An sinh xã hội là một trong các chính sách cơ bản hàng đầu khi nhà nước xây dựng các cơ chế đảm bảo đời sống và điều kiện sống tối thiểu cho người dân. Vậy An sinh xã hội là gì? Bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người thông qua cách thức như thế nào?
Mục lục bài viết
1. An ninh xã hội là gì?
An sinh xã hội có nội dung rất rộng và ngày càng hoàn thiện về nhận thức và thực tiễn thực hiện trên toàn thế giới. An sinh xã hội theo quan điểm của một số tổ chức quốc tế cũng có mức độ rộng, hẹp và đối tượng hướng tới khác nhau.
Theo Liên hiệp quốc, an sinh xã hội tiếp cận trên quyền của người dân (Điều 25, Hiến chương Liên hiệp quốc năm 1948): “… Mọi người dân và hộ gia đình đều có quyền có một mức tối thiểu về sức khỏe và các phúc lợi xã hội bao gồm ăn, mặc, chăm sóc y tế (bao gồm cả thai sản), dịch vụ xã hội thiết yếu và có quyền được an sinh khi có các biến cố về việc làm, ốm đau, tàn tật, góa phụ, tuổi già… hoặc các trường hợp bất khả kháng khác…”.
Theo Ngân hàng thế giới (WB) “An sinh xã hội là những biện pháp của chính phủ nhằm giúp cho các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng đương đầu và kiềm chế được nguy cơ tác động đến thu nhập nhằm giảm tính dễ bị tổn thương và những bấp bênh thu nhập”.
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng cho rằng “An sinh xã hội là các chính sách, chương trình giảm nghèo và giảm sự yếu thế bởi sự thúc đẩy có hiệu quả thị trường lao động giảm thiểu rủi ro của người dân và nâng cao năng lực của họ để đối phó với rủi ro và suy giảm hoặc mất thu nhập”. An sinh xã hội có 5 hợp phần: (i) các chính sách và chương trình thị trường lao động; (ii) bảo hiểm xã hội; (iii) trợ giúp xã hội; (iv) quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng và (v) bảo vệ trẻ em.
Năm 2009, Liên hợp quốc phát triển sáng kiến “Sàn an sinh xã hội” với mục đích đảm bảo cho mọi người dân có mức thu nhập tối thiểu và tiếp cận được các dịch vụ xã hội thiết yếu, nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của con người được quốc tế và quốc gia thừa nhận, vì mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
Về mặt bản chất, ASXH là góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội khi họ không may gặp phải những “rủi ro xã hội” hoặc các “biến cố xã hội” dẫn đến ngừng hoặc giảm thu nhập. Phương thức hoạt động là thông qua các biện pháp công cộng. Mục đích là tạo ra sự “an sinh” cho mọi thành viên trong xã hội và vì vậy mang tính xã hội và tính nhân văn sâu sắc, đây cũng là tư tưởng muốn hướng tới sự hưng thịnh và hạnh phúc cho mọi người và cho xã hội.
An sinh xã hội trong tiếng Anh được hiểu là Social Security.
An sinh xã hội trong tiếng Anh được định nghĩa như sau:
” Social security is to contribute to ensuring income and life for citizens in society when they unfortunately encounter “social risks” or “social events” that lead to stop or decrease in income. The mode of operation is through public measures. The aim is to create a “well-being” for all members of society and therefore deeply social and humanistic, this is also an idea that aims to bring prosperity and happiness to everyone and to give society.”
An sinh xã hội là hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện nhằm bảo đảm cho mọi người dân ít nhất có được mức tối thiểu về thu nhập, có cơ hội tiếp cận ở mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin,… thông qua việc nâng cao năng lực tự an sinh của người dân và sự trợ giúp của Nhà nước. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, từng bước mở rộng diện bao phủ, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ đang là đích đến của các quốc gia trên thế giới.
2. Phương thức bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người:
*) Đảm bảo an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển là quan điểm nhất quán và xuyên suốt qua các kỳ Đại hội của Đảng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của đất nước:
Sự phát triển của nền kinh tế thị trường, một mặt đem lại sự tăng trưởng nhanh về kinh tế, nhưng mặt trái của nó cũng đặt ra nhiều rủi ro cho con người trong cuộc sống. Vì vậy, đảm bảo an sinh xã hội là điều kiện để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đảm bảo những điều kiện thực hiện an sinh xã hội. Do đó, trong mỗi chính sách phát triển kinh tế phải đảm bảo an sinh xã hội; các chính sách xã hội phải đặt ngang tầm với các chính sách kinh tế, gắn với các chương trình kinh tế – xã hội vì mục tiêu phát triển con người, phát huy tối đa nguồn lực con người.
*) Xây dựng hệ thống an sinh xã hội công bằng, đa dạng, mở rộng và hiệu quả ngày càng được củng cố và hoàn thiện.
An sinh xã hội công bằng chính là “tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội” cho người dân. Điều đó có nghĩa là mọi người dân, không phân biệt giàu hay nghèo, thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi… đều được tạo cơ hội như nhau trong việc tiếp cận các chính sách, các dịch vụ an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đảm bảo quyền con người, vì con người. Để làm được điều đó, Đảng chủ trương giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa cống hiến và hưởng thụ của người dân trong từng lĩnh vực, từng chính sách phát triển.
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay, xã hội có sự phân hóa giàu nghèo thì đảm bảo an sinh xã hội công bằng càng có ý nghĩa to lớn, là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân.
Hệ thống an sinh xã hội đa dạng gồm nhiều hình thức khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cứu trợ xã hội, ưu đãi xã hội, chính sách xóa đói, giảm nghèo, bảo hiểm thương mại, các dịch vụ xã hội….
Bên cạnh đó, Đảng cũng chú trọng xây dựng hệ thống an sinh xã hội ngày càng mở rộng về đối tượng, quyền lợi được hưởng, nghĩa vụ phải thực hiện, và các nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội. Hệ thống an sinh xã hội mở rộng giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng của người dân, hướng tới bao phủ toàn dân. Việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội rộng mở với phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng có mối quan hệ biện chứng hữu cơ.
Vì vậy, xây dựng hệ thống an sinh xã hội mở rộng phải gắn liền với việc phát triển đa dạng hệ thống an sinh xã hội mà nhiệm vụ trọng tâm là: tập trung phát triển hệ thống bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động…); thực hiện tốt các chính sách ưu đãi xã hội; mở rộng các hình thức hỗ trợ xã hội, chú ý đến các đối tượng khó khăn, dễ bị tổn thương trong xã hội.
*) Thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, huy động mọi nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội là giải pháp cốt lõi
An sinh xã hội nhằm ổn định đời sống cho nhân dân, đòi hỏi trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng xã hội. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội là điều kiện để thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã thể hiện rất rõ điều này: “Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các dịch vụ bảo hiểm xã hội, chuyển các loại hình trợ giúp, cứu trợ xã hội sang cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội dựa vào cộng đồng”, “đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức xóa đói, giảm nghèo”; “huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công ”.
Quan điểm trên cho thấy, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời mở rộng sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội vào thực hiện an sinh xã hội dưới hình thức xã hội hóa. Các bộ, ban, ngành, tùy theo chức năng của mình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội, đồng thời phối hợp liên ngành để thực hiện an sinh xã hội. Đảm bảo an sinh xã hội cũng cần huy động sự tham gia tích cực của các cá nhân, tổ chức thiện nguyện và toàn thể cộng đồng.
3. Những thách thức đối với việc đảm bảo an sinh xã hội ở nước ta:
Thứ nhất, cùng với quá trình chuyển đổi kinh tế, nhiều vấn đề kinh tế – xã hội bức xúc, mới phát sinh chưa được giải đáp một cách toàn diện cả về lý luận và thực tiễn. Hệ thống chính sách, luật pháp về an sinh xã hội theo mô hình Nhà nước phúc lợi chưa theo kịp với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường và xu hướng phát triển của quốc tế.
Thứ hai, các nguy cơ rủi ro kinh tế, xã hội và môi trường ngày càng có xu hướng tăng. Đặc biệt, khí hậu toàn cầu biến đổi kèm theo hiện tượng nước biển dâng đặt ra những thách thức mới về an sinh xã hội.
Thứ ba, xu hướng già hóa dân số đặt ra thách thức về tính bền vững của chính sách an sinh xã hội hiện hành.
Thứ tư, còn có nhiều bất cập về mức hưởng lợi giữa các nhóm dân cư, nhất là với nhóm người nghèo, người dân tộc ít người sống ở vùng sâu, vùng xa. Hệ thống dịch vụ xã hội còn nhiều yếu kém, chưa bền vững.
Thứ năm, quyền thụ hưởng các chính sách an sinh của người dân, nhất là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương chưa được bảo đảm.
Kết luận: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, mỗi quốc gia có nhiều cơ hội để phát triển, đồng thời, phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, cuộc sống của người dân luôn chứa đựng những nguy cơ rủi ro bất ngờ. Vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội là một yêu cầu bức thiết đảm bảo ổn định chính trị xã hội và phát triển đất nước hiện nay.