Huyện Vị Thủy là một huyện thuộc tỉnh Hậu Giang, nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là huyện có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp và đang trên đà phát triển về hạ tầng, thương mại và du lịch sinh thái. Dưới đây là bài viết về Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Vị Thủy (Hậu Giang). Xin mời bạn đọc theo dõi.
Mục lục bài viết
- 1 1. Bản đồ hành chính huyện Vị Thủy (Hậu Giang):
- 2 2. Có bao nhiêu xã phường thuộc huyện Vị Thủy (Hậu Giang)?
- 3 3. Giới thiệu chung về huyện Vị Thủy (Hậu Giang):
- 4 4. Thông tin quy hoạch tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang):
- 5 5. Diện mạo mới của huyện Vị Thủy (Hậu Giang) sau một phần tư thế kỷ thành lập (1999 – 2024):
1. Bản đồ hành chính huyện Vị Thủy (Hậu Giang):
2. Có bao nhiêu xã phường thuộc huyện Vị Thủy (Hậu Giang)?
Huyện Vị Thủy có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Nàng Mau (huyện lỵ) và 9 xã.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
1 | Thị trấn Nàng Mau (huyện lỵ) |
2 | Xã Vị Bình |
3 | Xã Vị Đông |
4 | Xã Vị Thắng |
5 | Xã Vị Thanh |
6 | Xã Vị Thuỷ |
7 | Xã Vị Trung |
8 | Xã Vĩnh Thuận Tây |
9 | Xã Vĩnh Trung |
10 | Xã Vĩnh Tường |
3. Giới thiệu chung về huyện Vị Thủy (Hậu Giang):
* Vị trí địa lý:
Huyện Vị Thủy có vị trí địa lý:
-
Phía Bắc giáp huyện Châu Thành A
-
Phía Nam giáp thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ
-
Phía Tây giáp huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang và thành phố Vị Thanh
-
Phía Đông giáp huyện Phụng Hiệp
* Diện tích, dân số:
Huyện Vị Thủy có tổng diện tích đất tự nhiên 23.171,04 ha² và dân số khoảng 90.126 người (2019), trong đó thành thị có 6.356 người (7%), nông thôn có 83.770 người (93%). Mật độ dân số đạt khoảng 393 người/km².
* Địa hình:
Địa hình huyện Vị Thủy có đặc điểm đất thấp, trũng lầy, nhiều kênh rạch, sông ngòi, phù sa màu đen mịn. Đây là địa hình thuận lợi cho việc trồng trọt, nuôi cá và sản xuất hàng nông nghiệp.
* Kinh tế:
Kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây lúa và nuôi trồng thủy sản.
Với địa hình đồng bằng sông nước, Vị Thủy là nơi có tiềm năng phát triển nông nghiệp rất lớn. Đất đai ở đây màu mỡ, độ pH thích hợp cho cây trồng phát triển. Nhờ vào điều kiện này, Vị Thủy đã phát triển mạnh ngành nông nghiệp với các sản phẩm chính như lúa, rau, củ, quả và thủy sản.
Ngoài ra, huyện cũng đang phát triển một số ngành kinh tế khác như dịch vụ, du lịch và công nghiệp nhẹ. Tuy nhiên, những ngành này vẫn còn chưa phát triển đầy đủ và có thể tạo ra thu nhập cao hơn cho người dân địa phương.
* Lịch sử hình thành:
Trước năm 1999, huyện Vị Thủy ngày nay là một phần huyện Vị Thanh, tỉnh Cần Thơ cũ.
Ngày 1 tháng 7 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/1999/NĐ-CP về việc:
-
Thành lập thị xã Vị Thanh trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Vị Thanh, xã Vị Tân, xã Hỏa Lựu, xã Hỏa Tiến, 438 ha diện tích tự nhiên và 6.326 nhân khẩu của xã Vị Đông, huyện Vị Thanh.
-
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Vị Thanh còn lại 20.849,65 ha diện tích tự nhiên và 85.342 nhân khẩu và được đổi tên thành huyện Vị Thủy.
-
Chuyển xã Vị Thắng thuộc huyện Long Mỹ với 2.321,49 ha diện tích tự nhiên và 9.796 nhân khẩu về huyện Vị Thủy quản lý.
-
Thành lập thị trấn Nàng Mau trên cơ sở 420 ha diện tích tự nhiên và 3.803 nhân khẩu của xã Vị Thủy, 204 ha diện tích tự nhiên và 1.819 nhân khẩu của xã Vị Thắng.
-
Thành lập xã Vị Bình trên cơ sở 2.108,52 ha diện tích tự nhiên và 8.252 nhân khẩu của xã Vị Thanh.
-
Thành lập xã Vị Trung trên cơ sở 2.141,73 ha diện tích tự nhiên và 8.299 nhân khẩu của xã Vị Thủy.
Sau khi thành lập, huyện Vị Thủy có 23.171,04 ha diện tích tự nhiên và 95.138 nhân khẩu, gồm 10 đơn vị hành chính cấp xã là thị trấn Nàng Mau và 9 xã: Vị Bình, Vị Trung, Vị Thủy, Vị Đông, Vị Thanh, Vĩnh Tường, Vĩnh Trung, Vĩnh Thuận Tây, Vị Thắng.
Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang. Huyện Vị Thủy thuộc tỉnh Hậu Giang, bao gồm 1 thị trấn và 9 xã như hiện nay.
4. Thông tin quy hoạch tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang):
Về quy hoạch đô thị, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 1108/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đến 2025.
Theo quyết định, phạm vi nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch có quy mô 359,04ha, thuộc địa phận thị trấn Nàng Mau và một phần các xã Vị Trung và Vị Thắng, huyện Vị Thủy.
Quy hoạch xác định đô thị Nàng Mau với tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính, khoa học – kỹ thuật, giáo dục – đào tạo và dịch vụ thương mại của huyện Vị Thủy, đồng thời là đầu mối quan trọng trong giao lưu buôn bán của một vùng tỉnh Hậu Giang, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hậu Giang.
* Quy hoạch giao thông huyện Vị Thủy:
Trên địa bàn huyện Vị Thủy có tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như:
-
Tuyến Quốc lộ 61 B
-
Tuyến Quốc lộ 61 C
-
Tuyến ĐT 931 B
Ngoài ra, những năm gần đây huyện Vị Thủy cũng đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng rất nhiều tuyến đường giao thông liên xã, giao thông nông thôn trên địa bàn huyện.
* Quy hoạch sử dụng đất đến 2030:
Ngày 26/10/2021, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 2023/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, huyện Vị Thủy.
Theo quyết định, diện tích các loại đất được phân bổ trong thời kỳ quy hoạch đến 2030 của huyện Vị Thủy với diện tích, cơ cấu các loại đất với tổng diện tích tự nhiên: 22.931,61 ha.
-
Nhóm đất nông nghiệp: 19.323,95 ha
-
Nhóm đất phi nông nghiệp: 3.607,66 ha
-
Nhóm đất chưa sử dụng: 0 ha
Diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch đến 2030 bao gồm:
-
Đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp: 1.110,26 ha
-
Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp: 142,53 ha
-
Đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở: 2,82 ha
Vị trí, diện tích các khu vực đất phải chuyển mục đích sử dụng đất được xác định theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, tỷ lệ 1/10.000, Báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021, huyện Vị Thủy.
Ngoài ra, trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cũng có một phần diện tích được quy hoạch thị trấn Nàng Mau đến 2030.
Thị trấn Nàng Mau là một trong 10 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Vị Thủy. Do đó, quy hoạch giao thông, đô thị, sử dụng đất thị trấn Nàng Mau cũng được xác định theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, huyện Vị Thủy.
Quy hoạch sử dụng đất huyện Vị Thủy không những thể hiện thông tin chung mà còn là cơ sở pháp lý cho từng khu đất cụ thể tại huyện. Ở mỗi khu đất khác nhau sẽ có những đặc điểm cũng như giá trị riêng, chính vì thế mà cũng có nhiều loại bản đồ quy hoạch tương ứng với từng khu vực.
5. Diện mạo mới của huyện Vị Thủy (Hậu Giang) sau một phần tư thế kỷ thành lập (1999 – 2024):
Sau 25 năm thành lập (1999 – 2024), được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ban ngành trong tỉnh Hậu Giang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vị Thủy đã quyết tâm phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành khá toàn diện mục tiêu phát triển đề ra.
Huyện Vị Thủy được thành lập năm 1999. Sau khi thành lập, huyện Vị Thủy có 23.171,04 ha diện tích tự nhiên với 10 đơn vị hành chính cấp xã.
Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh Hậu Giang và đất nước, huyện Vị Thủy đã có những bước tiến mạnh mẽ. Hình ảnh một huyện thuần nông, có xuất phát điểm khá thấp đã dần lùi xa nhường chỗ cho hình ảnh địa phương phát triển khá năng động, toàn diện của tỉnh.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực:
-
Thu nhập bình quân đầu người đạt 59 triệu đồng/người/năm, tăng gần 12,5 lần.
-
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 2.700 tỷ đồng, tăng hơn 22 lần.
-
Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 396 tỷ đồng, tăng gấp 13,2 lần so với năm 1999.
-
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 36,1 lần từ 132,854 tỷ đồng vào năm 1999 lên 4.804 tỷ đồng hiện nay.
-
Thu ngân sách nhà nước đạt 600,611 tỷ đồng, tăng bình quân 18,24%/năm.
-
Chi ngân sách thực hiện đạt 540,481 tỷ đồng, tăng bình quân 17,19%/năm.
Huyện đã phát huy được thế mạnh để phát triển nông nghiệp ấn tượng, 22 năm liên tiếp đạt sản lượng lúa hơn 200.000 tấn, góp phần quan trọng bảo đảm giữ vững tiêu chí sản lượng lúa của tỉnh đạt hơn 1 triệu tấn/năm. Có được thành quả này là nhờ huyện đã thực hiện tốt việc bao tiêu, xây dựng được các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, nổi bật là mô hình cánh đồng lớn, mô hình “3 giảm, 3 tăng”, mô hình canh tác lúa thông minh. Đến nay, Vị Thủy đã có 437,46 ha diện tích sản xuất lúa chất lượng cao được chứng nhận VietGAP, xây dựng được 3 sản phẩm thương hiệu gạo OCOP (gạo sạch Vị Thủy, gạo sạch Minh Quân, gạo ngon HT) đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và là vùng lúa nguyên liệu của tỉnh Hậu Giang.
Đáng chú ý, Vị Thủy đang đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với các làng nghề truyền thống. Có thể kể tới các sản phẩm du lịch đã cơ bản tạo dựng được danh tiếng như:
-
Khu du lịch sinh thái Việt – Úc, Hồ nước ngọt, các vườn bưởi da xanh, khám phá thiên nhiên, trải nghiệm sông nước trên kênh Xà No, kênh Nàng Mau.
-
Du lịch văn hóa, tâm linh gắn với giáo dục truyền thống.
-
Du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề. Trong đó, điểm nhấn là tham quan Làng trầu và Khu du lịch sinh thái Việt – Úc.
Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các ngành rà soát, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đề án phát triển du lịch huyện Vị Thủy đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Huyện ủy, UBND huyện thông qua, là một bước đột phá trong phát triển du lịch địa phương.
Phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng tích cực đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân. Đến nay, trên địa bàn huyện có 7/9 xã nông thôn mới, chiếm tỉ lệ 77,78%, trong đó có 01 xã nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp khang trang, đáp ứng cơ bản cho lưu thông và giao thương hàng hóa trong huyện và các địa phương lân cận cùng hoạt động thương mại, dịch vụ, phát triển khá nhộn nhịp,…
Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, quy mô trường lớp được đầu tư, nâng cấp mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Đến nay, toàn huyện có 39/45 trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỉ lệ 86,67%), tăng 39 trường so với năm học 1999 – 2000. Mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố về số lượng và chất lượng. Các trạm y tế xã đã tăng cường công tác giám sát, phát hiện các ca bệnh tại cộng đồng. Nhờ chủ động phát hiện sớm, khống chế kịp thời nên huyện không để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Chất lượng khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tiếp tục được nâng lên. Các chính sách người có công, chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và công tác đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được quan tâm thực hiện tốt, giảm nghèo đạt kết quả vượt bậc. Huyện đã xây dựng và sửa chữa 1.388 căn nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, tổng kinh phí 39,426 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng 3.321 căn nhà ở với tổng kinh phí thực hiện 45,375 tỷ đồng. Giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 14,64% năm 2000 xuống còn 4,06% năm 2024.
Công tác cải cách hành chính luôn được các cấp, các ngành triển khai tích cực, chỉ đạo đẩy mạnh cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến phục vụ tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện việc công khai đầy đủ các thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc cơ chế “một cửa” trên các lĩnh vực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Có thể khẳng định sau 25 năm thành lập huyện, Vị Thủy đã khoác lên mình một diện mạo tươi sáng. Cơ sở hạ tầng không ngừng phát triển, kinh tế – xã hội có sự phát triển vượt bậc, đời sống của nhân dân các dân tộc ngày càng được nâng cao, an ninh – quốc phòng được giữ vững, ổn định và hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Địa phương đã nhận được sự đánh giá cao của tỉnh Hậu Giang, các ngành, các cấp. Đây là động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện tiếp tục đoàn kết, phấn đấu, thi đua xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh Hậu Giang trong thời kỳ mới.
THAM KHẢO THÊM: