên chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ. Sau Tuyên ngôn nhân quyền, sự quan tâm của nhân loại đối với người phụ nữ và việc bảo vệ quyền lợi của họ đã được thể hiện ngày càng rõ hơn.
Hiện nay, vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ nói chung, bảo vệ quyền phụ nữ trong quan hệ kết hôn với người nước ngoài nói riêng đã được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Tôn trọng, bảo vệ quyền phụ nữ đã thực sự là tiêu chí để đánh giá tiến bộ xã hội. Trên thực tế, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đã ban hành, ký kết và tham gia nhiều văn bản pháp lý công nhận, thực thi và bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền phụ nữ như Hiến chương Liên hợp quốc (1945), Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948), Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ (1952), Công ước về quốc tịch của người phụ nữ lấy chồng (1957), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966), Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt, đối xử đối với phụ nữ (1979) CEDAW, ...
Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) quy định về quyền được xét xử công bằng:
Mọi người đều bình đẳng trước tòa án và cơ quan tài phán. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự, hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự ... [6, Điều 14].
Trong số các văn kiện pháp lý về quyền con người, có thể khẳng định, CEDAW là văn bản quan trọng nhất do Liên hợp quốc thông qua đề cập một cách toàn diện, cụ thể các quyền con người cơ bản của người phụ nữ; là văn bản pháp lý thể hiện sự đồng tâm của cộng đồng thế giới trong việc bảo vệ quyền phụ nữ nói chung, quyền của người phụ nữ trong quan hệ kết hôn với người nước ngoài nói riêng. Điều này đem lại sức mạnh pháp lý quốc tế cũng như sự phổ cập rộng rãi của Công ước trong đời sống quốc tế.
Theo Ủy ban Nhân Quyền, cho tới nay đã có 186 quốc gia trên thế giới phê chuẩn hoặc ký kết Công ước CEDAW, chiếm hơn 90% thành viên của Liên hợp quốc. Với cơ cấu gồm Lời nói đầu, 6 phần và 30 điều khoản, Công ước CEDAW đã điều chỉnh các quyền của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực chính trị kinh tế văn hóa phân biệt đối xử trong các lĩnh vực nói trên. Tinh thần của Công ước được xây dựng trên cơ sở các mục tiêu của Liên hợp quốc nhằm bảo đảm nhân cách, phẩm giá và các quyền cơ bản của con người cũng như quyền bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Công ước CEDAW không chỉ giải thích rõ ý nghĩa của bình đẳng mà còn chỉ ra phương thức giành quyền bình đẳng đó. Điều 16, đề cập tới quan hệ HN&GĐ, khẳng định quyền bình đẳng và nghĩa vụ của phụ nữ và nam giới trong việc lựa chọn bạn đời, làm cha mẹ, quyền nhân thân và làm chủ mọi tài sản của mình; ...
Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia và phê chuẩn Công ước CEDAW, cho đến nay, trải qua hơn 30 năm phát triển, với vai trò là thành viên của Công ước CEDAW, Việt Nam đã tích cực nội luật hóa các quy định của Công ước CEDAW vào hệ thống pháp luật, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật với nội dung bảo vệ quyền phụ nữ như: Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995, 2005; Luật HN&GĐ năm 2014, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Bình đẳng giới năm 2008, ... Như vậy, mặc dù chưa có nhiều quy định về bảo vệ quyền phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ nhưng các văn bản pháp luật quốc tế nói trên đã tạo tiền đề để các quốc gia có cơ sở, nội luật hóa những quy định trên vào hệ thống pháp luật quốc gia, góp phần bảo vệ cụ thể hơn quyền phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ.