Thị xã Vĩnh Châu nằm ở phía Đông Nam tỉnh Sóc Trăng. Ban đầu, địa danh Vĩnh Châu chỉ là tên một làng thuộc tổng Thạnh Hưng, tỉnh Bạc Liêu. Sau này, thực dân Pháp thành lập quận và đặt tên là quận Vĩnh Châu do lấy theo tên gọi làng Vĩnh Châu vốn là nơi đặt quận lỵ. Để tìm hiểu thêm Thị xã Vĩnh Châu, Bản đồ, các xã phường thuộc thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng):
2. Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có bao nhiêu xã, phường?
Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Danh sách cụ thể được liệt kê tại bảng dưới đây:
STT | Danh sách xã, phường thuộc Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) |
1 | Phường 1 |
2 | Phường 2 |
3 | Phường Khánh Hòa |
4 | Phường Vĩnh Phước |
5 | Xã Hòa Đông |
6 | Xã Lạc Hòa |
7 | Xã Lai Hòa |
8 | Xã Vĩnh Hải |
9 | Xã Vĩnh HIệp |
10 | Xã Vĩnh Tân |
3. Giới thiệu về thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng):
3.1. Lịch sử hình thành:
- Thời Pháp thuộc:
Vào thời nhà Nguyễn, vùng đất Vĩnh Châu ngày nay thuộc tổng Thạnh Hưng, huyện Phong Thanh, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang. Sau khi chiếm hết các tỉnh Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp dần xóa bỏ tên gọi tỉnh An Giang cùng hệ thống chính phủ huyện cũ thời nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra. Tổng Thạnh Hưng lúc này thuộc hạt Thanh tra Ba Xuyên và sau đó là hạt Thanh tra Sóc Trăng. Ngày 20 tháng 12 năm 1899, Toàn quyền Đông Dương thành lập tỉnh Bạc Liêu gồm hai quận Vĩnh Lợi và Cà Mau (quận Vĩnh Lợi khi đó gồm hai tổng: Thạnh Hòa và Thạnh Hưng vốn trước năm 1822 cùng thuộc địa hạt Sóc Trăng). Năm 1904, thành lập quận Vĩnh Châu thuộc tỉnh Bạc Liêu trên cơ sở tổng Thạnh Hưng của quận Vĩnh Lợi.
- Giai đoạn 1956 – 1976:
Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 143 – NV về việc thành lập tỉnh Ba Xuyên trên cơ sở tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng. Lúc này, quận Vĩnh Châu thuộc tỉnh Ba Xuyên. Năm 1957, quận Vĩnh Châu bị giải thể, sáp nhập vào quận Vĩnh Lợi cũng thuộc tỉnh Ba Xuyên. Năm 1963, Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Quyết định về việc giải thể huyện Vĩnh Lợi – Vĩnh Châu để tái lập huyện Vĩnh Châu và huyện Vĩnh Lợi. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn đặt huyện Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng cho đến đầu năm 1976. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng bỏ danh xưng “quận” có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng “huyện”. Huyện lỵ là thị trấn Vĩnh Châu được thành lập do tách từ đất xã Vĩnh Châu trước đó.
- Từ năm 1976 đến nay:
Ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định số 17/QĐ-CP về việc hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ để thành lập tỉnh mới là tỉnh Hậu Giang. Huyện Vĩnh Châu khi đó bao gồm thị trấn Vĩnh Châu và 5 xã: Khánh Hòa, Lạc Hòa, Lai Hòa, Vĩnh Châu, Vĩnh Phước. Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Huyện Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng với 10 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm thị trấn Vĩnh Châu và 9 xã: Hòa Đông, Khánh Hòa, Lạc Hòa, Lai Hòa, Vĩnh Châu, Vĩnh Hải, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Phước, Vĩnh Tân.
Ngày 22 tháng 4 năm 2010, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 473/QĐ-BXD về việc công nhận thị trấn Vĩnh Châu là đô thị loại IV. Ngày 25 tháng 8 năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về việc:
+ Thành lập thị xã Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng trên cơ sở toàn bộ 47.339,48 ha diện tích tự nhiên và 163.918 nhân khẩu của huyện Vĩnh Châu.
+ Thành lập các phường thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng:
- Thành lập Phường 1 trên cơ sở toàn bộ 1.344,41 ha diện tích tự nhiên và 20.358 nhân khẩu của thị trấn Vĩnh Châu.
- Thành lập Phường 2 trên cơ sở toàn bộ 4.470,84 ha diện tích tự nhiên và 22.175 nhân khẩu của thị trấn Vĩnh Châu.
- Thành lập Phường Vĩnh Phước trên cơ sở toàn bộ 5.103,74 ha diện tích tự nhiên và 23.311 nhân khẩu của thị trấn Vĩnh Châu.
- Thành lập Phường Khánh Hòa trên cơ sở toàn bộ 4.590,84 ha diện tích tự nhiên và 10.475 nhân khẩu của thị trấn Vĩnh Châu.
Sau khi thành lập, thị xã Vĩnh Châu có 47.339,48 ha diện tích tự nhiên và 163.918 nhân khẩu với 10 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm 4 phường và 6 xã.
3.2. Vị trí địa lý:
Thị xã Vĩnh Châu nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Sóc Trăng, cách thành phố Sóc Trăng 38 km, có vị trí địa lý:
- Phía Đông và phía Nam giáp Biển Đông với đường bờ biển dài gần 50 km.
- Phía Tây giáp thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
- Phía Bắc giáp huyện Trần Đề, huyện Mỹ Xuyên và huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
3.3. Kinh tế:
- Nông nghiệp:
Trồng lúa, trồng các cây rau quả đặc biệt là hành củ rất được ưa chuộng, sản lượng cung cấp cho các tỉnh miền Nam. Vĩnh Châu có 7.000 ha (70 km2) trồng hành tím, năng suất canh tác trung bình 20 tấn/ha, 70% hành tím xuất khẩu sang Indonesia. Ngoài ra, nông dân ở đây còn chăn nuôi bò, lợn giúp kinh tế gia đình khá ổn định. Bên cạnh đó, thị xã tiếp tục xác định nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế chủ lực, xây dựng cánh đồng mẫu tôm cho vùng chuyên tôm; trong đó chú trọng phát triển nuôi tôm xen canh, luân canh với các đối tượng thủy sản khác nhau như cá rô phi, cá kèo,…đảm bảo ổn định diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp. Đặc biệt, do vị trí địa lý giáp biển Đông và cửa sông Mỹ Thanh nên người nông dân của Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu còn nuôi các loài artemia. Sản phẩm của hợp tác xã có chất lượng tốt và đang được tiêu thụ trong và ngoài nước.
Từ những tiềm năng của một thị xã vùng ven biển, thị trấn Vĩnh Châu đã và đang phát triển các mô hình kinh tế ven biển, tận dụng khai thác, sử dụng hết tiềm năng của vùng ven biển theo hướng hiệu quả và bền vững để hướng tới trở thành một địa phương có nguồn thu lợi lớn từ kinh tế biển, người dân thị trấn Vĩnh Châu có thể làm giàu từ biển. Đồng thời, rà soát quy hoạch, xây dựng lại các tiểu vùng sản xuất, nuôi trồng thủy sản, trồng màu, lúa màu và vườn cây ăn trái, đảm bảo ổn định sản xuất, nâng cao giá trị hàng nông sản.
- Công nghiệp:
Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang có đề án kêu gọi đầu tư xây dựng khu công nghiệp Vĩnh Châu, là một trong sáu khu công nghiệp của tỉnh với quy mô dự kiến:
+ Tổng diện tích: 158 ha.
+ Vị trí địa lý: Tọa lạc tại ấp Wathpich, xã Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu. Vị trí này rất thuận tiện cho việc di chuyển về giao thông đường thủy – bộ, gần nguồn nguyên liệu tập trung nông – thủy – hải sản.
+ Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật: hiện đang lập quy hoạch chi tiết.
+ Một số ngành nghề kêu gọi đầu tư: công nghiệp sản xuất các loại sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu; chế biến nông, thủy sản và thực phẩm, dệt may và giày dép; cơ khí chế tạo, sản xuất máy móc, thiết bị, các sản phẩm điện, điện máy; chế biến sản xuất đồ gỗ; vật liệu, thiết bị nội thất, sản xuất nhựa; phân bón, chế phẩm sinh học; sản xuất thức ăn gia súc, nuôi trồng thủy sản; sản xuất các loại sơn, cấu kiện bê tông đúc sẵn,…
Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng nói chung và thị xã đã trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án “Nhà máy Điện gió Vĩnh Châu” cho Công ty EAB New Enery GmbH (Đức) và Công ty Cổ phần Thương mại – Sản xuất và Dịch vụ tổng hợp (Transerco). Dự án Nhà máy Điện gió Vĩnh Châu (giai đoạn 1) có công suất từ 28,8 đến 30 MW, đường dây đấu nối và trạm biến áp 110 kV. Nhà máy Điện gió Vĩnh Châu xây dựng tại phường Vĩnh Phước (Thị xã Vĩnh Châu), diện tích khoảng 1.600 ha, vốn đầu tư 1.476 tỷ đồng. Hiện tại, dự án Nhà máy Điện gió đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng đã khởi công xây dựng từ tháng 12/2014 đến tháng 3/2015.
THAM KHẢO THÊM: