Giải pháp nhằm đảm bảo hoạt động bán hàng đa cấp theo đúng quy định của pháp luật? Các giải pháp về cơ sở pháp lý, về phía nhà quản lý, về phía doanh nghiệp và về phía tổ chức xã hội?
Hoạt động bán hàng đa cấp đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới từ rất lâu. Hoạt động kinh doanh đa cấp thực chất là phương thức quản lý mới giúp các công ty đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển mặt hàng mới và tạo ra sản phẩm độc đáo, chất lượng tốt, đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Đồng thời, hoạt động này hạn chế được hiện tượng hàng giả, hàng nhái vì sản phẩm được phân phối đi trực tiếp từ nhà máy đến tận tay người tiêu dùng.
Vấn đề là ở bất cứ quốc gia nào, để hoạt động kinh doanh đa cấp thực sự lành mạnh thì công tác quản lý nhà nước lẫn ý thức cộng đồng về lĩnh vực này cần được nâng lên đúng mức. Chúng ta cần nhìn nhận đúng vai trò của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lành mạnh, bên cạnh đó cần kịp thời lên án và xử lý nghiêm khắc với các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính nhất, lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp để lừa gạt người tiêu dùng.
Liên quan tới cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, cần có các quy định pháp luật cụ thể hơn để điều chỉnh các hành vi của DN và những người tham gia mạng lưới về các nội dung sau: Thứ nhất, quy định rõ các điều kiện cần thiết để tiến hành hoạt động bán hàng đa cấp; thứ hai, quy định các hành vi bị cấm đối với doanh nghiệp và những người tham gia mạng lưới nhằm thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho người tiêu dùng (chủ thể thực hiện hành vi, tính chất và mức độ gây thiệt hại của hành vi); thứ ba, quy định cụ thể về cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động bán hàng đa cấp: trong đó có các ràng buộc về mức giá, cơ chế kiểm soát giá, nghĩa vụ thuế, hạch toán kế toán,…; thứ tư, quy định cụ thể về các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Về phía các nhà quản lý, trước hết, cần chú trọng tăng cường công tác đào tạo cán bộ quản lý trong lĩnh vực cạnh tranh không lành mạnh. Xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung và hành vi bán hàng đa cấp bất chính nói riêng là những vấn đề pháp lý còn mới mẻ ở Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Công thương cần có biện pháp thích hợp để đào tạo cán bộ, nhất là các cán bộ hoạt động thực tiễn trong vấn đề này (điều tra viên).
Về phía các
Về phía các doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải tự tôn trọng mình bằng việc thực thi theo đúng khuôn khổ pháp luật và bảo đảm quyền lợi khách hàng. Các doanh nghiệp nên có các chương trình đào tạo, huấn luyện về kiến thức pháp luật, đạo đức hành nghề, văn hóa doanh nghiệp và những chế tài xử phạt nghiêm minh khi vi phạm hoặc đôn đốc kiểm tra để tránh tình trạng một số nhà phân phối vì chạy theo lợi nhuận mà nói sai sự thật về công dụng sản phẩm, nói sai về chính sách hoa hồng… dẫn tới lừa dối người tiêu dùng và ngay cả các nhà phân phối tuyến dưới của mình gây nên những bất bình trong xã hội, làm ảnh hưởng tới hình ảnh bán hàng đa cấp.
Về phía các tổ chức xã hội, sự ra đời của Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam sẽ đánh dấu được bước phát triển vượt bậc của hoạt động này trong thời gian tới. Hiệp hội sẽ là tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp của Việt Nam hoạt động một cách tích cực, hiệu quả, hỗ trợ nâng cao năng lực và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên, để từng bước hình thành một hệ thống các doanh nghiệp với quy mô lớn và mang tính chuyên nghiệp cao. Hiệp hội sẽ giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp đoàn kết, hợp tác, nâng cao đạo đức kinh doanh, nắm bắt kịp thời những chủ trương chính sách của Nhà nước, từ đó kinh doanh đúng pháp luật, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thêm vào đó, Hiệp hội là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc thu thập và tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của hội viên phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, Hiệp hội cũng sẽ là tổ chức hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho các hội viên, cho người tham gia bán hàng đa cấp và cho cộng đồng xã hội. Vì vậy, cần có sự đánh giá đúng đắn về vai trò của Hiệp hội đối với việc lành mạnh hóa hoạt động bán hàng đa cấp, ngăn chặn những hành vi bán hàng đa cấp bất chính, thêm vào đó là tăng cường, thiết chặt sự hợp tác giữa Cục Quản lý cạnh tranh, các Sở Công Thương và Hiệp hội để tạo điều kiện cho hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam ngày càng phát triển bền vững và tuân thủ theo các quy định của pháp luật.