Đối với hoạt động kinh doanh, việc sử dụng và quản lý vốn kinh doanh một cách hiệu quả là chìa khóa của sự vận hành tốt và định hướng phát triển lâu dài. Cùng tìm hiểu về vốn kinh doanh là gì? Đặc điểm, phân loại và vai trò của vốn kinh doanh?
Mục lục bài viết
1. Vốn kinh doanh là gì?
Vốn kinh doanh được xem là yếu tố tiên quyết và quan trọng trong quá trình vận hành sản xuất kinh doanh. Một phần của vốn kinh doanh được trích ra để chi trả cho những yếu tố đầu vào như nhân công, nguyên vật liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Một doanh nghiệp muốn vận hành được doanh nghiệp của mình thì trước tiên phải có được một số vốn nhất định. Số vốn này biểu thị cho số tài sản mà doanh nghiệp hiện có.
C.Mác cho rằng vốn là yếu tố đầu vào mang ý nghĩa thực tiễn và giá trị rất cao. Tuy nhiên, Paul Anthony Samuelson lại cho rằng vốn là một loại hàng hóa, nó được sản xuất để làm tiền đề cho những hoạt động sản xuất khác, và là yếu tố đầu vào cho một hoạt động sản xuất được vận hành
Vốn kinh doanh luôn luôn vận động, nó có thể tồn tại dưới các dạng như tiền hoặc tài sản như các máy móc, thiết bị,… Và sau cùng thì nó lại trở về dưới dạng tiền tệ. Vốn có thể sẽ tăng lên hoặc giảm xuống tùy thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Vậy nên, vốn kinh doanh được thể hiện dưới dạng tiền tệ bao gồm cả số tài sản được sử dụng để phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh với mục đích là thu lợi nhuận.
Vốn kinh doanh được thể hiện
cụ thể thông qua các đặc điểm cơ bản như:
– Phục vụ hoạt động san xuất, kinh doanh mang mục đích tích lũy, sinh lời;
– Vốn kinh doanh cần được hình thành trước quá trình hình thành và hoạt động của doanh nghiệp;
– Vốn kinh doanh được ứng ra trước và sau mỗi chu kỳ hoạt động phải được thu về để ứng tiếp cho kỳ hoạt động sau.
Vốn kinh doanh trong tiếng Anh là Business capital
2. Đặc điểm, phân loại và vai trò của vốn kinh doanh:
2.1. Đặc điểm của vốn kinh doanh:
- Là nguồn lực ban đầu, thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh, tạo ra của cải vật chất mới, mang lại doanh thu, lợi nhuận cho cá nhân, doanh nghiệp.
- Vốn kinh doanh là cái đầu tiên, tất yếu, có trước hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Vốn kinh doanh được quay vòng theo chu kỳ, kết thúc chu kỳ hoạt động vốn kinh doanh phải được thu về để đảm bảo cho chu kỳ hoạt động tiếp theo.
- Kết thúc chu kỳ, vốn kinh doanh không được thu hồi đồng nghĩa với doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
2.2. Phân loại vốn kinh doanh:
Phân loại vốn theo nguồn hình thành
- Vốn chủ sở hữu: Vốn này được hình thành từ vốn của chủ sở hữu, vốn góp của các nhà đầu tư, vốn phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh
- Vốn góp: Khi một doanh nghiệp được thành lập, luôn có một khoản vốn góp lúc ban đầu do các chủ sở hữu góp vốn
- Lợi nhuận không chia: Trong suốt quá trình vận hành, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có được nguồn vốn nếu như kinh doanh có hiệu quả và nguồn vốn được tích góp từ lợi nhuận không phải chia sẻ được đem đi tái đầu tư.
- Phát hành thêm cổ phiếu: các doanh nghiệp có thể tăng số lượng vốn của mình bằng cách phát hành các cổ phiếu nhằm huy động vốn cho doanh nghiệp
- Vay vốn: Doanh nghiệp có thể đi vay vốn ngắn hạn hoặc dài hạn để tiếp tục vận hành
Phân loại theo đặc điểm chu chuyển của nguồn vốn
- Vốn cố định: Là phần vốn được hình thành trước để có thể mua những tài sản cố định cho một doanh nghiệp. Tài sản cố định là phần tài sản được dùng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Quy mô của nguồn vốn cố định sẽ ảnh hưởng đến quy mô của các tài sản cố định, còn tài sản cố định thì lại mang tính quyết định sự chu chuyển của vốn
- Vốn lưu động: là phần vốn để vận hành những tài sản lưu động giúp cho doanh nghiệp được hoạt động bình thường. Tài sản lưu động được xem là những loại tài sản ngắn hạn, tiền mặt là loại cần phải tối thiểu hóa bởi vì chúng không sinh lời. Các khoản phải thu và hàng tồn kho cũng được xem là một phần của vốn lưu động.
2.3. Vai trò vốn kinh doanh:
- Trước tiên, vốn được xem là điều kiện tiên quyết để cho một doanh nghiệp có thể được thành lập và vận hành. Vốn cũng là một trong những điều kiện để có thể phân chia loại hình doanh nghiệp nhỏ, vừa hay lớn.
- Vốn đóng một vai trò rất trong trọng trong sự duy trì và phát triển đối với một doanh nghiệp. Để có thể vận hành tốt một hoạt động sản xuất kinh doanh thì trước tiên doanh nghiệp cần phải có nguồn lao động, nguyên liệu đầu vào, các thiết bị, máy móc. Và điều này bắt buộc doanh nghiệp phải có vốn thì mới có thể mua và sử dụng các yếu tố đầu vào này được. Nếu một doanh nghiệp không có vốn thì điều hiển nhiên là không thể thành lập và duy trì các hoạt động sản xuất được. Vậy nên, vốn được xem là điều kiện tiên quyết cho các hoạt động kinh doanh được vận hành.
- Một vai trò quan trọng nữa của vốn kinh doanh đó chính là sự thay đổi về cơ sở vật chất, vốn là điều kiện cần để cho các nhà quản trị đưa ra những chiến lược hợp lý cho doanh nghiệp được phát triển, từ đó, đưa ra các quyết định như tân tiến máy móc, thiết bị, mở rộng sản xuất kinh doanh để cạnh tranh với những doanh nghiệp khác.
- Cuối cùng, vốn mang tính chất quyết định cho sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Việc quản lý vốn và sử dụng vốn đóng vai trò rất quan trọng cho tương lai của doanh nghiệp đó.
3. Cách nâng cao vốn trong kinh doanh hiệu quả:
Hoạt động của doanh nghiệp là hoạt động kinh tế nhằm mang lại lợi nhuận thông qua sản xuất kinh doanh, thành bại của một doanh nghiệp phu thuộc vào nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là ba yếu tố khả năng cung ứng tích luỹ, đổi mới sử dụng vốn , trình độ quản lý và thị trường. Kinh doanh hiện đại ngày nay là sự tập hợp cả ba thế lực: Nhà kinh doanh, bạn hàng- khách hàng và các nhà khoa học gồm cả nhà làm luật về kinh doanh.
Một giáo sư trường Đại Học Ha Vớt cho rằng doanh nghiệp vừa là người bán vừa là người mua. Khi mua họ bị giới hạn bởi nguồn lực tài chính. Ngồn lực tài chính bao giờ cũng có giới hạn, do vậy vấn đề cốt tử là làm sao sử dụng nguồn lực hiệu quả chứ không phải đòi thêm nguồn lực. Khi bán ra họ bị giới hạn bởi nhu cầu sức mua, thị hiếu…
Do vậy hàng họ không bán được, khó bán, khó có khả năng tái tạo nguồn lực tài chính ban đầu. Do vậy hoạt động của doanh nghiệp là hoạt động tạo ra và tái tạo lại nguồn lực tài chính là hoạt động quan trọng nhất, đó là nguyên tắc.
Hiệu quả sử dụng vốn sản xuất kinh doanh là một trong những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận,đến quyền lợi đến mục đích cao nhất của doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng có nghĩa là nâng cao lợi nhuận, chẳng có một lý do nào để doanh nghiệp có thể từ chối việc làm đó.
Như vậy ta có thể nhận thấy nâng cao hiệu quả sử dụng vốn sản xuất kinh doanh là một việc làm thiết yếu của bất kỳ một doanh nghiệp nào, người ta không thể từ chối thu một khoản lợi nhuận hay doanh thu nhiều hơn trên một đồng vốn bỏ ra mà ngược lại họ muốn thu ngày càng nhiều từ việc bỏ ra một cùng một lượng vốn ban đầu của mình hay với cùng một lượng tiền thu về từ hoạt động sản xuất kinh doanh như năm trước nhưng năm nay doanh nghiệp phải bỏ ra cho nó một lượng chi phí ít hơn. Có thể tổng quát một số lý do cơ bản, cụ thể làm nên sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất: Do sự tác động của cơ chế mới, cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Kinh tế thị trường theo đuổi một mục đích lớn và cốt yếu là lợi nhuận và lợi nhuận ngày càng cao. Tiền đề của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp là vốn, đồng vốn sản xuất kinh doanh phải có khả năng sinh lời mới là vấn đề cốt lõi liên quan trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp bởi thiếu vốn thì mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị “chết”, bị ngưng trệ bởi bây giờ không còn có sự cứu trợ của Ngân sách Nhà nước.
Thứ hai: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn sản xuất kinh doanh có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Giờ đây người định đoạt số phận của doanh nghiệp chính là thị trường mà không phải là ai khác, song nhà nước cũng có vai trò nhất định của nó. Nếu sử dụng đồng vốn hiệu quả thì việc đáp ứng nhu cầu thị trường là điều không khó khăn đối với doanh nghiệp nữa.
Thứ ba: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng là một nội dung cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt hiện nay thì điều này càng được khẳng định chắc chắn hơn. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển được thì điều kiện tiên quyết không thể thiếu được là doanh nghiệp phải xem xét vấn đề chất lượng sản phẩm, mẫu mã sản phẩm và phải quan tâm đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, vấn đề này quyết định lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ tư: Tình hình chung trong các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước ta thì hiệu qủa sử dụng vốn sản xuất kinh doanh còn chưa cao. Thậm chí ngày càng giảm. Năm 1995, một đồng vốn của nhà nước tạo ra được 3.46 đồng doanh thu và 0.19 đồng lợi nhuận , đến năm 2000, các tỉ lệ tương ứng chỉ là 2.9 và 0.14. số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ là 17%, số doanh nghiệp làm ăn thực sự có hiệu quả chỉ chiếm khoảng 21% tổng số doanh nghiệp.
Do đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn sản xuất kinh doanh là một yêu cầu chung đối với các doanh nghiệp không riêng trong giai đoạn hiện nay. Việc sử dụng vốn có hiệu quả trở thành một yêu cầu khách quan của cơ chế hạch toán đó là: kinh doanh tiết kiệm, có hiệu quả trên cơ sở tự chủ về mặt tài chính.
Tóm lại, việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn là một tất yếu trong cơ chế thị trường cạnh tranh gay gắt. Nó góp phần nâng cao khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mở rộng quy mô hoạt động sản xuất, tăng nhanh tốc độ hoạt động của doanh nghiệp nhằm đem lại cho doanh nghiệp lợi nhuận và lợi nhuận ngày càng cao, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội.
Như vậy, vốn kinh doanh là lượng tiền tệ đầu tư để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Nó được hiểu là số tiền ứng trước về toàn bộ tài sản hữu hình và vô hình. Vốn kinh doanh có ý nghĩa quyết định trong hoạt động của doanh nghiệp.