Thị xã Nghĩa Lộ nằm ở phía Tây Nam tỉnh Yên Bái, cách thành phố Yên Bái 84 km theo quốc lộ 37 và cách thủ đô Hà Nội 190 km theo quốc lộ 32. Thị xã bao trùm toàn bộ cánh đồng lớn thứ hai của miền núi Tây Bắc Bộ. Để biết thêm thông tin, mời bạn tham khảo bài viết: Bản đồ và các xã phường thuộc thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái):
2. Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) có bao nhiêu xã phường?
Thị xã Nghĩa Lộ có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 4 phường: Cầu Thia, Pú Trạng, Tân An, Trung Tâm và 10 xã: Hạnh Sơn, Nghĩa An, Nghĩa Lộ, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc, Phúc Sơn, Phù Nham, Sơn A, Thanh Lương, Thạch Lương.
STT | Danh sách các xã phường thuộc thị xã Nghĩa Lộ |
16 | Phường Pú Trạng |
17 | Phường Trung Tâm |
18 | Phường Tân An |
19 | Phường Cầu Thia |
20 | Xã Nghĩa Lợi |
21 | Xã Nghĩa Phúc |
22 | Xã Nghĩa An |
23 | Xã Nghĩa Lộ |
24 | Xã Sơn A |
25 | Xã Phù Nham |
26 | Xã Thanh Lương |
27 | Xã Hạnh Sơn |
28 | Xã Phúc Sơn |
29 | Xã Thạch Lương |
3. Giới thiệu về thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái):
- Lịch sử hình thành
Trong suốt chiều dài lịch sử, thị xã Nghĩa Lộ ngày nay đã trải qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính.
- Thời Hùng Vương dựng nước, mảnh đất này là một trong những địa bàn cư trú quan trọng của cư dân Lạc Việt, vùng đất nằm trong lãnh thổ của Nhà nước Văn Lang.
- Thời Tam Quốc, Nhà Ngô thống trị nước ta, Nghĩa Lộ thuộc địa phận quận Tân Hưng, sang đời nhà Tấn đổi thành quận Tân Xương. Khi nhà Tùy xâm chiếm nước ta, đời Khai Hoàng, Nghĩa Lộ thuộc huyện An Nhân, quận Giao Chỉ.
- Thời nhà Lý (1009), Nghĩa Lộ thuộc trại Quy Hóa. Đến thời nhà Trần thuộc châu Quy Hóa, trấn Thiên Hưng. Đầu thế kỷ XIX – thời nhà Nguyễn – Nghĩa Lộ là tên gọi của một sách (sách Nghĩa Lộ) thuộc châu Văn Chấn, phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa.
- Thời thuộc Pháp (1886) mảnh đất này thuộc hạt Nghĩa Lộ, trực thuộc Đạo quan binh thứ tư miền thượng du Bắc Kỳ. Ngày 11 tháng 4 năm 1900, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Yên Bái. Nghĩa Lộ là một xã thuộc tổng Phù Nham, huyện Văn Chấn. Đến năm 1907, tổng Nghĩa Lộ được lập trên cơ sở xã Nghĩa Lộ và một số xã lân cận thuộc tổng Hạnh Sơn – Phù Nham.
- Trước Cách mạng tháng Tám có phố Nghĩa Lộ trong xã Nghĩa Lộ thuộc huyện Văn Chấn. Sau năm 1952, phố Nghĩa Lộ đổi tên là thị trấn Nghĩa Lộ trực thuộc châu Văn Chấn. Ngày 13 tháng 5 năm 1955, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh 231/SL, chuyển các huyện Văn Chấn, Than Uyên, Phong Thổ thuộc khu tự trị Thái – Mèo (tháng 10 – 1962 khu tự trị Thái – Mèo đổi tên thành Khu tự trị Tây Bắc).
Ngày 27/10/1962 tại kỳ hợp thứ 5, Quốc hội khóa II đã ra Nghị Quyết thành lập tỉnh Nghĩa Lộ, lập lại các tỉnh Sơn La, Lai Châu. Thị trấn Nghĩa Lộ lúc đó trực thuộc huyện Văn Chấn tỉnh Nghĩa Lộ. Năm 1963, thị trấn Nghĩa Lộ trực thuộc tỉnh Nghĩa Lộ.
Do nhu cầu phát triển của khu vực cũng như của tỉnh Nghĩa Lộ, ngày 18 tháng 10 năm 1971, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 190/CP thành lập thị xã Nghĩa Lộ.
Ngày 27 tháng 12 năm 1975, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V đã ra quyết định hợp nhất ba tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai (trừ huyện Bắc Yên và Phù Yên) thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hoàng Liên Sơn. Thị xã Nghĩa Lộ lúc này là thị xã trực thuộc tỉnh.
Ngày 4 tháng 3 năm 1978, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 56/CP, thị xã Nghĩa Lộ với huyện Văn Chấn thành một đơn vị hành chính lấy tên là huyện Văn Chấn. Thị xã Nghĩa Lộ chuyển xuống thành thị trấn Nghĩa Lộ, thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Các tiểu khu IV, V, VI sáp nhập vào các xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc thuộc huyện Văn Chấn.
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VII đã quyết định chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh là Yên Bái và Lào Cai. Nghĩa Lộ thời kỳ này trực thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Ngày 15 tháng 5 năm 1995, Chính phủ đã ra Nghị định 31-NĐ/CP về việc tái lập thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái với diện tích tự nhiên là 878,5ha và 15.925 nhân khẩu, bao gồm 4 đơn vị hành chính trực thuộc là các phường: Pú Trạng, Tân An, Trung Tâm và Cầu Thia.
Ngày 24 tháng 12 năm 2003, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 167/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã Nghĩa Lộ. Thị xã Nghĩa Lộ sau khi được mở rộng địa giới hành chính có diện tích tự nhiên là 2.9996,6 ha với 26.032 nhân khẩu, có 7 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường Trung Tâm, Tân An, Cầu Thia, Pú Chạng và các xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc.
Ngày 10 tháng 01 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 871/NQ-UBTVQH14 về việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã Nghĩa Lộ. Điều chỉnh 06 xã và Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ huyện Văn Chấn vào Thị xã Nghĩa Lộ. Thị xã Nghĩa Lộ sau khi được mở rộng địa giới hành chính có diện tích tự nhiên là 107,78 km2 và quy mô dân số 68.206 người; có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 04 phường: Cầu Thia, Pú Trạng, Tân An, Trung Tâm và 10 xã: Hạnh Sơn, Nghĩa An, Nghĩa Lộ, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc, Phù Nham, Phúc Sơn, Sơn A, Thạch Lương, Thanh Lương.
- Vị trí địa lý
Thị xã Nghĩa Lộ nằm ở phía Tây Nam tỉnh Yên Bái, cách thành phố Yên Bái 84 km theo quốc lộ 37 và cách thủ đô Hà Nội 190 km theo quốc lộ 32. Thị xã bao trùm toàn bộ cánh đồng lớn thứ hai của miền núi Tây Bắc Bộ: Cánh đồng Mường Lò, có vị trí địa lý:
+ Phía Đông và phía Bắc giáp huyện Văn Chấn.
+ Phía Tây và phía Nam giáp huyện Trạm Tấu.
- Diện tích, dân số và văn hóa
Thị xã Nghĩa Lộ có diện tích tự nhiên là 107,78 km2, dân số trên 72 nghìn người. Mật độ dân số của thị xã Nghĩa Lộ chỉ đứng sau thành phố Yên Bái của tỉnh. Cư dân của thị xã Nghĩa Lộ mang đặc trưng của cư dân thành thị miền núi Tây Bắc. Những năm đầu thế kỉ XX, dân cư ở Nghĩa Lộ thưa thớt, chủ yếu là người Thái bản địa và số ít người Kinh chủ yếu ở dưới xuôi lên theo các chủ đồn điền khai thác thuộc địa phiêu bạt trong nạn đói 1945. Sau này, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương chuyển dân Thái Bình, Hưng Yên, Hà Tây,… lên đây xây dựng vùng kinh tế mới. Hiện nay Nghĩa Lộ là cái nôi của 21 dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc Thái, Kinh, Tày chiếm tỉ lệ đông nhất,…
Người Thái là cộng đồng dân tộc đông nhất ở thị xã Nghĩa Lộ. Người Thái sống quây quần thành bản làng, ở nhà sàn, có bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà thể hiện rõ nét trong trang phục, lễ hội, ẩm thực,… trong tục lệ về đám cưới, đám ma,… Họ có kĩ thuật thâm canh lúa nước 2 vụ khá cao với một hệ thống thủy lợi thích hợp, ngoài ra người Thái còn rất giỏi về đan lát, dệt vải, đặc biệt là dệt vải thổ cẩm, làm chăn, đệm, túi. Người Thái có 2 nhóm người là Thái trắng và Thái đen. Dựa theo các thư tịch cổ Mường Lò luôn được người Thái đen xác định như là miền đất tổ của họ.
Người Kinh ngoài bộ phận cư trú từ lâu đời, hầu hết người Kinh sinh sống ở Nghĩa Lộ từ các tỉnh miền xuôi lên xây dựng kinh tế miền núi và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tác trong các cơ quan nhà nước. Người Kinh sống xen kẽ với các dân tộc khác, họ làm nghề buôn bán, thợ thủ công, làm ruộng, công chức, viên chức, hình thành một cộng đồng gắn bó với người địa phương.
Người Tày là cư dân nông nghiệp có truyền thống làm lúa nước. Cộng đồng người Tày ở nhà sàn, sống xen kẽ. Người Tày ở thị xã Nghĩa lộ cũng mang đầy đủ những bản sắc của dân tộc mình thể hiện trong trang phục cổ truyền ,các lễ hội mà đặc trưng là lễ hội “Lồng tồng”, trong các làn điệu dân ca và các tục lệ cưới xin, ma chay,… Còn lại các dân tộc khác như Mường, Dao, Mông, Khơ Mú,…Y phục cổ truyền của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không có thêu thùa trang trí. Phụ nữ mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn bên trong và áo dài bên ngoài.
Người Mường ở nhà sàn, kiểu nhà 4 mái. Canh tác chủ yếu là lúa nước. Rượu cần của người Mường nổi tiếng bởi cách chế biến và hương vị đậm đà của men, được đem ra mời khách quý và các cuộc vui tập thể. Phụ nữ Mường cũng rất giỏi nghề thủ công như dệt vải, dệt thổ cẩm, đan lát. Trang phục tiêu biểu của phụ nữ là khăn đội đầu và áo cánh ngắn màu trắng, váy đen có cạp dệt hoa văn sặc sỡ và hoạ tiết vô cùng phong phú,…
Thị xã Nghĩa Lộ nổi tiếng với hoa ban, gạo Mường Lò, xôi ngũ sắc, thổ cẩm, Ngòi Thia và đặc biệt là điệu xòe Thái uyển chuyển. Chợ văn hóa Mường Lò và mạng lưới thương mại dịch vụ đã làm cho Nghĩa Lộ trở thành trung tâm kinh tế xã hội của các địa phương nằm ở phía tây tỉnh Yên Bái.
THAM KHẢO THÊM: