Với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, huyện Mường Tè đang tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, góp phần xây dựng huyện ngày càng khang trang và giàu đẹp. Dưới đây là bài viết về chủ đề: Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Mường Tè (Lai Châu), mời bạn đọc theo dõi.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Mường Tè (Lai Châu):
2. Huyện Mường Tè (Lai Châu) có bao nhiêu xã, phường?
Huyện Mường Tè có 14 đơn vị hành chính gồm 1 Thị trấn và 13 xã.
STT | Các xã phường thuộc huyện Mường Tè (Lai Châu) |
1 | Thị trấn Mường Tè |
2 | Xã Bum Nưa |
3 | Xã Bum Tở |
4 | Xã Vàng San |
5 | Xã Can Hồ |
6 | Xã Pa Vệ Sủ |
7 | Xã Mường Tè |
8 | Xã Nậm Khao |
9 | Xã Tà Tổng |
10 | Xã Pa Ủ |
11 | Xã Ka Lăng |
12 | Xã Thu Lũm |
13 | Xã Mù Cả |
14 | Xã Tá Bạ |
3. Đặc trưng địa lý huyện Mường Tè (Lai Châu):
- Vị trí địa lý của huyện Mường Tè
Mường Tè là một huyện biên giới thuộc vùng sâu, vùng xa, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lai Châu. Huyện này có đường biên giới với Trung Quốc dài 130,292 km, góp phần quan trọng vào an ninh biên giới quốc gia. Với tổng diện tích tự nhiên là 267.848,05 ha, chiếm 29,5% diện tích toàn tỉnh Lai Châu, Mường Tè là huyện có diện tích lớn nhất trong 8 huyện và thành phố của tỉnh.
+ Phía Bắc: Giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
+ Phía Nam: Giáp huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
+ Phía Tây: Giáp huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
- Đặc điểm địa hình
Do ảnh hưởng lớn của hoạt động kiến tạo địa chất, huyện Mường Tè có địa hình rất phức tạp, bị chia cắt sâu và ngang mạnh mẽ bởi các dãy núi cao chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Địa hình chủ yếu là núi cao và núi trung bình xen lẫn thung lũng. Độ cao trung bình của huyện dao động từ 900 – 1.500 m so với mực nước biển. Nhiều đỉnh núi trong huyện có độ cao trên 2000 m như đỉnh Pu Si Lung (3.076 m) và Pu Tà Tổng (2.109 m), luôn bị bao phủ bởi mây mù quanh năm. Độ dốc trung bình từ 25° – 30°, có nơi lên tới 45°.
Huyện Mường Tè có thể chia thành hai vùng địa hình chính:
+ Vùng núi cao: Bao gồm các xã Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Bum Tở, Tá Bạ, Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả và Tà Tổng. Độ cao trung bình từ 1.000 – 2.000 m so với mực nước biển, thích hợp cho phát triển chăn nuôi đại gia súc, kinh tế rừng, dược liệu dưới tán rừng nguyên sinh và trồng các loại cây ôn đới.
+ Vùng đồi núi thấp: Bao gồm các xã Bum Nưa vàng San, thị trấn Mường Tè, Nậm Khao, Mường Tè, Can Hồ. Độ cao trung bình từ 300 – 1.000 m, thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp như quế, mắc ca, các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và nuôi trồng thủy sản.
- Đặc điểm khí hậu
+ Khí hậu của Mường Tè mang đặc điểm của vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc, ít chịu ảnh hưởng của bão. Thời tiết ở đây chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa đông lạnh và ít mưa, mùa hè nóng ẩm và mưa nhiều.
+ Chế độ mưa: Mùa mưa kéo dài từ cuối tháng 4 đến tháng 10, trùng với gió Tây Nam. Vùng cao có lượng mưa lên tới 3000 mm/năm, vùng núi trung bình biến động từ 2000 – 2500 mm và vùng núi thấp cùng thung lũng từ 1500 – 1800 mm. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa ít (316,4 mm), thường xuất hiện sương mù. Lượng mưa trung bình hàng năm là 2.531 mm, cao nhất tập trung vào tháng 7, chiếm 87,5% lượng mưa cả năm.
+ Chế độ nhiệt: Khí hậu phân hóa theo địa hình. Vùng núi cao (Ka Lăng, Tà Tổng, Thu Lũm, Tá Bạ, Mù Cả, Pa Vệ Sủ) có nhiệt độ trung bình cao 15°C. Vùng núi trung bình (Pa Ủ, Nậm Khao, Bum Tở, Mường Tè) có nhiệt độ trung bình 20°C. Vùng núi thấp nhiệt độ đạt 23°C. Nhiệt độ trung bình toàn huyện là 22,4°C.
+ Chế độ gió: Từ tháng 3 đến tháng 7 thường có gió mùa Tây Nam, từ tháng 4 đến tháng 10 có gió mùa Đông Nam thổi mạnh. Gió mùa Đông Bắc xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.
Huyện Mường Tè với địa hình và khí hậu đặc trưng đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nông lâm nghiệp, chăn nuôi và các ngành kinh tế khác, đồng thời cũng đặt ra những thách thức cần được quan tâm và giải quyết.
- Tài nguyên nước
+ Huyện Mường Tè có mạng lưới sông, suối phong phú, với sông Đà là con sông chính chảy qua địa bàn. Ngoài ra, còn có các suối lớn như Nậm Ngà, Nậm Na, Nậm Củm và Nậm Sì Lường. Tuy nhiên vào mùa khô, các sông suối thường cạn kiệt, gây thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất. Ngược lại vào mùa mưa, lũ lụt và lũ quét thường xảy ra, gây sạt lở đất, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân, đồng thời gây xói mòn mạnh, làm hạn chế khả năng sử dụng nước cho sản xuất.
+ Với vị trí là khu vực đầu nguồn quan trọng của sông Đà, Mường Tè đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nước cho các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió và năng lượng mặt trời, thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp.
- Tài nguyên khoáng sản
Mường Tè sở hữu nhiều loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao như vàng, quặng sắt và các loại khoáng sản quý hiếm khác. Mặc dù có trữ lượng lớn, các khoáng sản này chưa được khai thác hiệu quả, mở ra tiềm năng lớn cho các dự án đầu tư khai thác trong tương lai.
- Tài nguyên rừng
Huyện Mường Tè có diện tích rừng khá lớn. Năm 2020, tổng diện tích rừng của huyện đạt khoảng 175.768 ha, phân bố đều ở tất cả các xã trong huyện. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn đạt 65,06%, cao nhất trong tỉnh. Diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2020 là 172.348,74 ha.
4. Tình hình phát triển của huyện Mường Tè (Lai Châu):
Từ năm 2020 đến nay, kinh tế của huyện Mường Tè đã có sự phát triển rõ rệt. UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, bao gồm việc bảo vệ và phát triển rừng, thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới. Các loại cây lợi thế như quế và sâm Lai Châu được đặc biệt chú trọng.
Huyện đã thực hiện tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin và huy động đội ngũ cán bộ xuống cơ sở để hướng dẫn bà con phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua đó, nhận thức của người dân về giá trị và tác dụng của cây sâm Lai Châu và các dược liệu quý đã được nâng cao. Huyện đã định hướng vùng trồng sâm Lai Châu tập trung tại các xã Pa Vệ Sủ, Thu Lũm, Tá Bạ, Pa Ủ và Ka Lăng. Hiện nay, có 9 công ty, doanh nghiệp đã vào khảo sát và xin chủ trương đầu tư phát triển trồng sâm Lai Châu, với diện tích ước đạt gần 20ha sâm Lai Châu, 5ha cây thất diệp nhất chi hoa và một số cây dược liệu khác.
Quế cũng là cây trồng tiềm năng, mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Sau 7 năm triển khai, huyện đã trồng được hơn 2.300ha quế, trong đó hơn 50% diện tích đã được thu hoạch, giúp hàng nghìn hộ dân có nguồn thu ổn định. Diện tích quế ngày càng mở rộng và được kỳ vọng là “cây giảm nghèo”. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, với 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Chương trình giảm nghèo được thực hiện tốt, với tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7,28%/năm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 44,72%, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,6 triệu đồng/năm, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 17.501 tấn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt.
Ngoài việc phát huy thế mạnh trong nông nghiệp, huyện cũng đã chủ động thu hút đầu tư vào phát triển thủy điện vừa và nhỏ, cũng như phát triển các nhà máy chế biến nông sản. Hiện tại, Mường Tè có 56 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất khoảng 1.045MW đã được quy hoạch và cấp chủ trương đầu tư. Trong đó, 11 dự án đã phát điện thương mại, đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước mỗi năm.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển sản xuất một số sản phẩm nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện đã xây dựng kế hoạch hàng năm và lồng ghép các nguồn vốn để đạt được các mục tiêu đề ra. Nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt cao như: diện tích cây thất diệp nhất chi hoa đạt 5/0,5ha (đạt 1.000% mục tiêu nghị quyết); trồng mới 1.527,6/1.000ha quế (đạt 152,7% mục tiêu nghị quyết).
THAM KHẢO THÊM: