Hiện nay có rất nhiều phương thức để xét tuyển vào đại học. Trong đó, hai phương thức được mọi người lựa chọn nhiều nhất chính là căn cứ vào điểm thi tổ hợp các môn của thí sinh và xét tuyển trước bằng cách nộp học bạ trung học phổ thông. Hãy cùng đọc bài viết này để tìm hiểu xem liệu thi đại học có thể vừa xét học bạ vừa xét tuyển nguyện vọng 1 được không?
Mục lục bài viết
1. Thí sinh có thể vừa xét học bạ vừa xét tuyển nguyện vọng 1 được không?
Các sĩ tử thi đại học hoàn toàn có thể vừa xét tuyển học bạ vừa xét tuyển nguyện vọng 1 để chọn được ngành học và ngôi trường mình mong muốn. Các bạn có thể lựa chọn cả hai phương thức xét tuyển này bởi chúng hoàn toàn độc lập với nhau, không gây ra ảnh hưởng gì khi đăng ký cả hai cách này. Hai cách thức xét tuyển này được hiểu như sau:
-
Xét tuyển nguyện vọng 1: Đây là cách thức tuyển sinh đại học phổ biến nhất và được áp dụng ở tất cả các trường đại học ở Việt Nam. Phương thức tuyển sinh này được đánh giá và chọn lọc dựa trên điểm số của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Tất cả các bạn sinh viên nếu muốn tốt nghiệp trung học phổ thông và bước chân vào cánh cửa đại học thì đều phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Trước khi tham gia kỳ thi đại học, các bạn học sinh sẽ được lựa chọn và đăng ký các ngành, các trường mà mình yêu thích. Bên cạnh đó, khi đăng ký ngành học, các bạn cũng cần chú ý điểm trúng tuyển của các năm trước để chọn được ngành phù hợp nhất với mong muốn và khả năng của mình, tránh đăng ký quá nhiều nguyện vọng không thực tế và để lại kết quả đáng tiếc.
-
Xét tuyển học bạ: Xét tuyển học bạ THPT là phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả học tập của cả 3 năm phổ thông, xét tổng điểm 5 học kỳ hoặc học bạ lớp 12 của thí sinh. Phương thức xét tuyển này không chỉ giúp cho các bạn học sinh giảm áp lực thi cử mà còn đánh giá học lực dựa vào kết quả học tập liên tục trong suốt quá trình 12 năm học. Trong những năm gần đây, việc xét tuyển học bạ được rất nhiều trường đại học đề ra và được đông đảo học sinh lựa chọn. Với cách thức xét tuyển như vậy, thí sinh có thể được đăng ký và lựa chọn nhiều chuyên ngành, nhiều nguyện vọng theo năng lực và sở thích của bản thân. Nếu trúng tuyển nhiều ngành thì học sinh có thể được chọn ngành yêu thích nhất để theo học. Ví dụ: Hiện nay, trường Đại học Luật Hà Nội đang áp dụng 4 phương thức xét tuyển độc lập, đó là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQGHN tổ chức và xét chứng chỉ quốc tế (SAT, A-Level, ACT). Nếu các bạn học sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét học bạ THPT thì vẫn có thể đăng ký nguyện vọng 1 là một chuyên ngành của trường Đại học Luật Hà Nội.
2. Vừa xét học bạ vừa xét tuyển nguyện vọng 1 có lợi ích gì?
Thứ nhất, tăng cơ hội và tỉ lệ trúng tuyển nguyện vọng. Việc xét tuyển đại học theo hai phương thức xét tuyển độc lập giúp cho các thí sinh tăng tỉ lệ trúng tuyển nguyện vọng mà mình mong muốn. Nếu thí sinh không đạt điểm thi THPT quốc gia theo yêu cầu thì vẫn có thể trúng tuyển nếu học bạ của bạn đạt yêu cầu và ngược lại, nếu thí sinh xét tuyển học bạ không đạt thì có thể xét tuyển dựa vào kết quả thi các môn tổ hợp THPT. Việc đăng ký xét tuyển bằng cả hai phương thức xét tuyển giúp thí sinh giảm được nhiều rủi ro, tăng cơ hội trúng tuyển và tăng sự tự tin. Nếu thí sinh đã trúng tuyển học bạ thì sẽ càng an tâm và có một tinh thần tự tin, thoải mái nhất khi tham gia kì thi tốt nghiệp THPT.
Thứ hai, đa dạng ngành nghề, trường học. Thí sinh càng ứng tuyển theo nhiều phương thức thì số ngành, số trường được đặt nguyện vọng càng đa dạng. Như vậy, các bạn sẽ có nhiều cơ hội và lựa chọn hơn để có thể chọn được trường học hay ngành học mình yêu thích. Hiện nay có nhiều bạn thí sinh vẫn chưa thực sự lựa chọn được ngành nghề mình muốn theo đuổi. Vậy nên việc đăng ký nhiều nguyện vọng giúp các bạn có thể chủ động tìm hiểu hơn về ngôi trường và ngành học mình xét tuyển, giúp các bạn có thêm hiểu biết về những ngành đó và dần tìm được những ngành, những trường phù hợp với sở thích, năng lực và điều kiện của bản thân, gia đình.
3. Thứ tự công nhận trúng tuyển nguyện vọng:
Mỗi năm, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng xét tuyển cao đẳng, đại học tại Phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo Công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Hằng năm sẽ có những quy định đăng ký nguyện vọng và dự tuyển khác nhau tùy theo từng trường, từng ngành. Thí sinh có thể đăng ký không giới hạn các nguyện vọng, không giới hạn ngành và trường đại học mình mong muốn. Thông thường, các bạn học sinh sẽ xếp nguyện vọng 01 là nguyện vọng mình mong muốn nhất. Sau đó các bạn sẽ xếp dần dần các nguyện vọng tùy theo năng lực, sở thích và điều kiện của bản thân, gia đình. Sau khi trúng tuyển vào nguyện vọng 1, các nguyện vọng tiếp theo sẽ không được xét tuyển nữa. Ngược lại, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 như mong muốn thì sẽ lần lượt xét đến các nguyện vọng 2, nguyện vọng 3… theo thứ tự nguyện vọng đã đăng ký trước đó. Khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng qua phiếu đăng ký trực tiếp hoặc đăng ký trực tuyến, thí sinh sẽ chỉ được công nhận trúng tuyển với 01 nguyện vọng ở thứ tự ưu tiên cao nhất.
Ngoài vấn đề công nhận trúng tuyển khi xét theo thứ tự nguyện vọng, rất nhiều thí sinh còn đặt ra câu hỏi về thứ tự ưu tiên khi các trường xét nguyện vọng. Liệu các trường sẽ ưu tiên thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 hơn so với thí sinh đăng ký các ngành ở nguyện vọng 2,3,4… hay không? Câu trả lời là tuỳ vào điều kiện xét tuyển của từng ngành trong từng trường đại học. Có một số ngành của một số trường sẽ buộc thí sinh phải đặt ngành đó là nguyện vọng 1 thì mới có thể trúng tuyển. Dù bạn thí sinh có đủ điểm để đỗ nhưng nếu đặt ngành đó ở nguyện vọng 2 thì cũng không đủ điều kiện để trúng tuyển ngành học. Nhưng những ngành ưu tiên tuyển nguyện vọng 1 rất ít. Hiện nay đa phần các trường đại học đều xét tuyển dựa vào điểm số của các thí sinh. Không quan trọng bạn đăng ký ngành ở nguyện vọng mấy, chỉ cần đủ điểm trúng tuyển của ngành đó là bạn đã có thể bước chân vào cánh cổng trường đại học mình mong muốn. Vậy nên, các bạn thí sinh hãy cứ tự tin đăng ký những ngành mình yêu thích nhất ở những nguyện vọng đầu tiên để có cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường và ngành học mình mong muốn.
4. Hồ sơ xét tuyển học bạ bao gồm những gì?
Để xét tuyển vào đại học bằng phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh phải chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
- Đơn đăng ký xét tuyển (theo mẫu của từng trường);
- Học bạ (bản photo công chứng);
- Bằng tốt nghiệp THPT hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời (bản photo công chứng);
- Chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (bản photo công chứng);
- Giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có);
- Phong bì dán sẵn tem, ghi đầy đủ địa chỉ, số điện thoại của thí sinh (đây là phong bì được trường sử dụng để gửi giấy báo nếu thí sinh trúng tuyển);
- Ảnh 3×4 (04 ảnh);
- Lệ phí xét tuyển (tùy từng trường);
Ngoài những giấy tờ phổ biến ở trên thì một số trường sẽ có quy định khác nhau về bộ hồ sơ xét tuyển học bạ. Để có thể chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và chính xác, các bạn học sinh hãy theo dõi các trang thông tin của trường đại học mình xét tuyển.
Về hình thức nộp: Hiện nay, đa phần các trường đều có cả 2 hình thức nộp học bạ đó là nộp trực tiếp tại trường và nộp hồ sơ qua đường bưu điện. Mỗi trường đại học có thời gian xét tuyển học bạ khác nhau nên thí sinh cần theo dõi giai đoạn mà trường công bố thu hồ sơ học bạ qua các cổng thông tin chính thống của trường để có thể nộp đúng thời hạn.
THAM KHẢO THÊM: