Huyện Văn Yên là một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Yên Bái, nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế với các ngành nghề như nông nghiệp, khai khoáng và du lịch. Xin mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau: Bản đồ và các xã phường thuộc huyện Văn Yên (Yên Bái).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Văn Yên (Yên Bái):
2. Huyện Văn Yên (Yên Bái) có bao nhiêu xã, phường?
Huyện Văn Yên có 25 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 1 thị trấn, 24 xã.
STT | Danh sách xã, phường thuộc huyên Văn Yên, Yên Bái |
1 | Thị trấn Mậu A (huyện lỵ) |
2 | Xã An Bình |
3 | Xã An Thịnh |
4 | Xã Châu Quế Hạ |
5 | Xã Châu Quế Thượng |
6 | Xã Đại Phác |
7 | Xã Đại Sơn |
8 | Xã Đông An |
9 | Xã Đông Cuông |
10 | Xã Lâm Giang |
11 | Xã Lang Thíp |
12 | Xã Mậu Đông |
13 | Xã Mỏ Vàng |
14 | Xã Nà Hẩu |
15 | Xã Ngòi A |
16 | Xã Phong Dụ Hạ |
17 | Xã Phong Dụ Thượng |
18 | Xã Quang Minh |
19 | Xã Tân Hợp |
20 | Xã Viễn Sơn |
21 | Xã Xuân Ái |
22 | Xã Xuân Tầm |
23 | Xã Yên Hợp |
24 | Xã Yên Phú |
25 | Xã Yên Thái |
Đơn vị hành chính cũ hiện không còn tồn tại là:
-
Xã Hoàng Thắng
-
Xã Yên Hưng
3. Điều kiện tự nhiên – xã hội của huyện Văn Yên (Yên Bái):
3.1. Vị trí địa lý:
Văn Yên là một huyện vùng núi phía Bắc của tỉnh Yên Bái, được thành lập từ tháng 3 năm 1965, có tọa độ địa lý 104º23′ đến 104º23′ độ kinh đông và từ 21º50’30” đến 22º12′ vĩ độ bắc
-
Phía Đông giáp huyện Lục Yên, Yên Bình.
-
Phía Tây giáp huyện Văn Chấn.
-
Phía Nam giáp huyện Trấn Yên.
-
Phía Bắc giáp huyện Văn Bàn, huyện Bảo Yên – tỉnh Lao Cai.
Huyện có tổng diện tích đất tự nhiên 1.391,54 Km2. Huyện Văn Yên cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái 40 km về phía Bắc. Toàn huyện có 24 xã và 1 thị trấn với 172 thôn, tổ dân phố.
Thị trấn Mậu A là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của huyện Văn Yên. Với vị trí nằm trên tuyến đường sắt Yên Bái – Lào Cai, tuyến đường Tỉnh lộ Yên Bái – Khe Sang, đường thủy và đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, thị trấn Mậu A sẽ là động lực để phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh của huyện.
Căn cứ vào đặc điểm tự nhiên và đặc điểm khí hậu, tập quán canh tác đã chia Văn Yên thành ba vùng kinh tế:
-
Vùng thâm canh lúa gồm 11 xã: Yên Thái, Ngòi A, Mậu A, Mậu Đông, Đông Cuông, Xuân Ái, Yên Hợp, An Thịnh, Yên Phú, Đại Phác và Tân Hợp (trong đó: Thị trấn Mậu A là trung tâm huyện lỵ).
-
Vùng trồng màu và cây ăn quả gồm 6 xã: Lang Thíp, Lâm Giang, Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ, An Bình, Đông An.
-
Vùng trồng quế gồm 8 xã: Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Quang Minh, Viễn Sơn và Đại Sơn.
3.2. Địa hình:
Địa hình của huyện Văn Yên tương đối phức tạp với các dãy đồi núi nối tiếp nhau cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc thuộc thung lũng sông Hồng, kẹp giữa các dãy núi cao là Con Voi và Púng Luông. Hệ thống sông ngòi dày đặc cùng nhiều kiểu địa hình khác nhau: Vùng núi cao hiểm trở, vùng đồi bát úp lượn sang nhấp nhô xen kẽ với các thung lũng và cánh đồng phù sa nhỏ hẹp ven sông. Sự chênh lệch về địa hình giữa các khu vực trong huyện là rất lớn, có đỉnh cao nhất là 1952m và thấp nhất là 20m so với mực nước biển.
Vùng núi cao trung bình có độ cao từ 300 đến 1700 mét và chủ yếu tập trung ở các xã phía Tây Bắc của huyện. Đó là các dãy đồi núi liên tiếp chia cắt mạnh, độ dốc lớn, có các bậc thềm cao thấp khác nhau, đôi khi có địa hình thung lũng hẹp và vách dốc đứng, diện tích khoảng 35.000 ha. Trong khu vực này, đối với vùng đất đồi núi có độ dốc lớn hơn 25°, tầng đất mỏng dưới 30 cm dành cho trồng rừng và bảo vệ khoanh nuôi rừng tự nhiên. Ở những vùng có độ dốc nhỏ hơn 25°, lớp đất dày phục vụ cho trồng cây dài ngày như quế, chè, cây ăn quả và một số cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô, khoai, sắn,…
Vùng đồi cao, núi thấp thuộc các xã phía Tây của huyện, vùng này núi đỉnh nhọn, sườn dốc, chia cắt mạng, hợp thủy trũng sâu, hẹp, phát triển trên nền đá macma axit. Vùng núi đỉnh nhọn, thoải, các thung lũng nông trên đền đá biến chất, nơi có độ dốc lớn hơn 25⁰ thích hợp cho việc trồng và bảo vệ rừng; nơi có độ dốc nhỏ hơn 25 độ bởi tầng đất dày thích hợp cho các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc. Vùng đất bằng thích hợp cho trồng cây hàng năm.
Vùng đồi thấp thung lũng sông hang: vùng này bao gồm các xã vùng thấp của huyện, có địa hình dạng đồi bát úp, đỉnh tròn, sườn thoải, có độ cao tuyệt đối dưới 300 m. Có khả năng trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, vùng đồng bằng thích hợp cho trồng cây lương thực.
3.3. Thời tiết và khí hậu:
Huyện Văn Yên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm kết hợp với địa hình bị chia cắt nên tạo thành hai tiểu vùng khí hậu:
+ Vùng phía Bắc (từ Trái Hút trở lên): Có độ cao trung bình 500 m so với mặt nước biển. Đặc điểm vùng này ít mưa, nhiệt độ trung bình 21 – 23ºc. Lượng mưa bình quân 1.800 mm/năm. Độ ẩm thường xuyên 80 – 85%, có những ngày chịu ảnh hưởng của gió Lào.
+ Vùng núi phía Nam (từ Trái Hút trở xuống): chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, có lượng mưa lớn, bình quân 1.800 – 2.000 mm/năm, nhiệt độ trung bình 23 – 24ºc, độ ẩm không khí 81 – 86%.
+ Các hiện tượng thời tiết khác:
-
Sương muối: Xuất hiện chủ yếu ở độ cao trên 600 m. Nhiệt độ càng xuống thấp xuống, số ngày có sương muối càng nhiều. Vùng thấp thuộc thung lũng sông Hồng ít xuất hiện.
-
Mưa đá: Xuất hiện ở một số nơi vào khoảng cuối mùa Xuân, đầu mùa hạ và thường đi kèm với hiện tượng giông, gió xoáy cục bộ.
Khí hậu Văn yên ổn định, ít đột biến, phù hợp với trồng trọt và chăn nuôi, trồng các loại cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp dài ngày ở phía Nam, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày như: Sắn, lạc, đậu, đỗ các loại ở phía Bắc.
3.4. Nguồn nhân lực:
Dân số:
Dân số trung bình dến năm 2019 là 129.059 người. Trong đó nam 61.981 người, chiếm 50,37%; nữ 61.075 người, chiếm 49,63%. Dân số ở khu vực thành thị chiếm 10,26%; khu vực nông thôn chiếm 89,76%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 15,12%, mật độ dân số trung bình 88,5 người/ km2. Toàn huyện có 12 dân tộc trong đó có các dân tộc chủ yếu sau:
-
Dân tộc Kinh: 52,86%
-
Dân tộc Tày: 15,58%
-
Dân tộc Dao: 25,4%
-
Dân tộc H’ mông: 4,43%
-
Các dân tộc khác: 1,73%
Mật độ dân số phân bố không đều, có nơi tập trung rất đông dân cư như Thị trấn Mậu A bình quân khoảng 1.311,7 người/km2, ngược lại một số xã vùng cao diện tích rộng nhưng mật độ dân cư ít như xã Phong Dụ Thượng bình quân là 29,0 người/ km2, xã Nà Hẩu 36,1 người/ km, xã Xuân Tầm 39,3 người/km2.
Lao động:
Theo Niên giám thống kê huyện Văn Yên năm 2015: Số lao động được tạo việc làm là 3.251 người, trong đó: Chia theo giới tính thì số lao động nam là 1618 người = 49,77%, số lao động nữ là 1663 người = 50,23%, chia theo khu vực thành thị nông thôn lần lượt là 376 người = 11,6% và 2875 người = 88,4%.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên phân theo:
-
Giới tính có tổng số 88.022 người trong đó Nam là 44.192 người = 50,21%, Nữ là 43.830 người =49,79%.
-
Phân theo thành thị và nông thôn lần lượt là 7.921 người = 9,00% và 80.101 người = 91%.
4. Lịch sử hình thành huyện Văn Yên (Yên Bái):
Trải qua các thời kỳ lịch sử, năm 1891 huyện Văn Yên ngày nay thuộc tiểu quân khu Yên Bái trong đạo quan binh thứ ba. Năm 1900, thực dân Pháp lập tỉnh Yên Bái thì phần lớn vùng đất Văn Yên thuộc tổng Đông Cuông và tổng Yên Phú, phủ Trấn Yên, còn lại một phần đất thuộc tổng Văn Bàn, châu Văn Bàn. Từ đó đến năm 1964, địa dư hành chính này không có gì thay đổi.
Ngày 16/12/1964, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177-CP về việc thành lập huyện Văn Yên trên cơ sở sáp nhập 19 xã của huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) và 6 xã của huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai); 06 xã của huyện Văn Bàn là Phong Dụ, Đồng An, Lâm Giang, Lang Thíp, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng và 19 xã của huyện Trấn Yên là An Bình, Đại Sơn, Đông Cuông, Hoàng Thắng, Mậu Đông, Quang Minh, Xuân Ái, Yên Hợp, Yên Hưng, Đoàn Kết, Yên Thành, Đồng Tâm, Đại Đông, Nhất Trí, Xuân Lợi, Minh Đông, Mỏ Vàng, Mậu A, Yên Phú.
Ngày 1/3/1965, lễ bàn giao và tiếp nhận huyện được tổ chức tại hội trường của Hợp tác xã Ba Soi (Thọ Lâm), nay là khuôn viên nhà văn hóa thôn 1 – Kim Yên, xã Lâm Giang. Từ đây, huyện Văn Yên chính thức đi vào hoạt động và lấy ngày 1/3 hàng năm là ngày thành lập huyện.
Ngày 17/2/1965, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 44-NV, chia xã Phong Dụ thành 3 xã: Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ và Xuân Tâm.
Ngày 3/4/1965, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 125, đổi tên 5 xã như sau: Xã Đoàn Kết thành xã Ngòi A, xã Yên Thành thành xã Yên Thái, xã Đồng Tâm thành xã Tân Hợp,
xã Đại Đồng thành xã Đại Phác, xã Nhất Trí thành xã Viễn Sơn.
Ngày 16/12/1967, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 52- NV, chia xã Đại Phác thành 2 xã: An Thịnh và Đại Phác.
Ngày 2/3/1973, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ra Quyết định số 12-BT, giải thể xã Xuân Lợi, sáp nhập các thôn của xã này vào xã Mỏ Vàng và xã Đại Sơn, giải thể xã Minh Đông, sáp nhập các thôn của xã này vào xã An Bình và Đông Cuông.
Ngày 11/1/1986, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 03- HĐBT, chia xã Mỏ Vàng thành 2 xã là Mỏ Vàng và Nà Hẩu.
Ngày 19/12/1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 15-H ĐBT, giải thể xã Mậu A để thành lập thị trấn Mậu A, phần còn lại sáp nhập vào xã Mậu Đông.
Ngày 10/01/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 871/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Văn Yên như sau: Nhập xã Hoàng Thắng vào xã Xuân Ái, Nhập xã Yên Hưng vào xã Yên Thái. Sau khi sắp xếp, huyện Văn Yên có 25 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 xã và 01 thị trấn.
THAM KHẢO THÊM: