Tình trạng lan truyền phổ biến văn hoá phẩm đồi trụy dẫn đến số lượng người phạm tội “Truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy” bị khởi tố, truy tố và xét xử có xu hướng gia tăng. Thực tế hành vi bán rong đĩa có nội dung khiêu dâm có bị làm sao không?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là khiêu dâm?
Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào giải thích một cách chính thức về khái niệm “khiêu dâm”. Tuy nhiên trong các văn bản pháp luật cũng đã đề cập đến các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim có nội dung khiêu dâm; ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm; bán tranh, ảnh có nội dung khiêu dâm; dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm tại vũ trường, nhà hàng karaoke, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát hoặc nơi hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác…
Thực tế, khiêu dâm có thể hiểu là hành vi dùng hình ảnh, âm thanh hay ngôn ngữ mang tính chất kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục. Việc mua bán, lưu truyền các loại hình văn hoá phẩm đồi trụy ngày càng phổ biến và công khai, không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà còn được phát tán đến tận các vùng nông thôn, miền núi. Hiện nay, mạng xã hội đang ngày càng phát triển, hầu hết các thanh niên trẻ tiếp xúc với văn hóa đồi trụy ngày một nhanh chóng và dưới nhiều hình thức khác nhau. Tất cả các địa phương trong cả nước đều phát hiện và thu giữ được các loại văn hoá phẩm đồi trụy, chủ yếu là băng hình, đĩa hình, tranh ảnh, lịch, sách, truyện….
2. Bán rong đĩa có nội dung khiêu dâm có bị làm sao không?
Như mục 1 đã phân tích, khiêu dâm là hành vi trái đạo đức và trái pháp luật. Do đó, tùy theo tính chất của hành vi vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ khoản 5 Điều 31 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm hành chính như sau:
– Với hành vi bán, cho thuê băng, đĩa trò chơi điện tử có nội dung khiêu dâm, đồi trụy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; kích động bạo lực: phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
– Ngoài bị phạt tiền như trên, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phụ hậu quả là :
+ Buộc tiêu hủy văn hóa phẩm có nội dung độc hại.
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Hành vi thực hiện đủ các dấu hiệu của tội phạm thì đối tượng thực hiện hành vi vi phạm còn bị truy cứu trách nhiêm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 326 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Đối tượng thực hiện hành vi tạo ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy.
+ Thực hiện hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
- Số lượng ảnh từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh.
- Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB).
- Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị.
- Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người.
- Trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi trên hoặc trước đó đã bị kết án về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy mà chưa được xóa án tích.
– Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm khi:
+ Thực hiện hành vi có tổ chức.
+ Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB).
+ Số lượng ảnh từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh.
+ Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị.
+ Phổ biến cho người dưới 18 tuổi.
+ Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người.
+ Có hành vi sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội.
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi:
+ Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên.
+ Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên.
+ Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên.
+ Phổ biến cho 101 người trở lên.
– Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phân tích cấu thành tội tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy:
Thứ nhất, về mặt chủ thể:
Chủ thể của tội tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy là chủ thể đáp ứng từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ hai, khách thể:
Khách thể mà tội phạm này xâm phạm là trật tự công cộng, cụ thể là truyền thống văn hóa của dân tộc, những giá trị vật chất và tinh thần của nhân loại, trật tự xã hội, đạo đức con người,…
Thứ ba, mặt khách quan:
Theo quy định, mặt khách quan của tội tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy là hành vi truyền bá cho người khác về các vật phẩm đồi trụy nhưng có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau:
– Làm ra vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy là tạo ra các vật phẩm có tính chất dâm ô hoặc khêu gợi như: chụp ảnh, quay phim, viết truyện, vẽ tranh,…
– Lưu hành vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy là cho người khác xem, mượn, công bố, lan truyền văn hóa phẩm đồi trụy.
– Hành vi sao chép vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy là từ một bản chính, bản gốc vật phẩm văn hóa đồi trụy đã tạo ra nhiều vật phẩm khác giống như vật phẩm ban đầu. Giống một phần hoặc giống toàn bộ đều được xem là sao chép như chụp lại, viết lại, ghi âm lại hoặc các hình thức sao chép khác.
– Vận chuyển vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy là đem các vật phẩm đồi trụy từ nơi này đến nơi khác.
– Tàng trữ vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy là cất giữ ở một địa điểm nhất định như ở cơ quan, nhà ở, trong người,…
– Mua bán vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy là dùng tiền hoặc tài sản để trao đổi lấy vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy hoặc dùng vật phẩm văn hóa có tính chất đồi trụy để trao đổi lấy tiền hoặc hoặc tài sản.
– Ngoài ra, có một số hành vi khác như phổ biến cho người khác biết các vật phẩm đồi trụy, gợi ra, thúc đẩy những ý định dâm ô, đồi trụy.
Thứ tư, mặt chủ quan:
Người thực hiện hành vi vi phạm với lỗi cố ý trực tiếp, tức là họ biết và lường trước được hậu quả xảy ra nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi vi phạm.
4. Các biện pháp thực hiện phòng chống hành vi tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy:
Chính quyền địa phương cùng các ban ngành, gia đình cần có những biện pháp để thực hiện công tác phòng chống hành vi tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy, đặc biệt với bộ phận thanh thiếu niên hiện nay. Có thể thực hiện một số biện pháp bao gồm:
– Thực hiện tuyên truyền kiến thức pháp luật và đời sống xã hội nhằm định hướng lớp trẻ, bồi dưỡng tâm hồn hướng tới chân, thiện, mỹ và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ cho đất nước.
– Các cấp uỷ, chính quyền cần đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
– Đồng thời, cần tập trung có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng trong xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh”; “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”.
– Hoàn thiện cơ chế pháp luật:
Tội phạm “truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy” ở nước ta hiện đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Từ thực tế đó, thiết nghĩ, các nhà làm luật, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, bổ sung các quy phạm pháp luật về loại tội phạm này, nhằm đẩy lùi sự xâm lăng của văn hoá độc hại, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc và phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam.