Huyện Sa Thầy là một huyện miền núi thuộc tỉnh Kon Tum, nằm ở khu vực Tây Nguyên của Việt Nam. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng và văn hóa, với tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, và du lịch sinh thái. Xin mời các bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau với chủ đề Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Sa Thầy (Kon Tum).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Sa Thầy (Kon Tum):
2. Có bao nhiêu xã, phường thuộc huyện Sa Thầy (Kon Tum)?
Huyện Sa Thầy có 11 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 1 thị trấn, 10 xã.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
1 | Thị trấn Sa Thầy (huyện lỵ) |
2 | Xã Hơ Moong |
3 | Xã Mô Rai |
4 | Xã Rơ Kơi |
5 | Xã Sa Bình |
6 | Xã Sa Nghĩa |
7 | Xã Sa Nhơn |
8 | Xã Sa Sơn |
9 | Xã Ya Ly |
10 | Xã Ya Tăng |
11 | Xã Ya Xiêr |
3. Tìm hiểu chung về huyện Sa Thầy (Kon Tum):
Vị trí địa lý:
Huyện Sa Thầy nằm ở cực Nam tỉnh Kon Tum, có vị trí địa lý như sau:
-
Phía Bắc tiếp giáp với huyện Ngọc Hồi
-
Phía Đông bắc tiếp giáp với huyện Đăk Tô
-
Phía Đông và Đông Nam tiếp giáp với huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum
-
Phía Nam huyện tiếp giáp huyện với Ia H’Drai và huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai (với ranh giới là thượng nguồn sông Sê San)
-
Phía Tây tiếp giáp với Campuchia
Đây là huyện miền núi biên giới, là một trong những huyện có mật độ dân số thấp nhất Việt Nam. Trong huyện có nhiều dự án thủy điện lớn trên sông Sê San như: thủy điện Sê San 3A, thủy điện Ya Ly, thủy điện Plei Krông,…
Diện tích, dân số:
Huyện Sa Thầy có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 1.435,22 km² và dân số khoảng 49.914 người (2019), trong đó thành thị có 11.027 người (22%), nông thôn có 38.887 người (78%). Mật độ dân số đạt khoảng 35 người/km². Huyện có 6 dân tộc anh em sinh sống là: Kinh, Ja rai, HLằng, Rơ Mâm, Ba Na (Rơ Ngao), Thái và một số dân tộc ít người khác.
Tiềm năng phát triển:
Cách trung tâm thành phố gần 30 km, huyện Sa Thầy có diện tích đất tự nhiên 143 522,3 ha, trong đó rừng và đất lâm nghiệp chiếm 71 %.
Huyện có 11 xã, thị trấn, trong đó 7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời phát triển một số loại cây công nghiệp chủ lực như cao su, cà phê, bời lời,…và chăn nuôi.
Lợi thế vượt trội của Sa Thầy so với các địa phương khác trong tỉnh và khu vực, đó là rừng nguyên sinh. Thiên nhiên hào phóng ban tặng dãy Chư Mom Ray điệp trùng và huyền thoại, gắn liền với truyền thuyết “Núi Thổ cẩm” của người Ja Rai cư trú nơi đây. Đồng thời cũng là tên gọi của một Vườn Quốc gia được liệt vào hàng Di sản Đông Nam Á.
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có 1534 loài thực vật, trong đó có 113 loài được xác định là quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa như các loài phong lan, tuế, ngành hạt trần, các loài họ dầu,… Về động vật, đã xác định được 718 loài, trong đó có 124 loài quý hiếm, nguy cấp có tên trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới.
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ cùng với tài nguyên về động vật, thực vật đa dạng, phong phú, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray rất phù hợp cho loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hóa cộng đồng. Việc chinh phục những địa danh như Hang Dơi, Bãi thú, Suối Ngang,…cùng với không khí trong lành lành, tĩnh lặng, mang đến cho du khách cảm giác thư thái, yên bình.
Đặc biệt, đến với Thác Nàng Tiên, nhìn những dải nước ánh sắc cầu vồng giữa đại ngàn trùng điệp, giống như suối tóc của người thiếu nữ mượt mà trong nắng sớm, chắc chắn ai cũng phải nao lòng trước tuyệt tác của thiên nhiên.
Ngoài cảnh quan kỳ thú, Sa Thầy còn là địa bàn có nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó các dân tộc bản địa như Ja Rai, Xê Đăng (nhóm HLăng), Rơ Mâm, Ba Na (Rơ Ngao),…cư trú tại 37/ 68 thôn, làng; chiếm trên 57 % dân số toàn huyện. Đây là các dân tộc có những nét văn hóa riêng vô cùng độc đáo và phong phú, bao gồm hệ thống lễ hội theo vòng đời người, theo mùa, cồng chiêng, múa xoang, dân ca; chữ viết; các phong tục, tập quán; kiến trúc nhà rông, nhà dài, tượng nhà mồ; trang phục, ẩm thực,…rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng.
Văn hóa:
Đến với nơi đây, du khách được khám phá những giá trị văn hóa từ ngàn xưa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, thăm làng dân tộc ít người Rơ Mâm, ngâm mình trong suối nước nóng la Mang, tham gia lễ Mừng nhà rông mới, lễ Mở kho lúa và đặc biệt là lễ Pơ – Thi (bỏ mả) của người Ja Rai, tìm hiểu về sự huyền bí cũng như phong cách tạo hình độc đáo của nghệ thuật tượng nhà mồ và được chiêm ngưỡng những mái nhà rông cao vút, những sàn nhà dài thoáng mát và thưởng thức các món ăn dân dã, truyền thống mà hương vị vô cùng lôi cuốn như cơm lam, thịt nướng, muối giã rau é,… đặc biệt là mây đắng – một sản vật của núi rừng xứng đáng được mệnh danh vào loại “siêu đặc sản”.
4. Lịch sử hình thành huyện Sa Thầy (Kon Tum):
Trước năm 1978, địa bàn huyện Sa Thầy là một phần của huyện Đăk Tô.
Ngày 10 tháng 10 năm 1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 254-CP về việc chia huyện Đăk Tô thành hai huyện thuộc tỉnh Gia Lai–Kon Tum. Theo đó, thành lập huyện Sa Thầy trên cơ sở tách 4 xã Đắk Xú, Mô Rai, Pờ Y, Rơ Kơi thuộc huyện Đăk Tô và xã Ya Ly thuộc thị xã Kon Tum.
Sau khi thành lập, huyện Sa Thầy thuộc tỉnh Gia Lai – Kon Tum, bao gồm 5 xã: Đắk Xú, Mô Rai, Pờ Y, Rơ Kơi và Ya Ly.
Ngày 2 tháng 3 năm 1979, thành lập 3 xã: Sa Bình, Sa Nghĩa và Sa Sơn tại vùng kinh tế mới K’Leng.
Ngày 17 tháng 8 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định
-
Chia xã Rờ Kơi thành 2 xã: Rờ Kơi và Sa Loong
-
Chia xã Ya Ly thành 2 xã: Ya Ly và Ya Xiêr
-
Thành lập xã Sa Nhơn
Ngày 6 tháng 12 năm 1990, thành lập thị trấn Sa Thầy (thị trấn huyện lỵ Sa Thầy) trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của xã Sa Sơn.
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tỉnh Gia Lai – Kon Tum được chia thành 2 tỉnh: Gia Lai và Kon Tum, huyện Sa Thầy thuộc tỉnh Kon Tum, gồm 1 thị trấn Sa Thầy và 11 xã: Đắk Xú, Mô Rai, Pờ Y, Rơ Kơi, Sa Bình, Sa Loong, Sa Nghĩa, Sa Nhơn, Sa Sơn, Ya Ly, Ya Xiêr.
Ngày 15 tháng 10 năm 1991, chuyển 3 xã: Đắk Xú, Pờ Y và Sa Loong sang trực thuộc huyện Ngọc Hồi. Huyện Sa Thầy còn lại 1 thị trấn Sa Thầy và 8 xã: Mô Rai, Rơ Kơi, Sa Bình, Sa Nghĩa, Sa Nhơn, Sa Sơn, Ya Ly, Ya Xiêr.
Ngày 10 tháng 7 năm 2003, thành lập xã Ya Tăng trên cơ sở 18.213 ha diện tích tự nhiên và 3.162 nhân khẩu của xã Ya Ly.
Ngày 22 tháng 3 năm 2006, thành lập xã Hơ Moong trên cơ sở 6.523 ha diện tích tự nhiên và 3.532 nhân khẩu của xã Sa Nhơn.[10]
Ngày 20 tháng 12 năm 2013, Chính phủ ban hành nghị quyết 126/NQ-CP. Theo đó:
-
Thành lập xã la Dom trên cơ sở điều chỉnh 32.254,7 ha diện tích tự nhiên và 2.299 nhân khẩu của xã Mô Rai
-
Thành lập xã la Đal trên cơ sở điều chỉnh 21.794,69 ha diện tích tự nhiên và 2.004 nhân khẩu của Mô Rai
-
Thành lập xã la Tơi trên cơ sở điều chỉnh 43.963,83 ha diện tích tự nhiên và 2.264 nhân khẩu của xã Mô Rai.
Cuối năm 2014, huyện Sa Thầy bao gồm thị trấn Sa Thầy và 13 xã: Hơ Moong, Ia Đal, Ia Dom, Ia Tơi, Mô Rai, Rơ Kơi, Sa Bình, Sa Nghĩa, Sa Nhơn, Sa Sơn, Ya Ly, Ya Tăng, Ya Xiêr.
Ngày 11 tháng 3 năm 2015, tách 3 xã: Ia Dom, Ia Đal và Ia Tơi để thành lập huyện Ia H’Drai. Huyện Sa Thầy có 1 thị trấn và 10 xã trực thuộc như hiện nay.
5. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Sa Thầy (Kon Tum):
Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-UBND ngày 30/3/2022 về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của huyện Sa Thầy. Đặc biệt:
Diện tích và cơ cấu các loại đất trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 là 143.172,86 ha. Trong đó:
-
Đất nông nghiệp 133.239,37 ha
-
Đất phi nông nghiệp 9.852,85 ha
-
đất chưa sử dụng 80,64 ha
Diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 là 1.599,75 ha. Trong đó:
-
Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp 1.592,39 ha
-
Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong phạm vi đất nông nghiệp 5,65 ha
-
Chuyển đất phi nông nghiệp từ đất phi nông nghiệp sang đất ở 1,71 ha
Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng cho các mục đích trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 là 90,27 ha. Trong đó:
-
Đưa vào sử dụng vào mục đích nông nghiệp 75 ha
-
Đưa vào sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp 15,27 ha
UBND tỉnh giao UBND huyện Sa Thầy chịu trách nhiệm công bố quy hoạch sử dụng đất kỳ 2021 – 2030 của huyện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai để các tổ chức, cá nhân biết, tăng cường giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất.
THAM KHẢO THÊM: