Cả trong quá trình mua bán đất đai và sử dụng đất, chúng ta thường phải quan tâm đến bảng giá đất và giá đất. Tuy nhiên, chúng ta lại không tìm hiểu rõ vai trò của bảng giá đất, cũng như cách xem bảng giá đất như thế nào cho đúng.
Mục lục bài viết
1. Bảng giá đất là gì?
Theo quy định tại Điều 114 Luật đất đai năm 2013, “Bảng giá đất” và “Giá đất cụ thể” là khác nhau. Cụ thể:
Đối với bảng giá đất
– Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ.
Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất ít nhất 60 ngày, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi dự thảo bảng giá đất đến cơ quan có chức năng xây dựng khung giá đất xem xét, trường hợp có chênh lệch lớn về giá đất giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Như vậy, bảng giá đất là bảng tập hợp các mức giá đất cho mỗi loại đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố hàng năm vào ngày 1/1 trên cơ sở qui định của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất.
Đối với giá đất cụ thể
– Giá đất cụ thể do UBND tỉnh quyết định dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp và được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:
+ Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân. Tính tiền thuê đất đối với đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất, vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân;
+ Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức mà phải nộp tiền sử dụng đất;
+ Tính tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất;
+ Tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền thuê đất đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm;
+ Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Như vậy, khi nhà nước tiến hành thu hồi đất, trường hợp người dân có đủ điều kiện được bồi thường thì sẽ dựa vào “Giá đất cụ thể” của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất chứ không phải dựa vào giá tại “Bảng giá đất” 05 năm.
– Bảng giá đất trong tiếng anh là Land Price Table
– Định nghĩa về bảng giá đất trong tiếng anh được hiểu là:
The land price list is a table of land prices for each type of land announced annually by the People’s Committee of the province or centrally run city on January 1 on the basis of the Government’s regulations on the method of determining land prices and price brackets of land types.
– Một số từ vựng tiếng anh tiêu biểu liên quan trong cùng lĩnh vực như:
convert (v) : chuyển đổi
decimate (v) : phá huỷ, tiêu hao
deplete (v) : tháo hết, xả hết
diversity (n) : sự đa dạng
edible (adj) : có thể ăn được
eliminate (v) : loại bỏ, gạt ra
exhaust (v) : dùng hết, cạn kiệt
extract (v) : khai thác, rút ra
fertile (adj) : màu mỡ, phì nhiêu
fluid (n) : chất lỏng
gypsum (n) : thạch cao
2. Bảng giá đất dùng để làm gì? Có mấy loại giá đất:
2.1. Căn cứ xây dựng bảng giá đất:
Nguyên tắc định giá đất
a) Theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá;
b) Theo thời hạn sử dụng đất;
c) Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất;
d) Cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau
Phương pháp định giá đất
1. Phương pháp so sánh trực tiếp:
Định giá đất thông qua việc phân tích mức giá của các thửa đất trống tương tự về mục đích sử dụng đất, vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng, diện tích, hình thể, tính pháp lí về quyền sử dụng đất (sau đây gọi là thửa đất so sánh) đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất để so sánh, xác định giá của thửa đất cần định giá.
2. Phương pháp chiết trừ:
Định giá đất đối với thửa đất có tài sản gắn liền với đất bằng cách loại trừ phần giá trị tài sản gắn liền với đất ra khỏi tổng giá trị bất động sản (bao gồm giá trị đất và giá trị tài sản gắn liền với đất).
3. Phương pháp thu nhập:
Định giá đất tính bằng thương số giữa mức thu nhập ròng thu được bình quân một năm trên một đơn vị diện tích đất so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân một năm tính đến thời điểm định giá đất của loại tiền gửi VNĐ kì hạn 12 tháng tại ngân hàng thương mại nhà nước có mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất trên địa bàn cấp tỉnh.
4. Phương pháp thặng dư:
Định giá đất đối với thửa đất có tiềm năng phát triển theo qui hoạch sử dụng đất, qui hoạch xây dựng hoặc được phép chuyển mục đích sử dụng đất để sử dụng cao nhất và tốt nhất bằng cách loại trừ tổng chi phí ước tính ra khỏi tổng doanh thu phát triển giả định của bất động sản.
Nội dung bảng giá đất
1. Quy định bảng giá đất đối với các loại đất sau đây:
a) Bảng giá đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
b) Bảng giá đất trồng cây lâu năm;
c) Bảng giá đất rừng sản xuất;
d) Bảng giá đất nuôi trồng thủy sản;
đ) Bảng giá đất làm muối;
e) Bảng giá đất ở tại nông thôn;
g) Bảng giá đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn;
h) Bảng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn;
i) Bảng giá đất ở tại đô thị;
k) Bảng giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị;
l) Bảng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị;
Ngoài các bảng giá đất quy định tại Khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ban hành chi tiết bảng giá các loại đất theo phân loại đất quy định tại Điều 10 của Luật Đất đai phù hợp với thực tế tại địa phương.
Bảng giá đất được xây dựng theo vị trí đất. Đối với địa phương đã có bản đồ địa chính và có điều kiện về nhân lực, kinh phí thì bảng giá đất được xây dựng đến từng thửa đất.
2.2. Bảng giá đất được sử dụng trong các trường hợp:
Bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp:
Một là, Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân.
– Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức. Khi được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất sẽ được tính theo 2 loại giá đất khác nhau:
+ Nếu công nhận phần diện tích đất ở trong hạn mức thì nộp tiền sử dụng đất theo đúng giá đất tại bảng giá đất.
+ Nếu công nhận phần diện tích vượt hạn mức thì tiền sử dụng đất phải nộp được tính theo giá đất cụ thể.
– Tính tiền sử dụng đất khi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân.
Hai là, Tính thuế sử dụng đất
Tùy thuộc vào loại đất được sử dụng mà người sử dụng đất có nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, trừ trường hợp được miễn.
Theo Thông tư 153/2011/TT-BTC, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nếu không thuộc trường hợp được miễn, giảm thì được tính như sau:
Thuế phải nộp = (Diện tích x Giá của 1m2 đất) x Thuế suất
Ba là, Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai
Khi đăng ký quyền sử dụng đất thì người có quyền sử dụng đất phải nộp lệ phí trước bạ. Trường hợp đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu thì lệ phí trước bạ phải nộp bằng giá đất tại bảng giá đất x 0.5%.
Bốn là, Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
Năm là, Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai
Sáu là, Tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
3. Phân biệt khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể:
Tiêu chí so sánh
| Khung giá đất | Bảng giá đất | Giá đất cụ thể |
Căn cứ pháp lý | – Nghị định 44/2014/NĐ-CP – Điều 113 Luật Đất đai 2013 | – Điều 114 Luật Đất đai 2013 | – Điều 114 Luật Đất đai 2013 |
Định nghĩa | Giá đất từ tối thiểu đến tối đa cho từng loại đất | Tập hợp các mức giá cho mỗi loại đất | Giá đất theo mục đích sử dụng và thời hạn sử dụng đất ghi trong quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, quyết định thu hồi đất |
Cơ quan ban hành | Do Chính phủ quy định | Do UBND cấp tỉnh ban hành trên cơ sở xác định giá đất và khung giá các loại đất | Do UBND cấp tỉnh xây dựng |
Căn cứ xây dựng | – Nguyên tắc định giá đất theo quy định tại Điều 112 Luật Đất đai năm 2013 – Phương pháp định giá đất theo Điều 4 Nghị định 44/2014/NĐ-CP – Kết quả tổng hợp, phân tích thông tin về giá đất trên thị trường – Kết quả tổng hợp, phân tích các yếu tố tự nhiên, kinh tế – xã hội, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất | – Thông tin bảng giá đất – Thông tin về giá đất trên thị trường – Điều kiện kinh tế và xã hội tại địa phương. | |
Thời hạn ban hành | Xây dựng định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng | Xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày đầu tiên của năm đầu kỳ | Không có quy định cụ thể về thời hạn ban hành |
Trường hợp áp dụng | Dùng làm căn cứ để UBND cấp tỉnh quy định bảng giá đất tại địa phương | Trong một số trường hợp dùng để tính tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất, xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất… | Dùng để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hổi đất. Ngoài ra, được sử dụng làm giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng (trường hợp Nhà nước giao đất có thu quyền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất và thu tiền 1 lần cho cả khoảng thời gian thuê) |
Trường hợp điều chỉnh | Có sự điều chỉnh phù hợp khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc tối thiểu của khung giá đất trong khoảng thời gian trên 180 ngày | – Khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất tăng từ 20% hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc tối thiểu. – Khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc tối thiểu của bảng giá đất trong khoảng thời gian trên 180 ngày | Có sự điều chỉnh phù hợp tùy thuộc vào hệ số điều chỉnh giá đất |