Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước hay Chứng chỉ quản lý nhà nước được sử dụng để xác định và đánh giá trình độ, năng lực đào tạo của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các công tác quản lý nhà nước. Vậy có bằng cấp nào có thể thay thế cho chứng chỉ quản lý nhà nước hay không?
Mục lục bài viết
1. Bằng cấp nào thay thế cho chứng chỉ quản lý nhà nước?
Quản lý nhà nước là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước, được các cơ quan tổ chức thuộc Nhà nước thực hiện. Mục đích chính của việc này là để xác lập trật tự ổn định và thúc đẩy sự phát triển xã hội theo mục tiêu Chính phủ đề ra. Để hoàn thành tốt thì các cá nhân được tin tưởng giao quyền thực thi quyền lực phải có sự am hiểu về kiến thức, trang bị cho mình những kỹ năng chuyên môn trong từng lĩnh vực và nhiệm vụ được giao.
Môt trong những cách để đánh giá trình độ, năng lực đào tạo của cán bộ, công viên chức trong quá trình thực hiện các công việc quản lý nhà nước thì có thể xem xét thông qua văn bằng, chứng chỉ xác nhận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì việc thay thế bằng cấp, chứng chỉ có thể được diễn ra nếu được pháp luật cho phép, có thể kể đến trường hợp sau:
- Cá nhân để trở thành ngach chuyên viên cao cấp thì cần đảm bảo những tiêu chuẩn nhất định, mà theo quy định tại Khoản 4, Điều 5 Thông tư 02/2021/TT-BNV được sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2022/TT-BNV có ghi nhận:
+ Cá nhân này cần trải qua quá trình đào tạo và đã được cấp bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc đối với chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;
+ Liên quan đến đảm bảo điều kiện về lý luận chính trị thì cần sở hữu bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc bằng cao cấp lý luận chính trị – hành chính hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền;
+ Bên cạnh đó là có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị – hành chính;
- Những tiêu chuẩn được đề ra với ngạch chuyên viên chính:
+ Về trình độ, chuyên mô: Thì cá nhân phải sở hữu được bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;
+ Đã tham gia quá trình đào tạo và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, trang bị được các kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị – hành chính;
- Theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này thì cá nhân là ngạch chuyên viên sẽ cần có tối thiểu tiêu chí như:
+ Cung cấp được bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;
+ Đồng thời cũng không thể thiếu được chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương;
Với các nội dung đã trình bày thì cá nhân đã có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị – hành chính, thạc sỹ quản lý hành chính công có thể được sử dụng để thay cho chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính.
2. Tiêu chuẩn quản lý nhà nước đối với các trường hợp có bằng cao cấp lý luận chính trị – hành chính:
Liên quan đến việc hướng dẫn về tiêu chuẩn quản lý nhà nước quy định tại Nghị định số 29/2024/NĐ-CP(1) đối với các trường hợp có bằng cao cấp lý luận chính trị – hành chính thì Bộ Nội vụ có trách nhiệm thực hiện hoạt động này. Để trả lời Công văn 282/SNV-CCVC ngày 26/3/2024 của Sở Nội vụ tỉnh Thái Bình về việc hướng dẫn về tiêu chuẩn quản lý nhà nước quy định tại Nghị định 29/2024/NĐ-CP đối với các trường hợp có bằng cao cấp lý luận chính trị – hành chính thì Bộ Nội vụ đã giải thích như sau:
- Xét đến trường hợp cá nhân đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc ngạch chuyên viên cao cấp theo quy định của pháp luật trước ngày 01/8/2021 thì được xác định là đáp ứng tiêu chuẩn về quản lý nhà nước của ngạch công chức đã được bổ nhiệm và không phải hoàn thiện tiêu chuẩn về quản lý nhà nước tương ứng trong trường hợp tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo quản lý có quy định;
- Còn trong trường hợp có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị – hành chính trước ngày 30/6/2022 thì thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 89/2021/NĐ-CP, cụ thể là không phải hoàn thiện tiêu chuẩn về quản lý nhà nước tương ứng trong trường hợp tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý có quy định.
3. Để được cấp chứng chỉ quản lý nhà nước thì có thể đăng ký đào tạo ở đâu?
- Chứng chỉ quản lý nhà nước là văn bản có giá trị vô cùng quan trọng bởi hoạt động của các cá nhân tham gia quản lý nhà nước có ảnh hưởng đến sự phát triển của cả quốc gia nên việc cấp chứng chỉ cũng phải thật sự chặt chẽ, không chỉ nghiêm túc trong việc xem xét điều kiện và tiêu chuẩn mà bên cạnh đó những cơ quan được cấp chứng chỉ này cũng chỉ được thực hiện bởi một số cơ quan nhất định. Căn cứ Điều 4 Thông tư 01/2018/TT-BNV quy định về in, cấp và quản lý chứng chỉ bồi dưỡng như sau:
+ Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu được quyền in, cấp chứng chỉ các chương trình bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền giao thực hiện. Mẫu chứng chỉ được cấp cho người đủ điều kiện sẽ theo quy định tại Phụ lục 01 Thông tư này;
+ Nếu đảm bảo điều kiện thì chứng chỉ bồi dưỡng được cấp 01 lần cho học viên hoàn thành khóa học. Trường hợp chứng chỉ đã cấp cho học viên nhưng phát hiện có sai sót do lỗi của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu thì các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu có trách nhiệm cấp lại cho học viên;
+ Đối với trường hợp chứng chỉ bị mất, hư hỏng, người được cấp chứng chỉ làm hồ sơ đề nghị đến cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu để được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học. Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học có giá trị sử dụng như chứng chỉ bồi dưỡng. Mẫu giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học sẽ được thực hiện theo quy định tại Phụ lục 02 Thông tư này;
+ Về vấn đề quản lý việc cấp chứng chỉ thì phải đảm bảo được công khai, minh bạch, chặt chẽ trong cấp chứng chỉ. Nghiêm cấm mọi hành vi gian lận trong việc in, cấp, quản lý và sử dụng chứng chỉ. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu sẽ chịu trách nhiệm với những hoạt động này;
- Căn cứ Điều 27 Nghị định 101/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 89/2021/NĐ-CP) hoạt động đào tạo, tổ chức bồi dưỡng cấp chứng chỉ quản lý có thể được thực hiện ở các cơ sở sau:
+ Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức bồi dưỡng các chương trình sau: Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương; công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương;
+ Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức bồi dưỡng các chương trình sau: Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương; công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương;
+ Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương tổ chức bồi dưỡng các chương trình sau: Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên và tương đương; công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương
Văn bản pháp luật được sử dụng:
- Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
- Thông tư số 01/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ: Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
- Thông tư số 06/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.
THAM KHẢO THÊM: