Khái quát tình hình chống tham nhũng của báo chí trên thế giới. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về phòng chống tham nhũng.
Mục lục bài viết
1. Khái quát tình hình chống tham nhũng của báo chí trên thế giới:
Truyền thông xã hội và báo chí trên thế giới đang đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện và đưa các hành vi tham nhũng ra ánh sáng. Báo chí và TTXH hiện này đã và đang là một nguồn quan trọng để nâng cao nhận thức cộng đồng về tham nhũng, các cơ quan thực thi pháp luật điều tra các cáo buộc trên báo chí, TTXH hoặc quyết định tiến hành điều tra sau các truy vấn từ các phương tiện truyền thông hoặc các bài báo đã xuất bản. Các nhà nghiên cứu trên thế giới hiện này về cơ bản đều thống nhất báo chí và TTXH có vai trò then chốt trong việc tăng cường các quá trình dân chủ hóa, nâng cao chất lượng của Chính phủ, phát triển kinh tế và chống tham nhũng.
Các phương tiện TTXH và báo chí có thể được định nghĩa một cách rộng rãi là các phương tiện truyền thông được sử dụng để cung cấp thông tin cho lượng lớn khán giả. Về chống PCTN, báo chí đưa ra một lộ trình để thông tin về các hoạt động của Chính phủ, hành chính và doanh nghiệp được phổ biến trong toàn xã hội từ đó tạo cho công chúng một khả năng to lớn để buộc những người có quyền lực phải chịu trách nhiệm. Bằng cách phanh phui, phơi bày, thông tin và giáo dục về những tác hại của tham nhũng đối với xã hội nói chung, TTXH có thể làm tăng đáng kể rủi ro chính trị của những người tiếp xúc với các hành vi tham nhũng của họ và nâng cao nhận thức phê phán của xã hội.
Theo một nghiên cứu của OECD vào năm 2018 cho thấy 2% các trường hợp hối lộ nước ngoài là do các báo cáo trước đó của báo chí về cáo buộc tham nhũng, điều này làm cho báo chí trở thành nguồn quan trọng nhất đối với nhận thức của cộng đồng và là nguồn quan trọng để phát hiện tham nhũng [47]. Khả năng của báo chí và TTXH để trở thành một công cụ hiệu quả chống lại tham nhũng phụ thuộc rất nhiều vào việc có đủ tự do báo chí hay không.
Một trong những ví dụ điển hình của báo chí và TTXH trong việc đấu tranh PCTN đó chính là cuộc điều tra Hồ sơ Panama, được trao Giải thưởng Pulitzer cho Hồ sơ Panama đã giành giải ở hạng mục “Báo chí giải thích” (Explanatory Reporting) vào tháng 4/2017. Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) với công trình đồ sộ của hơn 300 nhà báo trên 6 châu lục hé lộ các bí mật về vụ trốn thuế, các nhà báo đã phát hiện và nỗ lực điều tra trong vòng 5 năm để đào sâu vào các thiên đường bí mật tài chính và công bố số liệu cho mười người hàng đầu các quốc gia nơi trung gian hoạt động: Hồng Kông (Trung Quốc), Vương quốc Anh, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Panama, Guatemala, Luxembourg, Brazil, Ecuador và Uruguay.
Hay cuộc điều tra vào 4/2016, sau cuộc điều tra kéo dài 6 tháng, hai hãng truyền thông lớn đã đưa tin về vụ bê bối Unaoil, một âm mưu hối lộ xuyên quốc gia bị cáo buộc liên quan đến các khoản hối lộ được trả thay cho các công ty ở các quốc gia trên toàn cầu. Gần đây hơn, các cuộc điều tra của ICIJ’s Paradise Papers đã dẫn đến báo cáo toàn cầu về việc hơn 100 công ty đa quốc gia sử dụng các trung tâm tài chính nước ngoài để che giấu một số giao dịch nhất định. Các cuộc điều tra của ICIJ có sự tham gia của hơn 380 nhà báo làm việc trên sáu lục địa bằng 30 ngôn ngữ nêu bật tầm quan trọng của mạng lưới cộng tác đối với các nhà báo điều tra làm việc trong các cuộc điều tra phức tạp xuyên biên giới.
Tại Brazil, chánh văn phòng của cựu Tổng thống Rousseff đã bị miễn nhiệm và chịu các cuộc điều tra pháp lý sau khi ba nhà báo điều tra vạch trần việc ông tham gia vào các hoạt động làm giàu bất chính [57]. Hay vào năm 2018, phóng viên truyền hình điều tra người Bulgaria là Viktoria Marinova đã phỏng vấn hai nhà báo điều tra từ dự án Rise, đã phát hiện ra việc biển thủ ngân quỹ của EU với tiền hối lộ được phân phối ở tất cả các cấp, từ thứ trưởng đến kiểm toán viên. Báo cáo cáo buộc văn phòng chống gian lận của EU (OLAF) hoạt động kém hiệu quả. Marinova là một trong số ít nhà báo truyền hình đưa tin về vấn đề này và bị sát hại một tháng sau đó. Vụ giết nhà báo này đã gây ra một làn
Tại Angola, sau khi các nhà báo của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế xuất bản Hồ sơ Thiên đường, con trai của cựu tổng thống Jose Eduardo dos Santos đã bị bắt vào tháng 9/2018 và một người quản lý khác đã bị điều tra. Một vài tháng trước đó, chính tổng thống đã bị buộc tội gian lận. Người kế nhiệm ông, Tổng thống Joao Lourenco, kể từ đó đã thực hiện các bước đáng chú ý chống tham nhũng và trừng phạt [51]. Hay vụ việc diễn ra vào tháng 2/2018, nhà báo điều tra người Slovakia Jan Kuciak đã bị sát hại sau cuộc điều tra về hành vi biển thủ ngân quỹ của EU. Kuciak cho thấy chính phủ đã tham gia vào việc che đậy tội phạm có tổ chức như thế nào trong hơn một thập kỷ. Vụ sát hại nhà báo Kuciak đã dẫn đến cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại nước này và buộc thủ tướng Robert Fico khi đó phải từ chức. Các cuộc điều tra thêm vẫn đang tiếp tục.
Có thể cho rằng, thế mạnh đặc biệt của các nhà báo điều tra nằm ở sự tập trung, kỹ năng và mục tiêu của họ là phơi bày, khám phá và đưa vào những thông tin và bối cảnh mà hiện nay công chúng vẫn chưa chú ý. Các nhà bảo tạo ra thông tin gốc khác với các thể loại truyền thông khác thường chia sẻ và theo dõi các câu chuyện đã được xuất bản. Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã tiến hành một cuộc khảo sát với sự tham gia của 3.000 doanh nhân ở 30 quốc gia về tham nhũng và các công cụ chống tham nhũng hiệu quả nhất. Và kết quả khảo sát cho thấy phần lớn người được khảo sát đều cho rằng báo chí và TTXH đóng một vai trò quan trọng trong việc PCTN. Ngoài ra, ở hầu hết các quốc gia được khảo sát, nhiều người tin tưởng vào hiệu quả của báo chí hơn là vào luật chống tham nhũng của quốc gia. Ví dụ, 70% doanh nhân ở Brazil tin rằng báo chí điều tra có hiệu quả hoặc rất hiệu quả trong việc chống tham nhũng so với 42% tin vào hiệu quả của luật chống hối lộ quốc gia. Các kết quả tương tự cũng được tìm thấy ở Chile, Trung Quốc, Đức, Ghana, Pakistan và Philippines, trong số những người khác.
Tuy nhiên, thực tế trên thế giới cũng cho thấy báo chí và TTXH có tiềm năng trở thành một công cụ chống tham nhũng hiệu quả, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Các phương tiện báo chí và TTXH đôi khi có thể bị can thiệp quá mức và trở thành mục tiêu của các nhóm lợi ích, lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Là nguồn thông tin quan trọng nhất đối với hầu hết mọi người, báo chí và TTXH đại diện cho một kênh quan trọng trong việc điều khiển dư luận theo hướng có lợi cho các lợi ích được giao. Các tờ báo và mạng xã hội có thể thông qua các cách khác nhau để che đậy các trường hợp hối lộ, tham nhũng. Do đó, những nỗ lực nhằm thu hút các tờ báo và TTXH truyền thông vì lợi ích cá nhân đều là rủi ro ở các nước đang phát triển và đã phát triển. Trong những trường hợp cực đoan, điều này có thể liên quan đến các khoản quyên góp trực tiếp bằng hiện vật, tống tiền hoặc nhận tiền để đưa tin không chính xác.
Có thể thấy, tham nhũng là một loại tội phạm phức tạp, có thể xảy ra do sự mâu thuẫn và lỗ hổng trong khuôn khổ pháp lý và sự hợp tác không đầy đủ giữa các khu vực tài phán. Báo chí và TTXH là nguồn thông tin vô cùng hữu ích nhưng có thể chưa được khai thác cho các cáo buộc tham nhũng xuyên quốc gia. Mối quan hệ mang tính xây dựng giữa TTXH và cơ quan thực thi pháp luật cũng có thể được tăng cường hơn nữa đồng thời đảm bảo tính độc lập và liêm chính của các bên tham gia khác nhau.
2. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:
Bài học thứ nhất, cuộc chiến chống tham nhũng khác với cuộc chiến chống các loại tội phạm thông thường. Vì vậy, để công cuộc PCTN thành công thì không thể chỉ dựa vào sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước mà cần có sự tham gia, ủng hộ tích cực của toàn xã hội, sự tham gia của báo chí và TTXH. Trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia tranh thủ thành công sự tham gia của TTXH và báo chí, từ đó công tác thực thi, giám sát các chương trình, dự án PCTN đã đạt được nhiều kết quả tốt. Điển hình là tại Trung Quốc, có tới 80% các vụ việc tham nhũng được phát hiện là do nhân dân và báo chí phản ánh và hơn 90% là do nhân dân và báo chí cung cấp. Nếu tội phạm tham nhũng bị phát hiện, xử lý thì người tố giác, tố giác tội phạm được hưởng một tỷ lệ phần trăm nhất định trên tổng giá trị tài sản mà cơ quan PCTN thu giữ được. Báo chí ở Trung Quốc được coi là lực lượng xung kích trong công cuộc đấu tranh PCTN. Báo chí không chỉ có vai trò trong việc tuyên tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về chống tham nhũng mà báo chí còn giữ vai trò là tác nhân, thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng phát triển sâu, rộng, tạo thành một cuộc tiến công tổng lực trên phạm vi toàn quốc.
Song, thực tế cũng cho thấy báo chí cũng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, nhất là việc phản ánh một cách thiếu khách quan, trung thực và nhiều trường hợp là phản ánh sai sự thật đối với một số vụ án tham nhũng. Điều này đã gây ra những ảnh hưởng xấu trong nhân dân. Chính vì thế cần phải có một cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh, cần phê bình, kỷ luật, xử lý theo quy định đối với những nhà báo, cơ quan báo chí có hành vi sai phạm. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế bảo vệ nhà báo khi tham gia đấu tranh chống tham nhũng.
Bài học thứ hai, TTXH là nơi tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các sự kiện, vấn đề, hiện tượng của xã hội. Trên thực tế, từ sự lan truyền một cách nhanh chóng, rộng khắp của TTXH có thể hình thành các quan niệm và phong trào xã hội kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, tạo động lực, áp lực để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào cuộc nhanh hơn, quyết liệt hơn trong xem xét, xác minh, xử lý hành vi tham nhũng. Mặt khác, TTXH còn có khả năng răn đe, cảnh báo, gây áp lực với chính các đối tượng có hành vi tham nhũng.
Truyền thông xã hội có thể là nơi cung cấp các thông tin giúp cho chúng ta phát hiện, đấu tranh, PCTN. Tại các quốc gia như Ấn Độ, Ghana… thì TTXH là nguồn chủ yếu để người dân, doanh nghiệp, công chức biết thông tin về tham nhũng và việc phát hiện tham nhũng chủ yếu chỉ qua TTXH, báo chí phản ánh hoặc khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mới phát hiện sai phạm. Bên cạnh đó, TTXH không chỉ là một trong những kênh thông tin quan trọng mà còn được coi là một công cụ hữu hiệu trong việc góp phần đánh giá, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của hoạt động PCTN. TTXH ở nhiều quốc gia là lực lượng giám sát một cách khách quan, hiệu quả, bảo đảm việc thực thi các biện pháp PCTN của cơ quan, tổ chức, cá nhân được vận hành công khai, minh bạch, có kết quả rõ ràng.
Bài học thứ ba, việc phát huy vai trò của TTXH đối với công tác PCTN là yêu cầu cấp bách cả về mặt lý luận và thực tiễn. TTXH có thể tập hợp và đóng góp những khuyến nghị sáng suốt, đưa ra ý kiến phản biện xác đáng đối với các quyết định của các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội về các vấn đề liên quan đến PCTN. TTXH có thể tập hợp, đóng góp những kiến nghị sáng suốt, những phản biện xác đáng đối với các quyết định của các cơ quan đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội về các vấn đề liên quan đến các vấn đề xã hội như PCTN. Đồng thời, thông qua các TTXH, nhân dân có thể tham gia nhận xét, thẩm định, đánh giá, góp ý cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần hoàn thiện thể chế về PCTN. Để phát huy vai trò tích cực của TTXH trong đấu tranh PCTN thì công tác nghiên cứu, nắm bắt TTXH phải được thực hiện có hiệu quả. Vì vậy, để nâng cao vai trò của TTXH trong PCTN thì cần phải nâng cao vai trò của báo chí và TTXH. Quy định rõ và cụ thể hóa Luật PCTN về vai trò và trách nhiệm của báo chí trong công tác PCTN. Cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc thông tin kịp thời, chính xác các vụ án tham nhũng đang được thanh tra, điều tra, xét xử; thông tin về kết quả đấu tranh PCTN của các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương và cá nhân; cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng; điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực, để báo chí thực sự là “diễn đàn của nhân dân”.