Hiện nay, nhu cầu được bảo hộ về giống cây trồng ngày càng diễn ra phổ biến, chỉ khi thực hiện thủ tục bảo hộ này thì mới đảm bảo được quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu. Vậy, Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực bao lâu?
Mục lục bài viết
1. Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực bao lâu?
Giống cây trồng không còn là thuật ngữ quá xa lạ trong đời sống của con người nhưng không phải ai cũng có thể biết cách định nghĩa chính xác nhất. Theo quy định tại Khoảng 5, Khoản 24 Điều 5 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ thì giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.
Việc cá nhân, tổ chức tạo hoặc phát triển, phát hiện được giống cây trồng hoàn toàn có quyền được đăng ký bảo hộ để đảm bảo quyền lợi của mình. Tuy nhiên, đăng ký bảo hộ chỉ được chấp thuận nếu qua quá trình xem xét cơ quan có thẩm quyền thấy đủ yếu tố để được cấp bằng. Hiện nay, hiệu lực của Bằng bảo hộ giống cây trồng cũng chỉ có thời hạn nhất định, được quy định tại Điều 169 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể như sau:
– Pháp luật ghi nhận bằng bảo hộ giống cây trồng nếu đã được cấp cho cá nhân, tổ chưc thì có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam;
– Riêng đối với giống cây thân gỗ và cây leo thân gỗ thì bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết hai mươi lăm năm đối với ; còn những cây trồng khác sẽ có hiệu lực đến hết hai mươi năm;
– Nếu trong quá trình sử dụng bằng bảo hộ giống cây trồng mà có hành vi phạm thì có thể bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ hiệu lực theo quy định tại Điều 170 và Điều 171 của Luật này.
Theo quy định trên thì bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết hai mươi lăm năm đối với giống cây thân gỗ và cây leo thân gỗ; đến hết hai mươi năm đối với các giống cây trồng khác.
Như vậy, tùy vào loại cây trồng mà thời hạn hiệu lực của bằng bảo hộ cũng có sự khác biệt.
2. Thủ tục để được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng:
Để có thể được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng thì những phát hiện này đảm bảo được điều kiện chung đối với giống cây trồng được bảo hộ. Theo Điều 158 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ như sau: Giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.
– Thứ nhất, đảm bảo về tính mới: phải đảm bảo rằng vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký hoặc người được phép của người đó bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký 01 năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký 06 năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây leo thân gỗ, 04 năm đối với giống cây trồng khác;
– Thứ hai, có tính khác biệt: điều này thể hiện rõ ở việc là khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác, sự khác biệt này được nhiều người biết đến và công nhận tồn tại trên thực tế. Giống cây trồng được biết đến rộng rãi là giống cây trồng cây trồng thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Tính đến thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ thì giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc vật liệu thu hoạch của giống đó được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường, có thể tồn tại ở nhiều quốc gia khác nhau;
+ Nếu những giống cây trồng mà cá nhân tổ chức tạo nên hay phát hiện ra đã được bảo hộ hoặc đưa vào Danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào cũng nằm trong trường hợp này;
+ Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký bảo hộ hoặc đơn đăng ký vào Danh mục giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào, và phải đảm bảo rằng các đơn yêu cầu cấp bằng bảo hộ không bị cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó từ chối.
– Thứ ba, phải đảm bảo là có tính đồng nhất: tính đồng nhất được thể hiện rõ khi giống cây trồng đó có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống.
– Thứ tư, có tính ổn định: Điều kiện này được ghi nhận khi trải qua các vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ vẫn không có sự thay đổi, giữ nguyên được tình trạng giống cây như ban đầu, không bị chuyển đổi;
– Thứ năm, tên giống cây trồng được đặt phù hợp: Theo quy định thì tên giống cây trồng được đặt mà có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự.
Lưu ý: Hiện nay, tên của giống cây trồng không được coi là phù hợp trong các trường hợp sau đây
– Tên của giống cây trồng đặt nhưng lại chỉ chứa các chữ số, trừ trường hợp chữ số liên quan đến đặc tính hoặc sự hình thành giống đó hoặc bao gồm cả tên loài của giống cây trồng đó;
– Tên gọi được sử dụng nhưng vi phạm đạo đức xã hội;
– Khi tiến hành gọi tên mà tên này quá phổ biến và dễ gây hiểu nhầm về các đặc trưng, đặc tính, giá trị của giống đó;
– Đồng thời, nếu sử dụng tên gọi dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả cũng sẽ không được chấp thuận;
– Có sự trùng lặp hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày công bố đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng;
– Khi sử dụng những tên gọi mà làm ảnh hưởng đến quyền đã có trước của tổ chức, cá nhân khác.
3. Hồ sơ cần chuẩn bị cho hoạt động xin cấp bằng bảo hộ giống cây trồng:
Cá nhân, tổ chức có nhu cầu cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng thì hoàn thiện hồ sơ dưới đây để được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt yêu cầu:
+ Căn cứ theo quy định tại Điều 174 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ thì cần có Tờ khai đăng ký bảo hộ giống cây trồng (mẫu tại Phụ lục 4 của Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNT);
+ Gửi kèm theo 01 Tờ khai kỹ thuật khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định (khảo nghiệm DUS);
+ Nếu thủ tục này được thực hiện bởi một cá nhân khác không phải người tạo hoặc phát hiện ra giống cây trồng thì được ủy quyền và lập nên
+ Bổ sung cho cơ quan có thẩm quyền về hình ảnh chụp mẫu giống: Số lượng ảnh nộp tối thiểu 03 ảnh màu, kích cỡ tối thiểu 9cm x 15cm thể hiện 3 tính trạng đặc trưng của giống đăng ký;
+ Đồng thời là cung cấp được tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người đăng ký là người được chuyển giao quyền đăng ký;
+ Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
+ Đối với việc hoàn tất thủ tục này thì việc nộp phí là không thể tránh khỏi nên cần nộp lại chứng từ đã hoàn tất nghĩa vụ nộp phí, lệ phí;
+ Trong một số trường hợp mà có thêm những tài liệu khác bổ trợ cho đơn thì cũng có thể nộp cùng những giấy tờ nêu trên.
– Cơ quan giải quyết:
Cá nhân, tổ chức tiến hành nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng hoặc qua tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng đến Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn bằng một trong các hình thức sau đây: Hồ sơ có thể được nộp trực tiếp; hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính; Phương thức nộp qua môi trường điện tử cũng có thể được áp dụng.
Lưu ý: Hồ sơ nộp qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ.
THAM KHẢO THÊM: