Hồng Bàng là một quận nằm ở trung tâm thành phố Hải Phòng, có tọa độ 20°52′35″B 106°36′31″Đ. Nơi đây là cửa ngõ giao thông thủy, sắt, bộ của thành phố, kết nối với thủ đô Hà Nội và với tỉnh Quảng Ninh tạo thành tam giác phát triển kinh tế Bắc Bộ Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết: Bản đồ, các xã phường thuộc quận Hồng Bàng (Hải Phòng).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ quận Hồng Bàng (Hải Phòng):
2. Các xã phường thuộc quận Hồng Bàng (Hải Phòng):
Quận Hồng Bàng được chia thành 9 phường.
STT | Các xã phường thuộc quận Hồng Bàng (Hải Phòng) |
1 | phường Hạ Lý |
2 | phường Hoàng Văn Thụ |
3 | phường Hùng Vương |
4 | phường Minh Khai |
5 | phường Phan Bội Châu |
6 | phường Quán Toan |
7 | phường Sở Dầu |
8 | phường Thượng Lý |
9 | phường Trại Chuối |
3. Giới thiệu về Quận Hồng Bàng (Hải Phòng):
- Vị trí địa lý
Hồng Bàng là một quận có vị trí quan trọng, nằm ở trung tâm thành phố Hải Phòng, có tọa độ 20°52′35″B 106°36′31″Đ. Nơi đây là cửa ngõ giao thông thủy, sắt, bộ của thành phố, kết nối với thủ đô Hà Nội và với tỉnh Quảng Ninh tạo thành tam giác phát triển kinh tế Bắc Bộ Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Từ đó tạo nên khu tam giác phát triển kinh tế phía Bắc nước ta. Quận Hồng Bàng có diện tích khoảng 14,5km2. Nơi đây tiếp giáp với nhiều đơn vị hành chính trong khu vực như:
+ Phía Đông giáp quận Ngô Quyền.
+ Phía Tây giáp huyện An Dương.
+ Phía Nam giáp quận Lê Chân.
+ Phía Bắc giáp huyện Thủy Nguyên với ranh giới là sông Cấm.
- Diện tích và dân số
Quận Hồng Bàng có tổng diện tích đất tự nhiên là 14,5 km², dân số 96.111 người (theo thống kê năm 2019). Mật độ dân số khoảng 6.628 người/km².
- Địa hình
Quận Hồng Bàng nằm ở vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ, đất đai chủ yếu do phù sa sông và biển bồi đắp nên. Do được bồi tụ không đều nên địa hình có chỗ cao chỗ thấp xen kẽ:
+ Các phường khu vực trung tâm quận có cốt đất trung bình 3,5 – 4,5 m.
+ Các phường vùng lân cận và xa trung tâm quận có diện tích đất nông nghiệp lớn, cốt đất thấp hơn bình quân 2,5 – 3m.
- Khí hậu
Khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa hạ nóng ẩm mưa nhiều, mùa đông lạnh ít mưa và chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa đồng bằng ven biển và khí hậu miền núi Đông Bắc. Lượng mưa trung bình hàng năm: 1.494,7 mm, tháng nặng nhất là tháng 8 với lượng mưa 352 mm.
Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23,6 độ C. Tháng lạnh nhất (tháng 1) có nhiệt độ trung bình là 16,8 độ C, trong khi tháng nóng nhất (tháng 7) có nhiệt độ trung bình là 29,4 độ C. Nhiệt độ thấp nhất từng được ghi nhận là 6,5 độ C, và nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận là 39,5 độ C.
- Kinh tế – xã hội
Trên địa bàn quận có trụ sở của các cơ quan thành phố (trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND và các sở ngành,…), nhiều văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài đóng trên địa bàn, quận có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại lớn và ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố như công nghiệp đóng tàu, chế tạo sản xuất thép công nghiệp, kinh tế cảng biển, các trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ, tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn lớn.
Theo thống kê trên địa bàn quận có 1.668 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút hàng chục nghìn người lao động, 13 trung tâm thương mại, 39 trường học, 06 bệnh viện (04 bệnh viện cấp thành phố), khu đô thị Vinhomes Imperia có diện tích 78,5 ha tại phường Thượng Lý, có 1 bến xe chính của thành phố (Thượng Lý), 01 bến tàu thủy nội địa (Bến Bính).
Với những điều kiện thuận lợi đó, trong nhiều năm qua, quận Hồng Bàng có bước phát triển khá nhanh trên các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tốc độ xây dựng và phát triển đô thị nhanh với hệ thống hạ tầng đô thị được xây dựng cơ bản đồng bộ, hiện đại, nhiều dự án, công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển và nâng cao chất lượng sống của người dân, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị từng bước được cải thiện.
- Giao thông:
Quy hoạch phát triển giao thông quận Hồng Bàng:
+ Đường: Nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường trên địa bàn quận Hồng Bàng. Quốc lộ 5 là trục đường chính có diện tích mặt cắt ngang 54m. Quốc lộ 10 có mặt cắt ngang 68m. Tỉnh lộ 351 mở rộng mặt cắt ngang 25m.
+ Đường sắt: Tiến hành nâng cấp, quy hoạch các tuyến đường sắt trên địa bàn huyện như nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng hiện có trên địa bàn. Đồng thời, quy hoạch nhánh đường sắt từ ga Hùng Vương đến cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Đến năm 2025 nâng cấp thành tuyến đường sắt đô thị số 1, mở rộng ga Hùng Vương với diện tích 41 ha.
+ Đường thủy: Về tổng thể, mạng lưới đường thủy sẽ được giữ nguyên như cũ. Các tuyến vận tải thủy chính sẽ bao gồm: Sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Đào Hạ Lý,… Cùng với đó sẽ nâng cấp, mở rộng các cảng dọc sông Cấm phục vụ nhu cầu bổ sung nguyên liệu cho tàu thuyền, thúc đẩy phát triển du lịch, v.v… Quy hoạch bến tàu du lịch đáp ứng nhu cầu tham quan dọc sông Cấm tại phường Hùng Vương.
+ Đường vành đai: Đường vành đai 2 mở rộng có diện tích mặt cắt 79,5m2.
- Lịch sử:
Quận Hồng Bàng trước đây là khu phố Hồng Bàng thuộc thành phố Hải Phòng, được thành lập vào ngày 5 tháng 7 năm 1961 trên cơ sở sáp nhập các khu phố Máy Nước, Thượng Hạ Lý và khu phố Trên sông.
Ngày 3 tháng 1 tháng 1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 03/CP về việc thống nhất tên gọi các đơn vị hành chính ở nội thành, nội thị. Theo đó, khu phố Hồng Bàng được đổi thành quận Hồng Bàng. Quận Hồng Bàng gồm 9 phường: Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Phan Bội Châu, Phạm Hồng Thái, Hạ Lý, Sở Dầu, Thượng Lý, Trại Chuối.
Ngày 23 tháng 11 năm 1993, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 89/CP sáp nhập xã Hùng Vương và thị trấn Quán Toan thuộc huyện An Hải vào quận Hồng Bàng và chuyển thành 2 phường có tên tương ứng.
Ngày 1 tháng 2 năm 2020, sáp nhập phường Quang Trung vào phường Hoàng Văn Thụ và sáp nhập phường Phạm Hồng Thái vào phường Phan Bội Châu. Từ đó, Quận Hồng Bàng có 9 phường trực thuộc như hiện nay.
Ngày 09/6/2023, Thành ủy Hải Phòng đã họp và thống nhất chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính giữa quận Hồng Bàng và huyện An Dương.
Theo đó, căn cứ vào Đồ án quy hoạch chung của thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 323/QĐ-TTG ngày 30/3/2023, qua khảo sát và nghiên cứu, thành phố Hải Phòng dự kiến phương án điều chỉnh địa giới hành chính 03 xã Đại Bản, An Hưng, An Hồng thuộc huyện An Dương dự kiến thành lập 3 phường liền kề với phường Quán Toan và Hùng Vương thuộc quận Hồng Bàng.
- Địa điểm du lịch nổi tiếng:
+ Hồ Tam Bạc:
Hồ Tam Bạc tọa lạc ở trung tâm thành phố Hải Phòng, thuộc quận Hồng Bàng, là nơi gắn liền với các giai đoạn lịch sử thăng trầm của đất cảng. Hồ Tam Bạc trước đây vốn là lạch Liêm Khê, thuộc làng An Biên cũ. Dưới thời Pháp thuộc, nơi đây được người Pháp “nắn” thẳng và mở rộng thành kênh để ngăn cách khu vực người Tây với người Việt. Đến năm 1985, thành phố đắp đập Tam Kỳ, đoạn kênh này thành hồ và từ đó có tên là hồ Tam Bạc.
+ Khu phố cổ Hải Phòng:
Trước đây, khu phố cổ nằm dọc bên bờ sông Tam Bạc thơ mộng, là nơi giao thương của rất nhiều địa phương, buôn bán trao đổi đa dạng các loại hàng hóa. Tuy nhiên trải qua những biến động của lịch sử, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã khiến nơi đây dần bị lãng quên, chỉ còn con phố Tam Bạc là vẫn ở đó, bền bỉ cùng thời gian với nếp sống bình lặng, xưa cũ.
Mặc dù hiện tại Khu phố cổ Hải Phòng này đã không còn sầm uất bởi những tàu thuyền ngược xuôi nhưng vẫn mang trên mình phong cách kiến trúc độc đáo. Nơi đây gợi cho chúng ta nhớ về một thời “trên bến, dưới thuyền” vô cùng đông vui, nhộn nhịp. Thậm chí nơi đây mang vẻ đẹp cổ kính cũng khiến người dân Hải Phòng vô cùng tự hào, coi nó là biểu tượng nghệ thuật của thành phố hoa phượng đỏ.
THAM KHẢO THÊM: