Huyện Cái Nước là một huyện ven biển thuộc tỉnh Cà Mau, nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Huyện là một trong số các địa phương có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng lúa. Bài viết dưới đây Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Cái Nước (Cà Mau) sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin khái quát về huyện.
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Cái Nước (Cà Mau):
2. Có bao nhiêu xã phường thuộc huyện Cái Nước (Cà Mau)?
Huyện Cái Nước có 11 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 1 thị trấn, 10 xã.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
1 | Thị trấn Cái Nước (huyện lỵ) |
2 | Xã Đông Hưng |
3 | Xã Đông Thới |
4 | Xã Hòa Mỹ |
5 | Xã Hưng Mỹ |
6 | Xã Lương Thế Trân |
7 | Xã Phú Hưng |
8 | Xã Tân Hưng |
9 | Xã Tân Hưng Đông |
10 | Xã Thạnh Phú |
11 | Xã Trần Thới |
3. Giới thiệu khái quát huyện Cái Nước (Cà Mau):
* Vị trí địa lý:
Huyện Cái Nước nằm ở trung tâm tỉnh Cà Mau, trung tâm huyện cách thành phố Cà Mau khoảng 30 km về phía Tây Nam theo Quốc lộ 1A. Huyện có vị trí địa lý như sau:
-
Phía Đông tiếp giáp với huyện Đầm Dơi với ranh giới là sông Bảy Háp
-
Phía Đông Bắc tiếp giáp với thành phố Cà Mau
-
Phía Tây tiếp giáp với các huyện Phú Tân
-
Phía Nam tiếp giáp với huyện Năm Căn
-
Phía Bắc tiếp giáp với huyện Trần Văn Thời
* Diện tích, dân số:
Huyện Cái Nước có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 417 km² và dân số khoảng 138.328 người (2021), trong đó thành thị có 14.817 người (11%), nông thôn có 123.511 người (89%). Mật độ dân số đạt khoảng 332 người/km².
Trên địa bàn huyện Cái Nước sinh sống chủ yếu là người Kinh, người Hoa và người Khmer. Dân số ở thành thị khoảng 14.482 người chiếm 11% tổng dân số huyện. Dân số ở nông thôn có khoảng 122.156 người chiếm 98% tổng dân số huyện.
* Khái quát tình hình kinh tế chung:
Huyện Cái Nước, Cà Mau sở hữu một nền kinh tế chủ yếu dựa vào các ngành nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ và công nghiệp. Với lợi thế về đất đai màu mỡ, nguồn thủy sản phong phú và lực lượng lao động dồi dào, huyện đã tận dụng tối đa các tiềm năng để phát triển kinh tế. Nông nghiệp và thủy sản vẫn là trụ cột, cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho các ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, sự phát triển của Khu công nghiệp Hòa Trung đã thu hút nhiều nhà đầu tư, tạo ra việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Hệ thống dịch vụ và thương mại cũng không ngừng được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và du khách. Tuy nhiên, huyện vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, đặc biệt là trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển du lịch sinh thái và ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
* Đôi nét về hệ thống giao thông:
Hệ thống giao thông ở huyện Cái Nước, Cà Mau đang được đầu tư nâng cấp đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đặc biệt, tuyến Quốc lộ 1, tuyến huyết mạch nối liền các tỉnh miền Tây đã được mở rộng và nâng cấp lên tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, đi qua địa bàn huyện với chiều dài 38km. Nhờ đó, việc giao thương hàng hóa và đi lại của người dân được thuận tiện hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương ven tuyến.
Bên cạnh đó, tuyến đường liên huyện Phú Tân – Cái Nước – Đầm Dơi, tuyến đường trục ngang quan trọng của tỉnh cũng đang được nâng cấp mở rộng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của huyện. Đáng chú ý, đoạn đường Cái Nước – Vàm Đình đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Song song với việc nâng cấp các tuyến đường chính, huyện Cái Nước còn chú trọng đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn. Phong trào xây dựng đường bê tông xi măng và cầu nông thôn đã và đang được triển khai rộng khắp, góp phần cải thiện đời sống của người dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
4. Lịch sử hình thành huyện Cái Nước (Cà Mau):
Trước thế kỷ XIX, địa bàn huyện Cái Nước ngày nay là vùng đất hoang sơ, rậm rạp thuộc trấn Hà Tiên. Cư dân nơi đây ở từng cụm rải rác, chỉ tập trung nhiều ở thôn Tân Hưng. Thôn này lúc bấy giờ có khoảng 300 người chuyên sống bằng nghề nông, chủ yếu là trồng lúa nước, một số người sống ven sông với nghề bắt tôm, cua, cá. Dần dần vùng đất này trở nên trù phú, thu hút ngày càng đông người dân tứ xứ đến lập nghiệp xây dựng xóm làng.
Năm 1833, trấn Hà Tiên đổi thành tỉnh Hà Tiên, xứ Cái Thủy (Cái Nước ngày nay) thuộc tổng Quảng Xuyên, huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên. Thời Tự Đức, triều đình khuyến khích dân khẩn hoang, lập làng ở khắp vùng Nam Kỳ lục tỉnh. Dân cư các nơi đến vùng Cái Nước khẩn hoang sinh sống càng nhiều.
Năm 1948, Pháp thành lập huyện Ngọc Hiển thì phần đất Cái Nước thuộc huyện Ngọc Hiển.
Năm 1951, khi chia huyện Ngọc Hiển thành huyện Ngọc Hiển và huyện Trần Văn Thời thì phần đất của huyện Cái Nước ngày nay thuộc huyện Trần Văn Thời.
Ngày 5 tháng 8 năm 1957, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa về việc thành lập quận Cái Nước thuộc tỉnh An Xuyên, bao gồm 6 xã: Hưng Mỹ, Tân Hưng Tây, Phú Mỹ, Tân Hưng Đông, Tân Hưng, Thuận Hưng. Quận lỵ đặt tại xã Cái Nước Ngọn.
Ngày 19 tháng 5 năm 1958, xã Thuận Hưng được cắt về cho quận Năm Căn.
Ngày 7 tháng 12 năm 1965, sáp nhập xã Tân Hưng vào quận Đầm Dơi và nhận xã Tân An từ quận Đầm Dơi chuyển qua.
Ngày 09 tháng 5 năm 1969, sáp nhập xã Thuận Hưng và xã Tân Hưng Đông vào quận Năm Căn.
Ngày 13 tháng 9 năm 1974, giao xã Hưng Mỹ về cho quận Sông Ông Đốc cùng tỉnh.
Sau năm 1975, huyện Cái Nước thuộc tỉnh Minh Hải, bao gồm thị trấn Cái Đôi và 12 xã: Đông Thới, Hưng Mỹ, Phú Hưng, Phú Mỹ A, Phú Mỹ B, Quách Phẩm A, Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Tân Hưng Tây, Trần Phán, Trần Thới, Việt Khái.
Ngày 29 tháng 12 năm 1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 326-CP về việc thành lập huyện Phú Tân trên cơ sở tách thị trấn Cái Đôi và 4 xã: Phú Mỹ A, Phú Mỹ B, Tân Hưng Tây, Việt Khái của huyện Cái Nước.
Huyện Cái Nước còn lại 8 xã: Đông Thới, Hưng Mỹ, Phú Hưng, Quách Phẩm A, Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Trần Phán, Trần Thới.
Ngày 25 tháng 7 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 275-CP về việc:
-
Chia xã Tân Hưng thành 4 xã: Tân Hưng, Thạnh Hưng, Phong Hưng và Hiệp Hưng.
-
Chia xã Đông Thới thành xã Đông Thới và xã Tân Thới.
-
Chia xã Hưng Mỹ thành 3 xã: Hưng Mỹ, Hòa Mỹ và Bình Mỹ.
-
Chia xã Phú Hưng thành xã Phú Hưng và xã Phú Lộc.
-
Chia xã Tân Hưng Đông thành 3 xã: Tân Hưng Đông, Tân Hiệp và Cái Nước.
-
Chia xã Trần Phán thành xã Tân Trung và xã Trần Phán.
-
Chia xã Quách Phẩm A thành xã Quách Phẩm và xã Hòa Điền.
Từ đó, huyện Cái Nước có 19 xã: Bình Mỹ, Cái Nước, Đông Thới, Hiệp Hưng, Hòa Điền, Hòa Mỹ, Hưng Mỹ, Phong Hưng, Phú Hưng, Phú Lộc, Quách Phẩm, Tân Hiệp, Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Tân Thới, Tân Trung, Thạnh Hưng, Trần Phán, Trần Thới.
Ngày 30 tháng 8 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 94-HĐBT về việc sáp nhập 3 xã: Lương Thế Trân, Thạnh Trung, Thạnh Phú của huyện Cà Mau vừa giải thể vào huyện Cái Nước.
Ngày 17 tháng 5 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 75-HĐBT về việc:
-
Chuyển 4 xã: Quách Phẩm, Trần Phán, Tân Trung, Hòa Điền thuộc huyện Cái Nước về huyện Ngọc Hiển.
-
Sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của huyện Phú Tân vào huyện Cái Nước.
Huyện Cái Nước có thị trấn Phú Tân và 32 xã: Bình Mỹ, Cái Nước, Đông Thới, Hiệp Hưng, Hòa Mỹ, Hưng Mỹ, Lương Thế Trân, Nguyễn, Phong Hưng, Phú Hiệp, Phú Hòa, Phú Hưng, Phú Lộc, Phú Mỹ, Phú Thành, Phú Thuận, Tân Hải, Tân Hiệp, Tân Hưng Đông, Tân Hưng Tây, Tân Hưng, Tân Nghiệp, Tân Phong, Tân Thới, Thạnh Phú, Thạnh Hưng, Thạnh Trung, Trần Thới, Việt Cường, Việt Dũng, Việt Hùng, Việt Khái, Việt Thắng. Huyện lỵ đặt tại xã Cái Nước.
Ngày 14 tháng 2 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 33B-HĐBT về việc:
-
Sáp nhập xã Thạnh Trung vào xã Lương Thế Trân.
-
Sáp nhập xã Phú Lộc vào xã Phú Hưng.
-
Sáp nhập xã Hòa Mỹ vào xã Hưng Mỹ.
-
Sáp nhập xã Phú Thuận vào xã Phú Mỹ.
-
Sáp nhập xã Phú Thành vào xã Phú Hòa.
-
Sáp nhập xã Việt Dũng vào xã Việt Khái.
-
Giải thể xã Phong Hưng để sáp nhập vào xã Tân Hưng và xã Hiệp Hưng.
-
Sáp nhập xã Việt Cường vào xã Việt Hùng, tách một phần dân số và diện tích của xã Việt Hùng để sáp nhập vào xã Việt Thắng.
-
Giải thể xã Tân Thới để sáp nhập vào xã Trần Thới và xã Đông Thới.
-
Sáp nhập xã Tân Phong vào xã Tân Nghiệp, tách một phần dân số và diện tích của xã Tân Nghiệp để sáp nhập vào thị trấn Phú Tân.
-
Giải thể xã Cái Nước để thành lập thị trấn Cái Nước – thị trấn huyện lỵ huyện Cái Nước.
Huyện Cái Nước có 2 thị trấn: Cái Nước, Phú Tân và 21 xã: Bình Mỹ, Đông Thới, Hiệp Hưng, Hưng Mỹ, Lương Thế Trân, Phú Hiệp, Phú Hòa, Phú Hưng, Phú Mỹ, Tân Hải, Tân Hiệp, Tân Hưng Đông, Tân Hưng Tây, Tân Hưng, Tân Nghiệp, Thạnh Phú, Thạnh Hưng, Trần Thới, Việt Hùng, Việt Khái, Việt Thắng.
Ngày 2 tháng 2 năm 1991, Ban Tổ chức Chính phủ ban hành Quyết định số 51/QĐ-TCCP về việc:
-
Sáp nhập xã Thạnh Phú vào xã Lương Thế Trân.
-
Sáp nhập xã Thạnh Hưng vào xã Tân Hưng.
-
Sáp nhập xã Hiệp Hưng vào xã Đông Thới.
-
Sáp nhập xã Bình Mỹ vào xã Hưng Mỹ.
-
Sáp nhập xã Tân Hiệp vào xã Tân Hưng Đông.
-
Sáp nhập xã Việt Thắng vào xã Trần Thới.
-
Sáp nhập xã Phú Hòa vào xã Phú Mỹ.
-
Hợp nhất xã Phú Hiệp, xã Tân Nghiệp và thị trấn Phú Tân thành xã Phú Tân.
-
Hợp nhất xã Việt Hùng và xã Việt Khái thành xã Tân Hưng Tây mới.
-
Hợp nhất xã Tân Hải với xã Tân Hưng Tây cũ thành xã Nguyễn Việt Khái.
Huyện Cái Nước còn lại thị trấn Cái Nước và 11 xã: Đông Thới, Hưng Mỹ, Lương Thế Trân, Nguyễn Việt Khái, Phú Hưng, Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Tân Hưng Tây, Trần Thới.
Ngày 29 tháng 8 năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 109-CP về việc thành lập thị trấn Cái Đôi Vàm trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Nguyễn Việt Khái.
Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc chia tỉnh Minh Hải thành tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Khi đó, huyện Cái Nước thuộc tỉnh Cà Mau.
Ngày 25 tháng 6 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/1999/NĐ-CP về việc thành lập xã Việt Thắng trên cơ sở 3.865,27 ha diện tích tự nhiên và 10.300 người của xã Trần Thới.
Ngày 22 tháng 4 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2003/NĐ-CP về việc thành lập xã Tân Hải trên cơ sở 4.233,56 ha diện tích tự nhiên và 9.532 người của xã Phú Tân.
Từ đó, huyện Cái Nước có 2 thị trấn: Cái Nước, Cái Đôi Vàm và 13 xã: Đông Thới, Hưng Mỹ, Lương Thế Trân, Nguyễn Việt Khái, Phú Hưng, Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hải, Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Tân Hưng Tây, Trần Thới, Việt Thắng.
Ngày 17 tháng 11 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2003/NĐ-CP về việc tái lập huyện Phú Tân trên cơ sở 44.595 ha diện tích tự nhiên và 109.642 người của huyện Cái Nước, bao gồm thị trấn Cái Đôi Vàm và 6 xã: xã: Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hải, Việt Thắng, Tân Hưng Tây, Nguyễn Việt Khái.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Cái Nước còn lại 39.514 ha diện tích tự nhiên và 136.619 người với có 8 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thị trấn Cái Nước và 7 xã: Lương Thế Trân, Phú Hưng, Hưng Mỹ, Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Đông Thới, Trần Thới.
Ngày 23 tháng 11 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 192/2004/NĐ-CP về việc:
-
Thành lập xã Thạnh Phú trên cơ sở 3.111 ha diện tích tự nhiên và 13.725 người của xã Lương Thế Trân.
-
Thành lập xã Hòa Mỹ trên cơ sở 3.860,20 ha diện tích tự nhiên và 9.326 người của xã Hưng Mỹ.
-
Thành lập xã Đông Hưng trên cơ sở 3.283,40 ha diện tích tự nhiên và 10.299 người của xã Đông Thới.
Huyện Cái Nước có 1 thị trấn và 10 xã như hiện nay.
5. Thông tin quy hoạch chung thị trấn Cái Nước (Cà Mau):
UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chung thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước đến năm 2030.
Phạm vi lập quy hoạch theo ranh giới hành chính thị trấn Cái Nước.
Mục tiêu đồ án quy hoạch:
+ Nhằm định hướng phát triển thị trấn Cái Nước thành đô thị loại IV, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của huyện Cái Nước.
+ Làm cơ sở thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội, phù hợp với tình hình phát triển của thị trấn Cái Nước trong tình hình mới.
+ Định hướng phát triển và xác định mô hình phát triển không gian kiến trúc đô thị đặc thù của vùng sông nước với đặc điểm thích nghi và ứng phó với tác động do biến đổi khí hậu (nước biển dâng) đến môi trường đô thị.
Định hướng phát triển không gian thị trấn Cái Nước gồm khu trung tâm và khu ngoài trung tâm. Khu vực trung tâm thị trấn: Diện tích 187,72 ha, từ trung tâm giao giữa sông Cái Nước và kênh xáng Cái Nước phân bố hướng phát triển đều về tất cả các hướng, trong đó trục Bắc – Nam bám dọc theo trục Quốc lộ 1. Dự báo đến năm 2030, có 60% dân số tại khu trung tâm và 40% phân bố theo các khu đất sản xuất nông nghiệp ngoài khu trung tâm. Khu vực ngoài trung tâm là phần diện tích còn lại của thị trấn.
Việc lập quy hoạch chung thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước đến năm 2030 nhằm:
+ Cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng.
+ Quy hoạch giao thông vận tải và chương trình phát triển đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021.
+ Đồ án quy hoạch chung định hướng phát triển không gian đô thị, hạ tầng xã hội và hạ tầng đô thị để đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thị trấn Cái Nước.
+ Các dự án phát triển hạ tầng khung của khu vực được đầu tư đã tác động đến sự phát triển của thị trấn Cái Nước.
+ Tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới và thích ứng về biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn thị trấn.
THAM KHẢO THÊM: