Mục lục bài viết
1. Hoa mắt chóng mặt là bệnh gì?
Chóng mặt (Vertigo) là tình trạng mất thăng bằng khiến bản thân có cảm giác đang bị xoay vòng vòng, hoặc thế giới xung quanh bạn đang quay cuồng, khiến bạn có nguy cơ té ngã. Chóng mặt không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe của cơ thể. Người hay bị chóng mặt có thể mắc các bệnh như: sỏi lạc chỗ trong tai, nhiễm trùng tai trong, viêm dây thần kinh tiền đình, ứ dịch mê nhĩ…Hiện nay, đã có thống kê chóng mặt chiếm từ 5-6% lượt khám bác sĩ. Tình trạng chóng mặt có thể gặp mọi lứa tuổi, nhưng độ tuổi trung niên và người cao tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.
2. Các loại thực phẩm nên hạn chế:
Để cải thiện tình trạng chóng mặt, ngoài việc điều trị bằng thuốc hay tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng. Theo đó, chế độ ăn phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân của chóng mặt, cụ thể như việc hạn chế muối, cà phê, rượu, thuốc lá ở người bị bệnh Ménière. Bác sĩ Tuấn cho biết, người thường xuyên bị chóng mặt nên tránh các loại thực phẩm sau:
Thức ăn có đường hay muối cao: Dù đường và muối là thành phần thiết yếu trong mỗi bữa ăn, nhưng việc tiêu thụ quá mức có thể gây rối loạn cân bằng khoáng chất và làm trầm trọng thêm tình trạng chóng mặt, trong khi thức ăn có nhiều đường sẽ khiến chứng chóng mặt kéo dài.
Caffein, rượu bia: nồng độ cồn trong rượu bia và caffein trong cà phê cũng là các chất kích thích góp phần làm tăng thêm chứng buồn nôn, chóng mặt và đau đầu.
Nicotine: Nicotine từ thuốc lá không chỉ làm giấc ngủ bị rối loạn, mà còn góp phần gây ra chóng mặt, đau đầu và ảnh hưởng đến sự lưu thông máu trong cơ thể.
Thức ăn lên men: các chất hóa học tự nhiên có trong thực phẩm lên men (tyramine) có thể kích thích gây đau nửa đầu.
Thức ăn gây ra cơn migraine: Các loại thực phẩm như phô mai lâu năm, nho, rượu vang, quả sung, thực phẩm lên men, thịt chế biến sẵn (như xúc xích, thịt nguội) và các chất bảo quản như sulfites trong tôm và khoai tây chế biến cũng có thể gây kích thích cơn đau migraine.
3. Thực phẩm nên dùng:
Người bị chóng mặt do rối loạn tiền đình hoặc các nguyên nhân khác cần ăn uống các loại thực phẩm có lợi cho hệ thần kinh và hệ miễn dịch.Cụ thể là các thực phẩm giàu viatmin nhóm B (vitamin B6, B9), vitamin C và magie, uống đủ nước, nhất là các loại nước trái cây.
Các thực phẩm giàu vitamin B6: giúp tăng cường chức năng hệ thần kinh, rất phù hợp cho người mắc rối loạn tiền đình. Các món ăn hàng ngày có thể bao gồm thịt bò, thịt heo, gà, cá hồi, cá ngừ… Nghiên cứu cho thấy, vitamin B6 có khả năng giảm triệu chứng chóng mặt và buồn nôn, đặc biệt là những trường hợp chóng mặt do tác dụng phụ của một số loại thuốc. Để cung cấp đủ vitamin B6 cho cơ thể, bạn có thể bổ sung qua các thực phẩm như ngũ cốc, thịt gà, thịt heo, cá hồi, cá ngừ, bơ đậu phộng, các loại đậu, chuối, quả óc chó, cải bó xôi và bơ.
Vitamin B9: ngoài việc tham gia vào quá trình phát triển và phân chia tế bào, sản xuất hồng cầu và ngăn ngừa bệnh thiếu máu, vitamin B9 còn tham gia các hoạt động dẫn truyền thần kinh ở não. Những thực phẩm như gan động vật (bò, heo, gà), rau có lá xanh đậm, súp lơ xanh… là lựa chọn lý tưởng cho những ai thường xuyên chóng mặt.
Vitamin C: là chất chống oxy hóa mạnh, giúp chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào não, duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Y khoa Hiroshima, Nhật Bản, đã cho biết rằng việc bổ sung thực phẩm giàu vitamin C có thể hỗ trợ hiệu quả trong việc điều trị bệnh Meniere, một bệnh lý liên quan đến chóng mặt. Theo đó, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm đối với 22 bệnh nhân tình nguyện dùng 600 mg vitamin C với 300 mg glutathione (chất chống ôxy hóa mạnh nhất cơ thể, mỗi tế bào đều cần có glutathione để cơ thể khỏe mạnh) mỗi ngày, liên tục trong 8 tuần.
Kết quả cho thấy 21 trên 22 bệnh nhân đã giảm đáng kể triệu chứng chóng mặt. Vì vậy, việc bổ sung vitamin C từ thực phẩm có thể là một biện pháp hữu ích để giảm chóng mặt. Một số thực phẩm dồi dào vitamin C như trái cây họ cam quýt, sơ ri, dâu tây, ớt chuông, cà chua, bông cải xanh, khoai lang, củ cải trắng, xoài, đu đủ, dứa, bắp cải, kiwi và rau lá màu xanh đậm.
Magie: có vai trò quan trọng trong việc điều hòa hoạt động của dây thần kinh, giúp thư giãn và ổn định thần kinh. Do đó, người bị chóng mặt nên bổ sung thực phẩm giàu magie: hải sản biển và cá nước ngọt, thịt các loại, đậu đỗ, các loại hạt…
Để nâng cao hiệu quả trong việc điều trị triệu chứng và giảm nguy cơ chóng mặt, bệnh nhân nên thực hiện các điều chỉnh về lối sống và thói quen sinh hoạt một cách hợp lý. Người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, lo âu quá nhiều, không nên ngồi lâu một chỗ, vận động nhẹ nhàng, giữ tư thế ngồi phù hợp khi làm việc và ngủ đủ giấc. Thêm nữa, các bài tập như xoay vùng đầu, cổ gáy chậm rãi cũng có thể phòng ngừa triệu chứng chóng mặt.
Gừng: đã được sử dụng trong ẩm thực và y học ở châu Á suốt hơn 2.000 năm, giúp hỗ trợ tiêu hóa, điều trị các vấn đề về dạ dày như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy và buồn nôn. Các nhà khoa học thuộc trường đại học Y tế trung tâm Maryland (Mỹ) cho biết, gừng cũng có thể trị viêm khớp, đau bụng, bệnh tim và chóng mặt rất hữu hiệu. Không chỉ vậy, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sinh lý học (Mỹ) vào tháng 3/2003 cho biết, các nhà khoa học thuộc trường đại học Quốc gia Yang-Ming (Đài Loan) cũng chỉ ra rằng gừng có thể cải thiện tình trạng chóng mặt và say xe. Chỉ cần sử dụng từ 1 đến 2 gram gừng đã có thể giảm đáng kể các triệu chứng buồn nôn và say tàu xe.