Thị xã Cửa Lò nằm ở phía Đông Nam tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 16 km về phía Đong Bắc. Thị xã nằm giữa hai con sông lớn là sông Cấm ở phía Bắc và sông Lam ở phía Nam. Cửa Lò nổi tiếng với bãi biển, khu nghỉ mát và cảng biển sầm uất. Sau đây là bài viết về: Bản đồ, các xã phường thuộc Cửa Lò ( Nghệ An ), mời các bạn cùng theo dõi!
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính thị xã Cửa Lò (Nghệ An):
2. Các xã phường thuộc thị xã Cửa Lò (Nghệ An):
STT | Xã, phường thuộc thị xã Cửa Lò (Nghệ An) |
1 | Nghi Hương |
2 | Nghi Thu |
3 | Nghi Tân |
4 | Nghi Thủy |
5 | Thu Thủy |
6 | Nghi Hải |
7 | Nghi Hòa |
3. Giới thiệu về thị xã Cửa Lò ( Nghệ An ):
Vị trí
Thị xã Cửa Lò nằm ở phía Đông Nam tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 16 km về phía Đông Bắc, có vị trí địa lý:
-
Phía Đông giáp Biển Đông.
-
Phía Tây và phía Bắc giáp huyện Nghi Lộc.
-
Phía Nam giáp huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Thị xã nằm giữa hai con sông lớn là sông Cấm ở phía Bắc và sông Lam ở phía Nam. Cửa Lò nổi tiếng với bãi biển, khu nghỉ mát và cảng biển sầm uất.
Diện tích, dân số
Thị xã Cửa Lò có diện tích là 27,81 km² và dân số năm 2017 là 58.398 người. Theo thống kê năm 2019, thị xã Cửa Lò có diện tích 27,81 km², dân số là 55.668 người, mật độ dân số đạt 2.002 người/km². 12% dân số theo đạo Thiên Chúa.
Địa hình
Địa hình tương đối bằng phẳng. Trên địa bàn thị xã có nhiều ngọn núi nhỏ, nhiều đảo và bán đảo tạo nên những cảnh quan kỳ thú. Cửa Lò được bao bọc bởi hai con sông là sông Cấm ở phía bắc và Sông Lam ở phía Nam. Nếu như ở phía Bắc là các ngọn núi nhô ra sát biển, tạo nên cảnh đẹp hùng vĩ thì ở phía Nam lại có rừng bần, có Sông Lam tạo nên cảnh hiền hòa, sâu lặng.
Kinh tế
Sau nhiều năm thành lập, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt tốc độ khá cao, đặc biệt trong giai đoạn 2005 đến 2010 đạt 18 -20%. Kinh tế Cửa Lò phát triển chủ yếu là du lịch và dịch vụ. Lượng khách du lịch đến với Cửa Lò năm 2010 đạt 1 triệu 850 nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 3 nghìn lượt). Doanh thu từ hoạt động du lịch, khách sạn năm 2010 đạt 725 tỷ đồng. Năm 2011 với việc khai thác du lịch đảo Ngư, Cửa Lò hy vọng thu hút trên 2 triệu lượt khách.
- Cảng Cửa Lò là cảng biển loại I Quốc gia, là đầu mối giao thông vận tải của khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ, trung chuyển hàng hóa đi sang phía Bắc Thái Lan. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2011 đạt khoảng 2 triệu tấn. Cảng hiện có 4 cầu cảng đang khai thác. Các cầu cảng 5 và 6 đang được xây dựng để nâng công suất lên 5-6 triệu tấn/năm.
- Cảng nước sâu Cửa Lò: Nhằm nâng cao năng lực của Cụm cảng Cửa Lò, Cảng nước sâu Cửa Lò đã được khởi công xây dựng ngày 7/12/2010 tại xã Nghi Thiết cách cảng Cửa Lò 5 km về phía Bắc. Cảng có tổng vốn đầu tư 490,7 triệu USD với 12 bến cỡ tàu 30.000 – 50.000 DWT và 100.000 DWT cập bến thuận tiện. Chiều dài tuyến bến 3.260m, chiều dài tuyến luồng 6 km, đê chắn sóng dài 2.550m, tường bến dài 1.510m. Cảng này có công suất 17 triệu tấn/năm.
- Khu công nghiệp Cửa Lò có diện tích là 40,55 ha nằm trên Quốc lộ 46 nối Vinh và cảng Cửa Lò và đường Sào Nam, nằm cách cảng Cửa Lò 3 km và Sân bay Vinh 7 km. Hiện nay đã có một số nhà máy đã đi vào hoạt động như nhà máy sữa Vinamilk, nhà máy bánh kẹo Tràng An,…
Văn hóa
Cửa Lò là một vùng văn hóa đặc sắc. Với ba mặt sông biển, là nơi hội tụ nhiều nhiều núi và đảo gắn liền với nhiều huyền thoại, truyền thuyết giàu tính tâm linh, ở phía Nam và phía Tây Cửa Lò từ rất sớm đã là vùng đất mở nên không chỉ các lễ hội văn hóa phát triển tại chỗ mà là còn là giao lưu tiếp cận tinh hoa văn hóa các vùng lân cận. Ngay trên vùng đất Cửa Lò hàng năm có tổ chức các lễ hội đặc sắc như lễ hội Đền thờ Cương Quốc Công Nguyễn Xí, Lễ hội Đền Vạn Lộc, nhất là Lễ hội sông nước Cửa Lò( nay là Lễ hội du lịch Cửa Lò),… Với nhiều nét đặc sắc, trong đó văn hóa dòng họ đã được tiếp nhận và nâng cao bởi văn hóa làng, mang tình yêu nước truyền thống gắn liền với nhân văn sâu sắc, vừa tôn vinh biểu dương các danh nhân anh hùng đã có công đánh dẹp ngoại xâm bảo vệ đất nước, đồng thời còn có ý nghĩa cầu yên cho đời sống ngư dân được thuận buồm xuôi gió trên biển rộng, thu hoạch dồi dào, bảo đảm cuộc sống. Đặc biệt Lễ hội du lịch Cửa Lò đặc sắc này được tổ chức hàng năm giờ đây đã được phát triển thành một lễ hội có quy mô lớn khai trương mùa hè du lịch hàng năm của thị xã du lịch biển.
Không chỉ vậy, từ Cửa Lò khách du lịch còn có thể mở rộng diện tham quan tới các chùa nổi tiếng của các vùng lân cận như Lễ hội đền Cuông thờ An Diêm Vương (Diễn Châu), đền chợ Củi thờ ông Hoàng Mười (Nghi Xuân), đền Mai Hắc Đế (Nam Đàn), chùa Hương Tích thờ Trang Vương (Nghi Xuân – Can Lộc), rồi xa hơn nữa tới các di tích văn hóa nổi tiếng như quê hương đại thi hào Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều bất hủ, quê hương dòng họ Nguyễn Huy với tác phẩm Hoa tiên ký, Mai đình mộng ký hợp thành trung tâm của Văn phái Hồng Sơn,… và khép lại cuộc hành hương đầy xúc động là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
Dọc theo những con đường hành hương này, người du khách thành tâm có dịp đặt chân tới nhiều vùng “địa linh nhân kiệt”, chiêm ngưỡng nhiều danh lam thắng cảnh, thưởng thức những câu hò ví dặm, những điệu hát rung động lòng người. Đó là chưa nói tới thăm quan các làng nghề, thưởng thức các món ăn truyền thống của “Xứ Nghệ” vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa có những sắc thái riêng không pha trộn với bất cứ nơi nào khác, và chính cái sắc thái riêng đó làm cho những ai đã có dịp tới thăm quan Xứ Nghệ và thưởng thức đều không bao giờ quên. Có thể khẳng định từ Cửa Lò ngày trước đến Thị xã du lịch Cửa Lò ngày nay đã có một sự kế thừa, phát triển và nâng cao. Cửa Lò ngày nay xứng đáng với lời đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO): Đó là nơi thích hợp cho du lịch văn hóa và du lịch phiêu lưu, cũng như du lịch sở thích đặc biệt. Về lâu dài Cửa Lò có thể là một trong những điểm du lịch thu hút đông khách đến thăm nhất Việt Nam.
Về địa danh “Cửa Lò”, trước đây mới chỉ là tên riêng của một con sông đổ ra biển như bao nhiêu cửa sông khác của nước ta. Cửa sông này là nơi sông Cấm đổ nước ra biển với dãy núi xã Nghi Thiết nhấp nhô bên tả ngạn và phường Nghi Thủy ngày nay bên hữu ngạn. Từ tháng 4 – 1986, Cửa Lò trở thành tên một thị trấn cảng và du lịch thuộc huyện Nghi Lộc gồm diện tích và dân số hai xã Nghi Tân, Nghi Thủy (nay là phường Nghi Tân và Nghi Thủy) và một phần đất của hai xã Nghi Thu, Nghi Hợp (nay là phường Nghi Thu). Sau đó, từ tháng 8 – 1994, địa danh Cửa Lò trở thành tên riêng của thị xã trên cơ sở thị trấn Cửa Lò trước, cộng thêm đất đai của một số xã khác của huyện Nghi Lộc, Như vậy, từ tên riêng để chỉ một cửa sông đổ ra biển, Cửa Lò đã trở thành tên riêng chỉ một đơn vị hành chính.
Giờ đây Cừa Lò đang thay đổi từng ngày. Cơ sở hạ tầng cho hoạt động phát triển du lịch ngày càng được xây dựng với tốc độ nhanh. Nhờ vậy sức hấp dẫn của Cửa Lò với đồng bào trong cả nước và ngoài nước ngày càng mạnh. Những điều kiện đến với Cửa Lò ngày càng nhiều và hiện đại, bên cạnh đường sông biển và đường bộ, còn có cả đường hàng không. Với sự lãnh đạo chặt chẽ, ý thức trách nhiệm cao của Đảng bộ và chính quyền địa phương, với sự hướng dẫn kịp thời và sát hợp của Tổng cục du lịch, nhất định Cửa Lò sẽ nhanh chóng xác lập được vị trí hàng đầu của mình trong vành đai các điểm du lịch, nghỉ dưỡng biển hàng đầu nước ta.
THAM KHẢO THÊM: