Người bị truy nã và người phạm tội quả tang đều là những đối tượng có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, cơ quan điều tra có thẩm quyền ra quyết định truy tìm tung tích của những người này. Vậy ai có quyền bắt người bị truy nã, người phạm tội quả tang?
Mục lục bài viết
1. Ai có quyền bắt người bị truy nã, người phạm tội quả tang?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 111 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về vấn đề bắt người phạm tội quả tang. Cụ thể như sau:
– Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc đối với người ngay sau khi thực hiện tội phạm mà hành vi phạm tội của họ bị phát hiện hoặc những đối tượng đó bị đuổi bắt thì bất cứ người nào cũng sẽ có quyền bắt người phạm tội quả tang và áp giải ngay đối tượng đó đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ cần phải lập biên bản tiếp nhận người phạm tội quả tang, áp giải ngay lập tức người bị bắt đến các cơ sở giam giữ hoặc thông báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền;
– Khi bắt người phạm tội quả tang thì theo quy định của pháp luật, người nào cũng có quyền tước không khí, tước vũ khí của người phạm tội quả tang đó;
– Trong trường hợp công an xã phường, đồn công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì sẽ có quyền thu giữ, tạm giữ đối với các loại vũ khí, hung khí, đồng thời bảo quản các loại giấy tờ tài liệu, bằng chứng chứng cứ, đồ vật có liên quan đến quá trình phạm tội, tiến hành hoạt động lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu của người phạm tội, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật, sau đó áp giải ngay người bị bắt đến các cơ sở giam giữ hoặc thông báo ngay lập tức cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 112 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về việc bắt người đang bị truy nã. Cụ thể như sau:
– Đối với những người đang bị truy nã theo quyết định có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền thì bất cứ người nào cũng có quyền bắt người bị truy nã đó, sau đó áp giải ngay người bị truy nã đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ cần phải lập biên bản bằng giấy tờ về việc tiếp nhận, áp giải ngay người bị bắt đến các cơ sở giam giữ, hoặc thông báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền;
– Khi bắt người đang bị truy nã, thì theo quy định của pháp luật người nào cũng có quyền tước vũ khí hoặc tước hung khí của người bị truy nã đó;
– Trong trường hợp công an xã phường, đồn công an là chủ thể phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người đang bị truy nã thì cơ quan đó sẽ có thẩm quyền thu giữ, tạm giữ các loại vũ khí, tạm giữ hung khí, bảo quản các loại tài sản giấy tờ, tài liệu và chứng cứ, đồ vật có liên quan, sau đó lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu của người bị bắt giữ, tiếp tục áp giải ngay người bị bắt giữ đến các cơ sở giam giữ, hoặc thông báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Như vậy có thể nói, bất cứ ai cũng sẽ có quyền bắt giữ người bị truy nã và người phạm tội quả tang. Tuy nhiên cần phải lưu ý, sau khi bắt người bị truy nã và người phạm tội quả tang thì cần phải giải ngay người đó đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất để trao trả.
2. Những việc cần làm ngay sau khi giữ người bị truy nã, người phạm tội quả tang:
Căn cứ theo quy định tại Điều 114 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về những việc cần phải làm ngay sau khi tiến hành bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt. Cụ thể như sau:
– Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, sau khi bắt người hoặc nhận được người bị giữ, bị bắt, cơ quan có thẩm quyền đó là cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ngay lập tức cần phải lấy lời khai của người bị bắt, và đồng thời trong khoảng thời hạn 12h sẽ cần phải ra quyết định tạm giữ người hoặc trả tự do cho những người bị bắt đó;
– Sau khi tiến hành hoạt động lấy lời khai của người bị bắt theo các quyết định truy nã của cơ quan có thẩm quyền, thì cơ quan điều tra nhận người bị bắt ngay lập tức phải thông báo cho các cơ quan đã ra quyết định truy nã đó để đến nhận người bị bắt. Sau khi nhận được người bị bắt, các cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định truy nã ngay lập tức phải ra ngay quyết định đình nã;
– Trong trường hợp cơ quan đã ra quyết định truy nã không thể đến tiếp nhận người bị bắt thì sau khi tiến hành hoạt động lấy lời khai, các cơ quan điều tra nhận người bị bắt cần phải ra ngay quyết định tạm giữ người bị bắt, sau đó thông báo ngay lập tức cho cơ quan đã ra quyết định truy nã để cơ quan đó nắm bắt. Nếu đã hết thời hạn tạm giữ mà các cơ quan ra quyết định truy nã vẫn chưa đến tiếp nhận người bị bắt thì các cơ quan điều tra nhận người bị bắt rẽ phải gia hạn đối với quyết định tạm giữ, sau đó tiếp tục gửi ngay quyết định gia hạn tạm giữ kèm theo các loại giấy tờ và tài liệu có liên quan cho viện kiểm sát cùng cấp được xem xét và phê chuẩn;
– Trong trường hợp không thể đến nhận ngay người bị bắt thì các cơ quan đã ra quyết định truy nã đối với người đó sẽ cần phải ra lệnh tạm giam, gửi lệnh tạm giam đó đến cho viện kiểm sát cùng cấp để phê chuẩn, sau đó gửi cho cơ quan điều tra đang tiếp nhận người bị bắt. Sau khi nhận được lệnh tạm giam, cơ quan điều tra đang giữ người bị bắt sẽ cần phải giải ngay người đó đến trại tạm giam nơi gần nhất;
Trong trường hợp người bị bắt có nhiều quyết định truy nã được ban hành bởi nhiều cơ quan khác nhau, thì cơ quan điều tra tiếp nhận người bị bắt sẽ cần phải chuyển giao người bị bắt đó cho cơ quan đã ra quyết định truy nã nơi gần nhất.
3. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam được thực hiện thế nào?
Quy định về việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam hiện nay đang được quy định tại Điều 113 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó:
– Những người sau đây sẽ có quyền ra lệnh hoặc ra quyết định bắt bị can, bị cáo để tiến hành hoạt động tạm giam. Cụ thể bao gồm:
+ Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp;
+ Viện trưởng hoặc phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, Viện trưởng hoặc phó viện trưởng của Viện kiểm sát quân sự các cấp;
+ Chánh án hoặc phó chánh án tòa án nhân dân, chánh án hoặc phó chánh án của tòa án quân sự các cấp, hội đồng xét xử.
– Bên cạnh đó, lệnh bắt người hoặc quyết định phê chuẩn lệnh bắt người, quyết định bắt người bắt buộc phải ghi những thông tin cơ bản như họ và tên, địa chỉ của người bị bắt, lý do bị bắt và các nội dung quy định tại Điều 132 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Người thi hành quyết định bắt người phải đọc lệnh, đọc rõ quyết định đó đối với người bị bắt, giải thích rõ về quyền và nghĩa vụ của người bị bắt phải lập biên bản về việc bắt người, giao quyết định nó cho người bị bắt. Đồng thời, khi tiến hành hoạt động bắt người tại nơi người đó đang cư trú thì cần phải có đại diện của chính quyền xã chứng kiến và các người khác xung quanh. Khi tiến hành hoạt động bắt người tại nơi người đó làm việc/học tập thì cần phải có sự chứng kiến của đại diện các cơ quan, tổ chức nơi người đó đang học tập/công tác. Khi tiến hành hoạt động bắt người tại nơi khác thì bắt buộc cần phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã phường nơi tiến hành hoạt động bắt người. Đồng thời, không được phép tiến hành hoạt động bắt người vào ban đêm, ngoại trừ trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.