Huyện Thới Bình là một huyện nằm ở phía bắc của tỉnh Cà Mau, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đây là một huyện có địa hình đặc trưng của khu vực đồng bằng, ngập mặn và có một phần nằm trong rừng U Minh. Xin mời các bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau với chủ đề Bản đồ, các xã phường thuộc huyện Thới Bình (Cà Mau).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính huyện Thới Bình (Cà Mau):
2. Có bao nhiêu xã, phường thuộc huyện Thới Bình (Cà Mau):
Huyện Thới Bình có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Thới Bình (huyện lỵ) và 11 xã: Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Hồ Thị Kỷ, Tân Bằng, Tân Lộc, Tân Lộc Bắc, Tân Lộc Đông, Tân Phú, Thới Bình, Trí Lực, Trí Phải với 7 khóm và 88 ấp.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
1 | Thị trấn Thới Bình (huyện lỵ) |
2 | Xã Biển Bạch |
3 | Xã Biển Bạch Đông |
4 | Xã Hồ Thị Kỷ |
5 | Xã Tân Bằng |
6 | Xã Tân Lộc |
7 | Xã Tân Lộc Bắc |
8 | Xã Tân Lộc Đông |
9 | Xã Tân Phú |
10 | Xã Thới Bình |
11 | Xã Trí Lực |
12 | Xã Trí Phải |
3. Giới thiệu chung về huyện Thới Bình (Cà Mau):
Về tên gọi, Thới Bình có từ thời Nguyễn, gọi là Thới Bình Thôn, gồm 4 thôn: Tân Thới, Kiến An, Cửu An và Tân Bình. Thời Pháp, sáp nhập 04 thôn nhỏ thành Thới Bình Thôn.
Vị trí địa lý:
Huyện Thới Bình nằm ở phía Bắc tỉnh Cà Mau, có địa giới hành chính:
-
Phía Tây giáp huyện U Minh với chiều dài 47,6 km
-
Phía Nam giáp thành phố Cà Mau và huyện Trần Văn Thời với chiều dài 23,5 km
-
Phía Đông giáp các huyện Hồng Dân, Phước Long và thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu với chiều dài 22,7 km
-
Phía Bắc và Đông Bắc giáp các huyện U Minh Thượng, An Minh và Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang với chiều dài 46,5 km
Huyện Thới Bình nằm trên trục quốc lộ 63, đường Hành lang ven biển phía Nam (đường Xuyên Á) và đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, có nhiều tuyến sông lớn chảy ngang, thuận tiện để giao thông phát triển kinh tế – xã hội.
Thới Bình là huyện không giáp biển của tỉnh Cà Mau, là địa danh gắn liền với tiểu thuyết “Bên dòng sông Trẹm” của Dương Hà. Là huyện có vị trí tiếp giáp với nhiều địa phương ngoài tỉnh, Thới Bình đóng vai trò là địa phương “cửa ngõ” nằm ở phía Bắc, kết nối tình Cà Mau với các tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Diện tích, dân số:
Huyện Thới Bình có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 636,39 km², dân số khoảng 135.892 người (2019), trong đó thành thị 10.032 người (7%), nông thôn 125.860 người (93%). Mật độ dân số khoảng 214 người/km².
Trên địa bàn huyện có 03 dân tộc: Kinh – Hoa – Khmer sinh sống.
Địa hình:
Địa hình huyện Thới Bình chủ yếu là đồng bằng. Độ cao trung bình chỉ từ 0,4 m đến 0,8 m so với mực nước biển.
Huyện Thới Bình có hệ thống sông rạch chằng chịt, đổ ra biển Cà Mau. Nhiều kênh mương được đào để phục vụ tưới tiêu cho các vườn hoa màu, ao đầm nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, huyện còn có các loại đất phù sa ven sông, đầm lầy, đặc biệt là rừng ngập mặn mọc trên bãi cát. Các loại cây trồng chủ lực của huyện gồm lúa, mía, rau màu và cây ăn quả như xoài, bưởi, sầu riêng. Huyện Thới Bình cũng là vùng sản xuất thủy sản quan trọng của tỉnh Cà Mau với các loại cá như cá bống, lươn, tôm, cua, ghẹ.
Khí hậu:
Huyện Thới Bình mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo. Khí hậu ở đây có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 26,5°C. Tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất là tháng 4 với 27,6°C và tháng có nhiệt độ trung bình thấp nhất là tháng 1 với 24,9°C.
Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.390 mm, tập trung chủ yếu vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, chiếm trên 90% tổng lượng mưa cả năm.
Độ ẩm trung bình năm là 85,6%. Mùa khô có độ ẩm thấp nhất vào tháng 3, khoảng 80%.
Thời gian nắng trung bình khoảng 2.200 giờ/năm với số giờ nắng trung bình 7,6 giờ/ngày vào mùa khô và 5,1 giờ/ngày vào mùa mưa.
Khí hậu ở Thới Bình tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng trong việc phát triển du lịch sinh thái tại địa phương.
4. Kinh tế – xã hội và giao thông của huyện Thới Bình (Cà Mau):
4.1. Kinh tế xã hội:
Thới Bình là huyện phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp là chủ yếu. Điều kiện tự nhiên của vùng đất Thới Bình thích hợp cho việc nuôi cua, nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, trồng lúa trên đất nuôi tôm. Bên cạnh đó, một số xã vùng ngọt của huyện thích hợp cho độc canh cây lúa.
Giáo dục:
Huyện Thới Bình có 4 trường cấp THPT gồm: THPT Thới Bình, THCS&THPT Tân Bằng, THCS&THPT Tân Lộc, THPT Nguyễn Văn Nguyễn. Trong đó, trường THPT Thới Bình tự hào là một trong những ngôi trường có bề dày lịch sử. Cuối năm 2016, trường THPT Thới Bình là trường thứ 2 ở cấp THPT của tỉnh Cà Mau được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (sau trường THPT Đầm Dơi).
Ngoài ra, còn hệ thống các trường Tiểu học, THCS phân bố khắp địa bàn.
Y tế:
Huyện có 2 Trung tâm Y tế lớn là trung tâm y tế huyện Thới Bình và Phòng khám đa khoa Gia đình cùng hệ thống trạm y tế trải đều khắp các xã, đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
4.2. Giao thông:
Hiện nay, Thới Bình là huyện có điều kiện giao thông thuận lợi nhất của tỉnh Cà Mau ở cả đường thủy và đường bộ.
Về đường thủy, sông Ông Đốc khi chảy đến khu vực mà ngày nay là nơi đặt nhà máy đạm Cà Mau (giáp ranh giữa huyện Thới Bình với huyện U Minh) thì chia làm hai nhánh, nhánh chảy về U Minh được gọi là sông Cái Tàu, nhánh còn lại chảy về Thới Bình có tên là sông Trẹm. Sông Trẹm là con sông lớn duy nhất chảy qua địa bàn huyện, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa giữa Cà Mau với Kiên Giang. Còn một tuyến đường thủy quan trọng khác là kênh xáng Chắc Băng, bắt nguồn từ sông Trẹm tại thị trấn Thới Bình đi về tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ.
Trước đây, quốc lộ 63 đoạn qua huyện Thới Bình là tuyến đường duy nhất nối liền Cà Mau với Kiên Giang. Tuy nhiên, do được xây dựng từ rất lâu, tuyến đường này lại có diện tích nhỏ, không đáp ứng đủ cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân 2 tỉnh. Cuối năm 2015, sau nhiều năm xây dựng, tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam (đường Xuyên Á) được thông xe, giúp giảm tải cho quốc lộ 63, đồng thời cũng rút ngắn khoảng cách hơn so với quốc lộ 63. Ngoài ra, còn có các tuyến đường tỉnh (ĐT): Đường tỉnh 961 nối trung tâm thị trấn Thới Bình với Quốc lộ 63, Đường tỉnh 983, Đường tỉnh 983B.
Thới Bình là huyện có hoạt động giao thông vận tải công cộng phát triển.Từ TP. Cà Mau để về Thới Bình có 2 tuyến xe buýt: tuyến TP. Cà Mau – TT. Thới Bình hoạt động trên quốc lộ 63 và tuyến TP. Cà Mau – Thứ Bảy (Miệt Thứ, Kiên Giang) hoạt động trên tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam (đường Xuyên Á).
5. Quy hoạch xây dựng huyện Thới Bình (Cà Mau):
Ngày 30/12/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 2523/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch vùng huyện Thới Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Thới Bình, gồm: 01 thị trấn và 11 xã (Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Hồ Thị Kỷ, Tân Bằng, Tân Lộc, Tân Lộc Bắc, Tân Lộc Đông, Tân Phú, Thới Bình, Trí Lực và Trí Phải).
Xây dựng mô hình phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị thiên nhiên, hiệu quả trong khai thác các tiềm năng thế mạnh của khu vực để phát triển kinh tế – xã hội.
Cấu trúc khung giao thông, gồm: Hệ thống giao thông đường bộ (Quốc lộ 63, Hành lang ven biển phía Nam, đường ĐT.983, đường ĐT.983B), các tuyến giao thông đường thủy gồm sông Trẹm, kênh xáng Chắc Băng.
Phân chia thành ba vùng phát triển:
+ Vùng I (Tiểu vùng trung tâm): Là vùng trung tâm phát triển đô thị, dịch vụ du lịch văn hóa lịch sử, thương mại, công nghiệp, trung tâm hành chính chính trị huyện Thới Bình; là vùng đầu mối giao thông và là vùng trung tâm của huyện; trung tâm vùng tại thị trấn Thới Bình và xã Trí Phải.
+ Vùng II (Tiểu vùng phía Đông): là vùng sản xuất nông nghiệp, phân phối sản phẩm nông nghiệp và nuôi thủy sản (tôm); kết hợp phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; đô thị trung tâm vùng là xã Hồ Thị Kỷ và Xã Tân Lộc.
+ Vùng III (Tiểu vùng phía Tây Bắc): Là tiểu vùng cửa ngõ phía Tây Bắc của huyện, là vùng sản xuất trồng lúa chất lượng cao, lúa giống kết hợp phát triển du lịch miệt vườn, vườn chim, làng nghề truyền thống gắn với các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh; trung tâm vùng là xã Tân Bằng.
THAM KHẢO THÊM: