Với sự phát triển ngày càng cao và hiện đại của công nghệ, truyền thông, chúng ta đã không quá khó khi có cơ hội được tìm hiểu về những vị Tổng thống, đặc biệt là Tổng thống của nước Mỹ sau cuộc bầu cử vừa qua.
Mục lục bài viết
1. Chế độ tổng thống là gì?
Chế độ tổng thống là hình thức chính thể tổ chức chính quyền, trong đó không chỉ nghị viện với tính cách là cơ quan đại biểu, cơ quan lập pháp cao nhất mà cả Tổng thống với tính cách là người đứng đầu nhà nước đều do cử tri bầu ra, đối với tổng thống có thể do cử tri trực tiếp bầu ra như ở Pháp, liên bang Nga hoặc cử tri bầu ra đại cử tri và đại cử tri bầu tổng thống mà điển hình là Mỹ và một số nước Mỹ – Latinh.
Chế độ tổng thống tiếng Anh là Presidential regime
Những thuật ngữ pháp lý liên quan dịch sang tiếng Anh:
Chế độ tổng thống | Presidential regime |
Chính trị | Politic |
Bầu cử | Voting |
Bỏ phiếu | Vote |
Nhiệm kỳ | Term |
2. Các thành tố chính trị của chế độ tổng thống:
Khi nghĩ về các chế độ tổng thống, Hoa Kỳ hay Nam Mỹ thường hiện lên trong trí óc chúng ta vì họ là quê hương của phần lớn các chế độ tổng thống hiện đang vận hành. Nhưng chính xác thì điều gì nằm trong một nhà nước tổng thống? Về cơ bản, các chế độ tổng thống là những chế độ mà có một chính trị gia được bầu duy nhất làm đại diện cho cả nước và nhiệm kỳ của người đó không phụ thuộc vào sự ủng hộ của nhánh lập pháp.
Cũng có những nhà nước như Đức, Hungary và Ấn Độ có tổng thống nhưng lãnh đạo của họ là những bên tham gia tương đối nhỏ trong hoạch định chính sách. Ở đây, sự tồn tại của một tổng thống không nhất thiết có nghĩa đó là một nhà nước tổng thống; thật ra, các chế độ Đức, Hungary và Ấn Độ thường không được coi là chế độ tổng thống thực thụ. Như vậy, rõ ràng là có những biến thể chủ yếu trong chế độ tổng thống vì không phải tất cả tổng thống đều sở hữu những quyền lực vừa đề cập.
Trên thực tế, tổng thống có thể nắm trong tay bất cứ hỗn hợp nào của những công cụ sau: quyền bổ nhiệm, kiểm soát cuộc họp nội các, quyền phủ quyết, quyền phủ quyết những vấn đề thuộc ngành dọc, quyền [trong trường hợp-ND] khẩn cấp, kiểm soát chính sách đối ngoại, quyền đối với việc thành lập chính phủ, và quyền giải tán cơ quan hành pháp. Ngoài danh sách các quyền lực trên của tổng thống, còn có một cách khác để thảo luận hoặc phân loại những hệ thống đó. Nói như vậy nhưng có lẽ sẽ có ích hơn khi tập trung vào bốn đặc điểm chính của các chế độ tổng thống để có thể sử dụng nhằm phân biệt các loại chính quyền hành pháp.
- Shugart và Carey (1992) lưu ý rằng tổng thống được bầu trực tiếp thông qua một kiểu bỏ phiếu toàn quốc. Việc họ lên nắm chính quyền không phụ thuộc vào sự ủng hộ của nghị viện mà họ được cả nước bầu lên. Tất nhiên, cả điều này cũng xảy ra thông qua các cơ chế khác nhau. Một số quốc gia dùng hệ thống bầu cử đa số phiếu đơn giản (simple majority), trong đó người thắng chỉ cần đạt được số phiếu phổ thông nhiều nhất so với các ứng viên khác. Trong khi đó, những nước như Pháp lại dùng mô hình được điều chỉnh đôi chút, tức là người thắng phải giành được hơn 50% số phiếu trên toàn quốc. Trong các cuộc bầu cử mà không ai rõ ràng chiếm đa số phiếu (tức không ai chiếm quá 50% tổng số phiếu – NBT) thì hai ứng viên đạt nhiều phiếu nhất sẽ đối đầu với nhau trong một lần bỏ phiếu lại thứ hai. Một cách tiếp cận khác là sử dụng cơ chế gián tiếp để bầu cử tổng thống mà ví dụ tốt nhất là những thể loại đại cử tri đoàn (electoral college). Mặc dù không phải là nước duy nhất dùng công cụ này nhưng Hoa Kỳ có lẽ là nước nổi tiếng nhất khi dùng cơ chế phức tạp này. Trong trường hợp Hoa Kỳ, cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều chọn một danh sách cử tri tạm thời cho mỗi bang tương đương với số lượng hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ của bang đó. Ứng cử viên tổng thống nào thắng đa số phiếu phổ thông của một bang sẽ nhận được số phiếu ủng hộ của đại cử tri đoàn của bang đó. Sau đó người ta đếm các lá phiếu đại cử tri của mỗi ứng cử viên, và ứng cử viên nào chiếm đa số phiếu đại cử tri (ví dụ 270) thì được tuyên bố là người chiến thắng.
- Tổng thống phục vụ các nhiệm kỳ cố định mà không phụ thuộc vào sự ủng hộ hay tín nhiệm của cơ quan lập pháp. Trong hầu hết các trường hợp, tổng thống phục vụ nhiệm kỳ 4 hoặc 5 năm, và vào cuối nhiệm kỳ, tổng thống phải từ nhiệm hoặc ra ứng cử lại.
- Tổng thống duy trì quyền hình thành nội các của chính họ là thành tố thứ tư của cơ cấu tổng thống. Có quyền bổ nhiệm các thành viên nội các là một công cụ quan trọng trong tay tổng thống, và người ta hy vọng điều này có thể giúp tổng thống theo đuổi và hoàn thành các lời hứa trong chiến dịch vận động tranh cử của mình. Nếu không có quyền này, tổng thống có thể phải dùng tới phương án thương lượng chính trị với các đối thủ để bố trí các vị trí.
- Thành tố chính cuối cùng trong các chế độ tổng thống liên quan tới quyền lập pháp của cơ quan hành pháp. Ở một số quốc gia, tổng thống hầu như không có quyền làm luật. Ví dụ, tổng thống Hoa Kỳ có một số công cụ để lách qua thẩm quyền làm chính sách (hay làm luật) của Quốc hội. Ông ta có thể ban hành các nghị định hành pháp và hiệp ước hành pháp mà có thể, nhưng không phải lúc nào, cũng có trọng lượng tương tự như các đạo luật của Quốc hội.
3. Những điểm hấp dẫn và hàm ý của chế độ tổng thống:
- Trước khi nói đến những nguy hiểm tiềm ẩn của cách quản trị theo hệ thống tổng thống, cần phải xác định những nhân tố tích cực của hệ thống đó. Ở góc độ này, những ai nghiên cứu các thể loại chế độ đều nhấn mạnh ba khía cạnh cơ bản của các nhà nước tổng thống giúp chúng ta hiểu được sức hấp dẫn của nó với các chính trị gia trên toàn thế giới. Ba sức hút này gồm tính hiệu quả trong kết quả chính trị và quản trị, tính đại diện cho toàn bộ dân chúng, và đặc điểm kiểm soát và cân bằng đặc thù (hay kiềm chế và đối trọng) trong các chính phủ đó.
- Như đã nói ở trước, tính hiệu quả là khía cạnh hấp dẫn của hầu hết các hệ thống tổng thống bởi vì thông tin được chuyển tới các cử tri. Đặc biệt, tính hiệu quả có nghĩa là các cử tri biết trước khi đi bỏ phiếu là chính phủ mới sẽ trông như thế nào. Điều đấy không có nghĩa là kết quả được sắp xếp trước mà chủ yếu là biết được các kịch bản có khả năng xảy ra nhiều nhất. Tính hiệu quả này cho phép cử tri có vô vàn thông tin khi họ quyết định ủng hộ ứng cử viên nào. Họ cũng biết rằng, nếu được bầu, ứng cử viên của họ phải theo đuổi những chính sách mà nhóm cử tri của ông ta hay bà ta ủng hộ mà không gặp nhiều trở ngại hay hạn chế. Các hệ thống đại nghị lại khác hẳn. Trong một số trường hợp, kịch bản đã mô tả ở trên có thể, và thật sự, xảy ra trong chế độ đại nghị. Nhưng phổ biến hơn là việc hình thành chính phủ liên minh. Trong trường hợp đó, hai hoặc nhiều đảng hơn hợp lại thành một liên minh. Do đó, đòi hỏi và kỳ vọng của mỗi đảng được nhào nặn trong quá trình thực hiện việc hình thành liên minh. Bởi vậy, nếu một cử tri ủng hộ một đảng bảo thủ, thì các chính sách được ưa thích của cử tri ấy có thể không thành hiện thực vì các đảng phải thỏa hiệp các vị trí của họ với nhau để có thể tham gia liên minh cầm quyền. Hơn nữa, một quan chức được bầu lên duy nhất (ví dụ: tổng thống) có thể khiến các cử tri dễ quy trách nhiệm hơn cho các quan chức chính phủ. Đôi khi, các tổng thống có thể bị đổ tội nếu phát sinh các vấn đề kinh tế, nhưng thường thì dễ trừng phạt một quan chức hơn là cả bộ máy lập pháp nếu để xảy ra những chính sách kinh tế mờ nhạt. Vì vậy, tính hiệu quả rõ thấy hơn ở hệ thống tổng thống so với hệ thống đại nghị.
- Đóng góp tích cực thứ hai của các chế độ tổng thống là tính đại diện của một quan chức được bầu. Trong hệ thống đại nghị, với nhiều đảng chính trị, thông thường mỗi đảng chỉ đại diện cho những ai ủng hộ họ. Với những cử tri bảo thủ, điều đó có nghĩa là nhu cầu của họ sẽ bị ngó lơ nếu người chiến thắng đa số là một đảng tự do đang muốn đại diện (hoặc trao thưởng) cho những ai ủng hộ họ. Khả năng đó còn trở nên phức tạp hơn nhiều nếu chúng ta xem xét một quốc gia có vài đảng chính trị. Tuy nhiên, những người ủng hộ chính phủ tổng thống cho rằng kịch bản này ít có khả năng xảy ra hơn trong một quốc gia theo chế độ tổng thống. Họ cho rằng các tổng thống đại diện cho cả nước và do đó chịu trách nhiệm với toàn thể cử tri chứ không phải chỉ có một nhóm dân số. Năm 2000, khi George W. Bush được tuyên bố là tổng thống Hoa Kỳ, và bất chấp chiến thắng sát sao của mình, ông đã nói rằng ông sẽ đại diện cho toàn thể đất nước chứ không chỉ cho những người ủng hộ mình. Và 8 năm sau, Barack Obama đưa ra lời cam kết tương tự khi đắc cử tổng thống. Theo đó, ít nhất về lý thuyết thì một quan chức duy nhất được bầu có thể có vị trí tốt hơn nhằm đại diện cả nước so với khả năng có thể xảy ra ở các chính phủ đại nghị. Liệu điều này có xảy ra hay không đương nhiên là còn phải bàn luận.
- Các hệ thống tổng thống cũng có thể được ưa thích hơn so với các chế độ nghị viện vì một hệ thống tổng thống cân bằng sự đại diện với một nhánh khác của chính phủ. Sắp xếp này tạo ra nhiều cách khác nhau để công dân ảnh hưởng lên chính phủ của họ. Nếu việc vận động hành lang tổng thống tỏ ra không hiệu quả thì một công dân có quan ngại có thể chuyển hướng chú ý của anh ta hay cô ta tới cơ quan lập pháp. Do đó, những quốc gia có tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu có thể cân bằng hoặc phân phối quyền lực qua các nhánh khác nhau của chính phủ. Sự phân chia về thể chế này cũng có thể ngăn cản một nhánh trở nên quá mạnh mà vì thế có thể chà đạp lên các lợi ý thiểu số khác. Bởi vậy, người dân thuộc mọi nền tảng ý thức hệ khác nhau đều có thể có ít nhiều tiếng nói trong hoạch định chính sách chừng nào vẫn còn nhiều chủ thể hoặc thể chế chính trị có quyền lực theo cách nào đó. Bởi vì các đơn vị bầu cử được đại diện bởi ít nhất hai thể chế khác nhau (ví dụ trong trường hợp này là hành pháp và lập pháp) nên các hệ thống tổng thống có thể thúc đẩy ổn định dân chủ bằng cách cho cử tri nhiều cơ hội hơn để ảnh hưởng lên quá trình hoạch định chính sách.