Tôi có giao cho anh A 120 triệu để làm một công việc nhất định (không có giấy tờ). Tôi có ghi âm cuộc nói chuyện xác nhận anh A đã nhận số tiền đó. Hỏi bản ghi âm có được coi là chứng cứ pháp lý không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tháng 6/2012 chú của tôi có giao 120 triệu cho anh A để nhờ xin việc (không có giấy tờ gì). Anh A hứa tháng 7 hoặc tháng 8 sẽ làm xong. Tuy nhiên rất lâu sau không có kết quả. Họ nói không xin được việc và sẽ hoàn số tiền trong thời gian sớm nhất. Trong rất nhiều lần chú ruột tôi gọi điện đòi lại tiền và cả cuộc hẹn gặp trực tiếp đòi lại tiền thì chú ruột tôi có ghi âm lại nhiều cuộc nói chuyện. Trong cuộc nói chuyện có đề cập đến việc họ nhận tiền của tôi là 120 triệu đồng, và cũng ghi âm được đoạn họ nói sẽ trả lại đầy đủ tiền cho mình. Lần gần đây nhất, họ hứa muộn nhất là đầu tháng 8 năm 2013 này sẽ trả toàn bộ tiền, nhưng cuối cùng vẫn chưa trả được đồng nào. Luật sư cho hỏi chứng cứ ghi âm cuộc nói chuyện đòi nợ giữa chú ruột cháu và họ có được coi là chứng cứ hợp pháp hoặc có giá trị không? Hành vi của họ đã cấu thành tội phạm chưa? Cháu có thể đòi lại tiền bằng cách nào?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Về bản ghi âm cuộc nói chuyện giữa hai bên:
Theo quy định của pháp luật về chứng cứ, thì:
“Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự” (Điều 81 Bộ Luật Tố tụng dân sự)
Băng ghi âm là tài liệu nghe được và được coi là nguồn của chứng cứ. Về xác định chứng cứ, Khoản 2 Điều 83 Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định như sau:
“2. Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.”
Như vậy, bản ghi âm chỉ được coi là chứng cứ chứng minh khi nó được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ hoặc văn bản về sự việc liên quan. Trường hợp không đáp ứng được các điều kiện đó thì đoạn băng ghi âm của bạn chỉ được xem là tài liệu liên quan đến vụ án, có giá trị tham khảo chứ không thể có giá trị chứng minh trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
>>> Luật sư
2. Về hành vi của bên nhận tiền
Theo quy định tại Điều 140 Bộ Luật Hình sự về tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thì người có một trong những hành vi sau sẽ bị coi là phạm tội theo quy định tại điều này:
– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
– Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Trường hợp này, hai bên đã giao kết hợp đồng bằng lời nói, bên kia đã nhận đủ số tiền 120 triệu đồng. Ở đây cần xác định rõ bên nhận tiền có dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó không (có thể là hành vi hứa xin việc để chiếm đoạt số tiền 120 triệu). Về giá trị tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì sẽ bị xử lý theo Khoản 2 Điều 140 Bộ Luật Hình sự (phạt tù từ 2 năm đến 7 năm).
Để lấy lại số tiền này, có 02 phương án như sau:
– Hai bên cần thỏa thuận và có văn bản cụ thể xác nhận việc bạn giao tiền cho bên kia và thời hạn bên kia trả đủ số tiền đó cho bạn. Nếu quá thời hạn này mà họ vẫn chưa trả, bạn có thể khởi kiện ra
– Nếu hai bên không thỏa thuận được, bạn có thể gửi đơn tố giác về hành vi phạm tội đó đến cơ quan điều tra, tòa án hoặc viện kiểm sát.