Huyện Tam Bình là một huyện nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Vĩnh Long, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây được biết đến là huyện có tiềm năng lớn về nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây ăn trái, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu bài viết sau về Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Tam Bình (Vĩnh Long).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Tam Bình (Vĩnh Long):
LƯU Ý: TRÊN ĐÂY LÀ BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH CŨ CỦA HUYỆN TAM BÌNH
Ngày 28 tháng 9 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1203/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2023 – 2025 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 2024). Theo đó, sáp nhập xã Tường Lộc vào thị trấn Tam Bình.
Huyện Tam Bình có 1 thị trấn và 15 xã như hiện nay.
* Đơn vị hành chính không còn tồn tại: Xã Tường Lộc.
2. Có bao nhiêu xã phường thuộc huyện Tam Bình (Vĩnh Long)?
Huyện Tam Bình có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Tam Bình và 15 xã.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
1 | Thị trấn Tam Bình (huyện lỵ) |
2 | Xã Bình Ninh |
3 | Xã Hậu Lộc |
4 | Xã Hòa Hiệp |
5 | Xã Hòa Lộc |
6 | Xã Hòa Thạnh |
7 | Xã Loan Mỹ |
8 | Xã Long Phú |
9 | Xã Mỹ Lộc |
10 | Xã Mỹ Thạnh Trung |
11 | Xã Ngãi Tứ |
12 | Xã Phú Lộc |
13 | Xã Phú Thịnh |
14 | Xã Song Phú |
15 | Xã Tân Lộc |
16 | Xã Tân Phú |
3. Giới thiệu khái quát huyện Tam Bình (Vĩnh Long):
* Vị trí địa lý:
Huyện nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh Vĩnh Long, nằm cách thành phố Vĩnh Long khoảng 32 km, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 162 km về phía Nam và cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 28 km về phía Bắc, có ranh giới giáp với hầu hết với các huyện thị khác trong tỉnh (trừ thành phố Vĩnh Long):
-
Phía Bắc tiếp giáp với huyện Long Hồ
-
Phía Đông tiếp giáp với các huyện Mang Thít và Vũng Liêm
-
Phía Nam tiếp giáp với huyện Trà Ôn
-
Phía Tây tiếp giáp với huyện Bình Tân và thị xã Bình Minh
Về vị trí, Tam Bình là huyện trung tâm của tỉnh Vĩnh Long có đường ranh giới tiếp giáp với 7 huyện trong tỉnh và có 03 tuyến Quốc lộ, 04 Đường tỉnh,… Nhờ vào lợi thế này, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu, hợp tác sản xuất với các vùng lân cận, dễ dàng đúc kết kinh nghiệm sản xuất để áp dụng có hiệu quả trong việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Do đó, sự phát triển kinh tế của Tam Bình vừa mang tính chất trung gian giữa các vùng kinh tế của Tỉnh, vừa là cầu nối để các huyện giao lưu văn hóa, học tập kinh nghiệm phục vụ có hiệu quả cho quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
* Hệ thống giao thông:
Toàn địa bàn huyện có mạng lưới giao thông bộ, giao thông thủy khá thuận lợi: Giao thông bộ có Quốc lộ 1A (dài 9,8km), Quốc lộ 53 (dài 6,8km), Quốc lộ 54 (dài 5 km), Đường tỉnh 904, 905, 908, 909 (dài 67,5 km) cùng với các tuyến Đường huyện (dài 76,9 km) và trên 70 km đường giao thông thôn. Đây cũng là địa phương có dự án Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đi qua.
Giao thông thủy có 2 tuyến giao thông thủy chính là sông Mang Thít và sông Hậu, tổng chiều dài tuyến kênh cấp I, II, III với chiều dài 1.014 km. Hệ thống giao thông trên tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong huyện cũng như các vùng lân cận.
Đồng thời với mạng lưới kênh rạch chằng chịt, được quan tâm nạo vét tạo nguồn nên đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp toàn diện.
* Diện tích, dân số:
Huyện Tam Bình có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 290,65 km² và dân số khoảng 156.574 người (2019), trong đó thành thị (100%), mật độ dân số đạt khoảng 539 người/km².
* Tôn giáo – tín ngưỡng:
Hiện trên địa bàn huyện có 5 tôn giáo chính: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài và Hòa hảo. Về tín ngưỡng, có khoảng 36.000 tín đồ chiếm 23,28% dân số theo 5 tôn giáo chính.
Cơ sở thờ tự và tín ngưỡng dân gian có khoảng 69 cơ sở gồm: Chùa Phật 34 (có 02 chùa phật giáo nam tông khmer), 07 Nhà thờ Công giáo, 02 Tin Lành, 01 Cao Đài Tây Ninh, 04 Cao Đài Tiên thiên, 01 chi hội phật giáo Hòa hảo, 05 thánh thất, và 05 Đình Làng, 10 am miếu,…
* Địa hình:
Tam Bình có địa hình của huyện tương đối bằng phẳng, cao độ giữa các vùng chênh lệch 0,3 – 0,5m từ phía Đông và Đông Bắc và thấp nhất dần về phía Tây và Tây Nam, có cao trình 0,5 – 0,7m so với mực nước biển nên rất thuận lợi cho dòng chảy của nước phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nhất là phát triển các vườn cây ăn trái.
Về địa chất cấu tạo đất Tam Bình có loại đất mềm: Đất sét, đất cát và cát pha tạp chất hữu cơ.
Về thổ nhưỡng có 3 nhóm đất:
-
Đất phèn 11.911ha, chiếm 42,6% diện tích đất tự nhiên
-
Đất phù sa 5.986ha, chiếm 21,4%
-
Nhóm đất xáo trộn (đất lên líp) có 7.488 ha, chiếm 26,8%
-
Đất loại khác 2.587ha, chiếm 9,2%
Tóm lại, đất Tam Bình có 18.431,9ha là đất tốt, chiếm 65,89% diện tích đất tự nhiên, hoàn toàn phù hợp với nước ngọt nên thích hợp cho trồng cây ăn quả đặc sản, nuôi thủy sản và luân canh lúa – rau màu. Đây được xem là thế mạnh của huyện.
* Khí hậu – thủy văn:
Khí hậu nhiệt đới gió mùa mát mẻ quanh năm, có chế độ nhiệt tương đối cao và bức xạ dồi dào, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp và phát triển các vườn cây ăn trái vùng nhiệt đới.
Số giờ nắng trung bình/năm từ 2.500 – 2.600 giờ. Lượng mưa trung bình từ tháng 5 đến tháng 11 chiếm khoảng 94 – 97% tổng lượng mưa cả năm.
Về thủy văn, huyện chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông. Mực nước và biên độ triều khá cao, biên độ lớn tại sông Măng thít đỉnh 1,2m, chân 0,6m. Biên độ mực nước lũ vào khoảng 0,96 – 1,2m, mùa kiệt từ 1,17 – 2,1 m.
Huyện có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên tiềm năng tự chảy cho cây trồng khá lớn, khả năng tiêu rút tốt nên ít bị tác hại do mùa lũ hàng năm gây ra.
* Lịch sử hình thành:
Ngày 29 tháng 6 năm 1916, quận Tam Bình thuộc tỉnh Vĩnh Long được thành lập do đổi tên từ quận Chợ Mới (trước đó là quận Ba Kè), gồm 3 tổng: Bình Chánh với 5 làng, Bình Phú với 8 làng, Bình Thới với 5 làng. Ngày 18 tháng 12 năm 1916, quận Tam Bình nhận thêm phần đất của quận Cái Nhum do bị giải thể.
Ngày 11 tháng 8 năm 1942, giải thể tổng Bình Chánh, nhập làng Chánh An vào làng An Phước của tổng Bình Quới, quận Vũng Liêm, các làng Chánh Lợi, Chánh Hiệp, Chánh Hòa và Tân Long Hội nhập vào tổng Bình Thới.
Ngày 20 tháng 3 năm 1956, quận Tam Bình thuộc tỉnh Tam Cần. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, quận thuộc tỉnh Vĩnh Long, bao gồm tổng Bình Thuận với 4 xã, tổng Bình Phú với 2 xã, tổng Bình Định với 3 xã.
Sau năm 1965, các tổng mặc nhiên bị giải thể.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, Tam Bình là huyện của tỉnh Cửu Long.
Ngày 11 tháng 3 năm 1977, huyện nhận thêm phần đất của huyện Bình Minh bị giải thể.
Ngày 29 tháng 9 năm 1981, tái lập huyện Bình Minh, huyện Tam Bình còn lại thị trấn Tam Bình và 9 xã: Bình Ninh, Hậu Lộc, Hòa Hiệp, Loan Mỹ, Mỹ Lộc, Mỹ Thạnh Trung, Ngãi Tứ, Song Phú, Tường Lộc.
Ngày 27 tháng 3 năm 1985, lập xã Long Phú trên cơ sở tách đất xã Song Phú.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, tỉnh Cửu Long tách thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Huyện Tam Bình thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Ngày 9 tháng 8 năm 1994, lập mới các xã: Phú Thịnh, Tân Phú, Tân Lộc, Hoà Lộc, Phú Lộc và Hòa Thạnh.
Ngày 28 tháng 9 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1203/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2023 – 2025 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 2024). Theo đó, sáp nhập xã Tường Lộc vào thị trấn Tam Bình.
Huyện Tam Bình có 1 thị trấn và 15 xã như hiện nay.
THAM KHẢO THÊM: