Khung giá đất sẽ được sử dụng làm căn cứ để cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quy định về bảng giá đất tại địa phương đó. Khung giá đất sẽ được Chính Phủ ban hành định kỳ là 05 năm một lần. Vậy bảng khung giá đất nuôi trồng thủy sản được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Khung giá đất nuôi trồng thuỷ sản:
Khung giá đất chính là các quy định của Chính phủ về xác định giá đất từ tối thiểu đến tối đa cho mỗi loại đất cụ thể. Khung giá đất chính là cơ sở để các Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm căn cứ để xây dựng và công bố, điều chỉnh bảng giá đất ở các địa phương đó và áp dụng để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tính tiền thuế chuyển quyền sử dụng đất; tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất,…
Điều 113 Luật Đất đai 2013 quy định về khung giá đất, Điều Luật này quy định rằng:
“Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp”.
Theo đó, khung giá đất sẽ được Chính Phủ ban hành định kỳ 05 năm một lần đối với mỗi loại đất, theo từng vùng. Trong nội dung của khung giá đất sẽ quy định về mức giá tối thiểu, mức giá tối đa đối với từng loại đất và được quy định theo các vùng kinh tế, loại đô thị, cụ thể như sau:
Quy định mức giá tối thiểu, tối đa đối với các loại đất sau đây:
– Nhóm đất nông nghiệp:
+ Khung giá đất của đất trồng cây hàng năm bao gồm có đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
+ Khung giá đất của đất trồng cây lâu năm;
+ Khung giá đất của đất rừng sản xuất;
+ Khung giá đất của đất nuôi trồng thủy sản;
+ Khung giá đất của đất làm muối;
– Nhóm đất phi nông nghiệp:
+ Khung giá đất của đất ở tại nông thôn;
+ Khung giá đất của đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn;
+ Khung giá đất của đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại và dịch vụ tại nông thôn;
+ Khung giá đất của đất ở tại đô thị;
+ Khung giá đất của đất thương mại, dịch vụ tại đô thị;
+ Khung giá đất của đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại và dịch vụ tại đô thị.
– Khung giá đất được quy định theo những vùng kinh tế, loại đô thị sau đây:
+ Vùng kinh tế gồm: các vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, các vùng Đồng bằng sông Hồng, các vùng Bắc Trung bộ, các vùng Duyên hải Nam Trung bộ, các vùng Tây Nguyên, các vùng Đông Nam bộ, các vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc quy định về khung giá đất nông nghiệp; khung giá đất phi nông nghiệp tại nông thôn của từng vùng kinh tế sẽ được xác định theo 3 loại là xã đồng bằng, trung du, miền núi.
+ Các loại đô thị gồm có: có Đô thị loại đặc biệt, có đô thị loại I, có đô thị loại II, có đô thị loại III, có đô thị loại IV, có đô thị loại V.
Việc quy định về khung giá đất phi nông nghiệp tại các đô thị sẽ được xác định theo vùng kinh tế và theo loại đô thị.
Đất nuôi trồng thuỷ sản chính là loại đất mà được sử dụng chuyên vào mục đích là nuôi, trồng thuỷ sản nước lợ, nước mặn và nước ngọt.
Khung giá đất nuôi trồng thủy sản được quy định trong Phụ lục IV Ban hành kèm theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định về khung giá đất, cụ thể như sau:
Đơn vị tính: Nghìn đồng/m2
Loại xã Vùng kinh tế | Xã đồng bằng | Xã trung du | Xã miền núi | |||
Giá tối thiểu | Giá tối đa | Giá tối thiểu | Giá tối đa | Giá tối thiểu | Giá tối đa | |
1. Vùng trung du và miền núi phía Bắc | 22,0 | 60,0 | 20,0 | 85,0 | 8,0 | 70,0 |
2. Vùng đồng bằng sông Hồng | 30,0 | 212,0 | 28,0 | 165,0 | 21,0 | 95,0 |
3. Vùng Bắc Trung bộ | 6,0 | 115,0 | 4,0 | 95,0 | 3,0 | 70,0 |
4. Vùng duyên hài Nam Trung bộ | 7,0 | 120,0 | 6,0 | 85,0 | -4,0 | 70,0 |
5. Vùng Tây Nguyên | 4,0 | 60,0 | ||||
6. Vùng Đông Nam bộ | 10,0 | 250,0 | 9,0 | 110,0 | 8,0 | 160,0 |
7. Vùng đồng bằng sông Cửu Long | 12,0 | 250,0 |
2. Quy định về giá đền bù, bồi thường khi thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
Khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nuôi trồng thủy sản mà còn thời hạn sử dụng thì sẽ được nhà nước bồi thường về đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại khi người sử dụng đất có đủ điều kiện được bồi thường theo đúng quy định của pháp luật. Chi phí đầu tư vào đất còn lại được hiểu là các chi phí mà người đang sử dụng đất đã thực hiện đầu tư vào đất phù hợp đúng với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra quyết định thu hồi đất còn chưa thu hồi hết.
Bồi thường về đất:
Việc bồi thường về đất sẽ được thực hiện bằng việc giao đất mà có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, có nghĩa là khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản thì nhà nước sẽ bồi thường cho người sử dụng đất bị thu hồi bằng cách giao đất có mục đích sử dụng đất là đất nuôi trồng thủy sản cho người bị thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì người bị thu hồi đất sẽ được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của đất nuôi trồng thủy sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất bị thu hồi quyết định ngay tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Điều kiện để hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nuôi trồng thủy sản được nhà nước đền bù khi bị thu hồi bao gồm:
– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm;
– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc là có đủ điều kiện để được cấp về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai nhưng mà chưa được cấp.
Bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thuỷ sản của hộ gia đình, cá nhân:
– Diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản được bồi thường bao gồm là diện tích trong hạn mức theo quy định của pháp luật về đất đai và diện tích đất do được nhận thừa kế;
– Đối với diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản vượt hạn mức quy định của pháp luật về đất đai thì không được bồi thường về đất;
– Đối với diện tích đất nuôi trồng thủy sản do nhận chuyển quyền sử dụng đất mà vượt hạn mức trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì việc bồi thường, hỗ trợ sẽ được thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ, cụ thể như sau:
+ Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nuôi trồng thuỷ sản vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 do người đó được thừa kế, được tặng cho, được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người khác theo đúng quy định của pháp luật mà đủ các điều kiện được bồi thường thì sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo đúng diện tích thực tế mà Nhà nước thu hồi.
+ Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nuôi trồng thuỷ sản vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 do người đó được thừa kế, được tặng cho, được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người khác nhưng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc là không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai thì sẽ chỉ được bồi thường đối với phần diện tích đất ở trong hạn mức giao đất nuôi trồng thuỷ sản. Đối với phần diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản mà vượt hạn mức giao đất nuôi trồng thuỷ sản thì sẽ không được bồi thường về đất nhưng sẽ được xem xét hỗ trợ khác để bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với những người có đất thu hồi.
Bồi thường về chi phí đầu tư vào đất còn lại:
Đối tượng sẽ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi mà Nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thuỷ sản vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là:
– Đất nuôi trồng thuỷ sản được Nhà nước cho thuê có trả tiền thuê đất hàng năm; đất nuôi trồng thuỷ sản thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả một thời gian thuê nhưng thuộc trường hợp được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp là hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất thuê là do thực hiện chính sách đối với những người có công với cách mạng;
– Đất nhận khoán để nuôi trồng thủy sản;
– Diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản vượt hạn mức quy định của pháp luật.
3. Cách tính giá đền bù và hỗ trợ khi thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
Giá bồi thường đối với đất bị thu hồi sẽ dựa trên bảng giá bán đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Công thức tính như sau:
Giá đền bù đất nông nghiệp = Diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi (m2) x Giá đền bù đất (VNĐ/m2).
Trong đó:
Giá đền bù đất = Giá đất ghi trong bảng giá đất x Hệ số điều chỉnh đất nông nghiệp qua mỗi năm x Hệ số điều chỉnh khác (nếu có).
Để xác định giá đất được bồi thường thì các cơ quan chức năng sẽ điều tra, thu thập thông tin về thửa đất đó và giá nhà đất hiện nay cũng như những thông tin về giá đất trên cơ sở dữ liệu đất đai. Từ đó áp dụng phương pháp định giá đất đền bù cho phù hợp.
Bên cạnh việc nhận bồi thường giá trị đất bị thu hồi, người dân còn được hỗ trợ về đời sống. Theo Điều 19
Theo đó, nếu thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì mỗi nhân khẩu được hỗ trợ tối đa là:
- 06 tháng nếu nhân khẩu đó không phải di chuyển chỗ ở.
- 12 tháng nếu nhân khẩu đó phải di chuyển chỗ ở.
- 24 tháng nếu nhân khẩu đó phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn.
Nếu thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì mỗi nhân khẩu được hỗ trợ:
- 12 tháng nếu nhân khẩu đó không phải di chuyển chỗ ở.
- 24 tháng nếu nhân khẩu đó phải di chuyển chỗ ở.
- 36 tháng nếu nhân khẩu đó phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Đất đai 2013;
– Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định về khung giá đất;
– Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.