Huyện Thọ Xuân cách thành phố Thanh Hóa (đi theo quốc lộ 47) 36 km về phía Tây và nằm ngay bên hữu ngạn sông Chu - con sông lớn tỉnh Thanh Hóa. Huyện Thọ Xuân là một huyện bán sơn địa, trên địa bàn huyện có sông Chu chảy theo hướng từ Tây sang Đông. Để tìm hiểu thêm huyện Thọ Xuân, mời bạn đọc theo dõi bài viết: Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa:
Đây là bản đồ hành chính cũ của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể:
- Sáp nhập xã Hạnh Phúc vào thị trấn Thọ Xuân.
- Sáp nhập xã Xuân Lam vào thị trấn Lam Sơn.
- Sáp nhập xã Xuân Thắng vào thị trấn Sao Vàng.
- Sáp nhập xã Thọ Thắng vào xã Xuân Lập.
- Hợp nhất hai xã Xuân Sơn và Xuân Quang thành xã Xuân Sinh.
- Hợp nhất ba xã Xuân Khánh, Thọ Nguyên, Xuân Thành thành xã Xuân Hồng.
- Hợp nhất ba xã Xuân Tân, Xuân Vinh, Thọ Trường thành xã Trường Xuân.
- Hợp nhất hai xã Phú Yên và Xuân Yên thành xã Phú Xuân.
- Hợp nhất hai xã Thọ Minh và Xuân Châu thành xã Thuận Minh.
2. Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) có bao nhiêu xã phường?
Huyện Thọ Xuân có 30 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 3 thị trấn và 27 xã. Danh sách cụ thể được liệt kê tại bảng dưới đây:
STT | Danh sách các thị trấn, xã thuộc huyện Thọ Xuân |
1 | Thị trấn Thọ Xuân (huyện lỵ) |
2 | Thị trấn Lam Sơn |
3 | Thị trấn Sao Vàng |
4 | Xã Bắc Lương |
5 | Xã Nam Giang |
6 | Xã Phú Xuân |
7 | Xã Quảng Phú |
8 | Xã Tây Hồ |
9 | Xã Thọ Diên |
10 | Xã Thọ Hải |
11 | Xã Thọ Lâm |
12 | Xã Thọ Lập |
13 | Xã Thọ Lộc |
14 | Xã Thọ Xương |
15 | Xã Thuận Minh |
16 | Xã Trường Xuân |
17 | Xã Xuân Bái |
18 | Xã Xuân Giang |
19 | Xã Xuân Hòa |
20 | Xã Xuân Hồng |
21 | Xã Xuân Hưng |
22 | Xã Xuân Lai |
23 | Xã Xuân Lập |
24 | Xã Xuân Minh |
25 | Xã Xuân Phong |
26 | Xã Xuân Phú |
27 | Xã Xuân Sinh |
28 | Xã Xuân Thiện |
29 | Xã Xuân Tín |
30 | Xã Xuân Trường |
3. Vài nét giới thiệu huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa):
3.1. Vị trí địa lý:
Huyện Thọ Xuân là một huyện bán sơn địa nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Huyện lỵ là thị trấn Thọ Xuân, nằm cách thành phố Thanh Hóa 36 km về phía Tây theo quốc lộ 47 và nằm ngay bên hữu ngạn sông Chu – con sông lớn thứ hai của tỉnh Thanh Hóa chứa đựng nhiều truyền thuyết đẹp về lịch sử, văn hóa, địa lý,… Vị trí tiếp giáp của huyện Thọ Xuân:
- Phía Đông huyện Thọ Xuân giáp huyện Thiệu Hóa.
- Phía Đông Bắc huyện Thọ Xuân giáp huyện Yên Định.
- Phía Nam huyện Thọ Xuân giáp huyện Triệu Sơn.
- Phía Tây Nam huyện Thọ Xuân giáp huyện Thường Xuân.
- Phía Tây Bắc huyện Thọ Xuân giáp huyện Ngọc Lặc.
3.2. Điều kiện tự nhiên:
- Địa hình:
Điều kiện địa hình Thọ Xuân tương đối bằng phẳng nghiêng dần từ phía Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng dòng sông Chu chảy qua huyện thành hai vùng hữu ngạn và tả ngạn. Về cơ bản, địa hình huyện Thọ Xuân phân thành hai vùng khá rõ rệt:
+ Vùng đồi bát úp và núi thấp phía Tây Thọ Xuân: Khu vực này chủ yếu là vùng đồi thoải lượn sóng có một số địa hình thấp bãi bồi ven sông Chu, độ cao từ 15 m – 150 m, khu vực núi thấp tập trung ở phía Tây Nam thuộc 3 xã Xuân Bái, Xuân Phú, Xuân Thắng. Vùng có diện tích 164,5 km2 chiếm 56,3 % diện tích toàn huyện.
+ Vùng đồng bằng sông Chu có độ cao trung bình 8 – 15 m: Đây là vùng có nhiều cánh đồng rộng, bằng phẳng, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, tả ngạn sông Chu rải rác đồi núi sót, hữu ngạn có một số địa hình thấp trũng lòng chảo ngập nước thường xuyên và theo mùa. Vùng có diện tích 127,8 km2 chiếm 43,7% diện tích toàn huyện.
Huyện Thọ Xuân có điều kiện địa hình lãnh thổ gồm cả đồng bằng và đồi núi thấp trung du. Vùng đồng bằng lòng chảo có diện tích khá rộng và bằng phẳng, có sông Chu chảy ra ở giữa, thuận lợi cho phát triển sản xuất hàng hóa, nông nghiệp, tập trung dân cư, xây dựng công trình hạ tầng, đô thị. Vùng đồi thoải trung du chiếm diện tích lớn, dân cư thưa, quỹ đất rộng rãi có đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 47 đi qua, thuận lợi cho xây dựng phát triển các khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế trang trại (trồng trọt, chăn nuôi), xây dựng phát triển các đô thị mới.
- Khí hậu:
Huyện Thọ Xuân có điều kiện khí hậu chuyển tiếp giữa khí hậu khu vực miền Bắc và miền Trung nên phân thành hai mùa rõ rệt. Mùa đông chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên lạnh và ít mưa. Mùa hè kéo dài chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Nam mưa nhiều và có gió Tây khô nóng. Nhiệt độ trung bình năm 24 – 25 độ C, mùa đông (tháng 11 – tháng 3 năm sau) nhiệt độ trung bình 16 – 18 độ C, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là 14 độ C. Mùa hè nhiệt độ trung bình khoảng 31 độ C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất lên tới 36 – 37 độ C.
Lượng mưa trung bình hàng năm khá cao, khoảng 1800 – 1900 mm nhưng phân bố không đều theo mùa. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10, mưa nhiều chiếm khoảng 80 – 85% lượng mưa cả năm, các tháng 8,9,10 tập trung mưa nhiều. Mùa đông mưa ít chiếm 15 – 20% lượng mưa cả năm, mưa ít nhất vào tháng 12 và tháng 1 năm sau, lượng mưa trung bình tháng 20 mm. Độ ẩm không khí trung bình là 86%. Số giờ nắng hàng năm trung bình 1800 – 1900 giờ, tháng có nắng nhiều nhất là tháng 7, tháng có ít ngày nắng là các tháng 2, 3. Bão xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 10, trung bình hàng năm có 3 – 4 cơn bão thường kèm theo mưa to, tốc độ gió cấp 7 – 9, cao nhất lên đến cấp 11- 12.
Với đặc điểm khí hậu, thời tiết như trên, huyện Thọ Xuân rất phát triển cây trồng, vật nuôi, nền nhiệt, ẩm cao có tác động mạnh đến thúc đẩy khả năng sinh trưởng của nhiều loại cây trồng ngắn ngày và cây công nghiệp dài ngày.
- Tài nguyên đất:
Điều kiện đất đai thổ nhưỡng của huyện Thọ Xuân phần lớn là đất phù sa bồi tụ của sông Chu và đất feralit đỏ vàng tập trung ở khu vực đồi núi thấp. Qua điều tra khảo sát phân thành các nhóm đất (thổ nhưỡng) chính sau:
+ Nhóm đất phù sa (FL) sông Chu, sông Cầu Chảy: Diện tích 14.531 ha, chiếm khoảng 49,56% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở các xã đồng bằng, một số diện tích nằm rải rác dọc sông Chu chảy qua vùng đồi thấp. Đất gồm các loại đất phù sa mới bãi bồi, đất phù sa cũ tác động từ canh tác và đất xác bạc màu trên phù sa cổ có thành phần cơ giới từ cát pha, thịt nhẹ đến thịt nặng, phần lớn có độ phì từ cao đến trung bình thích hợp trồng cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả. Hiện chủ yếu đang được sử dụng trồng lúa 2 vụ, ngô, khoai, rau đậu, cây ăn quả.
+ Nhóm đất Feralit trên đồi núi (FE): Diện tích 6.892 ha, chiếm 23,51% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã thuộc vùng đồi núi, tập trung ở các xã Xuân Phú, Xuân Bái, Thọ Lâm, Xuân Thắng, Xuân Sơn, Xuân Lam. Đất gồm các loại đất feralit đỏ vàng đến nâu vàng, rải rác có một số diện tích đất xám feralit bị rửa trôi bạc màu trên địa hình dốc thiếu tán cây xanh, phần lớn thành phần cơ giới đất từ thịt nhẹ đến trung bình. Hiện chủ yếu được dùng để trồng lúa 1 vụ, hoa màu, sắn, mía, cây ăn quả, cao su ở những địa hình tương đối dốc như đồi cao và núi đang trồng rừng sản xuất nguyên liệu giấy (keo, bạch đàn), rừng phòng hộ.
+ Nhóm đất glay (GL): Diện tích khoảng 1.578 ha, chiếm 5,38% diện tích tự nhiên, đất phân bố ở các địa hình trũng bị ngập nước mùa mưa, đất xám xanh đến xám đen, thành phần cơ giới thịt nặng đến sét phân bố rải rác ở nhiều nơi trong huyện nhất là các xã đồng bằng. Đất đang được sử dụng trồng lúa 1 vụ và có nơi nuôi thả cá.
3.3. Kinh tế:
Huyện Thọ Xuân có nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, ngoài cây lúa thì huyện còn là vùng sản xuất cây công nghiệp mía đường. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 11,1%/năm. Thu nhập bình quân đầu người ngày một tăng cao theo từng năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một tăng cao và nâng cao. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện từ kinh tế – xã hội đến quốc phòng – an ninh. Những thành quả đó đã tạo tiền để để huyện Thọ Xuân vững tiến bước vào tương lai. Huyện Thọ Xuân tiến tới việc thành lập thị xã trước năm 2030 với những điều kiện thuận lợi như có sân bay Sao Vàng (nâng cấp thành sân bay quốc tế), hình thành các đô thị giúp kinh tế của huyện Thọ Xuân ngày một góp phần vào sự phát triển của toàn tỉnh nói chung đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của bà con toàn huyện nói riêng.
THAM KHẢO THÊM: