Huyện Bến Cầu là một huyện nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Tây Ninh, Việt Nam. Đây là một huyện có vị trí chiến lược quan trọng khi tiếp giáp biên giới Campuchia, với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - một trong những cửa khẩu lớn nhất phía Nam. Xin mời các bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau về Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Bến Cầu (Tây Ninh).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Bến Cầu (Tây Ninh):
2. Có bao nhiêu xã, phường thuộc huyện Bến Cầu (Tây Ninh)?
Huyện Bến Cầu có 9 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 1 thị trấn, 8 xã.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
1 | Thị trấn Bến Cầu (huyện lỵ) |
2 | Xã An Thạnh |
3 | Xã Lợi Thuận |
4 | Xã Long Chữ |
5 | Xã Long Giang |
6 | Xã Long Khánh |
7 | Xã Long Phước |
8 | Xã Long Thuận |
9 | Xã Tiên Thuận |
3. Giới thiệu khái quát về huyện Bến Cầu (Tây Ninh):
Vị trí địa lý:
Huyện Bến Cầu nằm ở phía nam tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh 30 km về phía Tây Nam và cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km về phía Tây Bắc, có địa giới hành chính như sau:
-
Phía Bắc tiếp giáp với huyện Châu Thành
-
Phía Đông tiếp giáp với huyện Gò Dầu
-
Phía Nam tiếp giáp với thị xã Trảng Bàng
-
Phía Tây và Tây Nam tiếp giáp với Campuchia
Diện tích, dân số:
Huyện Bến Cầu có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 264 km² và dân số khoảng 69.849 người (2019), trong đó thành thị có 8.626 người (12%), nông thôn có 61.223 người (88%)). Mật độ dân số đạt khoảng 265 người/km².
Địa hình:
Địa hình của huyện khá bằng phẳng, có xu hướng thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và được chia thành ba dạng địa hình chính:
-
Dạng địa hình cao đồi gò, có độ cao trên 4m, chiếm 13,37% diện tích tự nhiên toàn huyện và được phân bố xen kẽ ở các xã Lợi Thuận, thị trấn, Tiên Thuận, Long Giang, Long Chữ và Long Phước.
-
Dạng địa hình trũng thấp có độ cao 0,8m, chiếm 32,68% diện tích tự nhiên của huyện, phân bố tập trung cặp theo sông Vàm Cỏ Đông thuộc hai xã An Thạnh, Lợi Thuận và một phần của hai xã Tiên Thuận, Long Chữ.
-
Dạng địa hình trung bình, có độ cao từ 0,8 – 4m, chiếm 53,74% diện tích tự nhiên toàn huyện được phân bố xen kẽ ở các xã, thị trấn trong huyện.
Khí hậu:
Huyện Bến Cầu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với những đặc trưng chính là nắng nhiều (nhiệt độ bình quân trong năm 27,7°C) và nằm trong khu vực có lượng mưa và số ngày mưa tương đối thấp nhưng lại phân bổ không đều giữa các tháng.
Sông ngòi:
Hệ thống kênh rạch đều có hướng Tây – Bắc, Đông – Nam, mật độ thưa, ngắn và dòng chảy không rõ rệt, có vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp và tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Sông Vàm Cỏ Đông chảy cặp theo phía Đông của huyện với chiều dài 30 km cung cấp nước bơm tưới cho 4.000 – 5.000 ha. Rạch Bảo chảy từ biên giới Campuchia chảy ra sông Vàm Cỏ Đông, chiều dài 10 km. Đây là nguồn cung cấp nước tưới vào sâu trong nội đồng. Huyện còn có kênh Đìa Xù dài 5 km, phục vụ tiêu úng cho vùng đất trũng ở phía Bắc quốc lộ 22A.
Đất đai:
Đất đai của huyện chủ yếu là đất xám (chiếm 70% diện tích), phân bố trên địa hình cao, có mặt ở tất cả các xã, nhiều nhất là bốn xã: Long Khánh, Long Phước, Lợi Thuận, Tiên Thuận. Phần còn lại là đất phèn, phân bố ở khu vực có địa hình thấp, cặp theo sông Vàm Cỏ Đông và các kênh rạch thuộc các xã An Thạnh, Lợi Thuận, Tiên Thuận và Long Chữ.
Tài nguyên khoáng sản:
Huyện có một lượng than bùn khá lớn ở khu vực trũng thuộc xã Tiên Thuận, Long Chữ, có thể khai thác đưa vào sản xuất phân bón và chất đốt rất tốt. Trữ lượng đất sét gạch ngói ước tính khoảng 3 – 4 triệu m, phân bố dọc theo sông Vàm Cỏ Đông, tập trung nhiều nhất ở các xã An Thạnh, Lợi Thuận và Long Chữ hiện đang được khai thác làm gạch ngói.
Tài nguyên sinh vật:
Tài nguyên sinh vật khá phong phú, mang đặc điểm sinh thái đồng bằng với nhiều chủng loại khác nhau. Các loại động, thực vật nuôi trồng trên địa bàn huyện đều sinh trưởng và phát triển khá tốt, cho năng suất và chất lượng cao.
4. Tiềm năng phát triển của huyện Bến Cầu (Tây Ninh):
Từ những đặc điểm về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên nêu trên có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Bến Cầu nằm trên tuyến giao lưu trực tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Campuchia,, cách Thành phố Hồ Chí Minh và Thị xã Tây Ninh không xa, nên khá thuận lợi để phát triển một nền kinh tế toàn diện. Đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Tiềm năng tự nhiên của huyện khá đa dạng với chế độ nhiệt độ cao đều trong năm, địa hình tương đối bằng phẳng, nguồn nước tự nhiên khá dồi dào, đất đai có tầng canh tác sâu,…là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp cũng như xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như giao thông, công nghiệp và phân bố dân cư.
Huyện nằm trong vùng khí hậu có lượng mưa và số ngày mưa tương đối thấp, lại phân chia theo mùa rõ rệt. Trong đó, vào các tháng mùa mưa, do mưa lớn và tập trung thường gây ngập úng ở các khu vực có địa hình thấp. Vào các tháng mùa khô, lượng mưa ít, lượng bốc hơi lớn gây tình trạng khô hạn trên diện rộng, đã hạn chế lớn đến quá trình sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Huyện có nguồn nước tự nhiên dồi dào nhưng do số lượng sông, suối, kênh rạch ít lại phân bố không đều, vùng tưới hẹp do diện tích có địa hình cao chiếm tỷ lệ lớn, chi phí đầu tư cho các công trình tưới, tiêu khá cao đã hạn chế đến khả năng khai thác và sử dụng đất nông nghiệp.
Đất đai phần lớn là đất xám, nghèo dinh dưỡng nhất là đạm và lân; khả năng giữ nước kém nên trong mùa khô thường bị rửa trôi, xói mòn và các công trình giao thông, hệ thống kênh mương dễ bị sạt lở vào mùa mưa. Phần diện tích còn lại là đất phèn, bưng trảng hoang khó khai thác sử dụng. Việc đầu tư, chi phí cho sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, giao thông và nguồn nước sinh hoạt rất khó khăn và tốn kém.
Về thương mại, huyện Bến Cầu có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển các hoạt động thương mại, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến thương mại biên giới với Campuchia. Các sản phẩm chủ yếu xuất khẩu của huyện là gạo, cao su, hồ tiêu và các sản phẩm nông sản khác.
Trước đây, huyện Bến Cầu gần như nằm giữa ốc đảo (sông Vàm Cỏ Đông bao quanh ba phía, phía còn lại là đường biên giới), cách trở về giao thông. Hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn chỉnh, nối liên đến trung tâm thị xã Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Lịch sử hình thành huyện Bến Cầu (Tây Ninh):
Đầu thế kỷ XIX, người Việt đã đến khai khẩn tại Bến Cầu. Năm 1844, đã lập được 4 làng là Long Giang, Long Chữ, Long Khánh và Long Thuận. Lúc đó Bến Cầu thuộc huyện Châu Thành.
Năm 1949, chính quyền cách mạng thành lập huyện Khăn Xuyên, trong đó có 3 xã: Long Giang, Long Khánh và Long Chữ.
Năm 1953, lại nhập huyện Khăn Xuyên vào huyện Châu Thành.
Thời Việt Nam Cộng hòa, chính quyền Sài Gòn nhiều lần thay đổi ranh giới các quận, các xã. Năm 1959, chia quận Gò Dầu Hạ thành 2 quận: Hiếu Thiện và Khiêm Hanh. Quận Hiếu Thiện bao gồm toàn bộ huyện Bến Cầu ngày nay và một số xã giáp ranh thuộc các huyện Gò Dầu, Trảng Bàng.
Cuối năm 1959, chính quyền cách mạng tách phần đất phía tây sông Vàm Cỏ Đông thuộc huyện Gò Dầu để thành lập huyện Bến Cầu, bao gồm 8 xã: An Thạnh, Lợi Thuận, Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Long Phước, Long Thuận và Tiên Thuận.
Ngày 20 tháng 8 năm 1999, thành lập thị trấn Bến Cầu (thị trấn huyện lỵ huyện Bến Cầu) trên cơ sở 638 ha diện tích tự nhiên và 5.555 nhân khẩu của xã Lợi Thuận.
Huyện Bến Cầu có 1 thị trấn và 8 xã như hiện nay.
THAM KHẢO THÊM: