Nội chính là mảng công tác khó khăn, phức tạp có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi một địa phương nói riêng cũng như cả đất nước nói chung. Vậy nội chính là gì? Chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan nội chính Tỉnh ủy ra sao?
Mục lục bài viết
1. Nội chính là gì?
Theo từ điển tiếng Việt, nội chính có thể hiểu là những công việc liên quan đến chính trị trong một đất nước, một quốc gia. Nói cách khác đó là quan hệ đối nội do Đảng chính trị lãnh đạo, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội… và nhân dân thực hiện.
Nội chính bao gồm tất cả những chính sách đối nội bên trong của một quốc gia ở tất cả các lĩnh vực của một quốc gia như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Thực tế, ta hiểu theo một nghĩa đơn giản thì nội chính là hoạt động của cơ quan nhà nước để bảo đảm an ninh xã hội, bảo vệ nền hòa bình quốc gia, an toàn xã hội của đất nước. Thực hiện công tác nội chính là trách nhiệm của các tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội… và của toàn dân; trong đó, tổ chức Đảng giữ vai trò lãnh đạo.
2. Cơ quan nội chính là gì?
Cơ quan nội chính là các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực nội chính, như: Viện Kiểm sát, Toà án, Tư pháp, Thanh tra, Kiểm toán, Công an, Quân đội, Uỷ ban Kiểm tra Đảng và Ban Nội chính Đảng
Ngoài ra, một số tổ chức, đơn vị nghề nghiệp hoạt động có liên quan đến chính trị xã hội cũng có những công tác thực hiện liên quan đến nội chính như: Tổ chức Luật gia, Luật sư; Cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Quản lý thị trường,…
Mỗi cơ quan nội chính đều có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong bộ máy nhà nước; có chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng cốt lõi vẫn hướng đến một mục tiêu chung đó là tham mưu cho Đảng và Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh – trật tự; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; là lực lượng nòng cốt, trung kiên, là “thanh bảo kiếm” sắc bén và “lá chắn” vững chắc để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.
3. Ban nội chính Tỉnh ủy:
3.1. Chức năng của ban nội chính Tỉnh ủy:
– Ban nội chính tỉnh ủy là cơ quan tham mưu của tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
– Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính đảng; Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng phòng, chống tham nhũng của Tỉnh ủy.
3.2. Nhiệm vụ của ban nội chính Tỉnh ủy:
* Nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất:
– Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng. Cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.
– Chủ trì hoặc phối hợp tham mưu, đề xuất cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng đối với đảng bộ tỉnh.
– Chủ trì xây dựng các đề án về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, báo cáo tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy xem xét, quyết định.
– Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất với ban thường vụ tỉnh ủy cho chủ trương về hoạt động của các cơ quan nội chính ở địa phương (
– Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất với ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
– Tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Tỉnh ủy; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết một số đơn, thư được Thường trực Tỉnh ủy giao; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết một số đơn, thư được Thường trực Tỉnh ủy giao.
– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tiếp công dân theo quy định. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy giúp Thường trực Tỉnh ủy tổ chức tiếp công dân.
– Tham mưu những nội dung sơ kết, tổng kết các chỉ thị , nghị quyết về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng của Tỉnh ủy.
– Thực hiện báo cáo định kỳ và đột xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Nội chính Trung ương theo đúng quy định.
* Nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra:
– Chủ trì hoặc phối hợp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ở địa phương.
– Phối hợp với các cơ quan liên quan giúp tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính địa phương thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
– Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát việc xử lý một số việc, vụ án có sự chỉ đạp xử lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy.
– Hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính đảng cho cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ làm công tác nội chính đảng của các cấp trong Đảng bộ tỉnh.
* Nhiệm vụ thẩm định:
– Chủ trì hoặc phối hợp thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng trước khi trình tỉnh ủy và ban thường vụ tỉnh ủy.
– Tham gia ý kiến đối với các đề án, văn bản của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trong toàn tỉnh về những nội dung liên quan đến phòng, chống tham nhũng.
* Nhiệm vụ phối hợp:
– Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy trong công tác cán bộ theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động của Ban Nội chính Tỉnh ủy.
– Phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu, giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm thuộc lĩnh vực nội chính, cải cách tư pháp, và phòng, chống tham nhũng.
– Phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Thường trực Tỉnh ủy; theo dõi, đôn đốc, báo cáo những vụ việc, đơn, thư theo yêu cầu của Thường trực Tỉnh ủy; giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
– Phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, các cấp ủy, cơ quan có liên quan xây dựng quy chế phối hợp thực hiện công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành.
– Tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với một số chức danh tư pháp theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ.
* Nhiệm vụ thực hiện một số nhiệm vụ khác do ban thường vụ tỉnh ủy, thường trực tỉnh ủy giao:
Tham mưu giúp Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức giao ban định kỳ hàng tháng với các cơ quan nội chính tỉnh; đôn đốc, theo dõi, tổng hợp, báo cáo tiến độ giải quyết các vụ việc thuộc công tác theo dõi của Thường trực Tỉnh ủy, chỉ đạo và các nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy giao.
3.3. Cơ cấu tổ chức của Ban Nội chính Tỉnh ủy:
Ban Nội chính Tỉnh ủy bao gồm các phòng ban như sau:
– Lãnh đạo ban:
+ Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy
+ Phó trưởng ban
– Các phòng trực thuộc:
+ Phòng theo dõi công tác các cơ quan nội chính và cải cách tư pháp (Phòng Nghiệp vụ I)
+ Phòng theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng (Phòng Nghiệp vụ II)
+ Phòng tổng hợp tiếp dân và xử lý đơn thư (Phòng Nghiệp vụ III)
Như vậy, với nhiệm vụ tham mưu về công tác lập pháp, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cơ quan nội chính đã tham mưu, đề xuất đưa ra những quan điểm, định hướng rõ ràng về công tác xây dựng pháp luật. Từ chức năng tham gia chỉ đạo, xử lý các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, cơ quan nội chính cũng đã và đang tạo ra con đường đi đúng hướng cũng như phát triển về cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng, những vụ án nghiêm trọng, nóng hổi ảnh hưởng mạnh mẽ đến dư luận hay những vụ án có dấu hiệu oan sai rất nghiêm trọng; ngoài ra củng cố lại, kiện toàn về tổ chức, hoạt động của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ mang chức danh tư pháp góp phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Đảng chính trị.