Bản vẽ kĩ thuật là bản vẽ được sử dụng để chế tạo, thi công, đánh giá sản phẩm, đây được xem là tác phẩm của kỹ sư, nhà thiết kế ... trong quá trình thi công công trình xây dựng. Vậy có thể hiểu bản vẽ kĩ thuật là gì? Và bản vẽ kĩ thuật được sử dụng để làm gì?
Mục lục bài viết
1. Bản vẽ kỹ thuật là gì?
Pháp luật hiện nay chưa đưa ra điều luật cụ thể giải thích khái niệm bản vẽ kĩ thuật. Tuy nhiên, có thể hiểu bản vẽ kĩ thuật là một dạng tài sản trí tuệ, được tạo ra bởi các kỹ sư hoặc các nhà thiết kế, thông thường được sử dụng để thể hiện ý tưởng thiết kế của các cá nhân hoặc tổ chức. Bản vẽ kĩ thuật dùng để mô tả những thông tin kĩ thuật, thông tin chi tiết của sản phẩm.
Nhìn chung, bản vẽ kĩ thuật là giấy tờ không thể thiếu trong hồ sơ xây dựng công trình, phản ánh thông tin cụ thể liên quan tới kích thước, vật liệu, nguyên liệu, hình dạng, cấu trúc và các thông số khác có liên quan của công trình, sản phẩm. Các nhà thiết kế hoàn toàn có thể đăng ký bản quyền đối với bản vẽ kĩ thuật do mình thực hiện, hoặc có thể sử dụng bản vẽ kĩ thuật trong hoạt động mua bán hoặc trao đổi.
Bản vẽ kĩ thuật hiện nay bao gồm nhiều loại, tuy nhiên trong đó phổ biến là bản vẽ kĩ thuật hai chiều (hay còn được gọi là bản vẽ 2D) và bản vẽ kĩ thuật ba chiều (hay còn được gọi là bản vẽ 3D). Trước đây, bản vẽ kĩ thuật hai chiều là bản vẽ vô cùng thông dụng, được thể hiện trên một mặt phẳng chỉ có chiều rộng và chiều dài. Tuy nhiên hiện nay, với sự bùng nổ và phát triển không ngừng của khoa học công nghệ máy tính, sự phát triển của các ngành công cụ đã cho ra đời bản vẽ ba chiều. Với bản vẽ ba chiều, sản phẩm sẽ được mô tả rõ ràng hơn, chi tiết và cụ thể hơn, vì vậy bản vẽ ba chiều ngày càng được sử dụng phổ biến và dần dần thay thế cho các bản vẽ kĩ thuật hai chiều.
Vì vậy, có thể đưa ra khái niệm về bản vẽ kĩ thuật như sau: Bản vẽ kĩ thuật (technical drawing) là một sơ đồ chính xác, cụ thể, chi tiết, truyền tải thông tin về đối tượng xây dựng; bản vẽ kĩ thuật thể hiện những thông tin cơ học của sản phẩm như: vị trí, kích thước, chất liệu, kết cấu, vật liệu trong quá trình xây dựng.
Bản vẽ kĩ thuật cũng là tài liệu, giấy tờ bao quát, trình bày thông tin kĩ thuật liên quan tới sản phẩm dưới dạng hình vẽ và các ký hiệu theo tiêu chuẩn quốc gia và theo tiêu chuẩn quốc tế. Bản vẽ kĩ thuật được sử dụng để chế tạo, kiểm tra, thi công, đánh giá sản phẩm, hướng dẫn lắp ráp, vận hành và sử dụng sản phẩm đó.
2. Bản vẽ kỹ thuật dùng để làm gì?
Bản vẽ kĩ thuật là một trong những giấy tờ không thể thiếu trong thành phần hồ sơ xây dựng, thiết kế công trình. Trên thực tế, mỗi công trình xây dựng hoặc các sản phẩm thiết kế đều được tạo lập dựa trên bản vẽ kĩ thuật, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, bản vẽ kĩ thuật giữ vai trò vô cùng quan trọng, đây là bản vẽ có ứng dụng thiết thực nhất đối với đời sống, sản xuất, thiết kế và vận hành công trình xây dựng. Có thể kể đến công dụng của bản vẽ kĩ thuật như sau:
-
Bản vẽ kĩ thuật được sử dụng để chế tạo các công trình, cho ra đời rất nhiều công trình khác nhau, các thiết kế, các sản phẩm và các trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho đời sống của nhân dân. Thông qua bản vẽ kĩ thuật, các kỹ sư có thể nhận biết được kết cấu, hình dạng, các thông số kĩ thuật khắc phục vụ cho quá trình chế tạo và hoàn thành sản phẩm đó;
-
Căn cứ vào bản vẽ kĩ thuật, các bên có thể trao đổi thông tin, tạo ra các thiết kế phù hợp, chuẩn xác, chất lượng và đáp ứng đúng với yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với quy định của pháp luật;
-
Dựa theo mô tả chi tiết, cụ thể trên bản vẽ kĩ thuật, các bên có thể ứng dụng lắp ghép, xây dựng để hoàn thành sản phẩm;
-
Bản vẽ kĩ thuật cũng được xem là cơ sở tiêu chuẩn để giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng của các công trình xây dựng, sản phẩm. Từ đó, có thể phát hiện ra lỗi sai phạm, đưa ra những cách thức khắc phục, sửa chữa những bộ phận, kết cấu sao cho phù hợp với quy chuẩn, giúp cho quá trình nghiệm thu sản phẩm đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kĩ thuật.
3. Phân loại các loại bản vẽ kỹ thuật phổ biến hiện nay:
Theo từng ngành nghề khác nhau sẽ có những cách phân loại bản vẽ kĩ thuật khác nhau, phục vụ cho quá trình thiết kế sản phẩm và sản xuất sản phẩm phù hợp với từng lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, có thể phân loại bản vẽ kĩ thuật như sau:
(1) Bản vẽ kĩ thuật trong các lĩnh vực. Căn cứ theo mục đích, tính chất của từng lĩnh vực khác nhau, có thể phân loại các bản vẽ kĩ thuật thông dụng như sau:
-
Bản vẽ cơ khí. Bản vẽ cơ khí là loại bản vẽ liên quan trực tiếp đến thiết kế, lắp ráp, chế tạo, sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị trong lĩnh vực cơ khí;
-
Bản vẽ kĩ thuật xây dựng. Bản vẽ kĩ thuật xây dựng bao gồm các bản vẽ liên quan trực tiếp đến thiết kế kiến trúc, thi công công trình xây dựng, sử dụng công trình xây dựng và kết cấu xây dựng;
-
Bản vẽ kĩ thuật sản xuất. Bản vẽ kĩ thuật sản xuất là loại bản vẽ mô tả chi tiết, cụ thể hệ thống sản xuất, kỹ thuật của các quy trình sản xuất, trong đó bao gồm bản vẽ thiết bị sản xuất và bản vẽ dây chuyền sản xuất;
-
Bản vẽ kĩ thuật điện. Bản vẽ kĩ thuật điện là loại bản vẽ mô tả chi tiết, cụ thể kĩ thuật của các bộ phận, trang thiết bị, hệ thống điện như bản vẽ lắp ráp, bản vẽ mạch điện tích hợp, bản vẽ tháo rời các bộ phận của nguồn điện.
(2) Phân loại chi tiết các bản vẽ kĩ thuật. Bao gồm:
-
Bản vẽ chi tiết. Bản vẽ chi tiết là một loại bản vẽ vô cùng quan trọng, ngoài bản vẽ chính phản ánh tổng thể công trình xây dựng thì sẽ có thêm bản vẽ chi tiết đi kèm đối với từng hạng mục công trình nhất định, thông qua bản vẽ chi tiết sẽ giúp cho chủ đầu tư dễ dàng hình dung. Ví dụ như: Bản vẽ chính là bản vẽ toàn bộ căn nhà, kèm theo bản vẽ chính là bản vẽ chi tiết mô tả từng phòng trong căn nhà đó;
-
Bản vẽ kết cấu. Bản vẽ kết cấu bao gồm số liệu cần thiết như hình dạng, kích thước, vật liệu, nguyên liệu và các thông số kĩ thuật khác. Cùng với đó, bản vẽ kết cấu cũng sẽ biểu hiện kết cấu của sản phẩm, hình dạng của sản phẩm và cách gắn kết các sản phẩm đó với nhau để tạo nên một tổng thẻ nhất định;
-
Bản vẽ sơ đồ. Bản vẽ sơ đồ là loại bản vẽ được sử dụng để tạo ra một góc nhìn tổng quát về sản phẩm, cấu trúc của toàn bộ hệ thống, quy trình, thông qua bản vẽ sơ đồ thì người sử dụng dễ dàng hiểu được các bước cần phải thực hiện trong quá trình xây dựng công trình đó. Các loại bản vẽ sơ đồ phổ biến như sơ đồ khối, sơ đồ quan hệ, sơ đồ cấu trúc, sơ đồ công việc;
-
Bản vẽ lắp ráp. Bản vẽ lắp ráp là loại bản vẽ kĩ thuật, bản vẽ này thường được sử dụng để hướng dẫn quy trình lắp ráp tạo nên một sản phẩm, trong đó bao gồm vị trí các bộ phận, hướng dẫn nhận biết các bộ phận, các thông tin liên quan đến sự kết nối và định vị các bộ phận. Cùng với đó, bản vẽ lắp ráp có vai trò chỉ dẫn, giúp cho quá trình lắp ráp trở nên an toàn, đúng cách và chính xác;
-
Bản vẽ mặt cắt. Bản vẽ mặt cắt là bản vẽ cấu trúc bên trong của một sản phẩm thông qua một mặt phẳng.
Đồng thời, cần phải lưu ý thêm về tỷ lệ của bản vẽ kĩ thuật. Nhìn chung, có thể hiểu đơn giản tỷ lệ bản vẽ kĩ thuật là tỷ số giữa kích thước bản vẽ so với kích thuốc trên thực tế. Bản vẽ kĩ thuật có thể được phóng to hoặc thu nhỏ tùy theo tỷ lệ khác nhau. Bao gồm:
-
Tỷ lệ bản vẽ ưu tiên: (1:1);
-
Tỷ lệ thu nhỏ (hình vẽ nhỏ hơn thực tế): (1:2) (1:2,5) (1:4) ( 1:5) (1:10) (1:15) (1:20) (1:25) (1:40);
-
Tỷ lệ phóng to (hình vẽ lớn hơn thực tế): (2:1) (2,5:1) (4:1) (5:1);
Như vậy, trong trường hợp bản vẽ kĩ thuật có tỷ lệ 1:10 thì kích thước trên bản vẽ kĩ thuật đó sẽ nhỏ hơn 10 lần so với kích thước trên thực tế. Tương tự, trong trường hợp bản vẽ kĩ thuật có tỷ lệ 5:1 thì có nghĩa là kích thước trên bản vẽ kĩ thuật đang lớn hơn gấp 05 lần so với kích thuốc trên thực tế.
THAM KHẢO THÊM: