Huyện Châu Thành là một huyện thuộc tỉnh Long An, nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Đây là một huyện có vị trí khá quan trọng trong tỉnh Long An. Xin mời các bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau với chủ đề Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Châu Thành (Long An).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Châu Thành (Long An):
2. Có bao nhiêu xã, phường thuộc huyện Châu Thành (Long An)?
Huyện Châu Thành có 13 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 1 thị trấn, 12 xã.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
1 | Thị trấn Tầm Vu (huyện lỵ) |
2 | Xã An Lục Long |
3 | Xã Bình Quới |
4 | Xã Dương Xuân Hội |
5 | Xã Hiệp Thạnh |
6 | Xã Hòa Phú |
7 | Xã Long Trì |
8 | Xã Phú Ngãi Trị |
9 | Xã Phước Tân Hưng |
10 | Xã Thanh Phú Long |
11 | Xã Thanh Vĩnh Đông |
12 | Xã Thuận Mỹ |
13 | Xã Vĩnh Công |
3. Giới thiệu chung về huyện Châu Thành (Long An):
Vị trí địa lý:
Huyện Châu Thành nằm ở vị trí cực nam của tỉnh Long An, là huyện giáp ranh thành phố Tân An, cách trung tâm thành phố 12 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 52 km theo tuyến Quốc lộ 1A và 42 km theo tuyến Quốc lộ 50, có địa giới hành chính như sau:
-
Phía Bắc giáp huyện Tân Trụ ranh giới là sông Vàm Cỏ Tây.
-
Phía Nam giáp huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
-
Phía Đông giáp huyện Cần Đước ranh giới là sông Vàm Cỏ.
-
Phía Tây giáp huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
-
Phía Tây Bắc giáp thành phố Tân An.
Trung tâm huyện đặt tại thị trấn Tầm Vu, là nơi tập trung các cơ quan Đảng, đoàn thể, trụ sở hành chính quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa cấp huyện và là trung tâm kinh tế đô thị của huyện.
Diện tích, dân số:
Huyện Châu Thành có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 155,24 km², dân số khoảng 109.812 người (2019), trong đó đô thị có 6.552 người (6%), đô thị 103.260 người (94%). Mật độ dân số khoảng 707 người/km².
Hệ thống giao thông:
Về đường bộ, trên địa bàn huyện Châu Thành có các tuyến giao thông chính yếu kết nối cấp vùng sau:
- Giao thông đối ngoại:
ĐT 827 – Chiều dài 24,4 km: Đây là trục giao thông chính của huyện, từ thành phố Tân An đi qua xã Hòa Phú, Vĩnh Công, Hiệp Thạnh, Thị trấn Tầm Vu, An Lục Long, Thanh Phú Long, Thuận Mỹ, Thanh Vĩnh Đông, kết nối trung tâm huyện với Thành phố Tân An và huyện Gò Công Tây (Tỉnh Tiền Giang).
ĐT 827 B – Chiều dài 16,26 km: Đây là trục giao thông phụ của huyện đi qua địa bàn các xã Bình Qưới, Phú Ngãi Trị, Phước Tân Hưng, Thanh Phú Long, kết nối Thành phố Tân An với ĐT 827 (xã Thanh Phú Long).
ĐT 827 C – Chiều dài 4 km: Nối từ ĐT 827 đến huyện Chợ Gạo (ĐT 879C-Tiền Giang), qua Thị trấn Tầm Vu, xã Dương Xuân Hội và Long Trì.
ĐT 827 D – Chiều dài 2 km: Nối từ ĐT 827B đến huyện Tân Trụ (Long An), đi qua địa bàn xã Phú Ngãi Trị.
ĐT 827 E (HL2) – Chiều dài 0,8 km: Nối từ ĐT 827 đến huyện Chợ Gạo (ĐT 879B -Tiền Giang), qua địa bàn xã Hiệp Thạnh.
- Đường thủy:
Châu Thành có mạng lưới kênh rạch khá thuận lợi cho việc khai thác giao thông liên vùng. Sông Vàm Cỏ Tây, sông Tra là hai tuyến đường thủy quan trọng, có thể cho tàu bè có trọng tải 1.000 tấn đi lại vận chuyển hàng hóa từ huyện đi các địa phương khác và ngược lại.
Vị trí kinh tế:
Huyện có vị trí tiếp giáp với Thành phố Tân An, tiếp giáp với huyện Cần Đước, Tân Trụ và Tỉnh Tiền Giang,
Theo phân vùng kinh tế, Châu Thành là một trong bảy huyện phía Nam của tỉnh Long An (gồm Tp. Tân An, Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc. Theo phân vùng của tỉnh thì Châu Thành cùng với Tân Trụ thuộc vùng hạ của tỉnh. Đây là vùng đông dân, gần các khu đô thị lớn như Tân An, thành phố Hồ Chí Minh. Châu Thành nằm giáp sông Vàm Cỏ, đất đai chủ yếu là đất phù sa đã được khai thác từ lâu đời, là vùng sản xuất nông nghiệp truyền thống, có tiềm năng kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái.
Diện tích sản xuất nông nghiệp 10.725 ha, trong đó diện tích trồng thanh long trên 5.000 ha, diện tích trồng lúa trên 4.000 ha, diện tích trồng hoa màu khoảng 450 ha, còn lại là điện tích nuôi trồng thủy sản.
Ngoài cây thanh long ra, huyện còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây cũng là kinh tế chủ lực của huyện. Giá trị ngành chăn nuôi chiếm từ 35% – 40% giá trị ngành sản xuất nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp hàng năm từ 10% – 12%.
Về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ: toàn huyện có trên 90 doanh nghiệp mức tăng trưởng hằng năm từ 12% – 15%, chiếm từ 25% – 28% tổng giá trị sản phẩm.
Hiện nay toàn huyện có 5 hợp tác xã, trong đó có 4 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và 1 hợp tác xã vận tải, góp phần làm tăng trưởng kinh tế chung của huyện.
4. Điều kiện tự nhiên của huyện Châu Thành (Long An):
Địa hình:
Địa hình huyện Châu Thành tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ 0,8 – 1,2m, dốc thoải nhẹ theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, cao ở phía Hoà Phú, Vĩnh Công từ 1,0 – 1,4m (tuy nhiên vẫn có những nơi trũng cục bộ như ven hai rạch Kỳ Sơn và Tầm Vu). Thấp nhất là vùng thuộc các xã Thuận Mỹ và xã Thanh Vĩnh Đông, có độ cao trung bình từ 0,5 – 0,8m.
Với đặc điểm địa hình của huyện Châu Thành: cao ở phía đầu nguồn nước ngọt, thấp ở cuối nguồn, đây là điều kiện thuận lợi cho công tác thuỷ lợi dẫn nước ngọt vào phía đồng ruộng. Song có điểm bất lợi là vùng có địa hình thấp lại gần sông, cuối nguồn nước ngọt nên bị hạn hán, ngập úng nhiễm mặn, nhiễm phèn,… thường xuyên xảy ra ở các xã Thanh Phú Long, Thanh Vĩnh Đông, Thuận Mỹ và một phần xã Phú Ngãi Trị (ven các rạch Tầm Vu và Kỳ Sơn).
Khí hậu:
Châu Thành nằm trong chế độ nhiệt đới gió mùa nên chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.
- Nhiệt độ trung bình tháng:
Nền nhiệt độ cao, tổng nhiệt độ lớn, không có sự phân hoá mùa đáng kể về nhiệt độ. Theo con số thống kê nhiệt độ trung bình qua các năm của huyện là 26,3⁰C (số liệu ở trạm Tân An). Nhiệt độ thay đổi theo các tháng không đáng kể, cao nhất là tháng 5: 27,9⁰C, thấp nhất là tháng 1: 24,6⁰C.
- Lượng mưa:
Chế độ mưa ở Châu Thành phụ thuộc vào chế độ gió mùa. Chế độ gió mùa đã đem lại cho các vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long nói chung và huyện Châu Thành nói riêng hàng năm một mùa mưa và một mùa khô. Mùa khô dường như trùng với gió mùa Đông Bắc và mùa mưa trùng với gió mùa Tây Nam.
Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 11, chiếm khoảng 92 % lượng mưa cả năm. Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 và kết thúc vào tháng 4 năm sau với tổng lượng mưa 49,3 mm, chiếm khoảng 8 % lượng mưa cả năm.
Châu Thành cũng như các vùng khác ở đồng bằng sông Cửu Long, bão xảy ra rất ít, tuy nhiên vẫn chịu ảnh hưởng của bão từ xa, mưa lớn. Nước từ Đồng Tháp Mười đổ về có thể gây ngập úng có hại cho sản xuất và cơ sở hạ tầng. Mức ngập lụt ở Huyện từ 0,3 – 0,5 m.
Thủy văn:
- Hệ thống thủy văn:
Trên địa bàn huyện có các hệ thống sông lớn Vàm Cỏ Tây, Sông Tra và hệ thống kênh rạch nối với 2 hệ thống sông thành hệ thống thủy văn liên hoàn phân bố đều khắp huyện.
- Ngập lũ:
Khác với các huyện ở phía Bắc tỉnh Long An (nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, hàng năm chịu ảnh hưởng lớn của lũ), Châu Thành cũng như các huyện phía Nam dường như ít chịu ảnh hưởng của lũ, chỉ có các tháng mưa tập trung (tháng 10,11) và gặp thời điểm triều cường thì lũ lụt mới xảy ra. Tuy nhiên với thời gian ngắn và mức độ ảnh hưởng không lớn, phạm vi ảnh hưởng cũng chỉ tập trung ở các xã ven sông như Thanh Phú Long, Thuận Mỹ, Thanh Vĩnh Đông.
5. Truyền thống văn hóa của huyện Châu Thành (Long An):
Dân tộc sống trên địa bàn của huyện Châu Thành số là người Kinh (chiếm 99,88%), người Hoa chiếm 0,108%, còn lại là người Khơ Me và dân tộc khác.
Huyện còn có các loại tài nguyên nhân văn khác như di tích lịch sử, văn hóa lễ hội, ngành nghề thủ công truyền thống, văn hóa dân gian như hò cấy, hò chèo ghe, hò xay lúa, làn điệu dân gia như câu vè, câu lý,…
Cũng như văn hóa dân gian các tỉnh miền Nam nói chung, văn hóa dân gian huyện Châu Thành là sản phẩm tinh thần của hai dòng văn hóa người bản địa (Khơ-me, Malai) và văn hóa của người đi khai hoang mở đất từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào Nam. Bước phát triển của truyền thống văn hóa huyện Châu Thành gắn liền với cuộc định cư, khai phá của những lớp lưu dân trong các thế kỷ qua trên lưu vực giữa hai con sông Vàm Cỏ Tây và sông Tiền. Tuy nhiên, điểm xuất phát ban đầu của văn hóa huyện Châu Thành xuất phát từ cội nguồn rất phong phú và đa dạng của một nền văn hóa dân tộc giàu sức sống, bởi vì những tập thể người đi khai hoang vùng đất phương Nam và những lớp người kế tiếp không phải chỉ mang theo trên bước đường di chuyển của mình những phương tiện sinh hoạt tối thiểu, những công cụ sản xuất, những giống lúa để gieo trồng, mà trong hành trang còn có cả vốn liếng tinh thần được hun đúc nên từ bao thế hệ ở miền đất cũ. Đó là những phong tục tập quán, đạo đức truyền thống, nếp sống văn hóa, tình yêu đất nước, yêu đồng bào, những kinh nghiệm đấu tranh với thiên nhiên, nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng và giặc ngoại xâm.
THAM KHẢO THÊM: