Theo Hiến định, Chủ tịch nước là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân. Hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân bắt buộc cần phải tuân thủ theo hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Mục lục bài viết
1. Ai là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân?
Trước hết, người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân hiện nay được quy định cụ thể tại Điều 24 của Văn bản hợp nhất Luật quốc phòng năm 2023. Theo đó, Điều 24 của Văn bản hợp nhất luật quốc phòng năm 2023 có quy định về nguyên tắc hoạt động và các trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân. Cụ thể như sau:
– Hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân cần phải tuân thủ theo quy định của hiến pháp, pháp luật Việt Nam, tuân thủ theo các điều ước quốc tế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, lực lượng vũ trang nhân dân được hoạt động đặt dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, đặt dưới sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, đặt dưới sự quản lý thống nhất của Chính phủ;
– Các trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân được quy định cụ thể như sau:
+ Sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân trong tình trạng chiến tranh, trong tình trạng khẩn cấp liên quan đến lĩnh vực quốc phòng an ninh được thực hiện theo lệnh của chủ thể có thẩm quyền đó là Chủ tịch nước và quy định khác của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;
+ Trong quá trình thi hành điều lệnh thiết quân luật, giới nghiêm thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc phòng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
+ Trong tình trạng khẩn cấp xuất phát từ lý do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình hình đe dọa nghiêm trọng đến nền an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
+ Khi có nguy cơ đe dọa nền an ninh quốc gia, an toàn trật tự xã hội nhưng chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp, được thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
+ Khi tham gia vào hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở các khu vực trên thế giới thực hiện theo quyết định của Hội đồng quốc phòng và an ninh;
+ Khi xảy ra tình huống phức tạp trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, an toàn trật tự xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, tham gia phòng chống và khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh, việc sử dụng lực lượng vũ trang do cơ quan có thẩm quyền đó là Chính phủ quy định cụ thể.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 88 của Hiến pháp năm 2013 có quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước. Cụ thể như sau:
– Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh, đề nghị cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong khoảng thời hạn 10 ngày được tính kể từ ngày pháp lệnh được thông qua trên thực tế, nếu nhận thấy pháp lệnh đó vẫn được Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành tuy nhiên Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước sẽ trình Quốc Hội quyết định lại trong kỳ họp gần nhất;
– Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đối với Phó chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, căn cứ vào nghị quyết của Quốc Hội để có thể bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm hoặc cách chức đối với Phó chủ tịch nước, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ;
– Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với Chánh án tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có quyền căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội để có thể bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm hoặc cách chức đối với thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm hoặc cách chức đối với Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thẩm phán đối với các tòa án khác, phó viện trưởng và kiểm sát viên trong Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đưa ra quyết định đặc xá theo quy định của pháp luật, căn cứ vào nghị quyết của Quốc Hội để có thể công bố quyết định đại xá đối với phạm nhân;
– Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước, có thẩm quyền quyết định cho nhập quốc tịch, quyết định cho thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong hoặc tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân, bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm hoặc cách chức tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, căn cứ vào nghị quyết của Quốc Hội hoặc nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để công bố hoặc bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để có thể ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố và bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp thì có thể công bố hoặc bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương nhất định;
– Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài, căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để có thể bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm, quyết định cử hoặc triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phong hàm hoặc cấp đại sứ, quyết định đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trình Quốc Hội phê duyệt và quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế, quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam.
Theo đó thì có thể nói, lực lượng vũ trang nhân dân được đặt dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, được đặt dưới sự thống lĩnh của Chủ tịch nước. Hay nói cách khác, chủ tịch nước chính là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Ai được xác định là chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân?
Căn cứ theo quy định tại Điều 28 của Văn bản hợp nhất luật quốc phòng năm 2023 có quy định về chỉ huy quân đội nhân dân và công an nhân dân, dân quân tự vệ. Cụ thể như sau:
– Quân đội nhân dân, công an nhân dân, dân quân tự vệ có hệ thống chỉ huy được tổ chức phù hợp với quy định của pháp luật;
– Bộ trưởng Bộ quốc phòng được xác định là người chỉ huy cao nhất trong quân đội nhân dân và dân quân tự vệ;
– Bộ trưởng Bộ công an được xác định là người nắm quyền hành chỉ huy cao nhất trong công an nhân dân.
Theo đó thì có thể nói, lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm quân đội nhân dân, công an nhân dân và dân quân tự vệ. Trong đó, bộ trưởng Bộ quốc phòng được xem là người chỉ huy cao nhất trong quân đội nhân dân và dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ công an được xác định là người chỉ huy cao nhất trong công an nhân dân.
3. Thành phần và nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân:
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Văn bản hợp nhất luật quốc phòng năm 2023 có quy định về thành phần và nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân. Cụ thể như sau:
– Lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm quân đội nhân dân, công an nhân dân và dân quân tự vệ;
– Lực lượng vũ trang nhân dân cần phải tuyệt đối trung thành với tổ quốc, trung thành với nhân dân, trung thành với đảng và nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ đảng và bảo vệ nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, thành quả của cách mạng, cùng nhân dân xây dựng và quản lý đất nước, thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Như vậy có thể nói, lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm quân đội nhân dân, công an nhân dân và dân quân tự vệ. Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân sẽ được thực hiện theo quy định nêu trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 23/VBHN-VPQH 2023 Luật Quốc phòng;
– Hiến pháp năm 2013.