Huyện Mù Cang Chải nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mặt biển. Muốn đến được huyện Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ - là một trong Tứ Đại Đèo của vùng Tây Bắc. Để tìm hiểu kĩ hơn, mời bạn đọc tham khảo bài viết: Bản đồ và các xã phường thuộc Mù Cang Chải (Yên Bái) dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Mù Cang Chải (Yên Bái):
2. Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có bao nhiêu xã phường?
Huyện Mù Cang Chải có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Mù Cang Chải và 13 xã.
STT | Danh sách các xã phường thuộc Mù Cang Chải (Yên Bái) |
1 | Thị trấn Mù Cang Chải |
2 | Xã Cao Phạ |
3 | Xã Chế Cu Nha |
4 | Xã Chế Tạo |
5 | Xã Dế Xu Phình |
6 | Xã Hồ Bốn |
7 | Xã Khao Mang |
8 | Xã Kim Nọi |
9 | Xã La Pán Tẩn |
10 | Xã Lao Chải |
11 | Xã Mồ Dề |
12 | Xã Nậm Có |
13 | Xã Nậm Khắt |
14 | Xã Púng Luông |
3. Vị trí địa lý huyện Mù Cang Chải (Yên Bái):
Huyện Mù Cang Chải nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, có vị trí địa lý:
- Phía Bắc giáp huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
- Phía Nam giáp huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
- Phía Tây giáp huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
- Phía Đông giáp huyện Văn Chấn và huyện Văn Yên.
Huyện Mù Cang Chải có diện tích 1.197,89 km², dân số năm 2019 là 63.961 người, mật độ dân số đạt 53 người/km². Huyện nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mặt biển. Muốn đến được huyện Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ – là một trong Tứ Đại Đèo của vùng Tây Bắc.
4. Lịch sử hình thành huyện Mù Cang Chải (Yên Bái):
Thời nhà Lý, Mù Cang Chải thuộc châu Đăng.
Thời Hậu Lê, Mù Cang Chải thuộc châu Chiêu Tấn, phủ An Tây trong Thừa Tuyên Hưng Hóa.
Năm 1900, thực dân Pháp thành lập tỉnh Yên Bái, đơn vị hành chính Mù Cang Chải gồm:
- Kim Nọi thuộc Châu Than Uyên.
- Một phần tổng Sơn A thuộc huyện Văn Chấn.
- Một phần thuộc tổng Nghĩa Lộ (khi đó thuộc Sơn La).
Năm 1909, tổng Nghĩa Lộ được nhập vào tỉnh Yên Bái. Ngày 7 tháng 5 năm 1955, Chính phủ thành lập Khu tự trị Thái – Mèo (sau đổi tên là khu tự trị Tây Bắc). Ngày 18 tháng 10 năm 1955, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 606-TTg lập Châu Mù Cang Chải trong khu tự trị Thái – Mèo. Châu Mù Cang Chải gồm 13 xã của 3 châu Than Uyên, Văn Chấn, Mường La:
- Châu Than Uyên: Hồ Bốn, Khao Mang, Lao Chải, Chế Tạo, Mồ Dề, Kim Nọi, Chế Cù Nha, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Púng Luông
- Châu Văn Chấn: Cao Phạ
- Châu Mường La: Nậm Khắt, Nậm Có.
Ngày 12 tháng 1 năm 1959, Ủy ban hành chính khu tự trị Thái – Mèo ra quyết định số 11/QĐTC chia xã Cao Phạ thuộc châu Mù Cang Chải thành 2 xã: Cao Phạ và Nậm Có, đồng thời, xã Hiếu Trai đổi tên là xã Chế Tạo. Tháng 10 năm 1962, Trung ương Đảng và Quốc hội đã quyết định thành lập các tỉnh ở khu Tây Bắc trực thuộc Trung ương:
- Các Châu trong khu tự trị đổi thành các huyện trực thuộc các tỉnh.
- Châu Mù Cang Chải trở thành một huyện của tỉnh Nghĩa Lộ.
- Châu ủy Mù Cang Chải đổi thành Huyện ủy Mù Cang Chải.
Tháng 12 năm 1975, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V đã ra Nghị quyết hợp nhất một số tỉnh gồm các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Nghĩa Lộ (trừ huyện Bắc Yên và huyện Phù Yên của tỉnh Nghĩa Lộ) thành tỉnh Hoàng Liên Sơn (chính thức đi vào hoạt động từ ngày 16/2/1976). Huyện Mù Cang Chải thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Từ ngày 27 tháng 7 đến ngày 12 tháng 8 năm 1991, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái, huyện Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái.
Ngày 9 tháng 5 năm 1998, Chính phủ ban hành Nghị định 27/1998/NĐ-CP về việc thành lập thị trấn Mù Cang Chải (thị trấn huyện lỵ huyện Mù Cang Chải) trên cơ sở 407 ha diện tích tự nhiên và 1.132 nhân khẩu của xã Mồ Dề; 335 ha diện tích tự nhiên và 905 nhân khẩu của xã Kim Nọi.
Huyện Mù Cang Chải có 1 thị trấn và 13 xã như hiện nay.
5. Tiềm năng du lịch huyện Mù Cang Chải (Yên Bái):
Đến với Mù Cang Chải dù chỉ một lần, du khách cũng cảm nhận được sự trù phú của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa, sự ấm áp tình người. Đường lên Mù Cang Chải tuy xa và khó khăn song lại rất thú vị. Quang cảnh thay đổi liên tục trên đường, du khách chưa kịp ngắm hết những ngôi nhà sàn Thái trên cánh đồng Mường Lò rộng lớn với bạt ngàn hoa ban trắng đã được đến với những con đường quanh co, uốn khúc trên các sườn đồi dốc đứng. Các vận động địa chất đã tạo cho Mù Cang Chải những đỉnh núi cao như: Púng Luông (2.985m), Phu Ba (2.512m), Mồ Dề (2.100m),… Qua đèo Khau Phạ (cao 2.100m), đây là đỉnh núi cao nhất trong “Tứ đại đỉnh đèo” Tây Bắc được bao phủ trong biển mây bồng bềnh, khí hậu mát mẻ quanh năm. Đỉnh đèo Cao Phạ còn là địa điểm đẹp đứng thứ 4 trên thế giới để cho các phi công bay dù lượn, cho những ai ưa thích cảm giác mạnh, trò chơi mạo hiểm để chinh phục bầu trời và cùng được thỏa sức chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của đất trời từ trên không trung qua trò chơi dù lượn. Từ đây, cứ từ đèo này qua đèo khác, núi này qua núi khác, du khách sẽ cảm nhận rõ nét sự thay đổi của độ cao, hai bên đường là những triền ruộng bậc thang đẹp mê hồn khiến mỗi chúng ta đều thấy choáng ngợp.
Thị trấn Mù Cang Chải nhỏ xinh nằm gọn giữa hai sườn núi với những bản làng thanh bình dưới thung lũng xanh hay trên đèo Khau Phạ. Chiếm 90% dân số toàn huyện, người Mông ở Mù Cang Chải có 4 nhóm: Mông Đơ (Mông Trắng); Mông Đu (Mông Đen); Mông Lình (Mông Hoa); Mông Si (Mông Đỏ), họ cư trú ở những sườn núi cao từ 800 đến 1.700m với những nét văn hóa đậm đà truyền thống, đặc sắc luôn thu hút nhiều nhà nghiên cứu. Đến nơi đây, du khách có thể vào thăm các bản làng dân tộc Mông, khám phá nét văn hóa cũng như những phong tục tập quán nơi vùng cao Tây Bắc với nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc và sản vật nổi tiếng như xem múa khèn, cùng trai gái Mông đi hội Sải Sán, trải nghiệm một số nghề thủ công truyền thống như: Nghề rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, làm đồ trang sức và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Mông. Đặc biệt du khách cũng không thể bỏ qua và nghé thăm bản Thái, chỉ cần đi qua cây cầu ở ngay trung tâm huyện (hướng về xã Chế Tạo nơi có khu bảo tồn loài sinh vật cảnh) rồi rẽ trái đi khoảng 1km sẽ tới bản Thái. Một bản nhỏ bình yên nằm giữa thung lũng, lưng tựa vào núi. Ở đây, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản của người Thái, tắm lá thuốc theo cách cổ truyền của người Thái, nghỉ ngơi tại nhà sàn và cùng tổ chức giao lưu, đốt lửa trại, múa xòe.
Đến Mù Cang Chải, du khách được thưởng ngoạn vẻ đẹp của quần thể Danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải với tổng diện tích 330 ha phân bố chủ yếu trên 3 xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn và Dế Su Phình, nơi đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận Danh thắng Quốc gia từ năm 2007. Những thửa ruộng bậc thang nơi đây đẹp tựa vân tay của trời, một công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông.
Không phải chỉ mới bây giờ mà đã từ lâu lắm, cái vùng đất khắc nghiệt Mù Cang Chải với ý nghĩa “làng cây khô” trong ngôn ngữ Mông đã trở thành biểu tượng sức cần cù, sáng tạo bền bỉ của con người. Từ một vùng đất khô cằn hoang hóa, những người Mông giỏi trèo đèo vượt núi đã khéo vận dụng biến từng luống đất, từng vạt đồi thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, không chỉ đem lại nguồn lương thực nuôi sống cộng đồng mà còn điểm thêm nét nhấn nhá vào thiên nhiên, biến núi đồi hoang vu thành những kiệt tác độc đáo in đậm giá trị văn hóa truyền thống cùng kỳ công sáng tạo của người Mông. Những thửa ruộng cứ từng cấp, từng cấp ôm theo triền núi đồi. Khắp 13 xã, thị trấn của Mù Cang Chải chỗ nào cũng có ruộng bậc thang.
THAM KHẢO THÊM: