Dự trữ quốc gia có ý nghĩa, vai trò to lớn “Tích cốc phòng cơ”, việc quản lý và sử dụng quỹ dự trữ quốc gia như nào cho hiệu quả luôn là vấn đề mang tính cấp thiết. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích vai trò và thực trạng của quỹ dự trữ quốc gia.
Mục lục bài viết
1. Quỹ dự trữ quốc gia là gì?
Dự trữ quốc gia là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước nhằm chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất bức thiết khác của Nhà nước. Hoạt động dự trữ quốc gia là các hoạt động xây dựng và thực hiện kế hoạch, dự toán ngân sách dự trữ quốc gia; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật để quản lý dự trữ quốc gia; điều hành nhập, xuất, bảo quản, bảo vệ dự trữ quốc gia.
Theo đó, quỹ dự trữ quốc gia là khoản tích lũy từ ngân sách nhà nước, do Nhà nước thống nhất quản lý và sử dụng theo quy định của Pháp lệnh này và các văn bản pháp luật có liên quan.
Quỹ dự trữ quốc gia tiếng anh là “National reserve fund”.
2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng quỹ dự trữ quốc gia:
Việc tổ chức dự trữ quốc gia phải bảo đảm sự điều hành tập trung, thống nhất vào một đầu mối của Nhà nước, có phân công cho các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia theo quy định của Chính phủ. Hệ thống tổ chức dự trữ quốc gia được bố trí ở trung ương và các khu vực, địa bàn chiến lược trong cả nước để kịp thời đáp ứng yêu cầu trong các trường hợp cấp bách, bao gồm cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách thuộc Bộ Tài chính và các đơn vị dự trữ quốc gia thuộc bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia. Cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách được tổ chức theo hệ thống dọc, gồm bộ phận ở trung ương và các đơn vị ở địa phương theo khu vực. Theo đó, quỹ dự trữ quốc gia phải được quản lý chặt chẽ, bí mật, an toàn; chủ động đáp ứng kịp thời yêu cầu trong mọi tình huống; quỹ dự trữ quốc gia sau khi xuất phải được bù lại đầy đủ, kịp thời. Ngoài ra, quỹ dự trữ quốc gia phải được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật; không được sử dụng quỹ dự trữ quốc gia để hoạt động kinh doanh.
3. Quy định pháp luật về quản lý quỹ dự trữ quốc gia:
3.1. Quản lý chi ngân sách dự trữ quốc gia:
a) Ngân sách chi cho quỹ dự trữ quốc gia
Căn cứ vào kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách được cấp, Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia chủ động mua hàng dự trữ theo danh mục mặt hàng, số lượng, tiêu chuẩn chất lượng, giá cả, phương thức, thủ tục quy định.
Trường hợp do giá cả thay đổi khi nhập, xuất luân phiên đổi hàng làm giảm số lượng hàng mua theo kế hoạch được duyệt thì bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia mua số lượng hàng tương ứng với số tiền thu được; báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về số lượng hàng còn thiếu so với kế hoạch.
Trường hợp ngân sách cấp để mua hàng dự trữ quốc gia trong năm kế hoạch chưa sử dụng hết thì Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện trên cơ sở đề nghị của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia.
Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia sử dụng ngân sách được cấp, tiền thu được từ bán luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia để mua hàng theo kế hoạch được duyệt; trường hợp đã thực hiện xong kế hoạch mua hàng nếu còn tiền thì Bộ Tài chính thu hồi, bổ sung quỹ dự trữ quốc gia bằng tiền; trường hợp hàng dự trữ quốc gia mang tính thời vụ, phải mua nhập tăng dự trữ trước khi xuất bán đổi hàng thì Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, tạm ứng tiền để mua hàng, sau đó các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia phải trả lại ngay số tiền đã tạm ứng trong năm kế hoạch.
Hàng dự trữ quốc gia hư hỏng, giảm phẩm chất cần phải được xử lý ngay, Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc sửa chữa, phục hồi hoặc xuất bán để hạn chế thiệt hại và làm rõ nguyên nhân để xử lý:
– Trường hợp do nguyên nhân khách quan thì được ghi giảm nguồn vốn;
– Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia báo cáo ngay tình hình thiệt hại và kết quả khắc phục với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình bảo quản hàng dự trữ quốc gia, trường hợp hao hụt quá định mức do nguyên nhân chủ quan thì đơn vị, cá nhân trực tiếp bảo quản hàng dự trữ quốc gia phải bồi thường toàn bộ số lượng hao hụt; trường hợp giảm được hao hụt so với định mức thì được trích thưởng theo quy định của Chính phủ.
b) Ngân sách chi cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật để quản lý dự trữ quốc gia
Ngân sách chi cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật để quản lý dự trữ quốc gia được bố trí trong kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm của các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia.
Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật.
c) Ngân sách chi cho công tác quản lý dự trữ quốc gia
Ngân sách chi cho quản lý dự trữ quốc gia bao gồm: chi cho hoạt động của bộ máy quản lý; chi thực hiện nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, bảo vệ, bảo hiểm hàng dự trữ quốc gia; chi nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác dự trữ quốc gia.
Ngân sách chi cho quản lý dự trữ quốc gia của các cơ quan, đơn vị dự trữ quốc gia được thực hiện theo kế hoạch, dự toán, định mức, hợp đồng bảo quản hàng dự trữ quốc gia và theo chế độ quản lý tài chính, ngân sách hiện hành.
Chi phí cho việc nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia được thực hiện theo chế độ khoán; nếu tiết kiệm thì được sử dụng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Chi phí cho việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia không thu tiền theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được Bộ Tài chính cấp bổ sung theo dự toán được duyệt. Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia căn cứ vào định mức kinh tế – kỹ thuật, hợp đồng thuê bảo quản hàng dữ trữ quốc gia, lập dự toán chi phí cho việc nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt trước khi thực hiện; trường hợp chưa được phê duyệt, thì Bộ trưởng Bộ Tài chính tạm ứng để các cơ quan, đơn vị dự trữ quốc gia triển khai thực hiện.
d) Chế độ quản lý tài chính, ngân sách; chế độ kế toán, thống kê, kiểm toán nhà nước; chế độ báo cáo
Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính, ngân sách về dự trữ quốc gia đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với hoạt động đặc thù của ngành dự trữ quốc gia.
Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia và đơn vị dự trữ quốc gia phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, ngân sách, kế toán, thống kê, kiểm toán nhà nước và chế độ báo cáo về dự trữ quốc gia.
Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia phải kiểm tra, duyệt quyết toán của đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc, chịu trách nhiệm về quyết toán đã duyệt; lập quyết toán và tổng hợp báo cáo quyết toán về dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Tài chính. Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định quyết toán, tổng hợp quyết toán về dự trữ quốc gia trình Chính phủ.
3.2. Quản lý, điều hành quỹ dự trữ quốc gia:
a) Nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia
– Nguyên tắc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia
Việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
+ Đúng kế hoạch, đúng hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo đặt hàng của Nhà nước hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền;
+ Đúng chủng loại, số lượng, chất lượng, giá cả, địa điểm quy định;
+ Đúng thủ tục nhập, xuất theo quy định của pháp luật.
– Nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia theo kế hoạch
Hàng năm, căn cứ vào yêu cầu tăng cường dự trữ quốc gia, thời hạn bảo quản, hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo đặt hàng của Nhà nước, bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập kế hoạch nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia.
Căn cứ vào kế hoạch nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quyết định, hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo đặt hàng của Nhà nước, Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, hợp đồng, quyết định phương thức mua, bán, thời gian nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia bảo đảm mức dự trữ tồn kho cuối kỳ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
– Nhập, xuất sử dụng hàng dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ quyết định nhập, xuất sử dụng hàng dự trữ quốc gia trong các trường hợp sau đây: Phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; Đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; Tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; Đáp ứng yêu cầu đặc biệt về viện trợ, cho vay, trả nợ trong quan hệ đối ngoại hoặc để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, bức thiết khác của Nhà nước.
– Nhập, xuất sử dụng hàng dự trữ quốc gia theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ
Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định nhập, xuất sử dụng hàng dự trữ quốc gia và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia về quốc phòng, an ninh theo quy định sau đây:
+ Nhập, xuất cấp ngay hàng hóa, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dự trữ quốc gia có trị giá dưới một tỷ đồng để phục vụ kịp thời cho mỗi nhiệm vụ phát sinh;
+ Tạm xuất máy móc, thiết bị, phương tiện dự trữ quốc gia để phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát sinh; sau khi hoàn thành nhiệm vụ phải thu hồi ngay để bảo dưỡng, nhập lại kho dự trữ quốc gia và bảo quản theo quy định hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý.
Bộ trưởng quyết định nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo quy định trong thời hạn ba ngày kể từ ngày quyết định nhập, xuất hàng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định của mình; đồng thời gửi báo cáo đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra việc nhập, xuất cấp và sử dụng hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp quy định bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng quy định; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị xử lý kịp thời đối với trường hợp vi phạm.
– Nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia trong các trường hợp khác
Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia quyết định nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia khi thanh lý, xử lý hao hụt, dôi thừa hoặc thiệt hại trong quá trình nhập, xuất, bảo quản, vận chuyển hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; sau khi thực hiện phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
– Điều chuyển nội bộ hàng dự trữ quốc gia
Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định việc điều chuyển nội bộ hàng dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý trong các trường hợp sau đây:
+ Điều chuyển hàng dự trữ quốc gia theo quy hoạch, kế hoạch để bảo đảm an toàn, phù hợp các điều kiện về kho hàng, bảo quản hàng dự trữ quốc gia;
+ Điều chuyển hàng dự trữ quốc gia ra khỏi vùng bị thiên tai, hỏa hoạn hoặc không an toàn;
+ Điều chuyển hàng dự trữ quốc gia đến nơi cần thiết để sẵn sàng phục vụ cho các nhiệm vụ phát sinh;
Do yêu cầu cần thiết của công tác kiểm kê, bàn giao, thanh tra, điều tra.
– Quản lý giá mua, giá bán hàng dự trữ quốc gia
Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá giới hạn tối đa khi mua hàng dự trữ quốc gia, giá giới hạn tối thiểu khi bán hàng dự trữ quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định giá mua, giá bán hàng dự trữ quốc gia về quốc phòng, an ninh sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Căn cứ vào giá giới hạn tối đa, giá giới hạn tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định, Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia quy định mức giá cụ thể theo từng thời điểm và từng địa bàn khi mua, bán hàng dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Giá mua, giá bán hàng dự trữ quốc gia theo phương thức đấu thầu, đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá.
– Phương thức mua, bán hàng dự trữ quốc gia
Khi mua, bán hàng dự trữ quốc gia, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ thực tế, bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia thực hiện theo một trong các phương thức sau đây:
+ Chỉ định thầu được áp dụng trong trường hợp: mua hàng dự trữ quốc gia để phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cơ yếu; mua xăng dầu; mua hàng dự trữ quốc gia để phục vụ cho việc bình ổn thị trường sau khi đã xuất cấp các loại hàng dự trữ quốc gia để đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các loại hàng dự trữ quốc gia có tính đặc thù, thời vụ, có yêu cầu kỹ thuật bảo quản đặc biệt là lương thực, muối, giống cây trồng, thuốc y tế, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật;
+ Mua, bán trực tiếp được áp dụng trong trường hợp: bổ sung hợp đồng đã thực hiện xong dưới một năm hoặc hợp đồng đang thực hiện mà trước đó đã được tiến hành đấu thầu, đấu giá với mức giá được xác định trong hợp đồng; mua trực tiếp của người sản xuất, bán trực tiếp cho người tiêu dùng đối với hàng dự trữ quốc gia là lương thực (trừ mua gạo), muối, giống cây trồng, thuốc y tế, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong điều kiện giá cả thị trường ổn định, không có biến động lớn về cung, cầu;
+ Đấu thầu được áp dụng khi mua hàng dự trữ quốc gia là vật tư, máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu; mua gạo dự trữ.
+ Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với các trường hợp mua hàng dự trữ quốc gia có giá trị dưới hai tỷ đồng;
+ Đấu giá được áp dụng đối với trường hợp bán các loại vật tư, máy móc, thiết bị, phương tiện dự trữ quốc gia được phép bán thanh lý hoặc xuất luân phiên đổi hàng.
Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia quyết định phương thức mua, bán hàng dự trữ quốc gia phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trong quá trình thực hiện phương thức mua, bán đã quyết định mà không đạt kết quả, thì Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia phải đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho áp dụng phương thức mua, bán khác.
b) Kho dự trữ quốc gia
– Quy hoạch hệ thống kho dự trữ quốc gia
Hệ thống kho dự trữ quốc gia phải được quy hoạch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phòng tránh thiên tai, hỏa hoạn.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia phê duyệt quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý.
– Xây dựng, bảo vệ kho dự trữ quốc gia
Kho dự trữ quốc gia phải được xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm hiện đại với công nghệ bảo quản tiên tiến, có đủ trang bị, thiết bị, phương tiện cần thiết cho việc thực hiện quy trình nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia, phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, hư hỏng, mất mát và các nguyên nhân khác gây thiệt hại đến tài sản dự trữ quốc gia. Khu vực kho dự trữ quốc gia phải được tổ chức bảo vệ chặt chẽ, an toàn, bí mật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tiêu chuẩn kho dự trữ quốc gia và ban hành Quy chế bảo vệ kho dự trữ quốc gia sau khi thống nhất ý kiến với Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn kho dự trữ quốc gia và ban hành Quy chế bảo vệ kho dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý.
c) Bảo quản hàng dự trữ quốc gia
– Nguyên tắc bảo quản hàng dự trữ quốc gia
Hàng dự trữ quốc gia phải được bảo quản đúng địa điểm quy định, đúng quy trình, quy phạm, hợp đồng thuê bảo quản theo đặt hàng của Nhà nước, bảo đảm an toàn về số lượng, chất lượng trong quá trình dự trữ.
Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia chủ động nhập, xuất đổi hàng dự trữ quốc gia khi đến thời hạn luân phiên đổi hàng theo kế hoạch; đối với hàng nhập khẩu phải bảo đảm có đủ nguồn hàng mới theo đúng tiêu chuẩn chất lượng để nhập kho dự trữ; đối với hàng sản xuất trong nước phải bảo đảm số lượng hàng dự trữ có trong kho thường xuyên không được thấp hơn 50% mức dự trữ tồn kho cuối kỳ và phải nhập đủ hàng mới trong thời gian sáu tháng.
– Trách nhiệm bảo vệ, bảo quản hàng dự trữ quốc gia
Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước về dự trữ quốc gia.
Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện, kiểm tra việc bảo vệ, bảo quản hàng dự trữ quốc gia; kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm thực hiện việc bảo vệ, bảo quản an toàn về số lượng, chất lượng hàng dự trữ quốc gia.
– Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế – kỹ thuật, quy trình, quy phạm và thời hạn bảo quản hàng dự trữ quốc gia
Bộ Tài chính và các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành theo thẩm quyền tiêu chuẩn chất lượng hàng nhập kho dự trữ quốc gia.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật, quy trình, quy phạm và thời hạn bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến vào việc bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
d) Quản lý dự trữ quốc gia bằng tiền
– Sử dụng dự trữ quốc gia bằng tiền
Dự trữ quốc gia bằng tiền chỉ được sử dụng để mua hàng dự trữ quốc gia.
– Quản lý dự trữ quốc gia bằng tiền
Bộ Tài chính quản lý tập trung dự trữ quốc gia bằng tiền tại Kho bạc Nhà nước. Tiền lãi được nhập vào tiền gốc để bảo toàn và phát triển quỹ dự trữ quốc gia.
Căn cứ vào tỷ lệ giữa dự trữ quốc gia bằng hàng và dự trữ quốc gia bằng tiền do Thủ tướng Chính phủ quy định, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xuất dự trữ quốc gia bằng tiền để mua hàng dự trữ quốc gia, chịu trách nhiệm về quyết định của mình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm thực hiện kịp thời yêu cầu chuyển đổi dự trữ quốc gia bằng tiền đồng Việt Nam sang ngoại tệ phục vụ cho việc nhập khẩu hàng dự trữ quốc gia.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật sự trữ quốc gia năm 2012;
– Pháp lệnh dự trữ quốc gia năm 2004;