Khái quát về biện pháp khẩn cấp tạm thời? Ai có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?
Chế định biện pháp khẩn cấp tạm thời được ghi nhận trong Bộ luật tố tụng dân sự là một trong những chế định có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, góp phần giải quyết nhanh chóng vụ án dân sự, bảo đảm được quyền, lợi ích của đương sự và đảm bảo thi hành án. Bên cạnh việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án có quyền tự quyết định thì phần lớn các biện pháp khẩn cấp tạm thời đều dựa trên yêu cầu của chủ thể có quyền. Vậy: “Ai có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?”, câu trả lời sẽ được Luật Dương Gia giải đáp trong bài viết dưới đây.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về biện pháp khẩn cấp tạm thời?
Khái niệm về biện pháp khẩn cấp tạm thời được rất nhiều tác giả, học giả, nhà nghiên cứu đưa ra, được nhìn nhận theo nhiều cách hiểu khác nhau. Nhưng tựu chung lại, có thể hiểu khái quát về biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:
Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự là một chế định pháp luật tố tụng dân sự bao gồm các quy định về cách thức giải quyết của toà án, được toà án áp dụng để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của cá nhân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ ngay bằng chưng khỏi bị huỷ hoại, ngăn chặn ngay tài sản khỏi bị tẩu tán, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án và thi hành án dân sự, từ đó bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự.
Đặc điểm của biện pháp khẩn cấp tạm thời được thể hiện ở 3 tính chất:
– Tính khẩn cấp.
Tính khản cấp của biện pháp khẩn cấp tạm thời được thể hiện ở những dấu hiệu sau: Biện pháp khẩn cấp tạm thời được Toà án áp dụng giải quyết những vụ việc dân sự có tình thế khẩn cấp, quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời rất nhanh chóng, gấp rút. Đồng thời, biện pháp khẩn cấp tạm thời được thi hành rất khẩn trương, nhanh chóng.
– Tính tạm thời.
Tính tạm thời là hệ quả từ tính khẩn cấp của biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự. Tính tạm thời bao gồm những dấu hiệu cơ bản sau:
+ Biện pháp khẩn cấp tạm thời thực chất chỉ là giải pháp tình thế, cách xử lý tạm thời của Toà án khi vụ việc dân sự có tình thế khẩn cấp.
+ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án chỉ là quyết định tạm thời, chưa phải là quyết định chính thức, cuối cùng giải quyết nội dung vụ việc dân sự.
+ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thường chỉ có hiệu lực đến khi Toà án ra quyết định chính thức giải quyét nội dung vụ việc dân sự, vì thế, quyết định này có thể bị thay đổi, huỷ bỏ. Sau khi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, toà án sẽ có quyết định chính thức, cuối cùng để giải quyết vụ việc dân sự.
– Tính cưỡng chế.
Bên cạnh tính khẩn cấp và tính tạm thời là hai đặc trưng cơ bản của biện pháp khẩn cấp tạm thời, một đặc điểm đặc điểm có trong phần lớn các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tính cưỡng chế. Biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án quyết định áp dụng buộc đương sự phải tuân thủ, chấp hành và thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo quyết định của toà án, mà nếu không tự nguyên thi hành sẽ bị cưỡng chế theo quyết định của toà án.
2. Ai có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời là nhằm bảo đảm việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó, người có quyền yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được xác định là người có quyền yêu cầu toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự, những người có quyền yêu cầu Toà án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời gồm có:
– Đương sự.
Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong đó, nguyên đơn là là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu
Bị đơn là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm. (khoản 3 Điều 69)
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. (Khoản 4, Điều 69).
Đương sự được xác định là chủ thể đầu tiên có quyền yêu cầu toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, điều này hoàn toàn hợp lí, bởi đương sự trong vụ án dân sự là chủ thể cơ bản, mọi hoạt động tố tụng phát sinh đều nhằm giải quyết mối quan hệ, tranh chấp giữa đương sự và việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng để nhằm bảo đảm quyền, lợi ích cho đương sự, do đó việc trao quyền yêu cầu cho đương sự là cách thức để nhà nước trao quyền chủ động cho họ tự bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình.
Tuy nhiên, theo tinh thần chung của Bộ luật tố tụng dân sự, đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời là những đương sự trong vụ án dân sự và chỉ trong vụ án dân sự, đương sự mới có quyền yêu cầu toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Điều này được xem là chưa hợp lý và là điểm hạn chế, bởi trong quá trình giải quyết việc dân sự cũng có những tình thế cấp bách cần được Tòa án can thiệt bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà đương sự trong việc dân sự lại không có quyền yêu cầu.
Việc Bộ luật tố tụng dân sự không quy định rõ những người có quyền yêu cầu trong việc dân sự cũng có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đã gây ra nhận thức và thực hiện không thống nhất trong thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về biện pháp khẩn cấp tạm thời.
– Người đại diện hợp pháp của đương sự.
Ngoài đương sự trong vụ án dân sự có quyền yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, Khoản 1, Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự còn quy định người đại diện hợp pháp của đương sự cũng có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền hoặc đại diện theo chỉ định của Tòa án. Người đại diện của đương sự là người thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự. Do đó, đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì người đại diện hợp pháp của đương sự cũng có quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích cho đương sự.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Cùng với đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, Khoản 1, Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự còn mở rộng quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân này bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Tổ chức đại diện tập thể lao động; Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Điều cần chú ý là các phạm vi khởi kiện phụ thuộc vào phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và căn cứ vào pháp luật nội dung cụ thể.
Việc quy định cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án vì lợi ích của “người khác” được yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là hoàn toàn hợp lí, khi ngay từ lúc khởi kiện, trạng thái của họ đã ở trong tư cách của chủ thể để bảo vệ cho “nguyên đơn”, và dường như họ đang thực hiện việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với tư cách tương tự như “nguyên đơn”, chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được khởi kiện thay.
Bên cạnh những người có quyền yêu cầu toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Bộ luật tố tụng dân sự cũng quy định về quyền tự áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Toà án trong những trường hợp luật định với một số biện pháp khẩn cấp tạm thời nhất định.