Việc xây dựng ban công cho ngôi nhà phải tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật về xây dựng. Vậy theo quy định, ban công được phép đua ra, vươn ra ngoài tối đa bao nhiêu?
Mục lục bài viết
1. Ban công được phép đua ra, vươn ra ngoài tối đa bao nhiêu?
Ban công được hiểu là một phần kiến trúc xây dựng trong ngôi nhà hoặc tòa nhà, đây là một không gian theo chiều ngang nhô ra và nối liền các bức tường lại trước cánh cửa nhà và có xây dựng hệ thống lan can bao quanh. Thực tế thường thấy lan can sẽ được xây từ tầng hai trở lên.
Ban công không còn xa lạ gì với mọi người dân, đây là một phần không thể thiếu trong các ngôi nhà ở đô thị khi mà diện tích bị hạn chế về không gian nên nhiều gia đình đã tận dụng xây dựng ban công để sinh hoạt. Việc xây dựng ban công có một vai trò rất quan trọng trong ngôi nhà của bạn. Với những nơi hạn chế về diện tích đất và không gian sống, ban công được xây dựng nhô ra phần nào giúp cải thiện không gian sinh hoạt của gia đình (là nơi tận dụng được làm sân phơi, trồng cây xanh; bên cạnh đó còn tạo tính thẩm mỹ cho căn nhà,…)
Việc xây dựng ban công sẽ phải đáp ứng theo tiêu chuẩn xây dựng của Bộ xây dựng, cụ thể căn cứ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 9411:2012), khi xây nhà ở thì ban công phải đáp ứng quy định như sau:
– Trường hợp những ngôi nhà có ban công giáp phố thì vị trí độ cao cũng như độ vươn ra của ban công phải phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt, đồng thời phải tuân thủ theo quy định về quản lý xây dựng khu vực.
– Đối với nhà ở liền kề mặt phố, độ vươn ra của ban công sẽ phụ thuộc vào chiều rộng lộ giới, đảm bảo không được lớn hơn các kích thước theo quy định sau:
Chiều rộng lộ giới (đơn vị: mét) | Độ vươn ra tối đa (đơn vị: mét) |
Dưới 05 | 0 |
Từ 05 đến 07 | 0,5 |
Từ 07 đến 12 | 0,9 |
Từ 12 đến 15 | 1,2 |
Trên 15 | 1,4 |
Lưu ý:
+ Trên phân nhô ra chỉ được phép làm ban công, không được che chắn tạo thành lô-gia hay buồng.
+ Trường hợp đặc biệt lộ giới có chiều rộng trên 15 mét nhưng chiều rộng vỉa hẻ nhỏ hơn 3,0m thì quy chuẩn độ vươn ra của ban công tối đa sẽ là 1,2 mét.
– Mặt dưới cùng của ban công phải cao hơn mặt vỉa hè tối thiểu là 3,5 mét.
– Với những nơi có ngõ/hẻm chiều rộng nhỏ hơn 4 mét và có dãy nhà liên kế ở hai bên ngõ thì sẽ không được phép làm ban công.
Nếu như chỉ có một dãy nhà ở một bên ngõ thì sẽ được làm ban công có độ vươn ra tối đa là 0,6 mét.
– Trong đường hay ngõ/hẻm có hệ thống đường dây điện đi nổi thì khi xây dựng ô văng, ban công phải bảo đảm các quy định về hành lang an toàn đối với hệ thống đường dây điện, cụ thể khoảng cách từ các bộ phận kiến trúc đến các đường dây điện gần nhất phải đáp ứng:
+ Theo mặt phẳng nằm ngang:
- Đến đường dây cao thế: 4 mét tính từ mép ngoài cùng của kiến trúc.
- Đến đường dây trung thế: 2,5 mét tính từ mép ngoài cùng của kiến trúc.
- Đến đường dây hạ thế: 0,75 mét từ cửa sổ; 1 mét từ mép ngoài cùng của ban công.
- Khoảng cách tối thiểu từ mép ngoài cùng của kiến trúc đến cột điện: 0,75 mét.
+ Theo chiều đứng:
- Khoảng cách thẳng đứng từ công trình tới dây điện dưới cùng phải đảm bảo: 3 mét đối với điện áp tới 35KV; 4 mét đối với điện áp 66-100KV; 5 mét đối với điện áp 220 (230)KV; 2,5 mét đối với trên mái nhà, trên ban công; 0,5 mét đối với trên cửa sổ; 1 mét dưới cửa sổ; 1 mét dưới ban công.
2. Người dân xây dựng đua ban công sai quy định bị xử phạt ra sao?
Tình trạng xây ban công đua ra khỏi phạm vi diễn ra trên thực tế rất nhiều, đặc biệt trong các khu vực hạn chế diện tích, mật độ dân số cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội,…
Trường hợp xây dựng ban công đua ra vượt quá phạm vi cho phép thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xây dựng sai giấy phép xây dựng, cụ thể như sau:
– Tổ chức có hành vi thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo, di dời công trình và giấy phép xây dựng có thời hạn, mức xử phạt sẽ là:
+ Đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ: mức phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
+ Đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác: mức phạt tiền từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
+ Đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng: mức phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 90 triệu đồng.
– Đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới, tổ chức thi công xây dựng công trình sai với nội dung giấy phép xây dựng sẽ bị xử phạt như sau:
+ Đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ: mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
+ Đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác: mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
+ Đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng: mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng.
– Ngoài việc bị phạt tiền như trên, tổ chức còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
(quy định tại Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
Như vậy, trường hợp được cấp phép xây dựng mà không tuân thủ đúng giấy phép, xây dựng ban công có độ đua ra vượt quá phạm vi thì sẽ bị xử phạt mức tiền như trên.
Lưu ý: mức phạt trên là áp dụng đối với tổ chức, còn đối với cá nhân mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.
3. Những lưu ý người dân cần nắm khi thiết kế xây dựng ban công cho nhà mình chuẩn nhất:
Ban công chiếm diện tích không lớn nhưng có vai trò vô cùng thiết yếu giúp tạo nên được nét độc đáo riêng trong kiến trúc của từng gia đình. Dưới đây là một số lưu ý khi thiết kế ban công đối với các cá nhân, hộ gia đình để vừa tuân thủ đúng quy định của pháp luật, vừa tạo được thẩm mỹ cho gia đình, cụ thể:
Thứ nhất, đảm bảo an toàn:
Việc đảm bảo an toàn là yếu tố then chốt khi xây dựng ban công, đặc biệt ở chung cư hay các nhà cao tầng. Khi đó, chủ nhà cần quan tâm đến chiều cao và khoảng cách giữa các lan can ban công sao cho hợp lý nhất. Thông thường chiều cao của ban công là chiều cao của lan can và phải trên 1,1m, trở lên tính từ sàn nhà đến tay vịn.
Không được dùng các thanh nhỏ để làm xà ngang vì không đảm bảo đủ lực, không đủ an toàn khi có tác động mạnh. Với những tòa chung cư hay các khu nhà cao tầng thường sẽ có tiêu chuẩn an toàn về chiều cao cũng như khoảng cách khác nhau, do đó khi xây dựng ban công tại các khu vực đó cần tuân thủ những quy định chung, tránh trường hợp không nắm rõ và xây dựng sai.
Thứ hai, thiết kế ban công có tầm nhìn rộng:
Thiết kế ban công có tầm nhìn rộng thoáng, mang lại giá trị thẩm mỹ lớn cho ngôi nhà. Đồng thời khiến ngôi nhà có nhiều ánh sáng, có sức sống hơn, tránh tình trạng ẩm thấp, tù đọng khiến cho không gian sống không được đảm bảo.
Thứ ba, đồng nhất với kiến trúc:
Việc xây dựng ban công như thế nào sẽ phù hợp với kiến trúc chung của từng ngôi nhà của bạn. Ví dụ những ngôi nhà với lối kiến trúc hiện đại thì thiết kế ban công cũng sẽ theo hướng đó; hay như những ngôi nhà thiết kế kiểu châu Âu cổ điện, hướng thiết kế ban công cũng sẽ khác,…
Thứ tư, chú trọng đến hệ thống thoát nước:
Ban công nằm ở bên ngoài, là nơi sẽ chịu nắng mưa trực tiếp và chủ nhà thường sẽ trồng nhiều loại cây xanh khác nhau nên việc bố trí hệ thống thoát nước hợp lý cũng là điều cần thiết và quan trọng.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Luật Xây dựng sửa đổi 2020 số 62/2020/QH14 mới nhất.
Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Tiêu chuẩn TCVN 9411:2012 Thiết kế nhà ở liền kề.