Huyện Hòa Bình là một huyện thuộc tỉnh Bạc Liêu, nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một trong những huyện có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến của tỉnh. Dưới đây là bài viết về Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Hòa Bình (Bạc Liêu). Xin mời bạn đọc cùng theo dõi.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Hòa Bình (Bạc Liêu):
2. Có bao nhiêu xã phường thuộc huyện Hòa Bình (Bạc Liêu)?
Huyện Hòa Bình có 8 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 1 thị trấn, 7 xã.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
1 | Thị trấn Hòa Bình (huyện lỵ) |
2 | Xã Minh Diệu |
3 | Xã Vĩnh Bình |
4 | Xã Vĩnh Hậu |
5 | Xã Vĩnh Hậu A |
6 | Xã Vĩnh Mỹ A |
7 | Xã Vĩnh Mỹ B |
8 | Xã Vĩnh Thịnh |
3. Giới thiệu về huyện Hòa Bình (Bạc Liêu):
* Vị trí địa lý:
Huyện Hòa Bình nằm ở trung tâm của tỉnh Bạc Liêu, giáp với tất cả các huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh Bạc Liêu (trừ huyện Hồng Dân), có địa giới hành chính:
-
Phía Đông tiếp giáp với thành phố Bạc Liêu
-
Phía Tây tiếp giáp với huyện Đông Hải và thị xã Giá Rai
-
Phía Nam tiếp giáp với Biển Đông
-
Phía Bắc tiếp giáp với các huyện Phước Long, Vĩnh Lợi
Trung tâm của huyện là thị trấn Hòa Bình nằm trên tuyến Quốc lộ 1, đây là đầu mối giao thông giữa huyện Hòa Bình với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh. Với lợi thế này, huyện Hòa Bình có điều kiện để phát huy tiềm năng về đất đai cũng như các nguồn lực khác cho phát triển tổng hợp các ngành kinh tế – xã hội như: nông, lâm nghiệp, thủy hải sản và du lịch – dịch vụ trên địa bàn huyện nói riêng và toàn tỉnh Bạc Liêu nói chung.
* Diện tích, dân số:
Huyện Hòa Bình có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 426,49 km² và dân số khoảng 119.290 người (năm 2021), trong đó thành thị có 22.783 người (19,10%), nông thôn có 96.507 người (80,90%). Mật độ dân số đạt khoảng 280 người/km².
* Lịch sử hình thành:
Thời Pháp thuộc và sau đó là thời Việt Nam Cộng hòa, Hòa Bình chỉ là tên làng (sau năm 1956 gọi là xã) trực thuộc quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, quận lỵ quận Vĩnh Lợi lại được đặt tại làng Vĩnh Lợi (sau năm 1956 gọi là xã Vĩnh Lợi, nay tương ứng với các phường 1, 2, 3, 5, 7, 8, Nhà Mát và xã Hiệp Thành thuộc thành phố Bạc Liêu) cho đến năm 1975.
Sau năm 1975, huyện lỵ huyện Vĩnh Lợi được dời về xã Hòa Bình.
Ngày 25 tháng 7 năm 1979, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 275-CP về việc đổi tên xã Hòa Bình thành xã Vĩnh Lợi. Còn xã Vĩnh Lợi trước năm 1975 thì nay đã thuộc về thị xã Minh Hải (tên gọi lúc bấy giờ của thành phố Bạc Liêu ngày nay).
Ngày 14 tháng 2 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 33B-HĐBT về việc:
-
Tách một phần diện tích và dân số của xã Vĩnh Hậu để sáp nhập vào xã Vĩnh Lợi.
-
Tách ấp Láng Dài của xã Vĩnh Lợi để sáp nhập vào xã Long Thạnh.
-
Giải thể xã Vĩnh Lợi để thành lập thị trấn Hòa Bình (thị trấn huyện lỵ huyện Vĩnh Lợi).
Trước năm 2005, vùng đất của huyện Hòa Bình ngày nay là một phần của huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Huyện lỵ huyện Vĩnh Lợi khi đó đặt tại thị trấn Hòa Bình.
Ngày 26 tháng 7 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2005/NĐ-CP (nghị định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2005) về việc thành lập huyện Hòa Bình trên cơ sở 41.133 ha diện tích tự nhiên và 102.063 nhân khẩu của huyện Vĩnh Lợi.
4. Các đặc điểm tự nhiên của huyện Hòa Bình (Bạc Liêu):
* Địa hình:
Huyện Hòa Bình thuộc miền đồng bằng ven biển. Phần lớn diện tích đất của huyện có độ cao tuyệt đối dưới 1m. Nơi có độ cao tuyệt đối thấp nhất là 0,5N, nơi cao nhất là 2,5m. Với đặc điểm như vậy đã gây ra hiện tượng xâm nhập mặn từ biển ở các mức độ khác nhau.
Vùng bờ biển được bồi đắp gặp điển hình ở ven biển thuộc các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh,…
* Khí hậu
Huyện Hòa Bình mang đặc tính khí hậu của vùng bán đảo Cà Mau, chịu ảnh hưởng của chế độ nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, một năm phân chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
Thủy văn:
Huyện Hòa Bình có hệ thống kênh rạch chằng chịt với kênh trục chính là Bạc Liêu – Cà Mau. Chế độ thủy văn của hệ thống kênh rạch trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng giao thoa của thủy triều biển Đông, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn của các sông khá phức tạp.
* Tài nguyên đất:
Hệ thống phân loại phát sinh, tài nguyên đất huyện Hòa Bình gồm các nhóm đất sau:
+ Nhóm đất cát: Có diện tích 11.36 ha, chiếm 0,03% tổng diện tích tự nhiên của huyện, phân bố dọc theo bờ biển trên địa bàn các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A,…
+ Nhóm đất mặn: Tổng diện tích đất mặn trong toàn huyện là 19.024,7 ha, chiếm 46,14% diện tích tự nhiên toàn huyện. Đất mặn phân bố chủ yếu ở phía Nam Quốc lộ 1 và một phần đất mặn ít dọc theo phía Bắc Quốc lộ 1.
+ Nhóm đất phèn: Có diện tích 11.470,47 ha, chiếm 27,8% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Nhìn chung, đất phèn có hàm lượng lưu huỳnh tổng số rất cao, được xác định có tầng chẩn đoán vật liệu sinh phèn với pH<3,5 và có hàm lượng S>0,75% và thường được chia theo độ sâu khác nhau.
* Tài nguyên nước:
+ Nguồn nước mặt: Nguồn nước được dẫn qua hệ thống kênh, rạch và các công trình ngọt hoá khép kín là nguồn nước mặt ngọt duy nhất phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
+ Nguồn nước ngầm: Nguồn nước ngầm tầng nông nằm sát mặt đất được bổ sung bằng nước mưa và lượng nước từ kênh rạch.
* Tài nguyên rừng:
Huyện Hòa Bình có đất rừng phòng hộ chiếm 4,09% diện tích tự nhiên và bằng 5,52% diện tích đất nông nghiệp. Diện tích rừng phòng hộ ven biển phân bố tập trung tại các xã Vĩnh Thịn0, Vĩnh Hậu và Vĩnh Hậu. Đất rừng của huyện có giá trị phòng hộ che chắn gió, bão, sóng biển, điều hoà khí hậu, cân bằng môi trường sinh thái, bồi tụ, lắng đọng phù sa phục vụ cho lấn biển, mở rộng diện tích, nơi cư trú, sinh trưởng của các loại hải sản và giữ vai trò quan trọng trong công tác an ninh quốc phòng. Thành phần thực vật chiếm ưu thế là đước, mắm, vẹt. Về động vật còn có các loại chim, bò sát, ếch nhái, tôm cá nước mặn. Nhìn chung, đất rừng của huyện với thảm thực vật hiện có đã góp phần cố định và tạo điều kiện bồi đắp lớp phủ thổ nhưỡng trên địa bàn huyện, đồng thời là tác nhân quan trọng trong quá trình hình thành các bãi bồi ven biển.
* Tài nguyên biển:
Huyện có hơn 20 km bờ biển với vùng lãnh hải và thềm lục địa, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng an ninh. Tài nguyên biển phong phú cung cấp nguồn lợi hải sản, cảnh quan môi trường. Đây là vùng biển có lượng hải sản lớn, phong phú về chủng loại có trữ lượng lớn và có giá trị kinh tế cao. Khu vực nước lợ ven biển tạo thành vùng sinh thái đặc thù phong phú có tiềm năng cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, các cửa biển Chùa Phật, Cái Cùng có thể phát triển các tuyến giao thông vận tải, đường thủy và du lịch, là điều kiện thuận lợi để huyện trở thành một khu vực kinh tế toàn diện.
5. Quy hoạch sử dụng đất đến 2030 của huyện Hòa Bình (Bạc Liêu):
Ngày 16/12/2021, UBND tỉnh Bạc Liêu có Quyết định số 544/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Hòa Bình.
Theo Điều 1 của Quyết định số 544/QĐ-UBND, Huyện Hòa Bình. Phương án sử dụng đất trong kỳ quy hoạch được xác định thông qua cơ cấu 03 loại đất, gồm:
-
Đất nông nghiệp 32.018,30 ha
-
Đất phi nông nghiệp 10.650,82 ha
-
Đất chưa sử dụng 8.617,99 ha
Quyết định cũng xác định diện tích chuyển mục đích sử dụng trong thời kỳ quy hoạch bao gồm:
-
Đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp: 2.916,84 ha
-
Chuyển đổ đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở: 5,91 ha
Vị trí, diện tích các khu vực đất phải chuyển mục đích sử dụng đất được xác định theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tỷ lệ 1/10.000, Báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021, huyện Hòa Bình.
UBND tỉnh giao cho UBND huyện Hòa Bình Công bố công khai quy hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, tổ chức kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời, thực hiện báo cáo định kỳ đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có một phần diện tích được quy hoạch thị trấn Hòa Bình đến 2030.
Phương án quy hoạch sử dụng đất huyện Hòa Bình được UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện giao đất, cho thuê đất và đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.
THAM KHẢO THÊM: