An ninh lãnh thổ là một bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia, là một trong các yếu tố thiết yếu trong các chính sách, chiến lược phát triển của quốc gia. An ninh lãnh thổ được hiểu là gì?
Mục lục bài viết
1. An ninh lãnh thổ là gì?
An ninh lãnh thổ là sự yên ổn, an toàn về chính trị, xã hội trên toàn lãnh thổ quốc gia. An ninh lãnh thổ là bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia.
Xâm phạm an ninh lãnh thổ là hình thức hoạt động phá hoại, có tính chất khiêu khích, gây tình hình căng thẳng, không ổn định ở khu vực biên giới và cũng có thể là những hành vi chuẩn bị cho việc tiến hành chiến tranh xâm lược. Vì vậy, khách thể của tội phạm này là sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Điều 1
An ninh lãnh thổ trong tiếng Anh được hiểu là Territorial security.
Quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là lĩnh vực rất quan trọng luôn được đề cập trong văn kiện các Ðại hội Ðảng. Qua mỗi kỳ Ðại hội, quan điểm của Ðảng về tăng cường quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc luôn có sự bổ sung, phát triển, ngày càng hoàn thiện.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, phát huy vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Công an nhân dân (CAND) trong những năm qua, an ninh quốc gia luôn được giữ vững, góp phần đặc biệt quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, từng bước làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
2. Phân tích tội danh xâm phạm an ninh lãnh thổ:
Căn cứ pháp lý của tội xâm phạm an ninh lãnh thổ
Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ được quy định tại Điều 111
“Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân;
2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm,
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tà từ 01 năm đến 05 năm.”
Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ là hành vi xâm nhập lãnh thổ, làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc các hành động khác gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dấu hiệu pháp lý của tội xâm phạm an ninh lãnh thổ
(i) Khách thể của tội xâm phạm an ninh lãnh thổ: Khách thể của tội xâm phạm an ninh lãnh thổ là an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mỗi quốc gia được cầu thành từ ba bộ phận cơ bản là lãnh thổ quốc gia, dân cư sinh sống trên lãnh thổ và hệ thống chính quyền. Như vậy, sự tồn tại của quốc gia gắn liền với vấn đề lãnh thổ. Lãnh thổ là không gian sinh tồn của quốc gia. Về mặt khoa học, lãnh thổ được hiểu là phần không gian được xác định bởi đường biên giới quốc gia thuộc chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối của quốc gia. Lãnh thổ quốc gia Việt Nam, theo quy định của Điều 1 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Một cách khái quát, lãnh thổ quốc gia bao gồm vùng đất, vùng nước, vùng trời và vùng lòng đất.
An ninh lãnh thổ là một phần không thể tách rời của an ninh quốc gia nói chung. Nội dung của an ninh lãnh thổ là sự ổn định, thống nhất và trường tồn của lãnh thổ quốc gia Việt Nam.
(ii) Mặt khách quan của tội xâm phạm an ninh lãnh thổ: Mặt khách quan của tội phạm này thể hiện ở một trong các hành vi sau:
– Xâm nhập lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xâm nhập lãnh thổ là hành vi của người nước ngoài cố ý vượt qua biên giới quốc gia, đi vào lãnh thổ Việt Nam một cách bất hợp pháp nhằm phá hoại an ninh lãnh thổ Việt Nam. Xâm nhập lãnh thổ có thể kèm theo khiêu khích vũ trang song khiêu khích vũ trang không phải là dấu hiệu bắt buộc của xâm nhập lãnh thổ. Xâm nhập lãnh thổ khác với nhập cánh trái phép ở tính chất chính trị của hành vi này. Hành vi xâm nhập lãnh thổ có thể được thực hiện công khai hoặc lén lút, bí mật qua đường bộ, đường thủy, đường biển hoặc đường không.
– Làm sai lệch đường biên giới quốc gia là hành vi cố ý làm thay đổi đường biên giới quốc gia Việt Nam với nước ngoài. Biểu hiện cụ thê của hành vi này có thể là di chuyển cột mốc biên giới vào phần lãnh thổ Việt Nam, tạo dựng các cột mốc giả để lần chiếm đất hoặc nắn dòng chảy các con sông biên giới.
Hành động khác phá hoại an ninh lãnh thổ. Những hành vi loại này có thể là gây hư hại mốc giới quốc gia; xâm canh, xâm cư; bắn, phóng, thả, đưa qua biên giới trên không các phương tiện bay, vật thể, chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho an ninh, quốc phòng Việt Nam…
– Hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể là hành động bắn phá lãnh thổ, vùng biển Việt Nam từ nước ngoài, từ vùng biển quốc tế; phá hoại công trình biên giới; bắn, phóng, thả, đưa qua biên giới quốc gia phương tiện bay, vật thể, các chất gây hại, hoặc có nguy cơ gây hại cho quốc phòng, an ninh, kinh tế, sức khỏe của nhân dân, môi trường, an toàn hàng không và trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, gây ô nhiễm môi trường, xâm phạm tài nguyên thiên nhiên ở khu vực biên giới hoặc những hành động khác cùng tính chất gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ thể của tội xâm phạm an ninh lãnh thổ có thể là người nước ngoài, người không có quốc tịch hoặc công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS và đã thực hiện hành vi phạm tội. tùy theo hành vi xâm phạm an ninh lãnh thổ, mà có chủ thể khác nhau:
– Hành vi phạm tội xâm nhập lãnh thổ: chủ thể đặc biệt, đó chỉ có thể là người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch.
– Hành vi phạm tội làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: chủ thể có thể là người nước ngoài người không có quốc tịch hoặc công dân Việt Nam.
Chủ thể là công dân Việt Nam thường thực hiện tội phạm theo sự chỉ đạo của nước ngoài như làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc giữ vai trò là người giúp sức như tiếp tế, chỉ đạo…và không phải thuộc trường hợp “chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường giúp nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại quy định tại Điều 110 BLHS năm 2015 về tội gián điệp.
(iv) Mặt chủ quan của tội xâm phạm an ninh lãnh thổ: tội xâm phạm an ninh lãnh thổ được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích phạm tội là nhằm phá hoại an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tội phạm này có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. Hậu quả, thời gian, địa điểm thực hiện tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, về không gian, hành vi phạm tội này thường được thực hiện ở khu vực biên giới giữa Việt Nam với nước khác. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Do vậy, những hành vi xâm nhập lãnh thổ nhưng không nhằm gây phương hại đến an ninh lãnh thổ của Việt Nam thì không phải là hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm này. Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, thông thường động cơ thúc đẩy người thực hiện tội phạm này là do tư tưởng bành trướng dân tộc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phản động, cơ hội chính trị.
Về hình phạt tội xâm phạm an ninh lãnh thổ
Điều 111 quy định 3 khung hình phạt chính căn cứ vào vai trò của người phạm tội.
– Khung 1. Quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân áp dụng đối với người phạm tội là người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
– Khung 2. Quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội trong các trường hợp khác.
– Khung 3. . Quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội này.
Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung quy định tại Điều 122 BLHS năm 2015 sửa đổi 2017, đó là tước một số quyền công dân từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
3. Bảo vệ an ninh lãnh thổ trong thời kỳ mới:
Một là, thống nhất về nhận thức, an ninh quốc gia là một vấn đề đặc biệt hệ trọng, then chốt, sống còn của Ðảng, Nhà nước và của chế độ. Bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Ðảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, lực lượng CAND làm nòng cốt, trong đó an ninh chính trị, an ninh biên giới, lãnh thổ là trụ cột; an ninh kinh tế là trung tâm; an ninh văn hóa, tư tưởng, truyền thông là chốt chặn quan trọng hàng đầu để phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hai là, giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Huy động, động viên, khuyến khích cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng thế trận lòng dân, nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, hình thành thế trận tổng hợp bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Ba là, tập trung nâng cao chất lượng nghiên cứu và dự báo chiến lược, xu hướng vận động chính trị và chính sách quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực có liên quan trực tiếp đến an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam; nhận diện rõ hơn các nguy cơ bên trong, bên ngoài, các mối đe dọa xâm phạm đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc. Bổ sung, phát triển, hoàn thiện lý luận về an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia, nhất là mở rộng nội hàm của khái niệm an ninh quốc gia, lý luận về công tác tham mưu, chỉ huy, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia; lý luận nghiệp vụ chuyên ngành khoa học an ninh, về đối tượng, đối tác; bổ sung lý luận về an ninh phi truyền thống, gắn kết bảo vệ an ninh truyền thống với bảo vệ an ninh phi truyền thống, bảo vệ an ninh đất liền với an ninh biển – đảo, bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Bốn là, tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, ổn định, hiệu quả hơn; tích cực tham gia vào cơ chế đối ngoại an ninh song phương, khu vực và toàn cầu, nhất là Liên hợp quốc, Interpol, Aseanapol, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền an ninh đối ngoại.
Năm là, xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng chính trị trọng yếu, đặc biệt tin cậy, tuyệt đối trung thành của Ðảng, Nhà nước và nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia.
Kết luận: Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng nhấn mạnh: Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch… Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh và liên quan đến quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới. Chủ động, tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh.