Thị xã Quảng Trị nằm ở phía nam của tỉnh Quảng Trị, thuộc vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Đây là một thị xã có vị trí địa lý quan trọng và giàu truyền thống lịch sử. Xin mời các bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau với chủ đề Bản đồ, các xã phường thuộc thị xã Quảng Trị (Quảng Trị).
Mục lục bài viết
1. Bản đồ hành chính thị xã Quảng Trị (Quảng Trị):
2. Danh sách xã, phường thuộc thị xã Quảng Trị (Quảng Trị)?
Thị xã Quảng Trị có 5 đơn vị hành chính cấp phường xã. Trong đó bao gồm 4 phường, 1 xã.
Số thứ tự | Danh sách xã, phường |
1 | Phường 1 |
2 | Phường 2 |
3 | Phường 3 |
4 | Phường An Đôn |
5 | Xã Hải Lệ |
3. Giới thiệu khái quát về thị xã Quảng Trị (Quảng Trị):
Quảng Trị là một thị xã nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.
Hiện nay, thị xã Quảng Trị không phải là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, thị xã lại từng là lỵ sở của dinh Quảng Trị dưới thời nhà Nguyễn, sau này là tỉnh lỵ tỉnh Quảng Trị cho đến năm 1976, khi tỉnh Quảng Trị hợp nhất với hai tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên. Khi tỉnh Quảng Trị được tái lập vào năm 1989, tỉnh lỵ được đặt tại thị xã Đông Hà (hay là thành phố Đông Hà) cho đến nay.
Vị trí địa lý:
Thị xã Quảng Trị cách thành phố Huế 54 km về phía Tây Bắc, cách Đông Hà 13 km về phía Đông Nam. Thị xã có vị trí địa lý như sau:
-
Phía Đông và phía Nam tiếp giáp với huyện Hải Lăng.
-
Phía Tây tiếp giáp với huyện Đa Krông.
-
Phía Bắc tiếp giáp với huyện Triệu Phong.
Diện tích, dân số:
Thị xã Quảng Trị có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 74 km² và dân số khoảng 23.356 người (2019), trong đó thành thị có 19.390 người (83%), nông thôn có 3.966 người (17%). Mật độ dân số đạt khoảng 315 người/km².
Địa hình:
Địa hình thị xã Quảng Trị chia thành 2 vùng rõ rệt. Phía Nam là vùng đồi núi với những thảm rừng có hệ sinh thái phong phú. Phía Bắc là vùng đồng bằng tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc trồng lúa và các loại cây ăn quả lâu năm.
Hệ thống sông ngòi:
Hai con sông Thạch Hãn và Vĩnh Định chảy qua Thị xã hình thành các con đường thuỷ nối liên thị xã Quảng Trị về với Cửa Việt, Hội Yên, Đông Hà, thị xã Quảng Trị đi Thuận An (Thành phố Huế). Đồng thời, hai con sông chảy vào lòng thị xã đã góp phần tạo nên cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẻ về mùa hè, bồi đắp phù sa cho ruộng đồng về mùa mưa.
Hệ thống giao thông:
Nằm trên trục đường giao thông chiến lược của quốc gia: Quốc lộ I, tuyến đường sắt Bắc – Nam, địa bàn thị xã Quảng Trị giao thông ra Bắc vào Nam hết sức thuận lợi. Thị xã cũng là đầu mối xuất phát của các con đường tỉnh lộ như đường 64 (thị xã Quảng Trị – Cửa Việt, đường 68 (thị xã Quảng Trị – đồng bằng Triệu Hải – Phong Quảng) và nhiều con đường khác: Thị xã Quảng Trị – La Vang – Phước Môn, thị xã Quảng Trị – Thượng Phước – Trấm – Cùa.
Với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thuỷ từ trung tâm thị xã có thể mở rộng phát triển khắp các vùng, tiện lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hoá giữa thị xã Quảng Trị với các huyện, thị trong tỉnh, trong nước. Vì vậy, thị xã Quảng Trị có một vị trí quan trọng không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị, quân sự, văn hoá, xã hội.
Đặc điểm khí hậu:
Khí hậu thị xã Quảng Trị mang đậm nét điển hình của khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa. Sự khắc nghiệt của khí hậu kết hợp với sự phức tạp của địa hình thường xuyên gây ra bão, lụt, hạn hán, giá rét. Đặc biệt, gió mùa Tây – Nam bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, nhiệt độ có lúc lên tới 40°C – 41⁰C, làm cho nguồn nước sông cạn kiệt, nước mặn tràn vào gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất sinh hoạt của nhân dân thị xã.
4. Lịch sử hình thành thị xã Quảng Trị (Quảng Trị):
Từ thời đại Hùng Vương, thị xã Quảng Trị ngày nay thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang xưa.
Dưới thời kỳ Bắc thuộc, nhà Hán chia nước Âu Lạc thành ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Bộ Việt Thường thuộc quận Nhật Nam (từ năm 179 TCN đến năm 339 Công nguyên).
Năm 339, khi nhà Đông Tấn của Trung Quốc suy yếu, Vương quốc Chăm Pa, một nước mới thành lập ở phía Nam đèo Hải Vân, đánh chiếm vùng đất bộ Việt Thường. Vùng đất này trở thành biên địa phía bắc của Vương quốc Chăm Pa độc lập với cơ cấu 5 châu: Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh, Ô và Rí (Lý). Vùng đất thị xã Quảng Trị thuộc châu Ô.
Năm 1069, vua Lý Thái Tông đem quân đánh vào kinh thành Chăm Pa, bắt được vua Chế Củ. Chế Củ xin dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh để được trả tự do. Nhà Lý đổi ba châu đó thành châu Lâm Bình và Minh Linh.
Năm 1306, vua Chăm Pa là Chế Mân sai sứ dâng chiếu cầu hôn với vua Trần Anh Tông của Đại Việt (tên của Việt Nam lúc đó). Vua Trần bằng lòng gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân và nhận hai châu Ô và châu Rí (Lý) mà Chế Mân đã dâng làm vật sính lễ. Nhà Trần đổi châu Ô làm Thuận Châu, châu Lý làm Hóa Châu. Mảnh đất thị xã Quảng Trị ngày nay thuộc Thuận Châu.
Đời nhà Hậu Lê, năm 1499, vua Lê Thánh Tông đổi tên hai châu Thuận và châu Hóa thành hai phủ Tân Bình và phủ Triệu Phong thuộc xứ Thuận Hóa. Phủ Triệu Phong gồm các huyện Vũ Xương, Hải Lăng,… Mảnh đất thị xã Quảng Trị thuộc huyện Hải Lăng.
Năm 1558, để tránh nguy cơ bị ám hại bởi bàn tay của người anh rể là Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng – con trai thứ của Nguyễn Kim – xin vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn xây dựng xứ Thuận Hóa dần dần trở thành bờ cõi riêng và xưng chúa.
Năm 1801, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, lập dinh Quảng Trị bao gồm đất đai các huyện Hải Lăng, Đăng Xương (tên cũ là Vũ Xương), Minh Linh và đạo Cam Lộ (mới lập). Đến năm 1827, dinh Quảng Trị đổi là trấn Quảng Trị. Năm 1832, trấn Quảng Trị đổi thành tỉnh Quảng Trị, dinh lỵ Quảng Trị đóng tại làng Tiền Kiên (thuộc huyện Đăng Xương). Năm 1809, dinh lỵ Quảng Trị dời từ Tiền Kiên tới đóng tại xã Thạch Hãn (huyện Hải Lăng), tức vị trí của thị xã Quảng Trị ngày nay và tiến hành xây thành, đắp lũy cố định.
Năm 1853, tỉnh Quảng Trị với phủ Thừa Thiên hợp nhất thành đạo Quảng Trị. Năm 1876, lập lại tỉnh Quảng Trị. Năm 1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định hợp nhất Quảng Trị với tỉnh Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị. Năm 1896, Toàn quyền Paul Armand Rosseau ra lại nghị định tách Quảng Trị ra khỏi địa hạt thuộc quyền công sứ Đồng Hới, hợp cùng với Thừa Thiên đặt dưới quyền Khâm sứ Trung kỳ.
Năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer ra nghị định tách Quảng Trị ra khỏi Thừa Thiên, lập thành tỉnh Quảng Trị riêng biệt. Ngày 17 tháng 2 năm 1906, Toàn quyền Jean Baptiste Paul Beau ra nghị định thành lập thị xã Quảng Trị (tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị).
Từ năm 1976 đến nay, sau khi ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên (tháng 5 năm 1976), thị xã Quảng Trị bị giải thể và trở thành một đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Triệu Phong, đồng thời là huyện lỵ của huyện Triệu Phong.
Tháng 1 năm 1977, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định thành lập thị trấn Triệu Phong. Tiếp đó, hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng hợp nhất thành huyện Triệu Hải thì thị trấn Triệu Phong được đổi thành thị trấn Triệu Hải. Ngày 15 tháng 8 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam ra quyết định thành lập thị trấn Quảng Trị trên cơ sở sáp nhập thị trấn Triệu Hải và và xã Hải Trí.
Sau khi tỉnh Quảng Trị được tái lập vào ngày 1 tháng 7 năm 1989 và chọn thị xã Đông Hà làm tỉnh lỵ, theo nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của tình hình mới, ngày 16 tháng 9 năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định thành lập thị xã Quảng Trị, ban đầu gồm 2 phường: 1, 2 (trên cơ sở giải thể thị trấn Quảng Trị cũ).
Ngày 19 tháng 3 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong để mở rộng địa giới hành chính thị xã Quảng Trị; điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường để thành lập phường thuộc thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Theo đó:
-
Sáp nhập xã Hải Lệ của huyện Hải Lăng và thôn An Đôn của xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong vào thị xã Quảng Trị
-
Thành lập phường An Đôn trên cơ sở thôn An Đôn (chuyển từ xã Triệu Thượng) và xóm Hà thuộc phường 1
-
Thành lập phường 3 trên cơ sở tách một số khu phố của phường 1 và phường 2
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thị xã Quảng Trị có 7.402,78 ha diện tích tự nhiên và 22.760 nhân khẩu, có 5 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 4 phường: 1, 2, 3, An Đôn và xã Hải Lệ.
Thị xã Quảng Trị có 4 phường và 1 xã như hiện nay.
5. Bản đồ quy hoạch thị xã Quảng Trị (Quảng Trị):
Về quy hoạch sử dụng đất đến 2030:
Quy hoạch sử dụng đất thị xã Quảng Trị đến 2030, được xác định theo Quyết định số 2324/QĐ-UBND ngày 31/8/2021.
Vị trí, diện tích các khu vực đất chuyển mục đích sử dụng được xác định trên Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tỷ lệ 1/25.000, Báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kèm theo Quyết định này.
Ngoài ra, trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, có một phần diện tích được quy hoạch các phường trung tâm như 1 2, 3, An Đôn đến 2030.
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất thị xã Quảng Trị không những thể hiện thông tin chung mà còn là cơ sở pháp lý cho từng khu đất cụ thể tại huyện. Ở mỗi khu đất khác nhau, sẽ có những đặc điểm cũng như giá trị riêng, chính vì thế cũng có nhiều loại bản đồ quy hoạch tương ứng với từng khu vực.
THAM KHẢO THÊM: