Ấn định thuế là một trong những nội dung về quản lý thuế thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Ấn định thuế được áp dụng trong một số trường hợp nhất định nhằm chống thất thu thuế. Do vậy việc quy định về nguyên tắc cũng như căn cứ ấn định thuế là điều hoàn toàn cần thiết.
Mục lục bài viết
1. Ấn định thuế là gì?
Ấn định thuế là việc cơ quan quản lý thuế dựa trên các nguyên tắc, căn cứ để xác định số tiền thuế mà người nộp thuế phải nộp trong các trường hợp luật định.
Ấn định thuế có ý nghĩa quan trọng diễn ra khi người nộp thuế có hành vi vi phạm pháp luật về thuế mà việc vi phạm này chủ yếu nhằm trốn thuế, vì vậy, ấn định thuế trong trường hợp này là công cụ, phương tiện chống thất thu thuế và cũng thể hiện triệt để công tác quản lý của cơ quan thuế; đối với ấn định thuế với hàng hóa xuất, nhập khẩu cũng là trường hợp người nộp thuế có vi phạm pháp luật về thuế, tuy nhiên việc tách ra quy định là một trường hợp khác bởi nó khác biệt về đối tượng là hàng hóa xuất, nhập khẩu và cơ quan có thẩm quyền ấn định thuế là cơ quan hải quan.
Ấn định thuế trong tiếng anh là “Impose a tax“.
2. Nguyên tắc ấn định thuế:
Nguyên tắc ấn định thuế được hiểu là những quan điểm chi phối, định hướng và điều chỉnh hoạt động ấn định thuế của cơ quan quản lý thuế. Theo đó, Điều 49 Luật Quản lý thuế đưa ra 2 nguyên tắc cơ bản:
– Thứ nhất, ấn định thuế phải dựa trên các nguyên tắc quản lý thuế, căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan.
+ Ấn định thuế là nội dung thuộc quản lý thuế, do vậy, việc dựa trên nguyên tắc quản lý thuế là điều dễ hiểu và hợp lý, theo đó, nội dung nguyên tắc quản lý thuế cũng đã được ghi nhận tại Điều 5 Luật Quản lý thuế, chẳng hạn: Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.
+ Căn cứ tính thuế đối với mỗi loại thuế cụ thể là khác nhau, chẳng hạn: căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập tính thuế và thuế suất; căn cứ tính thuế giá trị gia tăng là giá tính thuế và thuế suất,…Việc dựa vào căn cứ tính thuế để ấn định thuế là điều hoàn toàn cần thiết và hợp lý để xác định chính xác số tiền thuế mà người nộp thuế phải nộp, dựa theo căn cứ tính thuế thì việc xác định số thuế như kiểu cơ quan thuế đang thực hiện thay hoạt động mà đáng lẽ ra người nộp thuế phải thực hiện.
+ Phương pháp tính thuế cũng là một trong những nội dung mà cơ quan ấn định thuế phải dựa trên đó để thực hiện ấn định. Phương pháp tính thuế là cách để đưa ra được số tiền mà người nộp thuế phải nộp, căn cứ tính thuế chỉ để xác định các yếu tố để tính số thuế phải nộp còn phương pháp tính thuế là con đường để xác định được số thuế phải nộp. Phương pháp tính thuế được quy định trong các loại thuế cụ thể, chẳng hạn phương pháp tính thuế giá trị gia tăng bao gồm phương pháp khấu trừ hoặc phương pháp tính thuế trực tiếp.
-Thứ hai, cơ quan quản lý thuế ấn định số tiền thuế phải nộp hoặc ấn định từng yếu tố, căn cứ tính thuế để xác định số tiền thuế phải nộp. Với nguyên tắc này, cho thấy việc ấn định thuế không chỉ đơn thuần là xác định số tiền thuế phải nộp mà còn rộng hơn là ấn định từng yếu tố, căn cứ tính thuế. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng vẫn là xác định số tiền thuế phải nộp, do đó, chỉ cần cơ quan thuế đáp ứng được nguyên tắc thứ nhất thì việc tuân thủ nguyên tắc thứ hai là điều dễ dàng. Người nộp thuế bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 50 Luật Quản lý thuế.
3. Căn cứ ấn định thuế:
Căn cứ ấn định thuế là những yếu tố được xác định làm chỗ dựa cho việc ấn định số tiền phải nộp hoặc ấn định từng yếu tố, căn cứ tính thuế để xác định số tiền thuế phải nộp.
Quy định về căn cứ ấn định thuế khá đặc biệt, trước hết, về vị trí nó được quy định trong Luật Quản lý thuế, đó là việc nó được ghi nhận tại Khoản 2, Điều 50 về ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, điều này dẫn đến việc là đối với trường hợp ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sẽ không dựa trên căn cứ này. Cụ thể:
“2. Căn cứ ấn định thuế bao gồm:
a) Cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại;
b) So sánh số tiền thuế phải nộp của cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương; trường hợp tại địa phương của cơ sở kinh doanh không có thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô của cơ sở kinh doanh thì so sánh với địa phương khác;
c) Tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực;
d) Tỷ lệ thu thuế trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành, nghề theo quy định của pháp luật về thuế.“
Quy định chi tiết về căn cứ ấn định thuế, Điều 15 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ghi nhận đối với căn cứ ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, cụ thể:
3.1. Đối với người nộp thuế là tổ chức:
Căn cứ cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại; tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực; kết quả xác minh; số tiền thuế phải nộp bình quân tối thiểu của 03 cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương; trường hợp tại địa phương, cơ sở kinh doanh không có hoặc có nhưng không đủ thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô cơ sở kinh doanh thì lấy thông tin của cơ sở kinh doanh tại địa phương khác để thực hiện ấn định theo từng yếu tố.
3.2. Đối với cá nhân chuyển nhượng, nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản:
Cơ quan thuế ấn định giá tính thuế trong trường hợp xác định được cá nhân kê khai, nộp thuế với giá tính thuế thấp hơn so với giá giao dịch thông thường trên thị trường. Giá tính thuế do cơ quan thuế ấn định phải đảm bảo phù hợp với giá giao dịch thông thường trên thị trường nhưng không thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định tại thời điểm xác định giá tính thuế.
Đối với người nộp thuế bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tỷ lệ trên doanh thu theo quy định của pháp luật, thì căn cứ ấn định thuế là: Căn cứ cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại; tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực; kết quả xác minh; doanh thu tối thiểu của 03 cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương; trường hợp tại địa phương, cơ sở kinh doanh không có hoặc có nhưng không đủ thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô cơ sở kinh doanh thì lấy thông tin của cơ sở kinh doanh tại địa phương khác có cùng điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế để thực hiện ấn định doanh thu tính thuế.
Nhìn chung, các căn cứ ấn định thuế được quy định khá cụ thể, việc thực hiện ấn định thuế có hiệu quả, chính xác hay không phụ thuộc rất nhiều vào căn cứ ấn định thuế, các căn cứ này chủ yếu dựa trên các tài liệu có sẵn, điều đó cũng đòi hỏi trách nhiệm trước đó của cơ quan thuế trong việc cơ sở dữ liệu để đảm bảo không gây ảnh hưởng tới lợi ích của người nộp thuế. Trong các căn cứ trên, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế và cơ sở dữ liệu thương mại là quan trọng nhất, trong đó, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế là toàn bộ thông tin của người nộp thuế dựa trên mã số thuế được cơ quan thuế quản lý theo một hình thức nhất định mà thường là dưới dạng điện tử; còn cơ sở dữ liệu thương mại là hệ thống thông tin tài chính và dữ liệu của doanh nghiệp được tổ chức, sắp xếp và cập nhật do các tổ chức kinh doanh cung cấp cho cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Mỗi một căn cứ đều có những đóng góp nhất định trong việc giúp cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế một cách hiệu quả, chính xác, việc bỏ qua một trong các căn cứ ấn định là việc cơ quan thuế đang đi ngược lại với các quy định của pháp luật và điều đó dù đến cuối cùng có xác định chính xác số thuế phải nộp hay không cũng không được khuyến khích.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Luật Quản lý thuế năm 2019.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế.